Với cách tự sáng tạo ra sản phẩm du lịch, những người dân trên đất Gio An đã bắt đầu bước chân vào việc thực hiện mô hình du lịch cộng đồng đầy tiềm năng, đồng thời mở ra một hướng phát triển mới cho du lịch Quảng Trị. Đó là nông dân sẽ “tự kéo” du khách đến làng quê của mình, mái nhà của mình.
Lối mở cho du lịch cộng đồng
Chúng tôi đến Gio An khi trận lũ lụt lịch sử vừa đi qua nhưng dường như mưa gió không chút “dấy bùn” lên đất này. Phó chủ tịch UBND xã Gio An Lê Phước Hiếu đầy am tường về mảnh đất quê hương khi làm hướng dẫn viên cho hành trình khám phá đất Gio An. “Du lịch cộng đồng có sự tham gia của nhiều loại hình du lịch khác như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp, du lịch làng, du lịch bản địa… Vùng đất Gio An hội tủ đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch cộng đồng. Trước hết, đây là vùng đất có nền văn hóa rất đặc trưng, đa dạng và phong phú” - anh Hiếu tự tin cho biết.
Theo các tài liệu cổ được hình thành rất sớm từ thời Hùng Vương - An Dương Vương, vùng Quảng Trị ngày nay được cho là thuộc lãnh địa bộ Việt Thường của Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc. Đầu Nhà Hán thuộc (từ năm 111 trước Công Nguyên đến năm 192), Quảng Trị thuộc đất quận Nhật Nam. Cuối thế kỷ 2, nhà Hán sụp đổ, Trung Quốc rơi vào tình trạng loạn lạc, cát cứ, một chính quyền bản xứ của quận Nhật Nam và xứ Tượng Lâm đã được hình thành, lập nên vương quốc Lâm Ấp. Lãnh thổ của Lâm Ấp được phỏng đoán tương ứng với vùng từ đèo Hải Vân đến đèo Ngang ngày nay. Năm 1069, Champa (hậu thân của Lâm Ấp) cắt 3 châu: Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh cho Nhà Lý - Đại Việt và đổi châu Địa Lý thành châu Lâm Bình, châu Ma Linh thành châu Minh Linh. Châu Minh Linh được phỏng đoán tương ứng với vùng đất từ Cửa Việt trở ra phía bắc Quảng Trị ngày nay, gồm các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Đakrông, một phần đất của thành phố Đông Hà, các huyện Hướng Hóa và Vĩnh Linh hiện nay. Như vậy, đất Gio An có một bề dày lịch sử hình thành và phát triển từ rất sớm, trải qua nhiều triều đại và các nền văn hóa khác nhau như văn hóa Champa, văn hóa Việt cổ,....
Gio An có 75 ha đất ruộng, 30 ha rau màu và hơn 1.000 ha trồng cây công nghiệp khác. Đây là địa phương có diện tích nông nghiệp hữu cơ lớn nhất tỉnh. Cây cối được canh tác theo lối gần như thuận tự nhiên. Diện tích đất vườn các hộ dân khá rộng, phát triển các loại cây công nghiệp. Bên cạnh đó, với đặc điểm địa hình gò đồi trung du nên việc canh tác lúa nước theo các triền đồi, khe trũng tạo nên kiểu canh tác ruộng bậc thang rất đặc hữu trong khu vực. Kiến trúc chung của Gio An vẫn mang đậm nét kiến trúc làng xã xưa của Việt Nam với vườn cây xanh rộng, nhà ở kiểu nông thôn 3 gian ở giữa. Giao thông kết nối bằng hệ thống đường làng ngõ xóm khang trang sạch đẹp, được che phủ bởi cây xanh.
Bên cạnh đó, tại địa phương có nhiều lễ hội rất độc đáo như: Hội đu xuân, Hội bài chòi ở làng An Hướng, Hội dương nêu ở thôn Hảo Sơn,... Gio An còn có nghề truyền thống đục đá mà hàng năm đã trở thành lễ hội thi đục đá của địa phương. Đây là những lễ hội dân gian mang những nét rất đặc trưng của vùng đất.
Điểm nhấn đặc biệt tại Gio An chính là hệ thống khai thác nước cổ của người Chăm với gần 20 giếng được coi là di sản văn hóa độc đáo có một không hai của Việt Nam với sự tập trung về số lượng, đa dạng về loại hình, điển hình về quy mô, độc đáo về cách thức, kỹ thuật... Trải qua hàng ngàn năm chúng vẫn đang tuôn chảy những dòng nước mát từ lòng đất và gắn bó với đời sống của người dân Gio An trong sinh hoạt và sản xuất. Hiện tại, tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ xếp hạng hệ thống công trình khai thác nước vùng Quảng Trị vào danh mục di tích Quốc gia đặc biệt. Sau khi trở thành di tích quốc gia đặc biệt sẽ tiến hành lập hồ sơ đệ trình UNESCO đưa vào danh mục Di sản văn hóa thế giới.
