Du lịch văn hóa - Dòng sản phẩm ưu tiên của Chiến lược Du lịch VN

PV |

Với chủ đề “Du lịch văn hóa," Hội chợ Du lịch quốc tế năm 2023 hướng các doanh nghiệp du lịch đầu tư xây dựng các sản phẩm mới trên cơ sở khai thác giá trị độc đáo của văn hóa và di sản văn hóa.

Du lịch văn hóa luôn là xu hướng đi đầu của du lịch toàn cầu. Du khách luôn quan tâm và có nhu cầu trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa, lối sống, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của một đất nước. Các nước đều khai thác tối đa các đặc trưng văn hóa để thu hút du khách quốc tế.

Với bề dày tài nguyên văn hóa phong phú, độc đáo, đa dạng, Việt Nam cũng có mong muốn phát triển du lịch văn hóa mạnh mẽ hơn.

Khách du lịch quốc tế tham quan cố đô Huế. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)
Khách du lịch quốc tế tham quan cố đô Huế. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)
Theo Tổng cục Du lịch (Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch), Chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Việt Nam xác định các dòng sản phẩm ưu tiên cần tập trung phát triển trong đó có du lịch biển, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái.

Trong du lịch văn hóa ưu tiên phát triển du lịch di sản, lễ hội, tìm hiểu văn hóa lối sống…, các giá trị văn hóa có mặt trong mọi loại hình, sản phẩm khác.

Xuất phát từ kết quả bước đầu của Festival Việt-Pháp năm 1992, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã lên ý tưởng tổ chức một Festival với quy mô lớn, chất lượng cao hơn. Đến năm 2000, Festival Huế quy mô quốc gia và có tính quốc tế đầu tiên đã diễn ra.

Từ đó đến nay, sự kiện này đã được xác định là nơi hội tụ, giao lưu nghệ thuật giữa các nền văn hóa nhiều quốc gia; đồng thời giới thiệu, quảng bá những giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam và văn hóa Huế.

Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở văn hóa và Thể thao Thừa Thiên-Huế cho biết Festival Huế bản chất là Festival văn hóa. Ngay từ khi nghiên cứu xây dựng mô hình Huế-thành phố Festival, địa phương đã tham khảo, nghiên cứu nhiều mô hình trên thế giới. Nhưng thế mạnh lớn nhất của Huế chính là văn hóa, di sản.

Chính vì vậy, Huế khai thác những giá trị của văn hóa, di sản để làm nên chất liệu của Festival. Có thể thấy Festival Huế là dịp quảng diễn văn hóa, hội tụ tinh hoa, lan tỏa các giá trị văn hóa, thu hút du khách. Đó là cách mà Huế vừa quảng bá vừa xây dựng thương hiệu.

Từ năm 2022, Festival Huế được tổ chức theo hình thức lễ hội bốn mùa, hướng đến thành sản phẩm để phát triển du lịch, tô đậm thêm cho thương hiệu Festival Huế, tiếp cận phù hợp, đáp ứng thị hiếu và nhu cầu mới của du khách.

Năm 2023, Festival Huế được mở đầu bằng Lễ Ban Sóc tại Ngọ Môn-Đại Nội Huế vào ngày 1/1, kết thúc với chương trình Countdown ngày 31/12/2023, điểm nhấn là Tuần lễ Festival Nghề truyền thống Huế với chủ đề “Tinh hoa Nghề Việt” (từ ngày 28/4 đến ngày 5/5).

Bốn mùa lễ trong năm 2023 đều có những điểm nhấn đáng chú ý. Trong đó Lễ hội “Xuân Cố đô” (tháng 1-3) lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Hoàng Mai quy mô toàn quốc nhằm hướng tới xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành Xứ sở mai vàng của Việt Nam.

Lễ hội mùa Hạ “Kinh thành tỏa sáng” (tháng 4-6) với điểm nhấn là Tuần lễ Festival Nghề truyền thống Huế chủ đề “Tinh hoa Nghề Việt” và các hoạt động kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế, 20 năm Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO ghi danh. Lễ hội “Huế vào thu” (tháng 7-9) thì điểm nhấn là Lễ hội Áo dài gắn với Tuần lễ Áo dài cộng đồng, vui Tết Trung Thu.

