Tín dụng chính sách từ lâu là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội mà Đảng và Nhà nước đề ra.
Trong vai trò là đơn vị nhận ủy thác nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp đã nỗ lực đưa nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ đến với các đối tượng phụ nữ khó khăn. Nhờ đó, nhiều chị em phụ nữ không chỉ có điều kiện phát triển kinh tế mà còn nâng cao vị thế của mình trong gia đình và xã hội.
Xác định rõ điều này, Hội LHPN các cấp trong toàn tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực triển khai thực hiện hoạt động ủy thác và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhờ được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi nên ngày càng nhiều hội viên phụ nữ vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng. Riêng tại huyện Vĩnh Linh, Hội LHPN các cấp đang dẫn đầu hoạt động ủy thác với 6 điểm bao gồm dư nợ cao nhất, số khách hàng nhiều nhất, số Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) nhiều nhất; nợ quá hạn thấp nhất; số thành viên nhiều nhất; số Tổ TK&VV được xếp loại tốt nhất và thành viên tham gia tiết kiệm cao nhất.
Tổng dư nợ ủy thác của đơn vị tính đến nay là 146,919 tỉ đồng với 78 Tổ TK&VV, không có dư nợ quá hạn. Thông qua hoạt động ủy thác với Ngân hàng CSXH huyện, Hội LHPN các cấp của huyện Vĩnh Linh đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho phụ nữ, nhất là hộ gia đình phụ nữ nghèo, cận nghèo có cơ hội tiếp cận trực tiếp với nguồn vốn vay thuận lợi, giúp chị em tự chủ trong phát triển kinh tế, nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội.
Tính đến ngày 31/8/2021, tổng doanh số cho vay ủy thác qua kênh của Hội LHPN các cấp trong toàn tỉnh đạt 1,643 tỉ đồng với 41,075 lượt khách hàng vay vốn tại 725 Tổ TK&VV. Tổng dư nợ đạt 1,380 tỉ đồng với 28,411 khách hàng còn dư nợ. Chất lượng tín dụng tốt với số nợ quá hạn là 876 triệu đồng, chiếm tỉ lệ 0,06 dư nợ ủy thác. Số dư tiết kiệm thông qua Tổ TK&VV đạt 88,26 tỉ đồng, với sự tham gia của 28.397 hộ vay vốn chiếm 99,99%.
Để có được kết quả này, Hội LHPN các cấp đã nỗ lực thực hiện tốt nội dung công việc do Ngân hàng CSXH ủy thác như thông báo, phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến các đối tượng được thụ hưởng; hướng dẫn thành lập và quản lý Tổ TK&VV, hướng dẫn và giám sát việc bình xét công khai các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng có nhu cầu vay vốn; cùng với Ban quản lý Tổ TK&VV hướng dẫn và kiểm tra việc sử dụng vốn vay, đôn đốc người vay trả nợ, trả lãi đúng hạn, gửi tiền tiết kiệm theo quy ước hoạt động của tổ.
Nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hội làm công tác ủy thác và cán bộ tổ TK&VV cũng như chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV, tạo nền tảng bền vững của hoạt động ủy thác, Hội LHPN các cấp đã chủ động phối hợp với Ngân hàng CSXH tổ chức 141 lớp tập huấn cho trên 3.700 người là tổ trưởng, tổ phó trong Ban Quản lý Tổ TK&VV về kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý tín dụng; hướng dẫn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn vay đúng mục đích, áp dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để đạt hiệu quả đồng vốn, bảo toàn nguồn vốn.
Chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, không để xảy ra hiện tượng lợi dụng vốn tín dụng chính sách trong quá trình thực hiện. Nhờ vậy mà chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV của hội phụ nữ không ngừng được tăng lên. Có thể nói hoạt động tín dụng chính sách đã giúp hội viên phụ nữ cải thiện cuộc sống, vai trò của tổ chức hội ngày càng nâng cao.
Theo số liệu thống kê của Hội LHPN tỉnh Quảng Trị, từ năm 2016 đến nay, đã có gần 3.400 hộ gia đình do hội viên phụ nữ làm chủ mạnh dạn làm ăn và vươn lên thoát nghèo. Gia đình chị Hồ Thị Bàn, hiện sống tại thôn Klu, xã Đakrông, huyện Đakrông là hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã được vay vốn 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để đầu tư trồng 2 ha tràm và mua một con bò.
Chị Bàn phấn khởi cho biết: “Tôi chưa từng nghĩ gia đình mình sẽ có cuộc sống như bây giờ. Tất cả đều nhờ có nguồn vốn ưu đãi mà Ngân hàng CSXH dành cho người dân chúng tôi”. Cũng như chị Bàn, hoàn cảnh gia đình chị Nguyễn Thị Nhàn, hiện sống tại xã Hải Thái, huyện Gio Linh từng rất khó khăn. Thông qua sự hỗ trợ của Hội LHPN xã, chị được vay vốn từ Ngân hàng CSXH để khởi nghiệp với nghề nuôi ong. Đến nay chị Nhàn dành dụm xây được một ngôi nhà khang trang, sắm được ô tô riêng và hai chiếc xe tải, chuyên đi thu mua mật trên toàn quốc.
Thời gian tới, Ngân hàng CSXH sẽ tiếp tục phối hợp với Hội LHPN các cấp, chính quyền cùng các ban ngành liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương, chính sách tín dụng của Đảng và Nhà nước và các kênh cung ứng vốn tín dụng chính thức để hội viên, phụ nữ tiếp cận với các dịch vụ tài chính lành mạnh; cảnh giác với các thủ đoạn, phương thức hoạt động tín dụng đen.
Đồng thời rà soát, nắm chắc nhu cầu vay vốn của hội viên, phụ nữ, nhất là các đối tượng phụ nữ nghèo làm chủ hộ, phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo để vận động, hỗ trợ chị em được tiếp cận với các gói tín dụng ưu đãi của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh để phát triển sản xuất. Tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo, phụ nữ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận vốn vay một cách hiệu quả, thoát nghèo bền vững.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)