Quảng Trị - Triệu Phong là một huyện đồng bằng không quá rộng nhưng có đến hơn 70 ngôi chùa lớn nhỏ, trong đó có ngôi tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang, nơi phát tích đạo Phật trên đất Quảng Trị. Với bề dày lịch sử của vùng địa linh, văn hóa Phật giáo đã thấm nhuần và hòa quyện cùng nếp sống của con người nơi đây.
"Phật giáo Triệu Phong xưa và nay" (NBX Hồng Đức, 2021, Thích Nguyên Mãn chủ biên) là ấn phẩm công phu với các bài viết về tổng quan lịch sử, kiến trúc của 50 ngôi chùa.
Sách kể về những câu chuyện xưa của chùa làng mà qua đó có thể hình dung phần nào về lịch sử mở làng, mở đất. Đó là những mái tranh tre nứa lá dựng chùa của đoàn người Nam tiến cùng Chúa Tiên Nguyễn Hoàng mở cõi. Hay một nữ nhân lập nên làng, sau khi dàn xếp cơ ngơi kiến tạo làng mạc thì quy y cửa Phật, trường chay cho đến khi mất. Vị nữ nhân ấy được phong thành hoàng làng.
Nhiều ngôi cổ tự còn dấu tích trong các làng quê Triệu Phong với ấn chỉ sắc chiếu vua ban. Đó là những ngôi chùa buổi đầu học đạo của các bậc về sau là cao tăng thạc đức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ sư khai sơn các ngôi chùa lớn ở Huế và nhiều nơi.
Những biến cố qua dặm dài chiến tranh đã ảnh hưởng đến sinh hoạt tu học của cộng đồng phật tử, nhưng lúc nào con người phật tử Triệu Phong cũng phụng sự đạo pháp và dân tộc.
Bên cạnh đó, những khảo sát về kiến trúc cho thấy chùa làng Triệu Phong đều được xếp vào trong chỉnh thể kiến trúc của làng quê, là một thiết kế quan trọng của làng, được làng coi trọng và trở thành tài sản thiêng liêng chung. Nhờ đó, buổi đầu xa xưa, có nhiều làng đồng nhất chùa và ban hương sự làm một. Sóc vọng lễ vía của chùa được xem là nghi lễ của làng. Nhiều làng, khi chưa dựng được chùa thì tượng Phật thiết trí tại đình làng hoặc nhà thờ họ tộc.
Các câu chuyện nhiệm mầu thiêng liêng ở các chùa cũng được kể lại chân thật. Đó là chuyện chùa làng dựng trên động cát, mỗi mùa gió thốc hay mưa xối đất cát lại bị rửa trôi, lồ lộ ra những tượng phật. Giặc Pháp biết chuyện cho ghe vào chở đi. Nhưng rồi lại mưa gió, tượng phật lại trồi lên nên người dân gọi là chùa Phật Lồi.
Hay những bảo pháp, pháp khí, tượng phật, chuông chùa bị thất lạc, tứ tán do chiến tranh về sau được trả lại. Những câu chuyện ấy có tính kết nối quá khứ hiện tại, và hiển minh những vấn đề nhân văn về đức tin, sự tha thứ.
"Phật giáo Triệu Phong xưa và nay" tuy là cuốn sách đầu tiên về các ngôi chùa trên đất Triệu Phong, nhưng được thực hiện bài bản, công phu, trình bày mỹ thuật sang trọng. Các vấn đề trong sách cũng không bó hẹp trong khuôn khổ nhà chùa, mà rộng hơn, mang tính tham chiếu địa chí, thiết thực đối với việc nghiên cứu lịch sử văn hóa vùng đất Triệu Phong.