Du lịch Triệu Phong: Lời mời gọi bí ẩn

Thuận Vũ |

Có thể nói rằng du lịch là chìa khóa để mở hướng phát triển kinh tế. Xu thế chung hiện nay là tỷ trọng du lịch dịch vụ trong cơ cấu ngành luôn được chú trọng nâng cao. Đó cũng chính là “liệu pháp” cho những vùng đất vốn không có tiềm năng địa chính trị, tài nguyên, khí hậu, bởi một khi kích cầu du lịch thì tức khắc các lĩnh vực liên quan được phát triển.


Du lịch hiện đại cũng đa dạng các loại hình khác nhau, không chỉ đơn thuần đi cho biết đó biết đây, đi ngắm cảnh thưởng ngoạn, mà du khách hướng đến chiều sâu tâm cảm, du lịch tâm linh. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều nơi còn khó khăn đã tìm cách đầu tư theo hướng “hữu xạ tự nhiên hương”, có gì làm nấy, lấy sự bình dị để lôi cuốn. Tất nhiên, cũng phải có một điều gì đó đặc biệt người ta mới đến.

Từ những huyền tích

Quảng Trị nói chung, huyện Triệu Phong nói riêng không được thiên nhiên ưu đãi để làm du lịch, bởi hạn hán và mưa bão đã chiếm phần lớn thời gian trong năm. Cảnh sắc không thật sự nổi trội, lại ở bên cạnh Thừa Thiên Huế cổ kính và mộng mơ, nếu để du lịch thưởng ngoạn người ta sẽ ưu tiên đến Huế. Không sẵn có những lợi thế hữu hình thì cần nhìn ra những ưu thế vô hình, đó chính là giá trị của sự bí ẩn, điều mà mảnh đất Quảng Trị và Triệu Phong đang tiềm tàng, thường được gọi bằng “tính thiêng”. Khám phá tính thiêng cũng là một xu hướng làm du lịch không đòi hỏi nhiều sự đầu tư, lại thích hợp với điều kiện hiện tại ở Triệu Phong.

Lấy tâm điểm từ khu di tích Chúa Tiên Nguyễn Hoàng ở xã Triệu Giang và kết nối với các điểm lân cận, có thể thấy một hệ thống các điểm mang tính thiêng. Tất cả các điểm này đều mang ý nghĩa về mặt lịch sử, có không gian tham quan và trải nghiệm.  

Trước hết, khu di tích Chúa Tiên là nơi ghi dấu buổi đầu hành trình mở cõi về phương Nam. Không gian ở đây thoáng đãng, thích hợp cho việc du lịch tận hưởng sự trong lành và hồi ức. Để nhắc nhớ sự tích mở cõi, hiện vật còn lưu lại đến nay là bức tượng đồng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, người cậu đồng hành với chúa Nguyễn Hoàng. Liên quan đến bức tượng đồng này có nhiều câu chuyện linh thiêng kỳ bí được truyền tụng trong dân gian. Chẳng hạn chuyện tìm ra bức tượng, khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, bấy giờ người dân tưởng là tượng Phật nên đưa vào thờ ở chùa Liễu Bông phía tây làng. Sang thế kỷ XX chiến tranh khiến chùa tan hoang nhưng pho tượng vẫn còn nguyên. Rồi sau đó rất nhiều lần tượng bị kẻ gian đánh cắp nhưng không thể đưa ra khỏi làng, được người dân tìm thấy và giữ gìn thờ phụng đến hôm nay.

