Chợ Do quê tôi

Nguyễn Ngọc Chiến |

Không hiểu mà sao mà tên chợ, đi từ Bắc vào Nam tôi thường thấy phần lớn chỉ một chữ, ví như chợ Cầu, chợ Bầu, chợ Bạn, chợ Rồng, chợ Sàng, chợ Huyện, chợ Mai, chợ Hôm, chợ Chùa, chợ Sòng, chợ Kênh... Chắc người ta đặt tên chợ như vậy cho dễ nhớ, chứ thực ra có những cái chợ, tên nó chẳng liên quan gì với địa danh ở những nơi đó cả. Trường hợp như cái chợ có tên là chợ Do ở quê tôi cũng thế. Tôi không hiểu vì sao tên chợ chỉ một tiếng như vậy, mà không phải một cái tên nào khác cho có vẻ mỹ miều. Nhưng chợ Do đối với tôi thật thân thương, quen thuộc. Từ tấm bé, tôi đã nghe hai tiếng chợ Do qua lời ru ngọt ngào của bà của mẹ:

        Ru con con théc cho muồi

        Để mạ đi chợ mua vôi ăn trầu

        Mua vôi chợ Quán chợ Cầu

        Mua cau chợ Bạn mua trầu chợ Do

Sau này lớn lên, bôn ba nơi gốc bể chân trời, mỗi khi nhớ về quê hương, tôi lại nhớ về chợ Do quê tôi. Tôi nhớ nhất là dáng mẹ tôi với gánh củi trên vai, sáng sáng gánh ra chợ  đổi lấy mớ tép, hay bát gạo, rổ khoai... mang về nuôi chúng tôi. Mấy chục năm đã trôi qua, mẹ tôi giờ cũng đã mất, mà hình ảnh về phiên chợ quê với dáng lưng còng của mẹ cứ mãi theo tôi cho tới tận bây giờ.

Tôi không biết chợ Do có từ thời nào, nhưng nghe người ta nói thì chợ Do đã có từ rất lâu rồi. Tôi cũng nghĩ rằng chợ Do đã có từ rất lâu, bởi theo tôi, nơi nào có dân cư sinh sống thì nơi đó có chợ. Mà dân cư có mặt trên vùng đất này thì nghe đâu đã hàng mấy trăm năm nay rồi. Có chợ thì người dân mới có thể mua bán, trao đổi hàng hóa phục vụ đời sống. Chợ thường ra đời ngay khi người dân nơi đó khai ấp lập làng. Có thể ban đầu chợ sẽ bé thôi. Bởi bé nên mới thưa thớt người mua kẻ bán, nhưng dần dần qua năm tháng, tùy vào mức sống của cư dân quanh vùng mà chợ sẽ lớn dần lên, đông đúc, sầm uất như bây giờ.

 

Bây giờ thì chợ Do đã là một trong những cái chợ thôn quê lớn nhất, đông đúc nhất ở tỉnh Quảng Trị, và là chợ đứng thứ nhì ở huyện Vĩnh Linh sau một cái chợ ở trung tâm huyện lỵ có tên là chợ Hồ Xá. Mấy chục năm về trước, chợ Do chưa có tên trong lòng người Quảng Trị, chứ nói gì đến người tỉnh này, tỉnh kia. Lúc đó, chợ Do chỉ là một địa danh chìm lặng trong  chiến tranh tàn phá chưa kịp phục hồi, trong đói nghèo dĩ vãng. Lụp xụp, lèo tèo năm ba hàng xén, hàng vải vóc, áo quần, còn lại là hang khoai sắn, rau quả... nhưng cũng không nhiều lắm! Chợ họp thì chóng vánh, vội vàng, chưa đi đã ngại, chưa đến đã tan, chậm chân một chút thôi, thì chẳng còn gì mà mua mà bán nữa! Thật quả là ngày ấy cuộc sống của người dân nơi vùng quê này ra sao thì ngày ngày nó bày ra lồ lộ ở chợ thế ấy. Chả trách khi đánh giá về một vùng quê nào đó, người ta chỉ cần nhìn vào cái chợ, là có thể biết ngay đời sống của vùng quê ấy ra sao.

