Du lịch phát triển theo gợi mở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Hải Yến |

Trên cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã 2 lần về thăm, làm việc với tỉnh Ninh Bình. Tổng Bí thư đã có những gợi mở, định hướng cho tỉnh phát huy lợi thế của một vùng đất có nhiều di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp để tiếp tục phát triển du lịch và dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Người lái đò 2 lần được gặp Tổng Bí thư

Hơn 15 năm lái đò tại Khu du lịch sinh thái Tràng An, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, bà Nguyễn Thị Dư đã vinh dự hai lần được đón, đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm Khu du lịch sinh thái Tràng An. Đó là kỷ niệm không bao giờ quên đối với bà Dư. Trong câu chuyện bà Dư kể về những lần được đưa đón Tổng Bí thư thăm quan Khu du lịch, bà luôn gọi Tổng Bí thư bằng từ "bác" bởi ấn tượng đặc biệt là sự gần gũi, tình cảm.

Trong suốt gần 20 năm lái đò tại Khu du lịch sinh thái Tràng An, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, bà Nguyễn Thị Dư đã vinh dự hai lần được đón, đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm Khu du lịch. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN
Trong suốt gần 20 năm lái đò tại Khu du lịch sinh thái Tràng An, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, bà Nguyễn Thị Dư đã vinh dự hai lần được đón, đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm Khu du lịch. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN

Bà Dư chia sẻ: "Khi vừa xuống thuyền thì bác đã bắt tay tôi cùng với những người lái đò xung quanh nên chúng tôi có cảm giác bác rất gần gũi, thân thiện. Trong quá trình chở bác đi thăm quan Khu du lịch sinh thái Tràng An, tôi vừa là người chở đò và cũng là hướng dẫn viên. Vừa đi, bác vừa hỏi thăm về Tràng An, tôi cũng nhiệt tình giới thiệu về các nét đẹp của Khu du lịch. Bác đã rất khen về cảnh đẹp của Ninh Bình nói chung và của Khu du lịch Tràng An nói riêng".

Trong chuyến đi đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành nhiều sự quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa; động viên những người dân địa phương nỗ lực, cố gắng hơn nữa để cùng xây dựng Tràng An trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, khai thác tối đa tiềm năng du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái của Ninh Bình. Lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trở thành động lực, khích lệ tinh thần, khơi dậy ý thức trách nhiệm nhân dân Ninh Bình trong việc cùng chung tay bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo tồn di tích lịch sử, phát triển du lịch.

Bà Nguyễn Thị Dư, lái đò tại Khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình) vẫn lưu giữ bức ảnh đón, đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm quần thể Khu du lịch. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN
Bà Nguyễn Thị Dư, lái đò tại Khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình) vẫn lưu giữ bức ảnh đón, đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm quần thể Khu du lịch. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN

Đến nay, Tràng An đã là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới - trái tim của du lịch tỉnh Ninh Bình. Mỗi người dân như bà Dư đã và đang phát huy cao độ vai trò của mình trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản, góp phần đưa Ninh Bình trở thành một trung tâm du lịch lớn của cả nước cũng như thế giới, đúng như mong muốn, kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời.

Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh năm 2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: "Ninh Bình có cả đồng bằng, miền núi và ven biển, có đầy đủ điều kiện phát triển nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp. Trong đó, tỉnh có những lợi thế để phát triển du lịch như: Khu du lịch Tràng An - Bái Đính, nhà thờ đá Phát Diệm, suối nước nóng, rừng Cúc Phương, Cố đô Hoa Lư. Chính vì thế, trong chiến lược phát triển kinh tế thời gian tới, Ninh Bình cần phát huy lợi thế của một vùng đất có nhiều di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp để tiếp tục phát triển du lịch và dịch vụ. Du lịch là ngành công nghiệp không khói. Đây là hướng công nghiệp hóa của Ninh Bình".

Sáu tháng đầu năm 2024, tỉnh Ninh Bình đón 6,28 triệu lượt khách với doanh thu đạt gần 5.940 tỷ đồng. Du lịch tại Ninh Bình được bình chọn vào “Top 10 trải nghiệm cuốn hút nhất năm 2024” do TripAdvisor (Mỹ) công bố. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN
Sáu tháng đầu năm 2024, tỉnh Ninh Bình đón 6,28 triệu lượt khách với doanh thu đạt gần 5.940 tỷ đồng. Du lịch tại Ninh Bình được bình chọn vào “Top 10 trải nghiệm cuốn hút nhất năm 2024” do TripAdvisor (Mỹ) công bố. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN

