Cần có chính sách phù hợp để nâng cao chất lượng nhân lực ngành y tế

Tuệ Anh |

Nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến công tác, đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, ngày 31/5/2013, HĐND tỉnh Quảng Trị ban hành Nghị quyết số 12/2013/NQ-HĐND quy định một số chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng của tỉnh giai đoạn 2013-2020. 

Tiếp đến, ngày 27/2/2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 10/2014/QĐ-UBND về quy chế xét tuyển đặc biệt trong tuyển dụng công chức; xét tuyển và xét tuyển đặc cách trong tuyển dụng viên chức của tỉnh. Từ chủ trương và quy định cụ thể của tỉnh, ngành y tế đã có những nỗ lực rất lớn trong đào tạo, thu hút đội ngũ bác sĩ, dược sĩ đại học có chất lượng về công tác tại tỉnh nhằm nâng cao năng lực khám chữa bệnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Chính sách trên đã tạo được sự đồng thuận cao, góp phần bổ sung kịp thời về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực y tế. Trong giai đoạn từ 2013 đến 2021, ngành y tế thu hút được 131 bác sĩ và 2 dược sĩ đại học; đào tạo 100 bác sĩ, dược sĩ đại học chính quy và 150 bác sĩ, dược sĩ liên thông đại học. Đào tạo sau đại học gồm tiến sĩ, thạc sĩ, chuyên khoa II, chuyên khoa I cho 157 người. Đãi ngộ hàng tháng cho 643 bác sĩ, dược sĩ có trình độ đại học trở lên đang công tác tại tuyến điều trị và dự phòng trên toàn tỉnh.

 

Theo đánh giá, qua 7 năm triển khai chính sách thu hút nguồn nhân lực theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh và Quyết định số 10 của UBND tỉnh, nguồn nhân lực của ngành y tế Quảng Trị có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng. Qua đó khẳng định được thành công của chính sách về xây dựng nguồn nhân lực ngành y tế của Quảng Trị, nhất là trong điều kiện cạnh tranh gay gắt về nguồn nhân lực chất lượng cao của các bệnh viện công lập đã tự chủ hoàn toàn ở các đô thị phát triển.

Tuy nhiên, theo Sở Y tế, hiện nay đa số bác sĩ đa khoa phục vụ tại tuyến huyện, xã được đào tạo liên thông từ y sĩ. Trong khi đó theo quy định tại Nghị định 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo cán bộ, công chức, viên chức thì viên chức không thuộc đối tượng được đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học mà chỉ được đào tạo sau đại học nên việc tiếp tục đào tạo liên thông lên đại học cho đội ngũ y tế tuyến xã mới có trình độ y sĩ rất khó. Trong lúc ngành rất cần đào tạo bác sĩ liên thông để phục vụ tuyến xã. Nếu không giải quyết được vướng mắc này, đến năm 2025, dự kiến có 77 bác sĩ đến tuổi về hưu, khi đó hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là tuyến xã rơi vào tình trạng không có bác sĩ làm việc, hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc thiếu bác sĩ đa khoa, bác sĩ có trình độ chuyên môn sâu khiến ngành y tế khó khăn trong việc triển khai, cung cấp các dịch vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân tại một số địa phương trong tỉnh cũng như triển khai các chuyên khoa sâu, kỹ thuật cao.

Về đào tạo bác sĩ, trong những năm qua, tỉnh có cơ chế đào tạo bác sĩ chính quy theo diện địa chỉ từ ngân sách tỉnh. Để đào tạo bác sĩ tại Trường Đại học dân lập Võ Trường Toản, tỉnh Hậu Giang, mỗi bác sĩ ra trường tỉnh phải chi phí 300 - 360 triệu đồng nhưng chất lượng đào tạo chưa đạt như mong muốn. Bác sĩ đào tạo theo hợp đồng tại Trường Đại học Y Dược Huế có chất lượng nhưng đầu vào rất ít, đa số sau tốt nghiệp, họ sẵn sàng đền bù, chịu phạt vi phạm hợp đồng để vào miền Nam vì môi trường làm việc thuận lợi và thu nhập cao hơn. Công tác đào tạo sau đại học của ngành y tế cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Tỉ lệ đào tạo sau đại học của ngành hiện nay chỉ đạt gần 9% (302/3.364 người), trong khi chỉ tiêu của tỉnh giao là phải đạt từ 15% - 30% có trình độ sau đại học, tương đương từ 500-1.000 người.

