Khu vực Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) là nơi tập trung nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên, lịch sử, nhân văn.
Hai năm qua là giai đoạn khó khăn của ngành du lịch trong nước lẫn thế giới bởi ảnh hưởng dịch Covid-19. Tuy nhiên, với tư duy chủ động kết nối và tăng sức mạnh nội tại cho ngành du lịch, tỉnh Quảng Trị triển khai một loạt hoạt động nhằm có thể thực hiện tốt mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế” như: Tổ chức Lễ hội Thống nhất non sông và khai trương mùa du lịch biển đảo năm 2021, tổ chức đoàn Famtrip đảo Cồn Cỏ và các điểm di tích lịch sử, tổ chức gian trưng bày sản phẩm đặc trưng của tỉnh… đặc biệt là việc tổ chức Hội nghị hợp tác phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị năm 2021 để bàn luận các giải pháp phát triển du lịch Quảng Trị.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị Đỗ Văn Bình chia sẻ: “Chính trong bối cảnh chồng chất khó khăn, chúng tôi cùng nhìn lại tổng thể quy mô của du lịch Quảng Trị, đánh giá thực chất tiềm năng và thế mạnh. Cá nhân tôi nghĩ rằng, trong “nguy” luôn có “cơ” nếu chúng ta biết thay đổi tư duy tiếp cận. Nếu có cách làm đột phá, sáng tạo, tạo dựng được hình ảnh là điểm đến an toàn, du lịch Quảng Trị sẽ có hướng đi mới đầy khả quan”.
Kho báu lớn
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam cho biết: “Với bề dày lịch sử, vị thế địa chính trị - kinh tế cùng những ban tặng của thiên nhiên mà Quảng Trị có những giá trị, tiềm năng và lợi thế riêng có về tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phục vụ cho phát triển kinh tế du lịch. Với những tiềm năng và lợi thế riêng có nói trên, cùng với lợi thế so sánh khác cho phép Quảng Trị xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, nhất là phát triển du lịch mang màu sắc riêng của Quảng Trị”.
Lịch sử đã để lại trên mảnh đất Quảng Trị những di sản, những địa danh ghi dấu nhiều sự kiện oanh liệt, hào hùng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, tạo nên lợi thế du lịch độc đáo mà không phải địa phương nào cũng có được như: Thành Cổ Quảng Trị, Cụm di tích đôi bờ cầu Hiền Lương - Bến Hải, Địa đạo Vịnh Mốc… Trong đó có những di tích giá trị hơn cả di sản như Địa đạo Vịnh Mốc độc nhất vô nhị trên thế giới, hoặc Khe Sanh được mệnh danh Điện Biên Phủ thứ hai, nhưng ít được phương tiện truyền thông quảng bá và ít người biết đến.
Chỉ tính trong 3 năm (từ năm 2017 đến năm 2019) lượng khách du lịch đến Quảng Trị có nhịp tăng trưởng tương đối nhanh. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng Covid-19 và thiên tai nên tổng doanh thu kinh doanh du lịch xã hội giảm 70,03% so với cùng kỳ năm 2019, tuy vậy con số doanh thu vẫn ước đạt 534 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại Hội nghị hợp tác phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị năm 2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, so với tiềm năng và thế mạnh, du lịch của Quảng Trị vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, nhiều dư địa phát triển chưa được khai thác và phát huy. Chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa có tính độc đáo, khác biệt. Công tác thu hút đầu tư, quảng bá, xúc tiến du lịch tuy đã có cố gắng nhưng kết quả thu được chưa nhiều. Đặc biệt việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các vùng, miền trong cả nước và các nước trong khu vực chưa thực sự hiệu quả.
Liên kết chặt chẽ với du lịch các tỉnh, thành trong nước
Phó Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội Nguyễn Tuấn Anh cho biết, du lịch nội địa, đi ngắn ngày và nhóm nhỏ là xu hướng du lịch của người Việt trong bối cảnh Covid-19 như hiện nay. Kết quả khảo sát của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cho thấy, nhu cầu khách du lịch biển vẫn ở mức cao (67%), nhu cầu khám phá thiên nhiên (48%), nghỉ dưỡng núi là xu hướng mới và tăng so với trước Covid-19.
Rõ ràng xu hướng du lịch mới này nằm trọn trong lợi thế về sản phẩm và điểm đến của ba tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế. Vì thế, việc xúc tiến khai thác cũng như hợp tác, liên kết nhằm tạo ra một sản phẩm liên vùng độc đáo để đáp ứng nhu cầu mới của khách du lịch là hết sức cần thiết.
