Với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân huyện Hải Lăng (Quảng Trị), môn đua thuyền truyền thống phát triển rộng khắp trong toàn huyện.
Nhiều hội đua thuyền truyền thống được tổ chức ở cấp cơ sở cho đến cấp huyện đã tạo nên những cuộc tranh tài sôi nổi, hấp dẫn, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa, thể thao truyền thống và nâng cao đời sống tinh thần, sức khỏe cho người dân địa phương.
Nét đẹp văn hóa, thể thao truyền thống
Con thuyền, dòng sông, bến nước là những hình ảnh quen thuộc trong đời sống của người dân huyện Hải Lăng tự bao đời nay. Hội đua thuyền truyền thống ra đời cũng trên cơ sở đó. Nhiều bậc cao niên am hiểu về đua thuyền truyền thống cho biết, từ xa xưa, nhiều miền quê vùng sông nước như: Hải Phong, Hải Hưng, Hải Chánh, Hải Ba, Hải Quế… của huyện Hải Lăng thường xuyên tổ chức hội đua thuyền truyền thống từ thôn đến xã vào những ngày đầu xuân và duy trì bền vững cho đến hôm nay. Với mục tiêu nâng tầm phong trào đua thuyền truyền thống, huyện Hải Lăng quyết định tổ chức hội đua thuyền truyền thống cấp huyện vào năm 2003.
Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hải Lăng Nguyễn Thị Hồng Mỹ cho biết: Hải Lăng là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa với nhiều lễ hội dân gian, lễ hội mang yếu tố lịch sử. Sôi động và nổi bật nhất trong các lễ hội truyền thống đó là hội đua thuyền.
Với quan niệm tổ chức hội đua thuyền vào ngày đầu xuân là để khai thông sông rạch với ước muốn mưa thuận, gió hòa, làng nào giành giải cao trong cuộc đua thì năm đó sẽ gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt. Do vậy, mỗi làng đều thành lập hai đội đua nam, nữ với đa số các vận động viên (VĐV) ở lứa tuổi thanh niên được tuyển chọn dựa vào hai yếu tố sức khỏe và kỹ thuật bơi thuyền.Việc làm thuyền đua của mỗi làng cũng được lựa chọn kỹ càng, nhất là khâu chọn tre và chọn thợ. Theo đó, nguyên vật liệu làm thuyền đua được chọn từ những cây tre già, giống tre tốt, qua bàn tay chế tạo của các nghệ nhân lành nghề đã trở thành những chiếc thuyền đua nhiều màu sắc, thanh thoát nhưng cũng hết sức vững chãi, phù hợp với trọng lượng và số lượng người bơi thuyền.
Sau khi làm xong thuyền, các đội thuyền đua tổ chức lễ “thượng sơn, hạ thủy” một cách bài bản, trang trọng tại các ngôi đình và miếu thờ trong làng. Trên đường đua xanh, các đội đua thi đấu hết mình để giành chiến thắng. Trên bờ, tiếng trống đánh vang vọng liên hồi cùng tiếng hò vang cổ vũ của người dân góp phần làm cho hội đua thêm nhiều ấn tượng đẹp.
Những năm qua, môn đua thuyền truyền thống phát triển khá sâu rộng ở các địa phương trong toàn huyện Hải Lăng. Hoạt động này không những tạo sân chơi thiết thực cho người dân mà còn phát huy tinh thần chủ động ứng phó với thiên tai cũng như làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn trong mỗi mùa mưa bão.
Ấn tượng đẹp từ đường đua xanh
Với mỗi người dân huyện Hải Lăng, đua thuyền truyền thống là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Khi nghe tin Hội đua thuyền truyền thống huyện Hải Lăng năm 2023 được tổ chức trở lại vào ngày 18/3, nhiều người dân rất vui mừng, phấn khởi.
Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin-Thể dục thể thao Nguyễn Hùng Mạnh cho biết, hội đua thuyền là một trong những hoạt động không thể thiếu trong các dịp lễ hội ở huyện Hải Lăng. Đặc biệt, hội đua thuyền truyền thống được lựa chọn để làm phần hội trọng tâm trong lễ kỷ niệm ngày giải phóng huyện Hải Lăng 19/3 hằng năm.
