* HOÀNG NAM, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị
Xác định công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ là nhiệm vụ quan trọng, trong những năm qua các cấp ủy, chính quyền và các địa phương trong tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả các kế hoạch, đề án, nghị quyết, chương trình hành động về công tác cán bộ nữ và hoạt động bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tầng lớp phụ nữ vươn lên trong học tập, lao động, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và tích cực tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trên lĩnh vực kinh tế, phụ nữ tiếp tục phát huy vai trò làm chủ, tham gia tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng khu vực phi nông nghiệp, giảm tỉ trọng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp. Trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm 33% trong tổng số doanh nghiệp của tỉnh. Chiếm 55% trong tổng số lực lượng cán bộ, viên chức ngành giáo dục, dù ở cương vị lãnh đạo, quản lý hoặc trực tiếp giảng dạy, chị em đều tích cực trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin, hết lòng vì học sinh thân yêu, nhiều học sinh đoạt giải cao tại các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế. Với 2.360 nữ cán bộ, nhân viên, chiếm 68,6% tổng số cán bộ ngành y tế với lực lượng hùng hậu cả về số lượng và chất lượng, chị em không ngừng học tập trau dồi nghiệp vụ và y đức để đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân....
Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, chị em tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, chủ động tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, tích cực tham gia các phong trào quần chúng giữ gìn trật tự an toàn xã hội và bảo vệ an ninh Tổ quốc. Kiên quyết đấu tranh chống âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn của các thế lực thù địch, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, là hậu phương vững chắc cho những người thân đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục duy trì mối quan hệ hữu nghị truyền thống với các tỉnh Savannakhet, Salavan của nước bạn Lào, tỉnh Mucđahan - Vương quốc Thái Lan trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây.
Bên cạnh đó, phụ nữ ngày càng ý thức được quyền và trách nhiệm của mình trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể triển khai nội dung của nghị quyết và chương trình hành động nhằm tăng tỉ lệ nữ tham gia trong lĩnh vực chính trị. Tỉ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy, ban thường vụ các cấp, đại biểu HĐND ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Tỉ lệ phụ nữ giữ các vị trí chức danh lãnh đạo trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị tăng so với nhiệm kỳ trước.
Hiện toàn tỉnh có 1 phụ nữ là đại biểu Quốc hội khóa XV; 88 phụ nữ là đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện; 597 phụ nữ là đại biểu HĐND cấp xã. Cán bộ nữ lãnh đạo thuộc sở, ban, ngành có 15 người, có 2 cán bộ nữ lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố. Lãnh đạo cấp phòng thuộc sở hoặc tương đương có 68 người. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nữ trong hệ thống chính trị các cấp được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị vững vàng và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Có thể khẳng định, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó vai trò nòng cốt là tổ chức hội phụ nữ, hoạt động bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của địa phương.
Nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ và nam giới tham gia thụ hưởng bình đẳng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2021-2030.
Kế hoạch hướng đến việc nâng cao vị thế và quyền năng của phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh. Theo đó, mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Tăng tỉ lệ lao động nữ làm công hưởng lương lên đạt 40% vào năm 2025 và khoảng 45% vào năm 2030. Giảm tỉ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp so với tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 42% vào năm 2025 và dưới 37% vào năm 2030. Tỉ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới.
Từng bước xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; duy trì mức giảm số cuộc tảo hôn từ 2% đến 3% hằng năm giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030. Kế hoạch cũng đặt ra các chỉ tiêu trên lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thông tin, truyền thông…đồng thời đề ra các giải pháp cụ thể đối với từng chỉ tiêu để triển khai thực hiện.
Một số giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của cơ quan, chính quyền, đoàn thể các cấp về công tác cán bộ nữ và chú trọng quy hoạch cán bộ nữ; hỗ trợ nâng cao năng lực cho nữ lãnh đạo trẻ thông qua các chương trình, dự án, chính sách; tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận và tham gia nâng cao năng lực bản thân. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ nữ theo lộ trình chặt chẽ từ cấp cơ sở, tăng cường công tác quy hoạch dài hạn đối với cán bộ quản lý, lãnh đạo nữ. Thực hiện tốt khâu tuyển chọn, quan tâm sử dụng, bố trí, luân chuyển, đề bạt cán bộ nữ, có cơ chế thích hợp đảm bảo sự tham gia chính trị của phụ nữ tăng thực chất và có hiệu quả. Hoàn thiện và củng cố hệ thống thông tin thị trường lao động giúp người lao động mỗi giới, đặc biệt là phụ nữ có định hướng nghề nghiệp, lựa chọn ngành nghề phù hợp, góp phần làm giảm khoảng cách giới trong việc làm theo từng lĩnh vực ngành kinh tế. Xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động và đào tạo nghề có tách biệt theo giới tính, mở rộng mạng lưới giới thiệu việc làm trong toàn tỉnh, giúp cho phụ nữ được tiếp cận với các cơ hội việc làm tốt hơn. Có các chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao trình độ học vấn và chuyên môn cho lao động nữ.
Nâng cao nhận thức và thay đổi các định kiến về giới, đẩy mạnh việc xây dựng gia đình văn hóa, trong đó nhấn mạnh tiêu chí bình đẳng giới trong gia đình. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em. Tiếp tục xây dựng và duy trì các mô hình hiệu quả như: Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, mô hình phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, nhà tạm lánh, xây dựng quy ước thôn không có tảo hôn, các mô hình sửa đổi hương ước, quy ước bất bình đẳng, đặc biệt thu hút sự tham gia tích cực của nam giới vào các hoạt động này….
Việc triển khai thực hiện thành công kế hoạch này góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tiếp xúc việc lồng ghép giới trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật, chương trình, kế hoạch, dự án, các hoạt động của sở, ngành, đơn vị, tổ chức, địa phương. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp, sự tham gia của mỗi cá nhân, từng gia đình và cả cộng đồng đối với công tác bình đẳng giới. Huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)