Du lịch Quảng Trị, vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế

Lâm Thanh |

Quảng Trị là địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh đẹp như biển, sông, suối, rừng nguyên sinh,...Đây được coi là thế mạnh đặc thù để Quảng Trị khai thác ngành “công nghiệp không khói”. Vậy nhưng du lịch vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Với các di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng như Thành Cổ Quảng Trị, địa đạo Vịnh Mốc, sân bay Tà Cơn-Khe Sanh, cầu Hiền Lương-sông Bến Hải,…từ lâu Quảng Trị là vùng đất nổi tiếng với loại hình du lịch tâm linh, du lịch hoài niệm chiến trường xưa. Đây chính là đặc trưng làm nên sự khác biệt rõ rệt của Quảng Trị so với sản phẩm du lịch ở các địa phương, vùng miền khác.

Đảo Cồn Cỏ điểm du lịch hấp dẫn -Ảnh: N.K​
Đảo Cồn Cỏ điểm du lịch hấp dẫn -Ảnh: N.K​

Mặt khác, nhiều sản phẩm du lịch mới được quan tâm phát triển nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút khách du lịch đã đi vào hoạt động trong thời gian qua như gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm ở Thành Cổ Quảng Trị, Địa đạo Vịnh Mốc, Sân bay Tà Cơn, Khu Resort Sepon (Cửa Việt). Tổ chức đón tiếp và lễ viếng cho du khách vào buổi tối tại Thành Cổ Quảng Trị; tổ chức Tuyến phố lễ hội ở thị xã Quảng Trị; Khu du lịch sinh thái Klu (Đakrông), Trằm Trà Lộc (Hải Lăng), các bãi tắm Trung Giang, Gio Hải, Cang Gián, Thủy Bạn (Gio Linh) đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách. Đặc biệt, tour du lịch ra đảo Cồn Cỏ được đưa vào khai thác, mở ra hướng phát triển mới của du lịch biển đảo với rất nhiều tiềm năng; thu hút được nhiều doanh nghiệp đến khảo sát, triển khai đầu tư…Nhờ vậy, trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng khách du lịch trung bình 7%/năm, trong đó khách quốc tế là 3,25%/năm, khách du lịch nội địa là 9%/ năm. Ngành Du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế, góp phần vào sự phát triển KT-XH của tỉnh.

Tuy nhiên, phải nghiêm túc thừa nhận rằng, du lịch Quảng Trị vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Trước hết là khả năng liên kết giữa du lịch của Quảng Trị với các tỉnh lân cận như Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng để hình thành tour, tuyến vẫn còn hạn chế nên chưa tạo được tính hấp dẫn chung. Trong khi đó, loại hình du lịch biển, đảo cũng là một tiềm năng của tỉnh lại chưa được khai thác tối đa khiến tính cạnh tranh còn thấp. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là việc thiếu các sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang tính đặc thù. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết cần xây dựng, định vị thương hiệu du lịch Quảng Trị thông qua những sản phẩm độc đáo. Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù chính là việc tạo ra những trải nghiệm mới, khác lạ cho du khách dựa vào nguồn lực riêng, tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang phấn đấu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo dựng thương hiệu du lịch riêng, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Bởi kinh tế du lịch có vị trí hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế tổng hợp, mang giá trị văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng, có tính xã hội hóa cao. Vì vậy, trong định hướng lâu dài, tỉnh Quảng Trị đã xác định chú trọng phát triển cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế. Phát triển du lịch gắn kết chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực khác trong xây dựng và hình thành chuỗi giá trị các sản phẩm du lịch. Phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người và quê hương Quảng Trị, đảm bảo giữ vững quốc phòng, an ninh.

Giới thiệu về Địa đạo Vịnh Mốc cho khách tham quan - Ảnh: L.T​
Giới thiệu về Địa đạo Vịnh Mốc cho khách tham quan - Ảnh: L.T​

Trên cơ sở thực hiện đề án Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến 2030, ngành Du lịch Quảng Trị đã và đang tiến hành rà soát điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các quy hoạch chi tiết phát triển các khu du lịch, các đề án phát triển phù hợp với yêu cầu mới, như: Quy hoạch Khu du lịch Cửa Tùng; phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án Khu đô thị sinh thái biển AE Resort-Cửa Tùng; Quy hoạch phân khu xây dựng điểm du lịch Mũi TrèoRú Bàu; điều chỉnh và mở rộng Quy hoạch phân khu xây dựng Khu dịch vụ-du lịch Cửa Việt...

