Giữa tháng Ba âm lịch của một năm cách nay đã lâu, nghe theo lời rủ rê của bạn bè, tôi lên Cửa khẩu quốc tế La Lay (Quảng Trị), mải miết theo con đường cái quan xuyên qua rừng già về đến tỉnh Chămpasak, một đô thị trung tâm, sầm uất của vùng Nam Lào để dự lễ hội Phật giáo tổ chức thường niên nơi đây.
Đến nơi mới biết, Di sản văn hóa thế giới Wat Phou được UNESCO công nhận vào năm 2001 mới là nơi tổ chức lễ hội Phật giáo của cả vùng Nam Lào, một trong những lễ hội lớn nhất ở Lào, được tổ chức liên tục trong 3 ngày vào dịp rằm tháng 3 âm lịch. Bạn đồng hành cho biết, trong ngày hội, không chỉ người dân trong vùng mà cả du khách các tỉnh Đông Bắc Thái Lan cũng kéo về đây để dự hội đua thuyền, đua voi, chọi trâu, biểu diễn múa nhạc… Các nghi lễ cúng Phật cũng được tổ chức hoành tráng, trang nghiêm.
Những ngày lưu lại ở Pakse, thủ phủ của tỉnh Chămpasak, chọn một buổi sáng đẹp trời cận ngày trăng náu, chúng tôi quyết định vượt hơn 40 km để đến thăm Di sản văn hóa thế giới Wat Phou (Wat có nghĩa là đền, Phou là núi). Wat Phou là một di tích đền và chùa lớn, cổ nhất nước Lào được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 5 và từng là trung tâm của đạo Hindu, thờ thần Shiva. Đền Wat Phou nằm ở dưới chân ngọn núi thiêng có tên là Phou Khao (nghĩa là núi Con Voi) trong quần thể có 9 ngọn núi bao quanh, được thừa hưởng địa lợi của một trung tâm giao thông quan trọng, liên khu vực.
Từ đây có thể đi dọc theo sông Mê kông lên miền Bắc Lào, xuôi xuống là vùng Biển Hồ với quần thể Angkor nổi tiếng của Campuchia, lại là vùng có mối liên hệ với Tây Nguyên của Việt Nam, nơi có những lễ hội và cảnh sắc làm đắm say lòng người...
Dọc đường đi, bạn đồng hành đã kể cho chúng tôi nghe nhiều truyền thuyết liên quan đến đền Wat Phou, nhưng xúc động và ám ảnh nhất vẫn là chuyện nàng con gái Chúa Mường Champa Nakhon là Nàng Phăn. Nàng bị phụ tình nên có lời nguyền là nếu có một người con gái nào bị phụ tình và chửa hoang thì phải cúng Thần một con trâu để giải tội. Nếu không thì lúa trên rẫy sẽ chết khi thành bông, lúa trên đồng sẽ khô héo, tàn lụi.
Thế nhưng, hằng năm vẫn có những người con gái lầm lỡ và nhiều lễ “giải tội” vẫn cứ diễn ra. Dần dà, lễ “giải tội” lại biến thành dịp gặp gỡ của các nam thanh, nữ tú. Các chàng trai, cô gái khi bên nhau hình như đã quên đi tội lỗi và lời nguyền của Nàng Phăn. Những ngày lễ “giải tội” ở Wat Phou lại là ngày nhiều đôi nam nữ có dịp hẹn hò, thề nguyện, kết mối lương duyên...
Vượt qua cầu hữu nghị LàoNhật, chúng tôi đi qua những làng quê yên bình trên tuyến đường khá rộng và đẹp, chẳng mấy chốc đã đến đền Wat Phou. Với tấm vé vào cửa 50.000 kip (khoảng 130.000 VNĐ), chúng tôi được lên xe điện chở đến phía chân núi. Từ đây, du khách tự mình đi bộ, khám phá di sản độc đáo này.
Trước khi vào đền, ngay từ ngoài cổng có một bảo tàng trưng bày hơn 100 bức tượng đá, phù điêu, họa tiết trang trí chạm khắc trên đá sa thạch tuyệt đẹp, các đài thờ, tượng đá khắc các vị thần và vật thiêng của đạo Hindu giáo như thần Shiva, đầu thần Vishnu, chim thần Garuda, voi thần, thần sư tử…và nhiều tượng Phật khác để giới thiệu cho du khách trước khi vào tham quan ngôi đền. Những cổ vật được cho là có niên đại từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ 11.
Theo quan sát của chúng tôi, trước đền là hai hồ nước lớn, nước trong vắt. Người hướng dẫn cho biết, đã hàng nghìn năm nay, trong vách núi sau ngôi đền, một khe nước trong lòng núi chảy ra mát lạnh. Dòng nước này là nguồn nước sinh hoạt của các giáo sĩ, các nhà tu hành trông coi Wat Phou. Nguồn nước linh thiêng giúp cho các phật tử, du khách phương xa gột rửa bụi trần để tìm thấy sự thanh thản, an lành giữa chốn linh thiêng nơi cửa Phật. Nằm giữa hai hồ là con đường lát đá phía trước có tượng rắn thần chắn giữ. Hai bên đường là hai hàng trụ đá được tạc theo hình linga dẫn lối cho du khách đi vào.
Ở đây có hai ngôi đền lớn nằm đối xứng xây bằng đá sa thạch nguyên khối nặng hàng chục tấn được lắp ráp một cách tinh xảo. Hai ngôi đền đều quay mặt về hướng Đông để đón mặt trời mỗi sớm mai. Muốn lên đền thờ chính, du khách phải đi bộ và leo hàng trăm bậc cấp được xếp bằng đá sa thạch chồng lên nhau. Hai bên đường là hàng cây hoa chăm pa cổ thụ tỏa bóng mát với mùi hương dịu nhẹ.
Tồn tại hơn nghìn năm lịch sử, những gì còn lại cho thấy Wat Phou là một quần thể kiến trúc tôn giáo quan trọng, là nơi lưu giữ các giá trị về lịch sử và văn hóa Lào. Wat Phou không chỉ là điểm đến không thể bỏ qua của du khách nếu muốn tận mắt nhìn thấy vẻ đẹp kỳ vĩ độc đáo của kiến trúc công trình mà còn hấp dẫn bởi yếu tố tâm linh thần bí của vùng đất thiêng gắn liền với khát vọng về một cuộc sống bình yên của con người. Tới đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng công trình mang dấu ấn về di tích lịch sử, mà còn là tuyệt tác về kiến trúc và nghệ thuật tài hoa của người Lào xưa. Đến với Wat Phou, du khách như thấy yêu thêm đất nước Lào, đất nước của tình hữu nghị, thân thương, nghĩa tình…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)