Không gian thoáng đẹp, cổ kính ở Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang - Ảnh: T.V
Không gian thoáng đẹp, cổ kính ở Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang - Ảnh: T.V

Kế bên xã Triệu Giang là thị trấn Ái Tử, một địa danh không xa lạ với mọi người, đã đi vào câu ca dao: Mẹ thương con ra cầu Ái Tử / Vợ trông chồng lên núi Vọng Phu. Ở làng Ái Tử còn có miếu Trảo Trảo phu nhân nằm trên một bãi cát ven sông Thạch Hãn. Chuyện kể rằng khi tướng nhà Mạc là Lập Bạo dẫn binh thuyền vượt biển vào gây loạn. Biết thế giặc đang mạnh, Chúa Tiên cắt cử quân lính trấn giữ ở bờ sông Ái Tử. Một đêm nghe từ lòng sông có tiếng kêu "trao trao", chúa thấy lạ liền khấn xin thần sông giúp đỡ để đánh giặc. Hôm đó nằm ngủ, chúa mộng thấy một người đàn bà mặc áo xanh, tay cầm quạt the đến nói rằng: minh công muốn trừ giặc thì nên dùng mỹ nhân kế dụ đến bãi cát, thiếp xin giúp sức. Tỉnh dậy, chúa sai nàng thị nữ sắc đẹp họ Ngô đi dụ Lập Bạo. Nhờ đó Nguyễn Hoàng đã thắng quân giặc. Nhớ ơn phò trợ, Nguyễn Hoàng đã phong thần sông làm "Trảo trảo linh thu phổ trạch tướng hựu phu nhân" và lập đền thờ.

Ái Tử cũng là nơi có chùa Sắc tứ Tịnh Quang - ngôi tổ đình phát tích đạo Phật trên đất Quảng Trị. Gắn liền sự tích khai sơn tổ đình có câu chuyện rằng: Lúc nhỏ cậu bé Chí Khả người Trung Quốc nằm mơ thấy một ngôi chùa, phía trong có một vị sư chính là mình. Năm 12 tuổi, Chí Khả theo đoàn thuyền buôn vượt biển đến xứ Thuận Hóa rồi quyết chí xuất gia ở kinh đô Huế. Sau 10 năm học đạo được Tổ Liễu Quán cho thọ giới cụ túc để đi vân du hóa đạo. Khi đến Ái Tử, Chí Khả nhìn thấy một doi đất thế voi nằm, cảnh sắc rất giống như giấc mơ hồi còn nhỏ, thế là quyết định lập Tịnh Độ am để tu hành, về sau được vua sắc phong nên gọi là Sắc tứ Tịnh Quang tự.

Truyền thuyết lại kể rằng, khi xưa sư Chí Khả tới đây lập thảo am, vùng đất này là truông bầu rú rậm, lại lắm cọp beo. Nghe nói tổ sư có tài thuần phục thú dữ, nhờ đó mà lều cỏ đơn sơ đã tọa vững trên cái lưng voi thế đất. Sau khi thuần phục được thú dữ, đức Chí Khả còn dự cảm cho đệ tử rằng sau này sẽ có một con quái vật suốt ngày trườn qua bò về quanh đây quấy động cửa thiền. Mấy chục thế hệ kế tục hậu sinh không biết con quái vật ấy là gì. Mãi đến thế kỉ XX, dự cảm của đức tổ mới hiển hiện, đó là con tàu sắt Bắc - Nam suốt ngày chạy qua về bên cạnh chùa.

Cách Ái Tử chừng ba cây số là làng Bố Liêu, một xứ đạo hiền hòa với trăm phần trăm dân làng theo đạo Thiên Chúa. Sự tích kể rằng làng Bố Liêu được tách ra từ làng Phương Ngạn. Khoảng từ năm 1596, đạo Công giáo được linh mục Diego Aduarte đến truyền giảng tại vùng Dinh Cát. Khi nghe được lời rao giảng, bà vợ của ông khai khẩn làng Phương Ngạn đã tin và đã xin theo đạo, nhưng chồng không đồng ý. Thế là bà đã rời chồng để xin chịu phép Rửa, rồi cùng với người con trai út và một số người dòng họ khác đi về phía đông dựng lều vải ở riêng một vùng gọi là “phe dưới”, dần dà lập ra một làng mới, và đặt tên là làng “Kẻ Bố” tức “Bố Liêu” hiện nay.