Du thuyền trên vịnh Hạ Long. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Du thuyền trên vịnh Hạ Long. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Còn Lễ hội mùa Đông “Mùa Đông xứ Huế” (tháng 10-12) gắn với Festival Âm nhạc quốc tế và chào đón năm mới. Festival Huế 2023 tiếp tục khai thác thế mạnh về danh thắng, du lịch tâm linh, tăng sức hút của điểm đến, góp phần phát triển du lịch, văn hóa, kinh tế xã hội của địa phương, để Huế thực sự trở thành Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Không chỉ Huế, thời gian qua, nhiều địa phương của Việt Nam cũng bước đầu tổ chức thành công những sự kiện lớn mang tính chất lễ hội gây được sự chú ý của quốc tế. Có thể kể đến Festival biển Nha Trang, Carnavan biển Hạ Long, Festival cồng chiêng Tây Nguyên, Festival lúa gạo Hậu Giang, Lễ hội trái cây Nam Bộ, Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột, Festival Hoa Đà Lạt...

Có thể nói là những lễ hội trên đã trở thành “hiệu ứng văn hóa,” có sự giao hòa quyện, giao thoa văn hóa Việt Nam với thế giới, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách trong nước, quốc tế.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết trong Chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2030, doanh thu từ du lịch văn hóa chiếm 15-20% trong tổng số 40 tỷ USD thu từ khách du lịch.

Theo ông Vũ Thế Bình, Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào phát triển du lịch văn hóa là dựa trên nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng, phong phú, đặc sắc trải dài khắp các vùng miền đất nước.

Thống kê cho thấy, cả nước có khoảng 40.000 di tích được kiểm kê, trong đó có khoảng 10.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố, trên 3.460 di tích cấp quốc gia, 107 di tích quốc gia đặc biệt, 164 bảo vật quốc gia. Gắn với các di tích đều là những câu chuyện lịch sử, văn hóa đặc trưng, thu hút du khách.

Do đó, các địa phương đều có sáng tạo nhất định để khai thác giá trị văn hóa, lịch sử của hệ thống di tích này. Quan trọng là nhu cầu du lịch tìm hiểu văn hóa bản địa của du khách trong nước, quốc tế ngày càng tăng cao. Có thể khẳng định rằng văn hóa luôn là bộ phận quan trọng của nhiều ngành kinh tế, trong đó có du lịch.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chọn chủ đề “Du lịch văn hóa” cho Hội chợ Du lịch quốc tế (VITM) năm nay. Ban Tổ chức sẽ hướng các doanh nghiệp du lịch đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới trên cơ sở khai thác giá trị độc đáo của văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của Việt Nam.

Sự chuyển hướng nhu cầu của du khách, sự khác biệt của nền văn hóa, phong tục tập quán, hoạt động sản xuất, cuộc sống của 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam luôn hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của khách quốc tế và nội địa.

Qua Hội chợ lần này, Ban Tổ chức hy vọng góp phần đưa du lịch trở thành một bộ phận quan trọng của nền công nghiệp văn hóa, đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn giá trị của các di sản văn hóa Việt Nam, đồng thời đưa văn hóa truyền thống, văn hóa hiện đại của Việt Nam ra thế giới.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phạm Văn Thủy cũng chia sẻ du lịch và văn hóa luôn gắn kết chặt chẽ, tạo ra nhiều sản phẩm hấp dẫn. Thế nhưng hiện nay, việc phát triển du lịch văn hóa còn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của văn hóa.

Chính vì vậy, việc đẩy mạnh du lịch văn hóa sẽ là giải pháp nòng cốt, trọng tâm góp phần thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng bền vững. “Nếu các doanh nghiệp chỉ chú trọng kinh tế mà quên đi yếu tố văn hóa thì dần dần sẽ gây ảnh hưởng đến tương lai lâu dài của đất nước, đến môi trường sống... vì vậy, chúng ta phải gắn văn hóa với phát triển du lịch” - ông Phạm Văn Thủy nhấn mạnh.