Hội đua thuyền truyền thống huyện Hải Lăng được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2003 tại hồ Nước Chè, thị trấn Diên Sanh. Giai đoạn 2003-2018, hội đua thuyền được tổ chức thường niên, tạo thương hiệu về tính chuyên nghiệp trong khâu tổ chức, quy mô, chất lượng và cơ cấu giải thưởng.
Ước tính bình quân mỗi giải đấu có khoảng 800 VĐV nam, nữ đến từ 20 xã, thị trấn tham gia; có khoảng từ 20.000-30.000 người dân ở huyện Hải Lăng và các địa phương khác đến xem, cổ vũ. Từ năm 2019 đến năm 2022, hội đua thuyền truyền thống không được tổ chức do ảnh hưởng thiên tai và dịch bệnh COVID-19.Năm 2023, huyện Hải Lăng quyết tâm tạo nên sự đột phá cho hội đua thuyền truyền thống bằng nhiều sự thay đổi tích cực về nội dung đua, nhân sự và cơ cấu giải thưởng. Hội đua năm nay có hơn 600 VĐV nam, nữ thuộc 16 đội nam, 12 đội nữ đến từ 16 xã, thị trấn; tranh tài ở 9 đợt đua (các năm trước tổ chức 7 đợt đua), trong đó nội dung nam tranh tài ở 5 đợt đua 3 vòng 6 tao (6 km), nội dung nữ tranh tài ở 4 đợt đua 2 vòng 4 tao (4 km). Để nâng cao chất lượng chuyên môn, các địa phương được phép mượn lái thuyền, riêng đối với giải cúng và giải phá của nam bắt buộc phải là người của địa phương.
Anh Nguyễn Hùng Mạnh cho biết thêm: “Hội đua thuyền truyền thống huyện Hải Lăng là hội đua quan trọng nhất trong năm trên địa bàn huyện. Vì thế, huyện đã xây dựng điều lệ thi đấu chặt chẽ, đảm bảo các cuộc tranh tài diễn ra trên tinh thần đoàn kết, trung thực, cao thượng; xử lý nghiêm minh các hình thức gian lận VĐV, hành vi bạo lực trong lúc thi đấu; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho giải và các VĐV cùng người dân đến xem, cổ vũ. Qua các năm tổ chức, giải đều diễn ra thành công và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp”.
Để chuẩn bị cho Hội đua thuyền truyền thống huyện Hải Lăng năm 2023, các địa phương đã tổ chức các hội đua cấp thôn, cấp xã để chọn những VĐV tốt nhất tham gia cấp huyện. Chủ tịch UBND xã Hải Phong Bùi Xuân Giang cho biết: “Đua thuyền truyền thống ở xã Hải Phong có từ lâu đời. Vào các dịp lễ kỷ niệm ngày giải phóng huyện, đầu năm mới và ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc 18/11, UBND xã Hải Phong và 7 khu dân cư đều quan tâm tổ chức hội đua thuyền truyền thống trên sông Ô Lâu. Những năm qua, môn đua thuyền truyền thống của xã Hải Phong luôn nằm ở vị trí top đầu của huyện”.
Ở các xã khác như: Hải Ba, Hải Quế, Hải Hưng, Hải Trường, Hải Chánh, Hải Sơn… cũng xem đua thuyền truyền thống là môn thể thao thế mạnh, thường xuyên tổ chức vào mỗi dịp lễ, tết và kỷ niệm các sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước. Việc gìn giữ và phát huy giá trị của hội đua thuyền truyền thống đã khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước; thắt chặt tình đoàn kết, lòng tự hào của người dân về nguồn cội. Lễ hội này còn tạo không gian giao lưu, gìn giữ và phát huy những nét văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch; giới thiệu và quảng bá những nét đẹp văn hóa, thể thao truyền thống của Hải Lăng đi khắp muôn nơi.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)