Dấu tích miếu thờ Nguyễn Hoàng ở Gio Linh, Quảng Trị

Nguyễn Hoàn |

Nghĩ đến dấu tích và hành trạng dựng nghiệp của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng trên đất Quảng Trị, người ta thường nhắc đến các địa danh mà Chúa đã lập dinh là Ái Tử, Trà Bát và Dinh Cát ở huyện Triệu Phong, nhắc đến miếu Trảo Trảo, nơi thờ thần sông tương truyền đã giúp Nguyễn Hoàng đánh thắng tướng Mạc là Lập Bạo, nhắc đến pho tượng Nguyễn Ư Dĩ - người cậu ruột của Nguyễn Hoàng, người giúp sức cho Nguyễn Hoàng làm nên nghiệp lớn - đang được nhân dân thôn Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong lưu giữ, tôn thờ với tất cả niềm kính tín dành cho một báu vật, một vật thiêng. 

Hành trạng dựng nghiệp của Nguyễn Hoàng ở Quảng Trị cũng như ở Đàng Trong rất phong phú, sống động. Nhắc đến tiếng tăm, công trạng của Nguyễn Hoàng lưu dấu trên đất Quảng Trị, không thể không nhắc đến ngôi miếu thờ Nguyễn Hoàng (còn được gọi là chùa Long Phúc) do nhân dân ngưỡng mộ và ghi ơn lập nên ở thôn An Nha, xã Gio An, huyện Gio Linh, sau khi Nguyễn Hoàng qua đời. 

Quang cảnh nơi dựng miếu thờ Nguyễn Hoàng ở thôn An Nha, xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị (di tích lịch sử cấp tỉnh chùa Long Phước)
Quang cảnh nơi dựng miếu thờ Nguyễn Hoàng ở thôn An Nha, xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị (di tích lịch sử cấp tỉnh chùa Long Phước).Ảnh: TRẦN BÌNH

Một ngày trời mát và dịu nắng, lòng không vướng bận một điều gì, tôi đã cùng anh Hồ Xuân Hải, Chủ tịch UBND xã Gio An và anh Trần Bình, cán bộ văn hóa xã Gio An đi tìm lại dấu tích miếu thờ Nguyễn Hoàng. Đi tìm mà thực ra chẳng khác nào “khảo sát” để hình dung lại dáng nét ngôi miếu xưa đã đổ bóng xuống tâm tưởng ngưỡng vọng, nhớ nhung của nhân dân thuở trước dành cho vị Chúa Tiên công lớn, đức dày. Hôm trước khi đi, tôi điện hỏi anh Trần Bình: “Hiện ở di tích miếu thờ Nguyễn Hoàng, tức chùa Long Phúc, còn có những dấu tích gì không, còn có những tấm đá khắc chữ Hán không?”. Anh Trần Bình trả lời: “Tôi chưa biết được, vì muốn vào đó, phải phát quang lối đi đã mới vào được”. Thành thử, khi đi thực địa, anh Bình đã chuẩn bị khá chu đáo. Dọc đường đi, vừa chạy xe, anh Bình vừa quàng vai cái máy cắt cỏ để chuẩn bị phát cây, dọn dẹp lối vào. Đi tìm dấu tích xưa với tâm thế của những người hành hương về chốn thiêng, hành hương về nguồn, chúng tôi mang theo mấy nén hương và trái cây, gọi là “lễ bạc lòng thành” để xin Chúa Tiên cho đặt chân vào thực địa.

Đường vào đất thờ Chúa Tiên chạy xuyên qua những thảm lúa xanh mượt, những thửa rau liệt xanh nõn vì được uống nguồn nước trong chảy miên man, bất tận của các giếng cổ Gio An. Một miền quê của những vỉa tầng văn hóa trầm tích. Lòng tôi bồi hồi liên tưởng đến những sử liệu về công trạng và ơn sâu của Chúa Tiên dành cho Gio An và những vùng đất miền Tây của huyện Gio Linh. Theo “Đại Nam thực lục”, sau khi Nguyễn Kim, thân phụ Nguyễn Hoàng mất, Hữu tướng triều Lê là Trịnh Kiểm cầm giữ binh quyền, chuyên chế mọi việc.