Với tầm nhìn và gợi mở, định hướng của Tổng Bí thư, tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm từng bước đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trọng tâm là nâng cao chất lượng lập và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch; đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật; xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch gắn với các giá trị lịch sử, văn hóa; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng tổ chức các hoạt động du lịch…

Khách du lịch tham quan thắng cảnh của tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN
Khách du lịch tham quan thắng cảnh của tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN


Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết, ngành Du lịch tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cụ thể hóa quan điểm, định hướng về phát triển du lịch của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi về thăm và làm việc tại Ninh Bình thành các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, đề án tổng thể phát triển du lịch, nổi bật như: Nghị quyết số 15/NQ-TU ngày 12/7/2009 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, khu du lịch văn hóa tâm linh núi Chùa Bái Đính; Nghị quyết số 07/NQ-TU ngày 29/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2045. Với sự quyết tâm, kiên trì thực hiện định hướng phát triển du lịch, Ninh Bình đã từng bước phát triển trở thành điểm đến hàng đầu của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với 17 khu, điểm du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế; đặc biệt là Quần thể danh thắng Tràng An được Tổng Giám đốc UNESCO và Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42 đánh giá là mô hình tiêu biểu về bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo sinh kế cho người dân địa phương.

Du khách tham quan quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình). Ảnh: Thùy Dung/TTXVN
Du khách tham quan quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình). Ảnh: Thùy Dung/TTXVN


Thời gian tới, ngành Du lịch sẽ tham mưu cho UBND tỉnh triển khai xây dựng các đề án, kế hoạch, chương trình để thực hiện các giải pháp hằng năm như: Phát triển các sản phẩm du lịch gắn với di sản, các giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất Cố đô Hoa Lư; xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, người dân địa phương. Ngành tiếp tục xây dựng, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, xây dựng điểm đến du lịch. Đó là những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm triển khai hằng năm để hiện thực hóa những định hướng, gợi mở để phát triển du lịch Ninh Bình trở thành điểm đến hàng đầu không chỉ của Việt Nam mà còn của cả thế giới.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đón 6,28 triệu lượt khách; doanh thu đạt gần 5.940 tỷ đồng. Thành quả đó như một món quà tri ân và tình cảm đặc biệt sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình gửi tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người cộng sản chân chính đã hết mình, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

 (Nguồn: TTXVN)

TAGS

Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để được công nhận danh hiệu UNESCO

Thanh Trúc |

 

UBND tỉnh Quảng Trị vừa có buổi làm việc với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và các chuyên gia để tham vấn lựa chọn 1 di sản văn hóa của tỉnh đưa vào danh mục đề cử của UNESCO và xây dựng danh hiệu Thành phố Vì hòa bình. Đây có thể nói là một động thái tích cực, đúng thời điểm sau khi Quảng Trị khai mạc và tổ chức chuỗi hoạt động của Lễ hội Vì Hòa bình, tạo được tiếng vang và dấu ấn đối với bạn bè trong nước và quốc tế. Việc đề nghị xây dựng một danh hiệu UNESCO cho di sản vật thể, phi vật thể của Quảng Trị để được Ủy ban Di sản thế giới công nhận chính là nền tảng quan trọng tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đầu tư 41 tỉ đồng xây dựng Khu lưu niệm di tích lịch sử - văn hóa Chiến khu Ba Lòng

Thanh Hải |

Ngày 25/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam chủ trì cuộc họp nghe UBND huyện Đakrông báo cáo phương án xây dựng Khu lưu niệm di tích lịch sử - văn hóa Chiến khu Ba Lòng, huyện Đakrông.

Thắp sáng ngọn lửa tri ân trên dòng Thạch Hãn

Quang Đăng |

Tham dự những đêm hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn, nhiều người ấn tượng với hình ảnh các bạn trẻ khoác chiếc áo xanh tình nguyện tỉ mỉ hỗ trợ du khách gần xa thắp từng chiếc hoa đăng. 12 năm nay, việc làm thầm lặng ấy được cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên thị xã Quảng Trị góp sức thực hiện, là minh chứng sinh động cho tấm lòng tri ân của tuổi trẻ trên mảnh đất Thành Cổ.

Thông điệp hòa bình từ tour giới thiệu cà phê Khe Sanh

Tây Long |

Tuy mới ra đời nhưng Khe Sanh coffee tour là sản phẩm du lịch thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Tín hiệu vui ấy kết tinh từ sự cống hiến thầm lặng của nhiều người, trong đó có chị HỒ THỊ PHƯỢNG, Khe Sanh coffee tour leader (nhóm trưởng tua cà phê Khe Sanh). Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc chuyện trò với chị để tìm hiểu về thông điệp từ tour du lịch đặc biệt này.