Được hình thành và xây dựng từ đầu thập niên 40 thế kỷ trước, trải qua biết bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, đến nay chùa Cam Lộ (Quảng Trị) đã được trùng tu, xây dựng khang trang, trở thành địa điểm tâm linh được nhiều người ghé thăm. Nơi đây từng được Liên hiệp các tổ chức UNESCO Việt Nam công nhận “Việt Nam linh thiêng cổ tự”.
Năm 1940, khi Chi hội Phật giáo đầu tiên được thành lập ở huyện Cam Lộ, việc sinh hoạt phải mượn tạm nhà phật tử. Đến năm 1952, trước nhu cầu sinh hoạt tu học của đông đảo phật tử, chi hội mới tạo dựng được niệm phật đường riêng và chính thức lấy tên là chùa Cam Lộ trên khu đất phía nam đường quan 71, thuộc xóm Thượng Viên, làng Cam Lộ cũ (nay là đường Cần Vương, thị trấn Cam Lộ). Thời gian sau đó, số lượng phật tử ngày càng đông, chùa cứ thế mở rộng, tu bổ thêm. Thời kỳ phát triển nhất của chùa Cam Lộ có lẽ tính từ tháng 6/2001, khi Hòa thượng Thích Thiện Tấn được bổ nhiệm làm trụ trì. Nhận thấy chùa Cam Lộ đã cũ kỹ, hư hỏng quá nhiều, Hòa thượng Thích Thiện Tấn lúc bấy giờ đã phát nguyện, lập ra ban kiến thiết gồm các vị cao tăng, phật tử có uy tín để vận động kinh phí xây dựng lại chùa. Tháng 9/2002 chùa được khởi công, đến tháng 7/2006 thì khánh thành. Thời điểm này, chùa Cam Lộ là ngôi Đại hùng Bảo điện lớn và đẹp nhất tỉnh Quảng Trị nằm bên dòng sông Hiếu hiền hòa. Nơi đây vừa là trung tâm điều hành phật sự toàn huyện Cam Lộ, vừa là trung tâm văn hóa Phật giáo phía Tây Nam tỉnh Quảng Trị gồm các huyện Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa và phía tây huyện Gio Linh thời điểm bấy giờ.
Song hành cùng xu thế phát triển của xã hội, cùng sự lớn mạnh của Phật giáo Cam Lộ nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung, chùa Cam Lộ tiếp tục được những người kế tục cùng các tăng ni, phật tử trong và ngoài địa phương phát tâm nguyện, chung tay đại trùng tu. Từ năm 2011 - 2014, bảo tháp Giác Nhiên được xây dựng và hoàn thành với tổng kinh phí 15 tỉ đồng. Năm 2018, chùa Cam Lộ được đại trùng tu và hoàn thành vào năm 2020.
“Trải qua bao thăng trầm dâu bể của thời gian, chùa Cam Lộ qua nhiều lần xây dựng, trùng tu nay đã khang trang và uy nghiêm hơn trước nhiều. Với bề dày lịch sử, nơi đây trở thành trung tâm tâm linh quan trọng của địa phương, được nhiều tăng ni, phật tử và du khách biết đến”, Hòa thượng Thích Thiện Tấn chia sẻ.
Trong gần 100 năm qua, chùa Cam Lộ luôn đồng hành với người dân nơi đây, là chốn tâm linh quan trọng để họ gửi gắm khát vọng về cuộc sống an lành. Sau khi được đại trùng tu, điểm nhấn trong cảnh quan chùa Cam Lộ chính là ngôi bảo tháp Giác Nhiên. Vào năm 2016, ngôi bảo tháp này được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là “Bảo tháp thờ Phật và Xá lợi Phật cao nhất Việt Nam”. Bảo tháp Giác Nhiên cao 38 m gồm 10 tầng, ở mỗi tầng của bảo tháp đều thờ tượng Phật, riêng tầng thứ 10 thờ tượng Phật và có cả Xá lợi Phật. Đây không chỉ là niềm tự hào của chư tăng ni chùa Cam Lộ mà còn là niềm hãnh diện của cả người dân Quảng Trị.
Với kiến trúc đặc trưng cùng cảnh quan hài hòa, chùa Cam Lộ đã trở thành điểm đến tâm linh thu hút phật tử và du khách không chỉ trong vùng, trong tỉnh mà cả du khách ở nhiều nơi tìm đến lễ phật, tham quan, thưởng lãm. Đặc biệt, chùa Cam Lộ từng được Liên hiệp các tổ chức UNESCO Việt Nam công nhận là “Việt Nam linh thiêng cổ tự” bởi sự linh thiêng cũng như những giá trị lịch sử lâu đời mà chùa có được. Ông Nguyễn Văn Trương, ở Khu phố 8, thị trấn Cam Lộ là phật tử lâu năm của chùa Cam Lộ chia sẻ: “Từ khi chùa được đại trùng tu, lượng người đến tham quan, lễ phật nhiều hơn trước. Đặc biệt, việc sinh hoạt tín ngưỡng của chúng tôi cũng thuận tiện hơn. Đây là điều may mắn cho phật tử chúng tôi”.
Trụ trì chùa Cam Lộ, Đại đức Thích Viên Thành cho biết: “Song song với việc đem tâm đức, trí tuệ của nhà phật truyền bá rộng rãi nhằm giúp con người hướng thiện, tăng ni, phật tử của chùa luôn gắn bó với địa phương trong mọi hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo, chung tay góp sức cùng chính quyền địa phương xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
Từ ngôi chùa lâu đời của người dân trong vùng, chùa Cam Lộ đang trên hành trình trở thành khu du lịch tâm linh của tỉnh Quảng Trị. Mỗi năm, nơi đây đón hàng nghìn phật tử, du khách thập phương xa gần đến chiêm bái, tham quan.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)