Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025.
Trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, những năm gần đây, du lịch nông thôn bắt đầu được các địa phương trong tỉnh đầu tư, góp phần thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí NTM, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Huyện Hải Lăng (Quảng Trị) là địa phương có nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú để có thể phát triển nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch, trong đó vùng gò đồi phía Tây có diện tích rừng tự nhiên lớn, vùng đồng bằng có nhiều trằm, các đầm, hồ chứa nước tự nhiên và nhiều vùng quê có phong cảnh đẹp, gắn liền với những lễ hội, làng nghề truyền thống đặc sắc.
Theo đó, huyện Hải Lăng cũng đã đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 sẽ phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn, phấn đấu trên địa bàn huyện có 1-2 điểm du lịch nông thôn gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù...
Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Dương Viết Hải cho biết, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2023-2025, trong đó tập trung vào việc nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM; phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng của địa phương; phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng.
Truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn; xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững, nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hoá và môi trường sinh thái của các địa phương, từ đó nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn một cách bền vững.
Du lịch nông thôn có đặc điểm chung là hoạt động du lịch được tổ chức trên địa bàn nông thôn; khai thác các giá trị tài nguyên du lịch đặc thù về văn hóa, lối sống, truyền thống làng quê gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp của cộng đồng ở vùng nông thôn; tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tác động tích cực đến cuộc sống của cộng đồng nông thôn; trực tiếp tạo ra cầu nối hoạt động sản xuất và cung cấp nông sản, sản phẩm thủ công của làng nghề truyền thống.
Du lịch nông thôn sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật của cộng đồng vùng nông thôn, các thiết chế văn hóa làng, các cơ sở sản xuất nghề truyền thống, cơ sở hạ tầng như đường, điện, nước, dịch vụ viễn thông... gắn với môi trường tự nhiên, bản sắc văn hóa và các hoạt động sinh hoạt sản xuất nông nghiệp của cộng đồng dân cư.
Hiện nhiều địa phương ở Quảng Trị bước đầu đã phát triển mô hình du lịch cộng đồng, đã đem lại những tín hiệu tích cực và thu nhập khá cho người dân. Trong đó, tại các huyện như Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hướng Hóa..., du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái đã có nhiều tín hiệu khả quan, thu hút khá đông khách tham quan.
Có thể khẳng định, thay đổi căn bản nhất khi các làng, xã trở thành những trung tâm du lịch nông nghiệp, nông thôn chính là thu nhập của người dân tăng lên, có thêm nguồn thu ngân sách, tạo điều kiện để tái đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, làm cho địa phương ngày càng khang trang hơn.
Tuy nhiên có một thực tế cần phải nhìn nhận, việc phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng ở Quảng Trị vẫn còn hạn chế, quy mô còn manh mún, nhỏ lẻ và chưa có chiều sâu, thiếu cách làm bài bản để thu hút du khách. Cùng với đó, đội ngũ làm du lịch, hướng dẫn viên, người dân các vùng quê nơi đón du khách chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng tiếp đón du khách và tiếp thị các sản vật của địa phương.
Nhiều nơi chưa có khái niệm về du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, chưa xác định phát triển du lịch nông thôn là giải pháp rất hiệu quả để thu hút tài chính, để bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, làng nghề nông thôn và xây dựng NTM kiểu mẫu. Một nguyên nhân quan trọng nữa là Quảng Trị nằm ở vùng duyên hải miền Trung, hằng năm thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, khí hậu khắc nghiệt nên hoạt động du lịch nông thôn chỉ thực hiện được vào một thời gian nhất định trong năm.
Nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, các cấp, ngành, địa phương và mỗi một người dân cần tập trung triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách về phát triển du lịch nông thôn; tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về tiềm năng du lịch từ những miền quê. Đặc biệt, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn; tăng cường phối hợp liên ngành, hợp tác trong nước và quốc tế về phát triển du lịch...
Việc phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM sẽ phát huy được tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, góp phần chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo hướng tích hợp đa ngành. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)