Trong xu hướng hiện nay, những vùng văn hóa phát triển đi kèm với di sản văn hóa có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du lịch. Di sản văn hóa bao gồm tài sản văn hóa (như các tòa nhà, cảnh quan, di tích, sách, tác phẩm nghệ thuật và các hiện vật), văn hóa phi vật thể (như văn hóa dân gian, truyền thống, ngôn ngữ và kiến thức) và di sản tự nhiên (bao gồm cảnh quan có tính văn hóa quan trọng và đa dạng sinh học). Tuy nhiên, việc gắn bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội đang là vấn đề thách thức.
Đối với tỉnh Quảng Trị, người Chăm đã để lại trên địa bàn nhiều tác phẩm điêu khắc đá được các nhà nghiên cứu đánh giá là đạt trình độ nghệ thuật tuyệt vời và độc đáo, được xếp vào hàng báu vật quốc gia như pho tượng Uma Dương Lệ là tượng tròn đạt đến trình độ, tài năng điêu luyện; ngẫu tượng Yoni ở Dương Lệ được coi là một trong những Yoni to nhất được tìm thấy ở Việt Nam…
Bên cạnh đó, Quảng Trị còn có một gia tài khá đồ sộ về văn hóa của các tộc người Bru-Vân Kiều và Tà Ôi/Pa Kô. Tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều văn bản quan tâm đến lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Nhiều chương trình dự án được đầu tư để bảo tồn và phát triển văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số như: Phục dựng lễ hội Ariêuping, lễ hội mừng làng mới (A riêu pachen vel tă me) của người Pa Kô trên địa bàn huyện Hướng Hóa và huyện Đakrông. Đối với văn hóa phi vật thể, đã tiến hành bảo tồn và phát triển 3 loại hình gồm: Lễ hội (gồm lễ mừng lúa mới, lễ cúng thần làng, lễ đâm trâu); Nghệ thuật truyền thống (gồm có dân ca, dân vũ, dân nhạc); các ngành nghề truyền thống (dệt, đan lát, bài thuốc dân gian truyền thống)…
Tuy nhiên, nếu xét theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Kết luận số 76-KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị, nhìn chung việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa ở Quảng Trị chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Việc nghiên cứu sưu tầm còn mang tính dàn trải, chưa sâu và còn phiến diện, nhiều di sản văn hóa đã được sưu tầm nhưng chưa được đưa vào khai thác sử dụng trong đời sống. Để việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả, cần phải gắn liền với phát triển du lịch. Trước hết, phải ban hành được những quy định, chính sách, cơ chế để tăng cường công tác quản lý bảo tồn; đồng thời, tạo điều kiện cho du lịch phát triển cả về quy mô, chất lượng để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Khai thác các tài nguyên văn hóa phục vụ du lịch gắn liền với công tác bảo tồn tính đa dạng, gìn giữ các giá trị di tích lịch sử văn hóa; phát triển du lịch phải vì mục tiêu văn hóa. Giải pháp then chốt để tháo gỡ vấn đề trên là tìm cách phát triển tốt du lịch cộng đồng, lôi kéo người dân tham gia và đem lại lợi ích trực tiếp cho họ. Do đó, cần bảo vệ, tôn trọng ý kiến, đề cao vai trò của cộng đồng.
Đối với các di sản vật thể, trước hết là chú trọng công tác nghiên cứu, kiểm kê và xếp hạng di tích để tìm kiếm, phát hiện ra các di tích mới cũng như xem xét lại khả năng hiện diện, tồn tại của di tích để có biện pháp ứng xử thích hợp. Kết quả này cần được số hóa và kết nối thông tin giữa các địa phương trong cả nước để thuận lợi cho việc nghiên cứu và định hướng bảo tồn.
Đối với những di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia cần tiến hành cắm mốc giới bảo vệ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích để tránh bị xâm hại. Phân cấp cụ thể cho các cấp chính quyền quản lý về mặt nhà nước và cùng với cộng đồng dân cư địa phương nơi có di tích tham gia quản lý trực tiếp đi kèm với cơ chế quy định rõ những vấn đề liên quan và trách nhiệm của từng cấp trong các vấn đề bảo vệ, sử dụng đất đai và tiềm năng di tích; cơ chế đầu tư tôn tạo; quản lý, khai thác và phát huy giá trị di tích.
Đầu tư nhiều hơn cho văn hóa, không chỉ đầu tư về ngân sách mà phải đầu tư về nhận thức, về con người, về quản lý nhà nước. Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch đang được xem là sự đầu tư đúng hướng.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)