Tả tướng là Lãng quận công Nguyễn Uông (anh ruột Nguyễn Hoàng) bị Kiểm hãm hại. “Kiểm lại thấy chúa (tức Nguyễn Hoàng - chú thích của người viết) công danh ngày càng cao nên rất ghét. Chúa thấy thế, trong lòng áy náy không yên, cùng bàn mưu với Nguyễn Ư Dĩ rồi cáo bệnh, cốt giữ mình kín đáo để họ Trịnh hết ngờ” (1). Nghe theo lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (một dải núi ngang, dung thân muôn đời), Nguyễn Hoàng muốn đi xa để vừa giữ mình, vừa mưu nghiệp lớn nên đã nhờ chị là Ngọc Bảo, vợ Trịnh Kiểm xin Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa. Trịnh Kiểm tâu lên và được vua Lê đồng ý. Một ngày mùa đông, tháng 10 âm lịch, năm 1558, Nguyễn Hoàng, 34 tuổi bắt đầu vào trấn thủ đất Thuận Hóa, miền đất lúc đó thuộc loại hiểm nghèo, xa xôi. Mùa thu, tháng 7 âm lịch, năm 1572, tướng Mạc là Lập Bạo đem 60 binh thuyền vượt biển vào đánh Nguyễn Hoàng. Quân Lập Bạo đóng trại từ con đường xã Hồ Xá đến đền Thanh Tương, xã Lãng Uyển (làng Lãng Phước, tục gọi là làng Lãng, phủ Triệu Phong). Thế quân Lập Bạo rất mạnh. Nguyễn Hoàng bèn phải dùng “mỹ nhân kế” mới diệt được Lập Bạo. Tương truyền, Nguyễn Hoàng đóng quân ở sông Ái Tử để chống giặc, đêm nghe từ lòng sông có tiếng kêu “trao trao” vẳng đến. Nguyễn Hoàng lấy làm lạ, bèn khấn rằng: “Thần sông có thiêng thì giúp ta đánh giặc”. Đêm ấy, trong giấc chiêm bao, Nguyễn Hoàng thấy một người đàn bà mặc áo xanh, tay cầm quạt the, đến mách nước: “Minh công muốn trừ giặc thì nên dùng mỹ kế dụ đến bãi cát, thiếp xin giúp sức!”. Tỉnh dậy, Nguyễn Hoàng nghĩ rằng người đàn bà trong mộng đã hiến kế phải dùng mỹ kế để đánh thắng giặc. Nhận thấy trong đám thị nữ có nàng Ngô thị (tên gọi là Ngọc Lâm, có tên nữa là Thị Trà, người làng Thế Lại) có nhan sắc và mưu cơ biện bác, Nguyễn Hoàng sai nàng đem vàng lụa đi dụ Lập Bạo. Tìm đến trại Lập Bạo, Ngô thị thưa gửi: “Chúa công thiếp nghe tin tướng công ở xa đến, cho thiếp mang quà mọn đến để cùng giảng hòa, đừng đánh nhau nữa”. Mê đắm sắc đẹp của Ngô thị, nhưng Lập Bảo giả làm bộ giận mà rằng: “Người lại đây làm mồi nhử ta phải không?”. Ngô thị thưa gửi lại một cách khôn khéo, uyển chuyển, Lập Bạo tin theo và giữ Ngô thị lại trong trướng.