Sau dịch COVID-19, nhu cầu du khách tương tác với cộng đồng địa phương, khám phá văn hóa và sản phẩm bản địa ngày càng gia tăng. Với loại hình này, du khách thay vì tận hưởng dịch vụ trong khu nghỉ dưỡng thì họ thích được khám phá văn hóa địa phương, trải nghiệm canh tác, cùng người dân trồng rau, đánh bắt cá, cắm trại, chèo thuyền kayak, vẽ tranh, làm gốm, hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp.

Một góc đô thị cổ Hội An. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Một góc đô thị cổ Hội An. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Có thể nói, xu hướng du lịch này không chỉ giúp du khách trải nghiệm thực tế cuộc sống của người dân ở điểm đến, khám phá giá trị văn hóa bản địa mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội ở nơi mà họ đặt chân đến.

Đáp ứng nhu cầu của du khách, các đơn vị lữ hành, du lịch đã xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch có chất lượng, hấp dẫn, góp phần quảng bá nét đặc trưng văn hóa, ẩm thực, danh thắng của nhiều địa phương.

Quảng Nam là một điểm đến du lịch văn hóa thu hút khách quốc tế. Nơi đây sở hữu 2 di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, ngoài ra còn có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và nhiều địa danh lịch sử, danh thắng nổi tiếng. Bên cạnh đó là lễ hội vùng miền, nét văn hóa đặc trưng của từng vùng luôn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách.

Đô thị cổ Hội An với vẻ đẹp cổ kính, văn hóa riêng biệt luôn thu hút đông đảo khách quốc tế. Tại mùa trao giải năm 2022 của Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards/WTA) khu vực châu Á- Thái Bình Dương, Hội An được nhận giải thưởng “Điểm đến đô thị du lịch văn hóa hàng đầu châu Á năm 2022.”

Giải thưởng này đã cho thấy Hội An luôn lấy văn hóa làm cốt lõi trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội là đúng đắn. Từ đó, các giá trị tinh hoa truyền thống được giữ gìn, phát huy. Mặt khác, thành phố luôn sáng tạo, đổi mới, tiên phong chuyển đổi sang mô hình “du lịch xanh” để hướng tới các giá trị bền vững, lâu dài.

Di sản văn hóa là tài sản quý báu của quốc gia, cần được bảo tồn, phát huy, giới thiệu, lan tỏa. Xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa, di sản là một hướng đi quan trọng để phát triển bền vững.

Việt Nam đang bước đầu khai thác du lịch văn hóa nên vẫn rất cần những những giải pháp mang tính gắn kết chặt chẽ để thực sự xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa có tính bền vững, có uy tín và được ghi nhận.

(Nguồn: Vietnam+)

TAGS

Các nước Đông Nam Á phục hồi du lịch và hướng đi cho Việt Nam

PV |

Từ kinh nghiệm của Thái Lan và các nước ASEAN, chuyên gia khuyên rằng Việt Nam nên xây dựng chiến lược truyền thông sản phẩm dành riêng cho du khách quốc tế và tìm kiếm sự sáng tạo ở chiến lược đó.

Các doanh nghiệp du lịch sẵn sàng cho mùa cao điểm

Thu Hạ |

Để đón mùa cao điểm du lịch năm 2023, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ lữ hành, lưu trú, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang khẩn trương hoàn tất các điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, nhân lực nhằm thu hút du khách đến tham quan, khám phá và trải nghiệm.

Thích ứng linh hoạt, du lịch thành phố Đà Nẵng phục hồi mạnh mẽ

PV |

Ngay từ đầu năm, thành phố tiếp tục thực hiện kế hoạch thích ứng linh hoạt trong hoạt động du lịch; triển khai các giải pháp khôi phục, phát triển thị trường khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng 2023.

Tạo các tiền đề, hành lang pháp lý và cơ chế hỗ trợ để loại hình du lịch văn hóa tâm linh phát triển

Thanh Trúc |

Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam tại hội thảo “Bí ẩn miền đất thiêng” do Hiệp hội Du lịch Quảng Trị tổ chức chiều 15/10. Hội thảo với sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành lớn trên toàn quốc; đại diện lãnh đạo một số Sở Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch; Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch các tỉnh: Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.