Ưu tiên phát triển du lịch nội địa, tập trung xây dựng sản phẩm du lịch mới, có tiềm năng, thế mạnh như xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch Quảng Trị là: “Ký ức chiến tranh-Khát vọng hòa bình”, “Cửa ngõ Hành lang kinh tế Đông-Tây”, kết nối, liên kết du lịch “Con đường Di sản miền Trung”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”. Đưa vào khai thác tuyến tham quan biển đảo Cồn Cỏ; tuyến du lịch đường Hồ Chí Minh nhánh Tây nối Phong Nha-Quảng Bình, khu du lịch cộng đồng Klu, hệ thống Giếng cổ Gio An và các khu du lịch, tuyến, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh phục vụ xây dựng các sản phẩm du lịch mới. Đẩy mạnh việc hình thành đô thị du lịch La Vang, cùng với Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang và các di tích văn hóa, tôn giáo tiêu biểu; phát triển du lịch hành hươngtìm hiểu văn hóa tâm linh, tôn giáo trở thành một trong những sản phẩm du lịch chủ đạo của tỉnh Quảng Trị. Quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch tại khu vực miền núi như tìm hiểu văn hóa và các lễ hội dân tộc Pa Kô, Vân Kiều, du lịch tham quan hệ sinh thái rừng tại nhánh Tây đường Hồ Chí Minh, đầu tư các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại khu vực Khe Sanh, Bắc Hướng Hóa. Đầu tư các dịch vụ hỗ trợ, nâng cao sức thu hút du khách tại điểm du lịch quốc gia Thành Cổ Quảng Trị và các Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia đường 9.

Kết hợp song song việc xây dựng sản phẩm du lịch có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như: du lịch lịch sử - cách mạng (Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội, Du lịch Hòa bình, tri ân liệt sĩ, du lịch DMZ) với du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các khu vực động lực phát triển du lịch, nhất là các khu du lịchdịch vụ ven biển Cửa Việt, Cửa Tùng, đảo Cồn Cỏ, Khu di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải; chú trọng khai thác và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng được xếp hạng quốc gia đặc biệt, xây dựng các trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng chất lượng cao tại các đô thị, khu du lịch trọng điểm để tạo điểm vui chơi giải trí thu hút du khách. Bảo tồn, phát triển có chọn lọc các lễ hội cách mạng, lễ hội văn hóa truyền thống... Để khắc phục những bất cập trong khai thác loại hình du lịch biển đảo, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương xây dựng về cơ sở hạ tầng giao thông, các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng để tạo đà cho du lịch phát triển. Đối với khu vực ven biển, tập trung đầu tư vào “tam giác” du lịch biển đảo Cửa Việt - Cồn Cỏ - Cửa Tùng thành trọng điểm về du lịch biển. Trong đó có các dự án như Khu đô thị sinh thái biển AE Cửa Tùng Resort, Khu du lịch nghỉ dưỡng Biển Vàng,...

Giếng cổ Gio An ngày càng thu hút du khách -Ảnh: T.L​
Giếng cổ Gio An ngày càng thu hút du khách -Ảnh: T.L​

Rõ ràng, việc cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô, vừa chú trọng chất lượng, hiệu quả, bảo đảm tính bền vững, chuyên nghiệp, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao cũng đang được tính tới nhằm phát huy vai trò trung tâm của các doanh nghiệp, sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư; đẩy mạnh kết nối các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cộng đồng hình thành chuỗi giá trị tạo nên các sản phẩm du lịch hấp dẫn, chất lượng và giá trị cao. Đồng thời tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động liên kết, kết nối với các sở, ngành, địa phương để phát triển du lịch, mới hy vọng “con gà đẻ trứng vàng”, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Cần nâng cao hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng ở Hướng Hóa

Kô Kăn Sương |

Hướng Hóa (Quảng Trị) là huyện miền núi có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Nơi đây khí hậu ôn hòa, cảnh quan phong phú, đa dạng và đa phần còn giữ nguyên nét hoang sơ; có sức hấp dẫn rất lớn về giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa đặc sắc, ẩm thực đặc trưng của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô...Tuy nhiên, việc phát triển du lịch cộng đồng ở huyện bấy lâu chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu bền vững, cần có giải pháp để nâng cao hiệu quả của mô hình này.

Mỗi người dân là một đại sứ du lịch

Minh Trí |

Với cách tự sáng tạo ra sản phẩm du lịch, những người dân trên đất Gio An đã bắt đầu bước chân vào việc thực hiện mô hình du lịch cộng đồng đầy tiềm năng, đồng thời mở ra một hướng phát triển mới cho du lịch Quảng Trị. Đó là nông dân sẽ “tự kéo” du khách đến làng quê của mình, mái nhà của mình.

Du lịch Việt Nam được vinh danh tại World Travel Award 2020

PV |

Việt Nam đã giành hàng loạt giải thưởng tại Lễ công bố cuối cùng (Grand Final) các Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Award - WTA) năm 2020, trong đó đáng chú ý là giải “Điểm đến Di sản Hàng đầu Thế giới” (World's Leading Heritage Destination) năm 2020 danh giá đã được trao cho Việt Nam.

Tìm hướng phát triển cho mô hình du lịch cộng đồng

Thanh Trúc |

Mô hình du lịch cộng đồng là loại hình du lịch dựa trên các giá trị văn hóa bản địa, do chính cộng đồng cư dân địa phương phối hợp cùng nhau xây dựng, phát triển, quản lý, hưởng lợi song song với bảo tồn thiên nhiên. Đây là mô hình mang lại nhiều giá trị vượt trội cho du khách khi được hòa cùng người dân trải nghiệm nét đặc sắc trong văn hóa vùng miền, đồng thời đảm bảo tính khai thác song song với bảo tồn thiên nhiên, hướng tới phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, để chuẩn bị đầy đủ điều kiện triển khai, phát triển mô hình này tại các địa phương đang là một bài toán khó.