Để kết nối tuyến du lịch

Có thể thấy ba địa điểm trên nằm lân cận, tạo thành một tam giác vị trí và kết nối với nhau bằng những vấn đề vừa liên quan vừa riêng biệt. Đó là cơ sở để xây dựng nên một tuyến du lịch khám phá bí ẩn của lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng ở Triệu Phong. Ngoài ra, ở giữa ba điểm kết nối ấy còn có những tiềm năng khác có thể hỗ trợ du lịch.

Ngay ở cụm di tích chúa Nguyễn Hoàng có dòng sông uốn lượn, dấu ấn còn đó một bến Ghềnh nơi đoàn tùy tùng của Chúa Tiên cập bờ và là bến thuyền nhộn nhịp lúc bấy giờ. Khi khảo sát vị trí này, chúng tôi nhận thấy hiện tại khá vắng vẻ. Có thể tạo thêm ở đây một cái bến quê xưa, trên bờ có cây cổ thụ tỏa bóng mát, một vài quán tranh tre nứa lá, rồi dẫn những bậc cấp từ đó xuống mặt nước.

Đối với địa điểm chùa Sắc tứ Tịnh Quang hiện tại đã sẵn có những yếu tố thuận lợi. Chùa nằm bên cạnh Quốc lộ 1A với lối dẫn vào sâu, có hàng cây xanh rợp bóng mát, cùng hồ nước thoáng đãng. Tổng thể ngôi chùa kiến trúc cổ kính với cổng tam quan, phía sau là khuôn viên rộng rãi, nhiều cây xanh, các hành lang và nhà tăng tạo nên những ô bàn cờ. Về lễ hội, nơi đây hầu như quanh năm đều có các nghi lễ lớn nhỏ: lễ cầu an tết Nguyên đán, lễ giỗ tổ khai sơn tháng hai, lễ Phật đản, Vu lan, định kỳ hằng tháng vào ngày 14 và 30 các vị tăng trong toàn tỉnh tập trung bố tát tụng kinh...

Nghề chằm nón lá truyền thống làng Bố Liêu đến nay vẫn được tiếp nối, có thể nghiên cứu để làm du lịch - Ảnh: T.V
Nghề chằm nón lá truyền thống làng Bố Liêu đến nay vẫn được tiếp nối, có thể nghiên cứu để làm du lịch - Ảnh: T.V

Làng Bố Liêu cũng có một vị trí khá thuận lợi là nằm trên trục Quốc lộ 49C, một con đường đi vào làng thẳng, dài và thoáng. Từ xa có thể nhìn thấy một nhà thờ Công giáo uy nghi đang dần hoàn thiện. Nhà thờ được xây dựng theo lối kiến trúc Phục Hưng tạo nên vẻ sang trọng, chắc chắn sẽ là nơi để mọi người có thể chụp ảnh lưu niệm.

Dân làng Bố Liêu có nghề truyền thống nức tiếng là chằm nón lá. Bây giờ đến làng Bố Liêu vẫn thấy rất nhiều sân phơi lá, đi vào từng nhà lại thấy những người phụ nữ cần mẫn ngồi chằm nón. Nón lá là vật dụng thân thuộc với người Việt, nên nghề chằm nón sẽ hấp dẫn du khách và nón cũng là một sản phẩm làm quà. Như vậy, nếu phát triển được du lịch nơi đây, thì nghề chằm nón càng được lưu giữ lâu bền.

Ẩm thực và quà mang về

Với ba điểm di tích Chúa Tiên - chùa Sắc tứ Tịnh Quang - nhà thờ Bố Liêu cùng với không gian kết nối gồm sông, chợ, lễ hội, làng nghề, món ăn... có thể thấy việc phát triển hệ thống du lịch nơi đây là điều hoàn toàn khả thi. Nhìn rộng ra chút nữa thì ba điểm này lại nằm rất gần thị xã Quảng Trị và thành phố Đông Hà, những nơi đã nổi tiếng và có cơ sở hạ tầng, địa điểm lưu trú dồi dào hơn. Tận dụng sự gần gũi với hai thành thị ấy cũng là một lợi thế để giảm bớt gánh nặng đầu tư cơ sở vật chất trước mắt.

