Đặc sắc Ngày hội Văn hóa, thể thao, du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ

Trung Hiếu |

Ngày hội tại Sóc Trăng là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng đồng bào Khmer Nam Bộ gặp gỡ, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Với chủ đề: “Bảo tồn, phát huy bản sắc bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ; Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển," tối 6/11, Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII và Ngày hội Oóc Om Bóc-đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V năm 2022 đã chính thức được khai mạc.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu khai mạc Ngày hội. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu khai mạc Ngày hội. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Phát biểu khai mạc, ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc Om Bóc-đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V năm 2022 là sự kiện văn hóa có ý nghĩa sâu sắc, nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giới thiệu, quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ tới người dân trong nước và bạn bè quốc tế.

Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, qua sự thể hiện của hơn 2.000 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng tham gia thi diễn, giao lưu trong những ngày hội, chúng ta hy vọng và tin tưởng người dân và du khách thập phương sẽ được cảm nhận và trải nghiệm những giai điệu dân ca, dân vũ, các điệu múa dân gian Răm vông, Saravan, múa trống Sadăm, nghệ thuật sân khấu Rô Băm và Dù Kê say đắm lòng người; cùng thưởng thức âm thanh riêng có của nhạc cụ ngũ âm - được mệnh danh là biểu tượng của không gian văn hóa, là tiếng lòng của người dân Khmer Nam Bộ với thần linh, với thiên nhiên và con người.

Trong khuôn khổ Ngày hội, nhiều hoạt động đa dạng, phong phú sẽ được diễn ra có sự tham gia của các đoàn thuộc 12 tỉnh, thành phố: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Tây Ninh, Bình Phước, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh, với các hoạt động văn hóa, thể thao, trưng bày, quảng bá, xúc tiến du lịch, giới thiệu, quảng bá du lịch Sóc Trăng...

Đặc biệt, Ngày hội có sự lồng ghép hoạt động của Lễ hội Oóc om Bóc-đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ V, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 với các hoạt động như giải đua ghe Ngo, phục dựng lễ Cúng Trăng, trình diễn Lôi Protip (thả đèn nước) và ghe Cà Hâu, triển lãm lưu động ảnh, tư liệu tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo ở cơ sở năm 2022.

Ngày hội tạo ra một không gian văn hóa ý nghĩa để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng đồng bào Khmer Nam Bộ hội tụ, gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần quan trọng trong việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Tại lễ khai mạc, ông Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng phát biểu nhấn mạnh đây là dịp để Sóc Trăng quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương đến với du khách trong và ngoài nước.

Sóc Trăng đã công bố logo du lịch của tỉnh, thay cho lời mời gọi du khách gần xa về với vùng đất nhiều tiềm năng phát triển, nhất là về du lịch.

Tỉnh Sóc Trăng tin tưởng và kỳ vọng Ngày hội và lễ hội lần này sẽ để lại những ấn tượng và tình cảm tốt đẹp trong lòng du khách gần xa, đồng thời cũng mong đợi các doanh nghiệp trong và ngoài nước có dịp tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tăng cường hợp tác, cùng phát triển trong tương lai.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với tỉnh Sóc Trăng tổ chức Ngày hội, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành đối với đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer.

Đây là dịp để đồng bào trình diễn, giao lưu các tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc, độc đáo của các nghệ sỹ, nghệ nhân chuyên và không chuyên và đua ghe Ngo truyền thống.

Qua đó, đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Khmer nói riêng có dịp bày tỏ tình cảm, niềm tin yêu của mình đối với Đảng, Nhà nước và Bác Hồ kính yêu; từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng lòng, chung sức xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Một tiết mục văn hóa văn nghệ của đồng bào Khmer trình diễn tại lễ Khai mạc. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)
Một tiết mục văn hóa văn nghệ của đồng bào Khmer trình diễn tại lễ Khai mạc. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc nói chung, dân tộc Khmer nói riêng phải xuất phát từ yếu tố tự thân, mình giữ cho mình chứ không thể nhờ ai giữ cho mình được.

"Vì vậy, tôi mong muốn đồng bào dân tộc Khmer cùng nhau thực hiện tốt phương châm: người đi trước truyền lại cho người đi sau; ông, bà, cha, mẹ truyền dạy cho con cháu; cộng đồng học hỏi lẫn nhau, với nhiều cách làm sáng tạo, bền bỉ thì mới gìn giữ và phát huy được nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của dân tộc mình," ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Tại Lễ khai mạc, qua sóng truyền hình trực tiếp của VTV Tây Nam Bộ và Đài Phát thanh Truyền hình các tỉnh tham gia Ngày hội, các đại biểu, quần chúng nhân dân thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc của các đoàn nghệ thuật dân tộc Khmer đến từ các tỉnh, thành Nam Bộ, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó, sẻ chia của đồng bào Khmer Nam bộ với các dân tộc anh em trong quá trình khai phá, xây dựng vùng đất “chín rồng”; những nét văn hóa đặc trưng, đặc sắc của đồng bào Khmer Nam Bộ…

 (Nguồn: TTXVN)

TAGS

Khu dân cư Hoong Mới tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Nhơn Bốn |

Ngày 5/11, khu dân cư Hoong Mới, xã Hướng Linh (Hướng Hoá,Quảng Trị) tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc chào mừng kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất 18/11 (1930 - 2022); phát động xây dựng mô hình khu dân cư “Đẹp về cảnh quan, bảo đảm về môi trường” giai đoạn 2022 – 2025. Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Đại Nam; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trần Huy dự ngày hội. 

Sôi nổi trong ngày hội thao

Khởi Nam |

Hội thao trung đội dân quân cơ động năm 2022 vừa được tỉnh Quảng Trị tổ chức đã thành công tốt đẹp, hoàn thành tốt mục đích, yêu cầu đề ra. Hội thao diễn ra trong điều kiện thời tiết không thuận lợi do ảnh hưởng của bão số 6, nhưng vượt lên tất cả, gần 300 cán bộ, chiến sĩ đến từ 9 huyện, thị xã, thành phố (không bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ) đã tham gia thi đấu tích cực, sôi nổi, thực sự là ngày hội của các “chiến sĩ sao vuông”. Thông qua hội thao cũng là dịp để đánh giá chính xác chất lượng công tác huấn luyện và trình độ quản lý của cơ quan quân sự địa phương, góp phần hoàn thành nhiệm vụ quốc phòng, quân sự trong tình hình mới.

Quảng Trị đoạt 2 giải A, 3 giải B, 1 Huy chương Đồng tại Ngày hội Giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ III

Ngọc Trang |

Từ ngày 1 - 3/10, tại TP. Điện Biên Phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Điện Biên chủ trì, phối hợp với các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào tổ chức Ngày hội Giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ III với chủ đề “Thắm tình hữu nghị - Hướng tới tương lai”.

Khai mạc Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam-Lào

Chu An |

Các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch của đồng bào các dân tộc vùng biên giới hai nước Việt Nam-Lào nhằm tôn vinh tầm vóc và giá trị đặc biệt của mối quan hệ hai nước.