Đi qua chiến tranh, hơn bất cứ nơi nào, quê tôi là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất những gì chiến tranh để lại. Đó là sự tàn phá ghê gớm chưa từng có của đạn bom kẻ thù. Không một nơi nào trên vùng đất này lại không mang trên thân thể mình dấu tích của sự hủy hoại. Sau chiến tranh, cái còn lại trên quê hương tôi chỉ là con số không. Không nhà cửa, không đường sá, không chợ búa, không trường học... Và người dân quê tôi đã đi lên từ những con số không đó. Mỗi phiên chợ Do ngày ấy còn thiếu rất nhiều thứ, nhưng có một thứ không bao giờ thiếu, ấy là sắn củ được người ta cắt nhát ngâm nước cho bớt đắng, đựng từng mớ trên những cái mẹt tre bày bán giữa chợ. Hồi ấy, nếu như có ai đó từ xa tới, chắc sẽ không bao giờ biết được rằng những mớ sắn cắt lát ấy lại là lương thực chính ở quê tôi một thời. Mỗi bữa ăn, mở cái vung nồi cơm ra chỉ thấy sắn là sắn. Những nhát sắn ngâm chua trắng như giấy và dẻo như mật nha. Mỗi nhát sắn chỉ cõng trên lưng vài ba hột cơm. Hạt gạo thời ấy ở quê tôi người ta vẫn nói đùa quý như... vàng là vì thế. Tôi nhớ vào những năm tám mươi của thế kỷ trước, cái đói cái nghèo vẫn còn dai dẳng đeo bám trong một bộ phận đông đảo đời sống nhân dân. Vấn đề lương thực, nhất là gạo vẫn thiếu trầm trọng. Ai có con nhỏ vào giữa những ngày thiếu đói triền miên ấy mới thấy hết nỗi cơ cực. Mỗi bữa ăn phải lọc ra những hạt cơm cho con trẻ từ những cái nồi được gọi là... nồi cơm ấy. Nhìn vào cái chợ để biết đời sống của người dân là như thế! Chợ Do ngày ấy lụp xụp, lèo tèo, thưa thớt người mua kẻ bán cũng là vì thế!

Sắn nhát ngâm chua bây giờ vẫn còn bày bán ở chợ Do, nhưng không còn la liệt như trước nữa, mà chỉ năm thì mười họa mới thấy có người bán. Và bây giờ sắn nhát ngâm chua không còn là loại lương thực cốt yếu nữa, mà người ta tìm mua nó chỉ là để ăn cho đỡ... thèm! Nhớ lại ngày trước người ta ăn sắn đến phát ớn, phát chán. Thì bây giờ lâu lâu được ăn một bữa sắn như vậy cảm thấy ngon miệng và thích thú vô cùng. Sắn nhát ấy đã được ngâm kỹ, nên khi luộc chín không những mất đi vị đắng của nó, mà còn làm cho mỗi nhát sắn trở nên mềm dẻo lạ lùng. Sắn nhát ấy luộc lên chấm với muối lạc hoặc muối vừng thì ăn mấy cũng không chán, nồi ba nồi bảy gì cũng hết. Thế đấy, khi cơm gạo thừa thãi thì người ta lại tìm đến với những thứ một thời xa xưa khốn khổ ấy.

Ngày nay, quê hương tôi đã thay đổi rất nhiều. Gần bốn mươi năm, chiến tranh cùng những tàn dư của nó đã lùi vào quá khứ. Không còn cảnh bao bà mẹ sớm nắng chiều mưa, đôi bàn chân run rẩy trên những nhịp cầu tre lắt lẻo, hay những con đường gập ghềnh, lầy lội. Bây giờ những cây cầu đã được xây dựng mới vững chãi, những con đường đã được mở rộng thênh thang, vươn tới tận những bản làng hẻo lánh, xa xôi, tới cả những miền quê bốn mùa cát trắng. Rộn rã khắp nơi là âm thanh của những công trình mới, ánh điện tỏa sáng lung linh trong những ngôi nhà cao tầng, trong hương sắc mùa thu, bốn mùa quả ngọt. Những cánh đồng ăm ắp mùa vàng năm tấn, những rừng cao su, những vườn hồ tiêu trải dài tít tắp, không còn phải lo hạt gạo, manh quần tấm áo như những năm nào...