Một yếu tố khác giúp cho Gio An có thể phát triển du lịch đó là có các tuyến đường đi lại hết sức thuận tiện: Tuyến đường tỉnh DT75 đi xuyên qua, kết nối từ đường Hồ Chí Minh đến Quốc lộ 1A. Khoảng cách từ trung tâm xã đến đường Hồ Chí Minh khoảng 4km và đến Quốc lộ 1A (thị trấn Gio Linh) khoảng 8km và cách thành phố Đông Hà khoảng 21km.
Đến Gio An không chỉ tắm, ngắm mà còn là cơ hội thưởng thức rất nhiều đặc sản được nuôi trồng trên vùng dược liệu và hữu cơ. Anh Lê Phước Hiếu cho biết thêm, mùa đông còn có 10 ha rau liệt (rau xà lách xoong) chỉ có ở nơi đây như: xà lách xoong trộn trứng, xà lách xoong trộn thịt bò, xà lách xoong bánh lọc... Mùa hè các loại rau rừng rất nhiều, rau xứng, lá trơn xào thịt, lá lốt, rau càng cua, rau bát bát... Hầu hết đây là những loại cây dược liệu, mọc tự nhiên trên vùng đất sạch. Sản vật ở địa phương gồm có: mít, bơ, cam, quýt, chôm chôm, chuối bản địa… Đặc sản gồm có tinh bột nghệ, sâm bố chính ngâm rượu hoặc sâm bố chính hầm gà đồi, thỏ chế biến nhiều món, cá, tôm ở suối và các hồ tươi trong…
Ông Trần Hữu Phước - Giám đốc Công ty lữ hành quốc tế THP và ông Trần Xuân Hùng - Giám đốc Trung tâm lữ hành quốc tế Mekong, đánh giá cao về tiềm năng phát triển du lịch nơi đây. Đó là mỗi mùa đến Gio An đều có cái để ngắm, để ăn, để trải nghiệm và để chơi. Không chỉ là tour nội bộ mà có thể mở rất nhiều tour du lịch kết nối giữa Gio An với các vùng khác, chẳng hạn như tour Cửa Việt - Gio An để sáng tắm biển, ăn hải sản, buổi chiều thư giãn với không khí trên đồi và thưởng thức đặc sản đặc biệt của vùng này.
Để hỗ trợ người dân trong việc thực hiện mô hình du lịch khá mới mẻ này, ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh cho biết, đơn vị đã triển khai một số nội dung hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng ở Gio An như phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Gio Linh thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo, khai thác và phát huy giá trị di tích Hệ thống các công trình khai thác nước cổ gắn với phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn xã Gio An (giai đoạn 2020 - 2023); hỗ trợ xúc tiến, xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng Giếng cổ Gio An; triển khai hỗ trợ công tác cải tạo cảnh quan (hỗ trợ mua sắm thùng đựng rác, vệ sinh và trồng cây xanh tại Giếng Ông, Giếng Bà, Giếng Gái - thôn Hảo Sơn)…
Đó là sự hỗ trợ bước đầu về phía chính quyền các cấp nhưng để mô hình du lịch cộng đồng này phát triển thì phải chính từ ruộng vườn và cuộc sống của người dân mới là yếu tố quan trọng nhất hấp dẫn khách du lịch, góp phần tạo thu nhập cho gia đình để có cuộc sống tốt hơn. Do đó, hồn của du lịch cộng đồng chính là sức hút văn hóa thể hiện qua cuộc sống thường nhật của người dân.
Khi nông dân là chủ nhân
Du lịch cộng đồng không phải là mô hình mới mà nó được thực hiện thành công ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước láng giềng với Việt Nam như Thái Lan, Lào… Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch do chính cộng đồng người dân phối hợp tổ chức, quản lý và làm chủ để đem lại lợi ích kinh tế và bảo vệ được môi trường chung thông qua việc giới thiệu với du khách các nét đặc trưng của địa phương (phong cảnh, văn hoá…). Đây là mô hình mang lại nhiều giá trị vượt trội cho du khách khi được hòa cùng người dân trải nghiệm sâu nét đặc sắc trong văn hóa vùng miền, đồng thời đảm bảo tính khai thác song song với bảo tồn thiên nhiên, hướng tới phát triển du lịch bền vững.
Là một trong những hộ dân được chọn để “điểm” cho du lịch cộng đồng, hộ gia đình ông Trần Văn Lộc, thôn Hảo Sơn rất hào hứng, mong chờ ngày đón du khách đến. Tuy nhiên, điều ông băn khoăn là việc vay ngân hàng để đầu tư cho nhà cửa, quán xá trong thời gian tới. Thực tế thì đối với du lịch cộng đồng nguồn lực tài chính không đòi hỏi cao và mức độ đầu tư dàn trải theo cả chu kỳ hoạt động, và tăng dần khi nhu cầu hoạt động du lịch tăng cao. Khi đó các nguồn thu nhập từ du lịch cộng đồng đã tăng theo.
Để làm nên thành công của du lịch cộng đồng, cần các yếu tố chính là sự liên kết, công tác quảng bá du lịch và đặc biệt là văn hóa ứng xử của người dân. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, văn hóa ứng xử của chính người dân ảnh hưởng tồn vong đến sự phát triển của du lịch cộng đồng. Du khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng cao là vì sức hấp dẫn của nền văn hóa dân tộc, sự hiếu khách của người dân bản địa, sự ứng xử có văn hóa, hành động nhân văn, nghĩa tình của từng người dân đối với du khách, chứ không phải vì nước ta có nhiều nhà cao tầng… Vì thế, phải đặc biệt chú trọng đến nguồn nhân lực từ cộng đồng, phải làm cho mỗi người dân trở thành một “đại sứ” du lịch.
Khu Du lịch cộng đồng Giếng cổ Gio An có đủ năng lực đón khoảng 10 ngàn lượt khách du lịch mỗi năm. Các dịch vụ người dân có thể cung ứng bao gồm: Homestay, Tour tham quan thôn xóm (Village walk), Tour du lịch “một ngày làm nông dân” (One day as a farmer), Tour thưởng thức Ẩm thực rau Xà lách xoong (Food tour Vegetable cuisine Watercress salad), Biểu diễn văn nghệ truyền thống (Culture Show), Du lịch giáo dục và tình nguyện (educational and voluntary activities) …
Ông Dương Đức Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết, huyện đã tiến hành khảo sát và tập hợp 60 hộ dân để sẵn sàng cho du lịch cộng đồng tại Gio An. Tại khu vực di tích Giếng cổ Gio An, huyện chọn thôn Hảo Sơn để phát triển điểm, trên cơ sở kết quả phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Hảo Sơn sẽ nhân rộng mô hình đến các thôn An Nha, thôn An Hướng, thôn Long Sơn, thôn Tân Văn. Tuy nhiên, bước đầu việc triển khai còn gặp khó khăn đó là sự hạn chế khả năng tiếp cận của người dân trong kinh doanh dịch vụ du lịch. Kinh tế hàng hóa chưa phát triển. Nhận thức về hoạt động du lịch chưa cao. Đời sống kinh tế của người dân còn khó khăn, thu nhập thấp. Cơ sở hạ tầng đầu tư còn hạn chế chưa đáp ứng cho phát triển du lịch. Cơ sở lưu trú chưa được đầu tư.
Tuy nhiên, về lâu dài để phát triển du lịch cộng đồng cần đầu tư về hệ thống giao thông, hệ thống nước sạch. Hệ thống giao thông nông thôn ở Gio An được đầu tư tương đối hoàn chỉnh bằng các tuyến đường bê tông có mặt cắt từ 3m đến 5m chỉ thuận tiện cho xe máy. Gio An hiện chưa có công trình cấp nước sạch, chủ yếu khai thác nguồn nước mặt và nước ngầm. Khi phát triển du lịch, nếu lượng khách tăng đột biến Gio An hoàn toàn có khả năng thiếu nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt. Nguồn nhân lực đảm bảo cho các hoạt động du lịch là tương đối dồi dào, tuy nhiên cần phải có những lớp tập huấn nâng cao kiến thức trong hoạt động du lịch cho người dân. Đối với hình thức du lịch cộng đồng thì cơ sở lưu trú có thể là các dạng sau: Homestay (nhà ở lưu trú trong dân); Farmstay (nhà ở lưu trú trong vườn, trang trại)… Hiện tại, các tour du lịch tham quan Giếng cổ đã hình thành và đã được các doanh nghiệp du lịch khai thác. Đây cũng là một điểm thuận lợi cho phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, kể cả dịch vụ lưu trú. Tuy nhiên hiện nay cơ sở lưu trú du lịch tại Gio An chưa hình thành. Điều này cần có sự đầu tư của người dân tham gia trong các hoạt động du lịch.“Cùng đồng hành với người dân Gio An trong việc thực hiện du lịch cộng đồng, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ tập huấn kỹ năng du lịch cộng đồng, mời đại diện các hộ dân Gio An nghiên cứu thực tế hoạt động du lịch cộng đồng tại các khu du lịch cộng đồng ở Quảng Bình, tổ chức hội nghị phối hợp giữa Gio An, các hộ dân tham gia du lịch cộng đồng với các doanh nghiệp lữ hành về khai thác tour ở Gio An…” - ông Nguyễn Đức Tân cho biết thêm.
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)