Cùng với đó, công tác thu hút, tuyển dụng bác sĩ tuy đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn những bất cập. Từ năm 2014 đến năm 2021 có 131 bác sĩ về tỉnh công tác thì có đến 114 bác sĩ đa khoa về Bệnh viện Đa khoa tỉnh, số còn lại về các đơn vị khác của tuyến tỉnh. Chỉ duy nhất 1 trường hợp bác sĩ đa khoa về tuyến huyện tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh. Hầu như bác sĩ đa khoa không muốn về công tác tại tuyến huyện, xã.

Bên cạnh đó, mức hỗ trợ thu hút theo Nghị quyết 09/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 31/5/2013 của HĐND tỉnh) còn thấp hơn nhiều so với các tỉnh khác. Trong khi Quảng Trị hỗ trợ thu hút đối với bác sĩ về làm việc tại tỉnh là 11,5 triệu đồng/người thì Đồng Nai hỗ trợ từ 100 - 150 triệu đồng/người; Bình Phước, Phú Yên từ 150- 200 triệu đồng/người; Đắk Nông từ 180- 220 triệu đồng/người… Tương tự, thu hút đối với bác sĩ trình độ sau đại học của Quảng Trị cũng thấp so với các tỉnh khác. Ngoài ra, phụ cấp ưu đãi nghề cho bác sĩ và chính sách ưu đãi của tỉnh theo Nghị quyết 09 còn thấp.

Kết quả sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh đã khẳng định được mặt tích cực trong chính sách thu hút nguồn chất lượng cao của ngành y tế. Tuy nhiên, bên cạnh đó chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, vậy nên rất cần thiết có nghị quyết mới phù hợp với tình hình thực tế để tiếp tục phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao của tỉnh. Cụ thể ngành y tế đề nghị tỉnh cần có chính sách thu hút, đào tạo tối ưu hơn nữa để xây dựng đội ngũ y tế tỉnh đủ về số lượng, có chất lượng đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân giai đoạn 2022-2026 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, phấn đấu đạt 11 bác sĩ/vạn dân vào năm 2025. Thu hút thêm nữa bác sĩ đa khoa hệ chính quy về công tác tại tuyến huyện; đào tạo bác sĩ hệ liên thông bằng nguồn kinh phí tự túc hoặc kinh phí của đơn vị sự nghiệp công lập, không sử dụng ngân sách nhà nước. Thu hút bác sĩ chuyên khoa cấp I, II, thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư y học về công tác tại tỉnh. Duy trì đãi ngộ cho bác sĩ, dược sĩ đại học công tác tại các tuyến để giữ chân nguồn nhân lực có chất lượng. Tiếp tục đào tạo chuyên sâu, sau đại học, phấn đấu đạt tỉ lệ 12% người có trình độ sau đại học/tổng số viên chức; nâng cao năng lực cho bác sĩ, nhân viên y tế, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hơn khi nào hết, ngành y tế Quảng Trị đang chờ đợi tỉnh ban hành chính sách mới phù hợp hơn để có thêm điều kiện củng cố, phát triển, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Ngành giáo dục và đào tạo Hải Lăng chủ động ứng phó với thiên tai

Hoài Nhung |

Ngành giáo dục và đào tạo Hải Lăng (Quảng Trị) luôn đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng và triển khai các phương án phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Từ đầu năm học 2021 - 2022, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện và các trường học đã chủ động xây dựng kế hoạch, linh hoạt trong tổ chức thực hiện phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, cơ sở vật chất trường, lớp và tổ chức việc dạy, học đạt kết quả cao.

Tạm dừng hoạt động một số Tổ kiểm tra phòng chống dịch COVID-19 liên ngành

PV |

UBND tỉnh Quảng Trị vừa có quyết định tạm dừng hoạt động các chốt kiểm tra y tế phòng, chống dịch Covid-19 và Tổ kiểm tra liên ngành tại các Cảng cá.

Nỗ lực ‘phá băng’, làm ‘nóng’ ngành công nghiệp không khói

Thế Phong-Minh Trang |

Với nỗ lực phục hồi hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, các tỉnh Thừa Thiên Huế, Khánh Hoà tích cực chuẩn bị cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và các giải pháp phòng chống dịch bảo đảm an toàn khi đón khách trong nước và quốc tế.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành GD&ĐT: Vừa thiếu vừa thừa

Tú Linh |

Ngày 27/10/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam chủ trì cuộc họp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Sở Nội vụ về quản lý số người làm việc hưởng lương ngân sách và việc chuyển đổi cơ chế tài chính của các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh.