Ngày 26/11, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam và Đại học Indiana (Hoa Kỳ) tổ chức Diễn đàn toàn quốc “Đối thoại phát triển địa phương năm 2022” với chủ đề “Công nghiệp văn hóa, du lịch và phát triển địa phương”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì diễn đàn. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường cùng đại diện lãnh đạo hơn 50 tỉnh, thành phố, các chuyên gia trong và ngoài nước, thảo luận vấn đề, giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch gắn với phát triển địa phương.
Phát biểu tại Diễn đàn, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhận định: Chúng ta đều nhận thức rõ rằng, để phát triển các ngành công nghiệp văn hoá bền vững, cần bảo đảm giá trị tinh thần, mục tiêu nhân văn của văn hóa đồng thời phải đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi và thích ứng với quy luật cạnh tranh khắc nghiệt của kinh tế thị trường. Việc khai thác, phát huy để tạo ra những giá trị kinh tế của di sản văn hóa phải luôn đi đôi với bảo tồn, tôn tạo; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại, giữa dân tộc và quốc tế trong quá trình phát triển. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021 đã thể hiện nổi bật quan điểm nhất quán, xuyên suốt: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam là động lực quan trọng góp phần hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Do đó, tại Diễn đàn này, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng như doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ thông tin, bài học kinh nghiệm, những mô hình hay, cách làm sáng tạo và kiến nghị giải pháp chính sách trong việc thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa, du lịch trở thành động lực ngày càng quan trọng cho sự phát triển của các địa phương, vùng, miền và cả nước...
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã nghe Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thông tin chuyên đề về công nghiệp văn hoá, du lịch và phát triển địa phương. Bộ trưởng khẳng định, thời gian qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển du lịch gắn với phát triển địa phương. Trong số đó đáng chú ý là Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cùng với Nghị quyết này, Luật Du lịch 2017 cũng là văn bản hết sức quan trọng, góp phần để du lịch phát triển gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc, tài nguyên thiên nhiên, khai thác lợi thế từng địa phương cũng như tăng cường liên kết vùng. Bên cạnh đó, Quyết định 147/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng là các văn bản chỉ đạo để phát triển ngành kinh tế công nghiệp du lịch đất nước hiện nay và trong những năm tới.
Hai chuyên gia là Giáo sư, Tiến sỹ Joana Woronkowicz (Đại học Indiana Hoa Kỳ) trình bày về “Phát triển kinh tế và các công trình văn hoá”; Giáo sư, Tiến sỹ Julia Gamster (Đại học RMIT) trình bày nội dung “Văn hoá và du lịch: Thách thức về sáng tạo” đã góp phần gợi mở những vấn đề liên quan đến chủ đề diễn đàn. Các đại biểu đã thảo luận bàn tròn, trao đổi kinh nghiệm ở một số một số địa phương cũng như giải pháp để gắn kết, phát triển các địa phương trong hoạt động công nghiệp văn hóa, du lịch và phát triển địa phương.
Diễn đàn toàn quốc về đối thoại phát triển địa phương là sự kiện thường niên, kênh đối thoại về các vấn đề phát triển địa phương, cập nhật những thành tựu, khó khăn trong công tác lãnh đạo địa phương và hợp tác liên kết vùng, vì mục tiêu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội địa phương, tạo động lực cho sự cất cánh phát triển trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn tới năm 2045. Diễn đàn cũng góp phần tạo kết nối giữa Trung ương và địa phương, chia sẻ hoạch định chính sách của các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp hàng đầu, chuyên gia, nhà nghiên cứu cao cấp, tổ chức phát triển quốc tế. Diễn đàn cũng nhằm tạo ra các động lực mới cho phát triển địa phương theo Chiến lược quốc gia, giúp kích hoạt tiềm năng, khai thông điểm nghẽn, đẩy mạnh những đột phá cho phát triển địa phương; chia sẻ sáng kiến địa phương phục vụ tăng trưởng nhanh và bền vững...
(Nguồn: Ngày Nay)