Câu chuyện liên kết để cùng phát triển đối với Quảng Trị phải bao gồm ba mối liên kết hết sức quan trọng. Đó là liên kết giữa nhà nước, nhà đầu tư, các doanh nghiệp lữ hành và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ - du lịch; liên kết giữa tỉnh Quảng Trị với các tỉnh trong nước, mà cụ thể là liên kết với hai tỉnh Thừa Thiên Huế - Quảng Bình; liên kết giữa tỉnh Quảng Trị với các tỉnh thuộc các nước trên EWEC.
Từ năm 2017, giữa các địa phương đã hình thành mối liên kết khai thác du lịch kết nối “Con đường di sản miền Trung” với tuyến du lịch DMZ; tour “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại” kết hợp thăm và tìm hiểu về di tích chiến tranh, trải nghiệm sinh hoạt văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số và sinh thái dọc theo miền tây các tỉnh này hay chương trình giáo dục lịch sử từ Huế đi Quảng Trị, Quảng Bình cho học sinh, sinh viên; tour du lịch đường bộ cho du khách Thái Lan, Lào đi qua các Cửa khẩu Cha Lo, Lao Bảo, La Lay để đến Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế. Ba tỉnh cũng phối hợp xúc tiến, quảng bá các sản phẩm du lịch thông qua một số hội chợ, hội nghị về du lịch… Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, ngành du lịch ba tỉnh cần tận dụng sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và bối cảnh mới có nhiều thay đổi về phương thức thị trường khách, thị trường điểm đến để chuyển đổi dữ liệu, thông tin và ứng dụng công nghệ số vào công tác xúc tiến, quảng bá cho cả ba địa phương.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Trùng Khánh việc kết nối chặt chẽ giữa ba địa phương Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế sẽ góp phần định hướng thu hút du khách trong xu thế mới.
Điểm đến an toàn trên EWEC
Khu vực Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) là nơi tập trung nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên, lịch sử, nhân văn. Nơi đây có các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, nhiều bãi biển đẹp, khí hậu trong lành dọc đường bờ biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam trên lãnh thổ Việt Nam, từ Mawlamyine đến Myawaddy trên lãnh thổ Myanmar thuận lợi cho phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, thể thao biển, nghỉ cuối tuần. Bên cạnh đó, khu vực này còn có nhiều di tích lịch sử văn hóa, nhiều làng nghề truyền thống, nhiều lễ hội, trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc thuộc khu vực Đông Nam Á.
Để đón đầu du lịch biển gắn với khai thác, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều công trình, cơ sở hạ tầng quan trọng. Ông Đỗ Văn Bình cho biết thêm, nhờ thuận lợi trong giao thông, các nước trong khu vực EWEC có thêm nhiều cơ hội và lợi thế phát huy tiềm năng của mỗi nước và của khu vực để phát triển du lịch do tính chất vừa thống nhất, vừa tương đồng nhưng cũng rất đa dạng, phong phú về các loại hình du lịch: Di sản, di tích lịch sử, văn hóa, sinh thái… Tỉnh Quảng Trị đã rất chủ động trong sự kết nối, liên kết với các tỉnh của Thái Lan và Lào.
Hội nghị hợp tác du lịch 3 tỉnh 3 nước (Quảng Trị - Savannakhet - Mukdahan) được tổ chức từ rất sớm chính từ đề nghị của Quảng Trị. Trong khuôn khổ Diễn đàn Hành lang kinh tế Đông - Tây, ngày 26/6/2010, tại TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Hội nghị hợp tác du lịch lần thứ 6 giữa tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) - Savannakhet (Lào) và Mukdahan (Thái Lan). Với sự phát triển về cơ sở hạ tầng trên lãnh thổ Việt Nam, Lào, đặc biệt là cây cầu Hữu Nghị qua sông Mê Kông, nối Mukdahan (Thái Lan) và Savannakhet (Lào) hoàn thành cuối năm 2006 đã tạo ra hành lang kinh tế, thương mại và dịch vụ, trong đó tuyến du lịch đường bộ phát triển mạnh trong những năm gần đây.
Việc hợp tác giữa các tỉnh Quảng Trị - Savannakhet - Mukdahan với các tỉnh lân cận sẽ tạo ra một thị trường đầy tiềm năng bao gồm cộng đồng dân cư ba nước và khách du lịch quốc tế đến với tour du lịch này. Việc khai thác có hiệu quả tuyến du lịch qua EWEC, mang lại cơ hội kinh doanh cho người dân, lợi ích cho ngành du lịch của các địa phương trên tuyến hành lang, đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.
Tỉnh Quảng Trị đã tổ chức các đoàn famtrip, tạo điều kiện thông thoáng cho xe caravan trên EWEC, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch giữa hai tỉnh Quảng Trị và Mukdahan giao lưu, liên kết hợp tác phát triển du lịch và quảng bá thương hiệu, sản phẩm đến du khách của hai tỉnh nói riêng và của Việt Nam, Thái Lan nói chung. Đồng thời giúp các hãng lữ hành khảo sát, lựa chọn, xây dựng chương trình du lịch, tour, tuyến du lịch có hiệu quả thiết thực để chào bán cho khách và tuyên truyền nhằm thu hút khách du lịch đến tỉnh Savannakhet, Mukdahan và Quảng Trị; tổ chức nhiều chuyến khảo sát tuyến du lịch qua Cửa khẩu Quốc tế La Lay…
Mặc dù hai năm qua, các nước trên EWEC đều ảnh hưởng dịch Covid-19, tuy nhiên thực tế quá trình hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị, Savannakhet và Mukdahan về phát triển du lịch cho thấy cần thiết tiếp tục phối hợp, liên kết, mở rộng hợp tác với các tỉnh, thành phố trên tuyến EWEC và vươn xa hơn, rộng hơn, nhằm đạt được mục tiêu, xây dựng khu vực thịnh vượng chung của các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.
Cần cơ chế đặc thù giúp du lịch phát triển
Để du lịch hấp dẫn thì cần có sự kiện, có sản phẩm du lịch mới. Theo Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Trị Phạm Công Vinh, du lịch cần được gắn với sự kiện để nhằm quảng bá, phát triển du lịch của địa phương. Trong đó, sự kiện phải mang tính độc đáo, riêng biệt của du lịch Quảng Trị mà không trùng với sự kiện của địa phương khác; sự kiện phải mang tính định kỳ và quan trọng nhất là “đi vào lòng du khách”. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch mới không chỉ thể hiện nét độc đáo của địa phương mà còn phải liên kết được các tỉnh để cùng phát triển.
“An toàn, xanh, sạch, bền vững và ổn định” - là những tiêu chí sẽ quyết định chất lượng phát triển của du lịch Quảng Trị. Du lịch là sự tiếp nối của những giá trị cũ và mới; là quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người và các giá trị văn hóa của quê hương; là sự cộng hưởng từ sự phát triển của các ngành. Đồng thời khi du lịch phát triển sẽ là cú hích, đưa các ngành khác phát triển đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Đỗ Văn Bình cho biết thêm, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, trăn trở trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp hình thành các sản phẩm du lịch có sức hút, đồng thời xây dựng các sự kiện mang dấu ấn riêng của Quảng Trị. Năm 2022, Quảng Trị dự kiến tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình để tôn vinh những giá trị lớn lao của nhân dân thế giới trên mảnh đất lắm đau thương nhưng luôn khát khao vươn lên với những sức sống mạnh mẽ; đồng thời cũng là giúp du khách trong nước và thế giới được tiếp cận với mảnh đất rất đặc trưng riêng biệt Quảng Trị mà không nơi nào có được; qua đó tạo ra những sự kiện, sản phẩm du lịch mới, thúc đẩy việc liên kết vùng trong phát triển du lịch.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch TAB, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Minh nêu ra một số xu hướng có ảnh hưởng tới định hướng du lịch hậu Covid-19 mà Quảng Trị nên cân nhắc như: “Du lịch xanh” là từ khóa cho sản phẩm; Du lịch nội địa và khu vực là quan trọng và chiến lược; Du lịch có mục đích tập trung vào chất lượng hơn là số lượng; Phân phối tiếp thị trực tuyến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ tạo cơ hội cho các điểm đến mới; Liên kết vùng sẽ mạnh mẽ và quan trọng hơn nữa trong phát triển du lịch.
Theo ông Hoàng Nam, trong bối cảnh hiện nay ngành du lịch đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 thì hơn bao giờ hết, vấn đề liên kết, hợp tác cần được tăng cường và đẩy mạnh. Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị tăng cường truyền thông và triển khai thực hiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong hoạt động du lịch. Triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thao gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhanh chóng phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng. Triển khai các chương trình kích cầu du lịch và liên kết hợp tác. Xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút khách. Đồng thời đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quảng bá xúc tiến du lịch, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch.
Việc Cửa khẩu Quốc tế La Lay được nâng cấp mở ra tuyến du lịch quan trọng nối Salavan và các tỉnh hạ Lào, Campuchia, Thái Lan. Quảng Trị đang tích cực đề nghị các tỉnh thuộc ba nước chỉ đạo tích cực khảo sát, nghiên cứu mở các tour du lịch qua Cửa khẩu Quốc tế La Lay nhằm tạo sự hấp dẫn, mới lạ cho khách du lịch, kết nối khai thác hiệu quả tuyến du lịch trên EWEC. Tuy nhiên, để du lịch Quảng Trị trở thành điểm thu hút và đón lượng du khách lớn từ các tỉnh trên EWEC nằm ở chính sách.
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)