Ngày 19/11/2021 Phật giáo huyện Triệu Phong (Quảng Trị) giới thiệu và ra mắt sách “Phật giáo Triệu Phong xưa & nay” được tổ chức tại hội trường Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang (Tiểu khu 3 – thị trấn Ái tử - huyện Triệu Phong – tỉnh Quảng Trị). Sách do Đại đức Thích Nguyên Mãn chủ biên.
Quang cảnh trang nghiêm với sự hiện diện có chư tôn đức Tăng- Ni tỉnh nhà, các nhân sĩ trí thức, các học giả cùng quý quan khách chính quyền, Phật tử đại diện các đạo tràng tỉnh Quảng Trị.
Trước hội chúng, Đại đức Thích Nguyên Mãn – Trưởng Ban trị sự Phật giáo Triệu Phong, chủ biên cuốn sách đã giới thiệu bước đầu khai mở tìm về sự du nhập phát triển Phật giáo xứ sở này trước khi Chúa Nguyễn Hoàng vào đây mở mang bờ cõi. Với mong muốn có cái nhìn tổng quan về một hành trình dài suốt bao thế kỷ, kể từ khi đạo Phật hiện diện trên mảnh đất này, chúng tôi mạo muội thực hiện công trình tác phẩm về các ngôi chùa tại miền quê.
Đại đức cũng chia sẻ: “Với tâm nguyện phụng sự đạo pháp, từ khi ở Sài Gòn trở về, thầy đã ấp ủ tâm nguyện viết về mảnh đất này. Và hơn 10 năm sau nó đã trở thành hiện thực, dấu chân thầy cũng đã bước xuyên suốt những con đường làng trong huyện để tìm hiểu và viết lên tác phẩm này.
Dù đã cố gắng nhưng chỉ đáp ứng được một số thông tin, sử liệu, ngõ hầu làm tư liệu tham chiếu cho các công trình toàn hiện hơn về sau, khó tránh khỏi sai sót mong chư vị tôn đức tùy hỉ, mong nhận cũng như đóng góp những ý kiến xây dựng từ quý độc giả”.
Đại đức cũng tán dương công đức của các nhà nghiên cứu, các cộng tác viên, quý đạo hữu Phật tử đã ủng hộ từ vật chất đến tin thần để tác phẩm được hoàn thiện như hôm nay.
Quyển sách này bước đầu ra mắt tuy chưa đầy đủ các chùa trong huyện, chưa đủ tư liệu khi nghiên cứu, với thời đại công nghệ số, phải cần có cái gì để giữ gìn và phát triển hiện tại và mai sau về văn hóa dân tộc và sự phát triển bền vững dân tộc.
Nhà giáo Hoàng Công Hiền là người đã cùng với Đại đức Thích Nguyên Mãn cộng tác trong cuốn sách bộc bạch: Con là người thân cận với thầy Nguyên Mãn, chính Đại hội Phật giáo 2016 đã nhen nhóm hình thành thai nghén cuốn sách, thầy trò quyết tâm phải làm lại lịch sử các ngôi chùa và bắt tay ngay từ đây. Từ đó khó khăn cũng bắt đầu và mãi đến năm 2021 quá trình vận động các ngôi chùa cũng đã hoàn thành sử liệu, để hôm nay có cuốn sách như bây giờ.
Nhà văn Hoàng Công Danh tâm sự, anh đã biết về tác phẩm từ lâu, chính anh đã cùng thầy Nguyên Mãn xây dựng web Phatgiaoquangtri.com từ nhân duyên 9 năm trước, dần dần thu thập thông tin, cũng có bài viết rất tốt, cùng thầy sửa những bài viết để hoàn thiện tác phẩm. Chuẩn bị kỹ lưỡng để ra một ấn phẩm không hoàn toàn là Phật pháp mà còn là lịch sử là khoa học mà ai ai cũng đọc được, người đọc sẽ có cái nhìn mới về Phật giáo và đời sống tâm linh của người con Phật.
Nhà báo Nguyễn Hoàn - Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Quảng Trị cũng phát biểu chúc mừng Phật giáo Triệu phong đã làm được một Phật sự tốt đẹp. Tất cả chúng ta đang sống trên mảnh đất địa linh nhân kiệt, Phật giáo đã sản sinh ra nhưng bậc nhân tài, công trình đón nhận hôm nay đã có những bài viết về lịch sử về các ngôi chùa Triệu phong, công sức mồ hôi trí tuệ đã đổ ra ở đây không chỉ có lịch sử Phật giáo mà còn lịch sử ra đời của làng quê Triệu Phong. Đây không chỉ đơn thuần là văn hóa Phật giáo mà còn là tình cảm của người Triệu phong luôn giữ gìn văn hoá của những ngôi chùa quê.
Hoà thượng Thích Hải Tạng chia sẻ: Tôi rất hoan hỉ và tán thán công đức quý vị đang có mặt ở đây, vì không có người yêu nước nào mà không yêu lịch sử, không ai yêu lịch sử mà không nghiên cứu về Phật giáo. Từ mối tương quan đó đã góp phần thành công cho cuốn sách hôm nay, tuy chưa đọc nhưng tôi biết chư tôn đức đã bỏ nhìu công sức để hoàn thành tác phẩm này. Chiến tranh hủy diệt ngôi chùa nhưng không thể huỷ diệt ngôi chùa trong lòng Phật tử. Đây là đứa con đầu lòng và mong muốn rằng đứa con thứ hai sẽ mang đậm hơn về lịch sử huyện nhà.
Được biết, cuốn sách được giới thiệu trước một ngày diễn ra Đại hội Phật giáo huyện Triệu Phong, là huyện cuối cùng trong tỉnh tổ chức đại hội để kiện toàn nhân sự cho Đại hội Phật giáo tỉnh vào đầu năm sau.
(Nguồn: Phật giáo Quảng Trị)