Chợ Do cũng đã được đầu tư xây dựng lại khang trang, rộng rãi, khu nào ra khu đó. Rồi có đủ các lô, quầy cho hàng trăm hộ có nhu cầu kinh doanh, buôn bán. Chợ lại nằm ngay ở một vị trí đắc địa, gần đường bộ, tiện đường sông, có rừng, có biển, có đồng bằng thôn dã, với cư dân đông đúc làm ăn ngày càng khấm khá. Mọi con đường đều đổ về đây. Mọi thứ hàng hóa đều đổ về đây. Ngày ngày chợ càng đông đúc hơn. Ngày ngày cảnh mua bán càng tấp nập hơn. Khách phương xa đến, chỉ cần đảo qua một vòng cũng đủ thấy hàng hóa ở chợ Do chả thiếu một thứ gì. Trước đây mặt hàng nông sản, thủy sản, vốn là nét đặc trưng của một chợ thôn quê có mặt ở đây chủ yếu là được đưa đến từ các xã trong vùng. Như cá tôm, mắm muối từ Vĩnh Quang, Vĩnh Thái... khoai sắn, tiêu, chè từ Vĩnh Hòa, Vĩnh Hiền, Vĩnh Thạch... lúa gạo từ Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm... Thì nay cũng là những mặt hàng nông sản, thủy sản ấy, nhưng còn được chuyển đến từ khắp nơi, không chỉ ở những huyện cận kề như Gio Linh, Triệu Phong, hoặc hai tỉnh giáp ranh là Quảng Bình, Thừa Thiên Huế... mà còn ở khắp nơi trong cả nước. Mặt hàng gì cũng có. Từ măng giang, măng vầu sấy khô của các tỉnh biên giới phía bắc; cá tra, cá basa của các tỉnh Nam bộ; hạt điều, cà phê của các tỉnh Tây Nguyên; trái cây của các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Nhưng có lẽ sôi động nhất vẫn là hàng nông sản, thủy sản, từ con cá con tôm, đến củ sắn, hạt tiêu... của người nông dân, ngư dân trong vùng làm ra. Hồi ấy, trong một bài viết về vùng quê này, tôi đã có lần thốt lên rằng:

        Chợ Do chợ của làng quê

        Chợ sắn, chợ cá, chợ chè, chợ tiêu

Con cá, con tôm ở chợ Do thì chưa dám nói là nhiều nhất, bởi tôi biết trong tỉnh có nhiều nơi rất phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Nhưng khoai, sắn, chè xanh, hạt tiêu... nhất là  hạt tiêu, thì đố ai tìm ra một cái chợ nào ở Quảng Trị này nhiều hơn. Chính đây là nét đặc trưng mà không một cái chợ nào ở cả cái rẻo đất miền Trung này có được. Hồ tiêu ở chợ Do bày bán la liệt khi vào vào vụ thu hoạch và quanh năm không lúc nào vắng hạt hồ tiêu ở chợ. Người sản xuất hồ tiêu trong vùng, có thói quen là không bao giờ bán đổ bán tháo hạt hồ tiêu khi thu hoạch, mà cứ thủng thẳng, túc tắc khi vài yến, vài cân, thậm chí chỉ vài lon. Thu hoạch vào, nhà nông chỉ việc phơi khô, quạt sạch, cần lắm thì bán, còn không thì đóng bao cất kỹ đợi giá lên tột đỉnh rồi mới bán. Nhưng làm vậy, không phải lúc nào cũng được giá, đôi khi còn bị thất thu do giá tiêu không những không tăng lên mà còn hạ xuống. Và có một điều lạ lùng, gần như là một sự “thiên vị” đối với loại đặc sản này. Ấy là người nông dân khi mang hồ tiêu ra chợ thì chưa ai phải mất công ngồi bán, dù chỉ là một giây, một phút nào. Là bởi vì ai cần bán bao nhiêu, ít hay nhiều, thì người mua đã chặn hỏi, vồ vập ngã giá ngay từ ngoài cổng rồi. Hoặc người mua cũng có thể đến tận nhà, người bán không cần phải mang đi đâu. Đến đây xin được “khoe” một chút hãnh diện của chợ Do nhờ hồ tiêu, ấy là khách thập phương, kể cả các “ông Tây bà đầm”, mỗi khi về bãi tắm Cửa Tùng hay địa đạo Vịnh Mốc, thường vẫn không quên ghé vô chợ Do, mua ít ký hồ tiêu làm quà cho gia đình, bè bạn... coi như là một chút đặc sản của miền đất đỏ Vĩnh Linh - Quảng Trị.