Nhân đấy, Ngô thị mời Lập Bạo đến bờ sông để cùng Chúa họp thề. Lập Bạo nhận lời. Ngô Thị liền mật báo cho Nguyễn Hoàng biết. Lập tức, Nguyễn Hoàng cho dựng một ngôi đền tranh ở bên sông, chỗ có tiếng kêu “trao trao” để làm nơi họp thề và đào hầm, đặt phục binh. Đến ngày hẹn, Lập Bạo và Ngô thị cùng đến trên chiếc thuyền nhỏ, chỉ vài chục người theo hầu. Khi đến bờ, thấy dưới cờ của Nguyễn Hoàng cũng chỉ có vài chục người thôi, Lập Bạo thản nhiên bước đến cửa đền mà không ngờ là đã “sập bẫy”. Quân phục binh của Nguyễn Hoàng nổi dậy. Lập Bạo hoảng hốt chạy xuống thuyền thì thuyền đã xa bờ rồi. Lập Bảo nhảy theo, rơi xuống nước và bị quân Nguyễn Hoàng bắn chết. Thừa thắng xông lên, quân Nguyễn Hoàng tiến đến trại Thanh Tương, cùng với gió to nổi lên giúp sức, đánh đắm hết thuyền giặc. Tướng giặc bị diệt, quân giặc đem nhau ra hàng. Điều đặc biệt là Nguyễn Hoàng đã không giết hàng binh mà cho họ quyền được sống và “làm lại cuộc đời” trên vùng đất mới: “Chúa cho ở đất Cồn Tiên (tức tổng Bái Ân bây giờ) đặt làm 36 phường” (2). Nhớ ơn Nguyễn Hoàng, thế hệ con cháu dân các phường ở đây đã dựng nên miếu thờ Nguyễn Hoàng. Chúa Nguyễn Phúc Chu đã khen ngợi việc dân lập miếu. Năm 1695, Chúa Nguyễn Phúc Chu cho đặt chức từ thừa, cấp bằng son và cho bày mũ, áo bào thần ngự ở miếu, như “Đại Nam thực lục” đã cho biết: “Đặt chức từ thừa ở miếu phường An Định Nha (thuộc huyện Minh Linh, Quảng Trị). Buổi quốc sơ, các phủ đều dựng miếu để thờ các vị thánh vương trước. Dân ba phường An Định Nha, An Hướng và Phương Xuân thuộc tổng Bái Ân cảm nhớ công ơn Thái Tổ, dựng miếu thờ ở An Định Nha. Chúa nghe khen tốt, sai đem những mũ và áo bào thần ngự bày ở miếu, lại sai đặt chức từ thừa để trông coi, cho bằng son” (3). Năm 1823, vua Minh Mạng được bề tôi tâu lên việc dân dựng miếu thờ Nguyễn Hoàng, “vua giao xuống bầy tôi bàn, đều cho là nhân dân thờ cúng nhảm nhí không nên, xin đình chỉ. Vua bèn sai đổi dựng làm chùa, cấp trước cho 100 lạng bạc, khi làm xong cho 300 quan tiền, trừ tô thuế hơn 70 mẫu ruộng đất công để dùng vào việc thờ cúng, đặt 3 người tự phu” (4). Như vậy, do vua Minh Mạng không cho dân thờ Chúa Tiên, vì việc thờ này phải do triều đình đảm trách, nên miếu thờ Nguyễn Hoàng đã đổi thành chùa Long Phúc (cũng còn gọi là chùa Long Phước).

Thuở trước, khách đi từ xa đã nhìn thấy được hình dáng ngôi miếu thờ Nguyễn Hoàng - chùa Long Phúc như L.Cadière đã mô tả trong “Bulletin des amis du Vieux Hué” (Những người bạn cố đô Huế): “Khách du lịch đi trên con đường địa phương vừa mới mở bao quanh Cồn Tiên có thể trông thấy được ngôi đền này trên địa phận làng An Định nhưng cách chợ Yên Gia rộng lớn khoảng một vài cây số” (5). Giờ đây, chúng tôi không có được may mắn chiêm ngưỡng ngôi miếu từ xa như L.Cadière nữa, bởi qua dâu bể thời gian, ngôi miếu đã không còn. Nhìn từ xa, chỉ thấy những lùm cây mọc lên um tùm trong hoang tịch. Lạ lùng là giữa những lùm cây này vút lên một cây bàng với thế dáng sừng sững, giang rộng “cánh tay” sang hai bên vừa để ôm đất thờ Chúa Tiên vào lòng, vừa như một chỉ dấu thề nguyền tưởng vọng Chúa Tiên. Chúng tôi vạch cây cành rậm rạp để tìm lối vào khu đất dựng miếu thuở trước. Anh Trần Bình ra dáng một nông dân lực lưỡng, vác máy cắt cỏ và bắt đầu cho máy chạy xè xè để phát cây, dọn lối, tìm dấu tích trên nền miếu xưa. Trước khi đi thực địa ở đây, tôi có một niềm linh cảm mách bảo rằng nơi này dù hoang phế nhưng chí ít vẫn còn những dấu tích hiếm hoi lưu lại, chẳng hạn như những tấm đá hay viên gạch xưa.