Nón lá Bố Liêu có thể là một món quà lưu niệm để du khách mang về. Nhưng như thế vẫn còn quá khiêm tốn, thêm nữa đó là món quà "kén" khách. Quà du lịch thường sẽ có những thứ bình dân hơn, dễ sử dụng với nhiều người hơn. Hay nói cụ thể, đó phải là quà bánh, là món ăn. Món ăn cũng là thứ đáp ứng hai nhu cầu: thưởng thức tại chỗ và gói ghém mang về.

Sông Thạch Hãn đoạn chảy qua Ái Tử có những khung cảnh đẹp - Ảnh: T.V
Sông Thạch Hãn đoạn chảy qua Ái Tử có những khung cảnh đẹp - Ảnh: T.V

Trên con đường từ Ái Tử về Bố Liêu có thể ghé qua chợ Sãi (cũng là một địa chỉ mà tên gọi gắn với Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, người kế tiếp di sản Chúa Tiên Nguyễn Hoàng)(*). Nơi đây khá nổi tiếng với món nem chua và bánh ít lá gai, hai món ăn này có thể mang về làm quà cho người lớn và trẻ con. Thưởng thức tại chỗ thì có món nem lụi. Nhưng như thế vẫn còn ít, có thể thử nghiệm thêm các món liên quan đến hến: cơm hến, cháo hến, bún hến, hến xúc bánh tráng... vì sông Ái Tử sẵn có một lượng hến dồi dào.

Hến cũng có thể là một món để... nhậu. Đến đây thì liên quan chuyện uống, một phần không thể thiếu của ẩm thực du lịch. Một trong những sở thích khoái khẩu của du lịch là phải nhậu! Theo chúng tôi, sẵn có dòng sông Ái Tử đoạn chảy qua xã Triệu Giang, Triệu Ái, cầu An Mô rất đẹp, những đoạn bờ sông này có thể làm kè bê tông, tạo thành các lối đi bộ và hàng quán phục vụ ẩm thực. Đêm đêm ánh đèn rực sáng bờ kè phả xuống sông. Du khách thưởng lãm hoàng hôn bên sông, ăn uống và ngắm những bãi bồi trồng bắp, những rặng tre ở làng An Mô...

Với niềm lạc quan, tin tưởng hoạt động du lịch khám phá sự bí ẩn của Triệu Phong sẽ có những tín hiệu tích cực. Nhờ đó kích cầu sự phát triển cho một miền quê, đồng thời giúp du khách khắp nơi biết đến sự tích vẻ vang buổi đầu mở mang đất Việt.

(*) Hiện tại có nhiều nguồn thông tin chưa thống nhất về xuất xứ tên gọi Chợ Sãi.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

Chương trình Caravan Du lịch Quảng Trị 2023 sẽ diễn ra từ 18 đến 20/9

Xanh EWEC |

Chương trình Caravan Du lịch Quảng Trị năm 2023 với chủ đề sắc màu Quảng Trị sẽ diễn ra từ ngày 18 đến 20/9/2023 tại một số điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh.

Quảng Bình: Phát hiện hang động mới nguyên sơ giữa rừng Trường Sơn

Võ Dung |

Hang động mới được phát hiện có những khối thạch nhũ lung linh, huyền ảo như những bức lụa trên tà áo dài của người phụ nữ.

Bản đồ ẩm thực trực tuyến lưu giữ giá trị văn hóa ẩm thực Việt

PV |

Bản đồ ẩm thực trực tuyến do người dân ở khắp mọi miền đất nước cùng chung tay đóng góp sẽ giúp lưu giữ giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Nỗ lực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở thị xã Quảng Trị

Ngọc Trang |

Với lợi thế là có nhiều địa điểm di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng, cảnh quan thiên nhiên đẹp, thị xã Quảng Trị có điều kiện để phát triển du lịch. Chính vì vậy, địa phương này nỗ lực khắc phục khó khăn, tích cực triển khai nhiều giải pháp khơi dậy tiềm năng, đưa du lịch phát triển đúng hướng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển KT-XH của thị xã.