 

Ai là khách phương xa về chợ Do, chỉ cần được một lần ăn bánh sắn bột lọc nhân tôm người ấy sẽ không bao giờ quên được. Bánh bột lọc là ẩm thực đặc sản của vùng quê Vĩnh Linh, nên không nhà nào là không biết làm loại bánh này. Và ở chợ Do, quanh năm suốt tháng, không một phiên chợ nào lại vắng loại bánh này. Muốn làm bánh bột lọc, trước hết phải có bột sắn tươi. Muốn có bột sắn tươi thì phải nhổ sắn về, cạo hết lớp vỏ bên ngoài của củ sắn, rồi rửa sạch, mang ra máy xát. Trước đây, khi chưa có máy xát sắn, mỗi nhà đều có một cái bàn mài thủ công để mài sắn. Bàn mài được làm rất đơn giản và ai cũng có thể làm được. Đó là chỉ cần một miếng tôn có chiều dài khoảng 2 gang và chiều rộng khoảng 1 gang tay. Dùng đinh đục khắp lượt miếng tôn rồi gắn miếng tôn ấy vào một miếng ván là đã có ngay một cái bàn mài để mài sắn. Sắn sau khi mài xong, phải dùng vải màn lọc lấy nước cốt đựng trong một cái chậu. Rồi nước ấy phải để ít nhất nửa ngày, tinh chất của sắn mới lắng xuống dưới đáy chậu. Sau đó, ta chỉ cần gạn hết nước vét lấy chỗ tinh chất ấy cho vào một cái khăn, buộc túm lại treo lên cho đến khi không còn một giọt nước nào thấm ra nữa. Lớp tinh chất đọng lại ấy gọi là bột sắn tươi. Bột sắn tươi mang phơi nắng sẽ thành bột sắn khô. Bột sắn tươi hay bột sắn khô đều có thể làm được bánh bột lọc. Nhưng làm bánh bột lọc phải là bột sắn tươi mới đúng bài bản.

Cách làm bánh bột lọc cũng rất đơn giản. Chỉ cần cho nước sôi rưới lên bột, rồi dùng tay nhào kỹ đến khi nào bột thật nhuyễn, thật dẻo. Đến công đoạn làm bánh thì chỉ việc véo ra từng cục bột nhỏ, bẹp mỏng ra, cho nhân vào giữa rồi bóp kỹ mép là được. Nhưng bánh bột lọc muốn ngon thì trước hết phải có nhân bánh ngon. Nhân bánh bột lọc có thể làm bằng thịt lợn ba chỉ xào với su hào hoặc đu đủ xanh thái nhỏ. Cũng có thể làm nhân bằng đỗ xanh, đỗ đen, hay đậu phụng nghiền vỡ, cho gia vị vào xào chín. Nhưng ngon nhất phải làm bánh bột lọc bằng nhân tôm. Mỗi cái bánh cho vào nửa con tôm đã được xào kỹ với hạt tiêu, hành và nước mắm ngon. Bánh bột lọc được gói bằng lá chuối tươi hơ lửa, hay nhúng nước sôi cho lá khỏi bị rách. Xong đâu đấy, xếp thứ tự từng lớp bánh vào nồi bắc lên bếp hấp chín là xong. Khi bánh chín, chỉ cần bóc nhẹ lớp lá đã thấy màu bánh chín trong suốt như gương với nhân tôm đỏ lừ bên trong. Ăn bánh bột lọc phải là lúc bánh đang hôi hổi nóng, phải vừa ăn vừa thổi mới cảm nhận được hết vị thơm ngon tinh tế của bánh. Cũng có thể dùng bánh đa nướng bẻ nhỏ ra như bàn tay cho bánh bột lọc vào giữa rồi kẹp lại mà cắn từng miếng một. Vị dẻo, cay, thơm ngon của bánh bột lọc cùng với chất giòn tan của bánh đa nướng, nhai trong miệng nghe rụm rạo thật thích. Ở chợ Do có cả dãy dài các bà, các chị và cả các em gái sáng sáng bán bánh bột lọc.