Quả vậy, dưới cần máy cắt cỏ của anh Trần Bình đang mải miết rà qua rà lại phát quang cây cành, bắt đầu hiện ra một trụ đá ăn sâu vào nền đất, mặt trụ hình tròn, nằm cùng mức với mặt nền đất. Mặt trụ nhẵn, không lõm xuống như những viên đá táng dùng để táng cột nhà trong những ngôi nhà rường xưa. Nhưng hẳn rằng, kỹ thuật dựng ngôi miếu thờ Nguyễn Hoàng ở đây không khác gì kỹ thuật dựng nhà rường, nghĩa là đều dựng cột trên trụ đá. Chúng tôi bày biện dĩa trái cây trên mặt trụ đá và thắp hương với niềm thành kính và hoan hỷ trước dấu tích xưa của nhân dân ghi công Chúa Tiên. Và anh Trần Bình tiếp tục khua cần máy phát cây với niềm cảm khái rưng rưng khi nghĩ đến công lao của tiền nhân, khiến anh quên cả mệt nhọc. Những đường phát vừa rất ngọt, vừa lần tìm ra đúng vị trí của những trụ đá dựng miếu thuở trước. Dưới những đường phát của anh, đã hiển lộ đầy đủ 4 hàng trụ đá nằm song song với nhau trên nền ngôi miếu xưa, nằm về hai phía, mỗi phía hai hàng gần nhau, mỗi hàng có 5 trụ đá, như vậy hiện còn tất cả là 20 trụ đá. Xung quanh nền đất dựng ngôi miếu xưa là những bờ thành bao bọc được xếp bằng đá. “Ai hay đá hát lời nguyền, Dẫu tan nát cả, còn nguyên lũy thành”, tứ thơ về đá hát trên nền ngôi miếu xưa bắt đầu ngân lên trong lòng Trần Bình để anh khi trở về động bút, ướm chữ lên thơ.

Hình một trụ đá dựng miếu thờ Nguyễn Hoàng - Ảnh: N.H
Hình một trụ đá dựng miếu thờ Nguyễn Hoàng - Ảnh: N.H

Mừng vì tìm thấy những dấu tích bắt nguồn “tự vào trong đá xưa” (Dấu chân địa đàng-Trịnh Công Sơn), nhưng cả ba chúng tôi vẫn cứ băn khoăn không biết ngôi miếu-ngôi chùa xưa được dựng với hình dáng, kiến trúc ra sao. Băn khoăn này đã phần nào được giải tỏa, khi chúng tôi hỏi chuyện những người cao niên ở Gio An. Ông Nguyễn Đăng Giả, 82 tuổi, ở thôn An Nha, Gio An, người mà thuở trai trẻ từng đánh trống tiểu cổ ở chùa Long Phúc, nhớ lại: “Chùa có hình bánh ít, có cột to, trở hướng ra phía Bắc. Chùa này linh lắm đó. Làng trích ra 5 sào ruộng để làm ruộng hương hỏa cúng chùa. Ruộng được chọn là ruộng nằm ở đầu nguồn của giếng Búng. Nước giếng Búng trước hết tưới cho ruộng hương hỏa đã, sau đó mới tưới đến ruộng dân”. Theo ông Giả cho biết, số ruộng hương hỏa làng An Nha trích ra là 5 sào, còn theo “Đại Nam thực lục”, số ruộng hương hỏa lên đến 70 mẫu, như vậy là còn có nhiều làng khác cùng trích ruộng ra để làm ruộng hương hỏa. Ngôi miếu được dựng hướng về phương Bắc, hẳn là khi chọn hướng miếu, những người dựng miếu đã hiểu được nỗi lòng đau đáu hướng về Đông Đô Thăng Long, hướng về quê cha đất tổ Tây Đô Thanh Hóa của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Và người xưa khi chọn đất dựng miếu, chắc chắn phải chọn nơi có thế đất tốt, theo quan niệm phong thủy. Nhắc đến chuyện này, ông Nguyễn Văn Phúng, 62 tuổi, ở thôn An Hướng, Gio An kể: “Năm 1993, giáo sư sử học Trần Quốc Vượng cùng một cô sinh viên người Nhật Bản đã đến xem thực địa khu đất dựng miếu thờ Nguyễn Hoàng. Giáo sư nói khu đất này tốt, thế đất ở đây là thế “hoàng xà thính cáp” (rắn vàng rình con cóc). Xung quanh khu đất dựng miếu, có mấy chỗ đất nhô lên hình con cóc, nay đã bị san phẳng”.

