Miền Tây Quảng Trị, nơi sinh sống chủ yếu của hơn 80 ngàn đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô. Mặc dù về kinh tế, đồng bào còn gặp nhiều khó khăn nhưng về văn hóa (nhất là văn hóa ẩm thực) thì miền núi Quảng Trị là nơi sản sinh ra rất nhiều món ăn. Từ thời khốn khó cho đến ngày nay cuộc sống đã có nhiều thay đổi, thì ẩm thực Vân Kiều, Pa Cô luôn là điểm nhấn đối với du khách thập phương, đặc biệt là trên hành lang văn hóa Đông – Tây, nó thực sự là sức mạnh tiềm tàng, nguồn tài nguyên “xanh” chưa được khai quật đến.
Đối với bản làng Vân Kiều, Pa Cô, có những món ăn đã vào sâu thẳm trong kí ức mỗi con người. Khi nhắc đến biết bao kỉ niệm lại ùa về. Nó được bắt nguồn từ thời khốn khó. Dường như những ngày nghèo khó chính là nơi sản sinh và “trao tay” mỗi người những kỉ niệm. Cũng chẳng phải cao lương mỹ vị, cũng chẳng phải món ăn ngày thường, “tà lụt tà lào” là sự kết hợp, sự sáng tạo trong cách ăn uống của người đồng bào Vân Kiều, Pa Cô.
"Tà lụt tà lào” hay còn gọi là món cháo măng, nó chỉ xuất hiện vào thời khắc quan trọng nhất của năm, đó là mùa giáp hạt, khi mà hũ gạo đã vơi gần hết, cái bụng đã đói, âm thanh sôi réo từng cơn thì chỉ còn cách nấu cháo ăn cho qua ngày chứ không mong một bữa cơm đông đầy như ngày thường nữa.
Bạn có thể hình dung rằng, vào từ tháng 4 đến tháng 6 dương lịch, lúc này tiết trời vẫn rất gay gắt. Ở miền rừng cũng chịu cảnh hạn hán. Lúc này mẹ tôi lên rẫy bẻ củ măng tươi về nấu cháo, và món cháo này được gọi là “Tà lụt tà lào” vì những thứ gì còn lại hoặc kiếm được trên nương trên rẫy đều có thể cho vào để nấu thành một nồi cháo mang đủ hương vị núi rừng “cứu đói” cho cả gia đình mùa giáp hạt.
Đã qua rồi những ngày tháng như vậy, những người con Vân Kiều, Pa Cô sống và lớn lên nhờ nồi cháo măng của mẹ. Mẹ thường ra vườn hái quả bí đỏ, ngắt vài đọt ớt, đọt sắn, rau dớn, rau rừng... còn tụi nhỏ chúng tôi đi bắt cá suối sau đó nướng lên.
Bố thì trên đường đi rẫy về bắt được con chuột, con sóc, hay con dúi... Tất cả các nguyên liệu trên sơ chế, để ráo nước. Rồi mẹ cho nắm gạo vào cối giã, củ măng gọt vỏ thái sợi rồi cũng cho vào cối giã sơ, giã thêm vài trái ớt sau đó cho vào nồi nước đun sôi cùng bí đỏ, thịt rừng trong khoảng 20 phút. Rồi cho tất cả các loại rau vào nồi cháo đang sôi.
Thường những lúc mẹ nấu cháo, những đứa trẻ ngồi cạnh chờ đợi và được nghe tiếng réo lên của nước, tiếng tí tách của lửa. Nồi cháo tiếp tục đun khoảng 5 phút. Lúc này mùi thơm đã bay ngào ngạt, tụi nhỏ háo hức được mẹ múc vào từng bát rồi hì hà hì hụi húp lấy húp để cho vả cả mồ hôi, vị vay, nóng, mặt đứa nào cũng đỏ bừng mà nhìn nhau cười...
Nồi cháo thơm ngon đậm đà là nhờ hương vị núi rừng hòa quyện vào nhau và nó giúp những đứa trẻ lớn lên, nó theo mỗi người khi đi xa luôn nhớ về bản làng, cái nôi sản sinh và nuôi dưỡng những con người hiền lương, chân thành, yêu thiên nhiên và hết thảy những con người.
Cuộc sống có rất nhiều đổi thay, mặc dù mùa đói giáp hạt vẫn còn nhưng nó được sẻ chia bằng những tấm lòng của người miền xuôi. “Tà lụt tà lào” không trở thành kí ức, món cháo măng này vẫn hiện hữu và nó đã trở thành đặc sản của người Vân Kiều, Pa Cô ở miền Tây Quảng Trị.
Nếu có một thứ gì đó khi nhắc đến đã xốn xang thì đó là cháo măng, khi nhắc đến thấy tự hào thì nó cũng là cháo măng vì cháo măng đã trở thành món đặc sản ẩm thực của đồng bào. Và tôi tin, chính cháo măng đối với đồng bào hay du khách gần xa đó là văn hóa, đó cũng là ẩm thực. Từ ẩm thực đã sản sinh ra văn hóa và từ văn hóa, ẩm thực sẽ trường tồn.