Chẳng biết chè xanh ở Vĩnh Linh ngày ngày bán rất nhiều ở chợ Do, có tất cả bao nhiêu giống chè, khi nấu uống thì thơm ngon, đậm nhạt thế nào, mà người nghiện chè khắp các vùng quê Quảng Trị, lại dặn vợ, dặn con, khi mua chè xanh ở chợ Do về nấu uống thì phải chọn cho được giống chè xanh Vĩnh Linh. Tìm hiểu kỹ mới hay, chè xanh ở Vĩnh Linh cũng có khá nhiều giống chè khác nhau. Nào là chè Hà Giang, chè Phú Thọ, chè Thái Nguyên, chè Nghệ An... Mấy giống chè này không hiểu nguyên nhân nào mà lại “lạc” từ các tỉnh phía bắc vào tận đây rồi sinh tồn, phát triển cho tới ngày nay. Đặc điểm của các giống chè này là lá to, mỏng, cây thường ra ngọn non quanh năm, khi nấu uống thường chỉ được một nước đầu là hết chát, hết mùi vị, gặp mùa hè thì rất chóng thiu. Cây chè xanh Vĩnh Linh mới thực sự hợp khẩu vị người nghiện chè. Giống chè xanh Vĩnh Linh, lá tuy nhỏ, nhưng dày và khi nấu uống thường nước thứ hai vẫn còn chát, còn thơm và lại có vị ngọt đậm đà chứ không đắng chát như mấy giống chè kia. Cây chè xanh ở Vĩnh Linh trước đây được trồng rất nhiều ở các hộ gia đình, hơn thế còn có cả các nông trường, hợp tác xã chuyên trồng chè, nhưng từ khi cây cao su, cây hồ tiêu lên ngôi thì diện tích cây chè xanh cũng theo đó mà giảm đi rất nhiều. Nông trường và hợp tác xã trồng chè thì chắc chắn là không còn tồn tại rất lâu rồi. Còn hộ gia đình, thì nay mỗi nhà giỏi lắm cũng chỉ giữ lại vài chục gốc đủ để nấu nước uống, còn lại thì đưa ra chợ Do bán, nhưng giá cả cũng không lấy đâu được so với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế khác. Trên đường 70, đường Một, đường Quốc Phòng ven biển... cứ sáng sáng ra là y như rằng mấy cái xe khách đi Huế, đi Đông Hà, Thành Cổ... bao giờ cũng chất ngồn ngộn trên nốc xe chè xanh từ chợ Do - Vĩnh Linh.

Chợ Do giữa thời mở cửa càng là nơi để người ta đua nhau buôn bán làm ăn, cạnh tranh nhau trên tinh thần đoàn kết, lành mạnh. Chợ Do đã thực sự là nơi tạo điều kiện cho không ít người dân tiểu thương “hái” ra tiền, trở thành những “ông chủ”, “bà chủ” ngấp nghé cuộc sống giàu sang, phú quý. Và chợ Do cũng góp phần “xóa đói giảm nghèo” cho người nông dân, ấy là ngày ngày có hàng bao lượt hộ nghèo tận dụng chút thời gian rảnh rỗi mở ra buôn bán nhỏ, tăng thu nhập.

Chợ Do ở quê tôi là thế đấy! Mai này, ai về bãi tắm Cửa Tùng lộng gió, nhớ ghé qua chợ Do, ăn một đĩa bánh sắn bột lọc nhân tôm, cay xé lưỡi hạt hồ tiêu rồi uống một bát nước chè xanh từ tay chị chủ quán, chát... quẹo miệng, trước khi để Cửa Tùng dội sóng lên da thịt một ngày thư giãn với đất trời...

Phiên chợ đặc biệt của cô giáo dạy Ngữ văn

Tây Long |

Nhắc tới chợ, người ta thường nghĩ đến cảnh ồn ào, chen lấn. Trái ngược không khí có phần xô bồ ấy, phiên chợ do cô Lê Nguyễn Hạnh Nguyên, giáo viên Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn tổ chức giúp khách hàng như tìm lại sự bình yên trong tâm hồn. Đến đây, mọi người còn học được nhiều điều hay từ thông điệp “xanh - sạch - lành” mà cô Nguyên gửi gắm.

Sôi động ngày hội tại chợ quê Cầu ngói Thanh Toàn

Mai Trang |

Ngày 27/6, đông đảo người dân Thừa Thiên - Huế đến điểm du lịch cộng đồng cầu ngói Thanh Toàn (di tích cấp quốc gia tại xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy) tham dự Khai mạc “Chợ quê ngày hội” do UBND thị xã Hương Thủy tổ chức.

Khai mạc Hội chợ Thương mại và Du lịch - Nhịp cầu Xuyên Á - Quảng Trị năm 2024

Thanh Trúc |

Ngày 6/6, tại Trung tâm Dịch vụ - Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Công thương khai mạc Hội chợ Thương mại và Du lịch - Nhịp cầu Xuyên Á - Quảng Trị năm 2024.

Sẽ xây dựng chợ chuối Tân Long trên dốc Làng Vây

Võ Lộc |

HĐND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) vừa ban hành nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư công trình chợ chuối xã Tân Long với tổng mức đầu tư 11 tỉ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2024 - 2026.