Cách đây 40 năm ngày 7/11/1981, xuất phát từ tâm nguyện thiết tha của các thế hệ tăng, ni, phật tử Việt Nam, 9 tổ chức giáo hội, hệ phái phật giáo trong toàn quốc gồm: Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất; Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam; Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh; Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam; Giáo hội Phật giáo Thiên Thai Giáo quán; Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam; Hội Sư sãi yêu nước miền Tây Nam bộ và Hội Phật học Nam Việt thành lập một tổ chức Phật giáo duy nhất với tên gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Theo đề nghị của Ban Tôn giáo Chính phủ; Bộ trưởng Tổng thư ký Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ký Quyết định số 83/QĐ-BT ngày 29/12/1981 cho phép thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN). Sự ra đời của GHPGVN là một dấu mốc lịch sử của giáo hội, là một sự kiện kế thừa và tiếp nối xứng đáng truyền thống hơn 2000 năm truyền bá giáo lý Phật Đà trên đất nước Việt Nam. Lần đầu tiên, tất cả các hệ phái, các tổ chức phật giáo đều tự nguyện, dân chủ, lấy tứ chúng đồng tu để làm cở sở tham gia vào một giáo hội duy nhất đó là GHPGVN. Việc ra đời của GHPGVN là sự thống nhất về tổ chức và lãnh đạo, sự thống nhất về ý chí và hành động để hoằng pháp lợi sinh, đem đạo vào đời góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, tạo dựng cuộc sống hòa bình, an lành và hạnh phúc.
Trong lịch sử phát triển của mình, Phật giáo đã để lại nhiều di sản văn hóa vật chất và tinh thần có giá trị đặc sắc, đó là: Giá trị hòa hợp đại chúng trên tinh thần từ, bi, hỷ, xả là một nhân tố căn bản, sâu xa đã góp phần làm nên tinh thần đoàn kết, nhân ái và hòa hiếu dân tộc. Nhờ đó, trong lịch sử nhân loại, hiếm có một đất nước nào chịu đựng nhiều cuộc chiến tranh lại là nơi chung sống hòa hợp của nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo như ở nước ta. Tinh thần cứu khổ độ sinh của nhà Phật gắn chặt trong ý chí kiên cường của người dân Việt Nam đã rèn đúc nên bản lĩnh khoan dung để lịch sử trường kỳ của dân tộc ta không phải là lịch sử truyền kiếp của thù hận, xung đột. Đó là di sản quý báu do tư tưởng Phật giáo chảy chung dòng hòa quyện với truyền thống dân tộc với những đặc trưng khiêm tốn, hài hòa, vừa phù hợp với không gian tâm linh, vừa gắn bó hữu cơ với môi trường thiên nhiên và có sự đóng góp xứng đáng vào kho tàng văn hóa phong phú và độc đáo của dân tộc.
Trải qua 40 năm hình thành và phát triển của GHPGVN, GHPGVN tỉnh Quảng Trị luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và hướng dẫn của Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Tôn giáo tỉnh, cùng với sự nỗ lực cố gắng khắc phục khó khăn GHPGVN tỉnh vươn lên hòa nhịp trong tiến trình đổi mới của đất nước. GHPGVN tỉnh ngày càng hoàn thiện, ổn định, thống nhất và vận hành có hiệu quả. Cơ sở vật chất, nơi sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của tăng, ni, phật tử ngày càng được tăng cường xây dựng mới, trùng tu sửa chữa khang trang. Hiện toàn tỉnh có 1 Ban Trị sự với gần 60 thành viên; 9 Ban đại diện Phật giáo các huyện, thị xã, thành phố; trên 200 cơ sở giáo hội; gần 200 chùa, niệm phật đường; tịnh xá và tổ đình với trên 300 tăng, ni và 100.000 phật tử luôn yên lòng tu học, phụng sự đạo pháp, dân tộc và phụng sự giáo hội với phương châm: Đoàn kết hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm giáo hội. Nội dung hoạt động phật sự của giáo hội dần được đổi mới gắn với những phong trào thi đua yêu nước “Ích đời, lợi đạo”, thực hiện cứu hộ độ sinh, vận động các tăng, ni, phật tử sống tuân thủ pháp luật Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện, giúp đỡ người yếu thế, góp phần xóa đói giảm nghèo, thực hiện cuộc sống văn minh, tiến bộ tại cộng đồng.
Trong 5 năm qua, đặc biệt là từ năm 2019 - 2021, bằng nguồn đóng góp của các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện xã hội trong và ngoài nước, Ban Từ thiện xã hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị đã vận động hơn 50 tỉ đồng, hàng chục ngàn suất quà ủng hộ đồng bào bị thiên tai, dịch bệnh, xây dựng nhà trẻ, hỗ trợ lương giáo viên mầm non; tặng học bổng, tặng quà cho hàng ngàn đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Kết quả của những việc làm nêu trên càng khẳng định GHPGVN tỉnh luôn gắn bó giữa đạo với đời, là một tôn giáo có truyền thống yêu nước gắn bó với dân tộc, với chủ nghĩa xã hội.
Trong xu thế hội nhập quốc tế, quá trình đổi mới và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm đến vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo và xác định: Tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Tín ngưỡng tôn giáo còn tồn tại lâu dài và đồng hành với dân tộc trong quá trình xây dựng xã hội mới. Đảng, Nhà nước ta trước sau như một tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân, đảm bảo cho các tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật. Không ngừng chăm lo phát triển KT - XH, tạo điều kiện cho đồng bào có đạo và chức sắc các tôn giáo thực hiện tốt việc tu hành chân chính và làm tròn bổn phận của công dân với Tổ quốc vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Trước những yêu cầu của sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước, GHPGVN tỉnh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, hòa hợp, trau dồi giới, định, tuệ, trưởng dưỡng đạo tâm, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng và năng lực hoạt động của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh; đổi mới chương trình phật sự, tham gia tích cực những vấn đề an sinh xã hội của tỉnh, góp phần tạo sự an lạc trong vật chất, tinh thần và tôn vinh giá trị đạo đức tốt đẹp, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Với sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh, cùng đường hướng hành đạo theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, với tinh thần yêu nước, hòa hợp dân tộc, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của GHPGVN, tin tưởng rằng GHPGVN tỉnh cùng với tăng, ni, phật tử cả nước gắn bó với dân tộc đoàn kết, hòa hợp, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng bảo vệ đất nước, thực sự xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam “Đoàn kết, Hộ quốc, an dân”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)