Qua tìm hiểu thực địa cũng như qua lời kể của các vị cao niên như vậy, chúng tôi ít nhiều hình dung được và mơ ước về dáng dấp của ngôi miếu thờ Nguyễn Hoàng cần phải được phục dựng lại. Khu vực người xưa dựng miếu (về sau gọi là chùa) này đã được công nhận là di tích cấp tỉnh: ngày 20/8/2004, UBND tỉnh Quảng Trị đã cấp Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh cho chùa Long Phước (“Đại Nam thực lục” gọi là chùa Long Phúc). Di tích đã xếp hạng rồi nhưng lại nằm hoang phế, khuất lấp bởi cây hoang, cỏ dại, khiến cho hồn thơ của Trần Bình ngậm ngùi: “Sao đành hoang lạnh, tàn phai, Dấu thời gian cũ rơi ngoài thinh không... ”. Nhưng sẽ không “sao đành” mãi đâu anh Trần Bình ạ! Ngành văn hóa của tỉnh, mà trực tiếp là Trung tâm bảo tồn di tích và danh thắng Quảng Trị cần tham mưu cho ngành đề nghị tỉnh đầu tư, phục dựng lại ngôi miếu thờ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng trên nền di tích cấp tỉnh. Đấy vừa là một nghĩa cử văn hóa nhằm xưng tụng công đức của tiền nhân mở cõi, vừa là một động thái quan trọng nhằm tiến đến quy hoạch, cắm biển, tôn tạo tất cả các di tích lịch sử về Nguyễn Hoàng trên đất Quảng Trị.                            

(1) Đại Nam thực lục, tập một, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2002, tr. 27.

(2) Đại Nam thực lục, tập một, sđd, tr. 31.

(3) Đại Nam thực lục, tập một, sđd, tr. 110.

(4) Đại Nam thực lục, tập hai, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr. 255. 

(5) Những người bạn cố đô Huế, tập VIII, NXB Thuận Hóa, Huế, 2001, tr. 328.

(Nguồn: Văn học & Nghệ thuật)                                                                    

TAGS

Chùa Phật Sơn: Tiên cảnh giữa núi rừng Quảng Trị

La Hiếu |

Chùa Phật Sơn (Niệm Phật Đường Lương Lễ) tọa lạc tại xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Được thành lập vào cuối năm 1992 theo nguyện vọng của các đạo hữu Phật tử địa phương để làm nơi tu tập và sinh hoạt tâm linh.

Nhiều giải pháp kích cầu du lịch 6 tháng cuối năm

BT |

Nhằm khôi phục hoạt động du lịch từ nay tới cuối năm, nhiều địa phương đã xây dựng các kịch bản hấp dẫn và thiết thực, trước mắt là tập trung phục hồi thị trường khách du lịch nội địa, tiếp đến là thị trường khách du lịch quốc tế.

Hướng Hoá: Sẽ tổ chức triển lãm về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

PV |

Ngày 22/6/2020, bà Nguyễn Thị Huyền, Trưởng Phòng Văn hoá Thông tin huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) cho biết, triển lãm về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa sẽ được tổ chức lần đầu tiên tại huyện Hướng Hoá.

Festival Huế 2020: Tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống và đương đại

PV |

Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển-Huế luôn luôn mới,” Festival Huế lần thứ 11 hứa hẹn sẽ là nơi để du khách có dịp thưởng thức sự giao thoa sống động giữa truyền thống và hiện đại.