Giữ gìn tính nguyên bản của di sản trong phát triển du lịch Quảng Trị

Quảng An |

Quảng Trị là một vùng đất có lịch sử định cư lâu đời; là địa bàn có vị trị đặc biệt trong các thời kỳ lịch sử; là nơi phân định ranh giới của những triều đại phong kiến; và là giới tuyến tạm thời hơn 20 năm trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc giữa thế kỷ 20.

Với vị trí đặc biệt về địa lí (phía bắc giáp Quảng Bình, phía nam giáp Thừa Thiên Huế, phía tây giáp các tỉnh Savannakhet và Saravane (của Lào), phía đông giáp biển Đông đã tạo nên một Quảng Trị có địa hình đa dạng, tiềm năng. Quảng Trị là nơi chuyển tiếp giữa hai miền địa lý Bắc - Nam. Đây cũng là nơi tụ hội của nhiều danh lam, thắng cảnh, hệ thống di tích, văn hoá cổ truyền,… phong phú về số lượng, độc đáo về nội dung, đa dạng về loại hình.

Lễ hội Ariêu ping của đồng bào vùng cao Quảng Trị
Lễ hội Ariêu ping của đồng bào vùng cao Quảng Trị

Có thể nói, di sản ẩn chứa nhiều giá trị, trong đó phải kể đến các giá trị cơ bản như giá trị khoa học, giáo dục, nhận thức, thẩm mĩ và giá trị kinh tế. Các di sản về tư tưởng giúp mỗi người nhận thức được đầy đủ hơn về các hệ giá trị của dân tộc; các di tích lịch sử, các tài sản văn hóa là những chứng tích có ý nghĩa quan trọng, minh chứng về lãnh thổ chủ quyền quốc gia, v.v... Vì vậy, tính nguyên bản của di sản chính là hệ giá trị bảo đảm cho sức sống và tính hấp dẫn vĩnh hằng của di sản. Điều đó cũng góp phần quan trọng cho việc chủ nhân của di sản sáng tạo ra cách tiếp cận di sản một cách phù hợp, hiệu quả: tính nguyên bản của di sản làm nên tính hấp dẫn của du lịch di sản và sự phát triển của kinh tế du lịch từ sự hấp dẫn của di sản sẽ là yếu tố quan trọng để bảo tồn di sản. 

Ở Quảng Trị, nhiều chứng tích đã trở thành những di sản về tinh thần quật cường, tự tôn dân tộc, minh chứng về những đau thương mất mát mà nhân dân ta phải hứng chịu bởi tội ác dã man của kẻ thù trong những năm tháng chiến tranh, chia cắt; minh chứng truyền thống yêu nước, khát vọng hòa bình, độc lập tự do của nhân dân ta. Bởi vậy, khi hòa bình trở lại, không phải các dấu tích chiến tranh đều phải được xóa sạch. Những chứng tích mặc dù là ghi dấu một thời về sự mất mát đau thương nhưng đã đi vào lịch sử với những dấu ấn đậm nét, giúp mỗi người nhận thức được đầy đủ hơn về các hệ giá trị của dân tộc phải được bảo tồn. Chẳng hạn, cần giữ lại một phần con phố ngổn ngang ở thị xã Quảng Trị, một ngôi nhà cổ,…bị bom đạn Mĩ tàn phá đánh sập,… Chúng ta đã từng thấy không ít quốc gia họ làm điều này và đặc biệt thu hút được sự quan tâm của du khách như Đấu trường ở Rôma (Italia) hay tu viện Tunhia (Pháp) bị tàn phá bởi chiến tranh. Việc bảo tồn nguyên vẹn về sự đổ nát của công trình này được đánh giá là “Địa điểm hoang tàn đẹp nhất” ở nước Pháp; là nơi “ghi dấu ấn sâu sắc của chủ nghĩa lãng mạn”.

Quảng Trị là vùng đất cư trú lâu đời của nhiều tộc người, với nhiều vùng văn hóa và văn hóa tộc người khác nhau, như văn hóa biển, văn hóa đồng bằng, văn hóa miền núi,… cùng với đó là một số di tích văn hóa Chăm; một số tộc người thiểu số như Bru-Vân Kiều, Pa Cô, Tà Ôi, với nhiều nét văn hóa độc đáo tạo nên sực hấp dẫn riêng. Đó cũng là lí do Quảng Trị thường xuyên thu hút một lượng khá lớn khách du lịch đến tham quan, khám phá, trải nghiệm. Và vì thế, bản sắc văn hóa tộc người là sản phẩm nhận được sự chú ý đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.

Ở Quảng Trị thời gian gần đây khai thác du lịch từ văn hóa bản địa đã và đang đem lại hiệu quả nhất định. Nhằm đáp ứng nhu cầu du khách, các sản phẩm du lịch ngày càng chú trọng khai thác các nét riêng trong văn hóa vật thể, phi vật thể của các địa phương và tộc người tại chỗ. Vấn đề là phải bảo tồn bản sắc văn hóa tộc người để làm “nguồn” thu hút khách du lịch nhưng vẫn phải phát triển phù hợp thời đại với những nhu cầu của cuộc sống hiện đại. Nói cách khác là bên cạnh lợi ích kinh tế từ du lịch, phải bảo đảm tính nguyên bản của di sản, tránh làm tổn thương, mai một các giá trị văn hóa. Không làm được điều đó, khai thác du lịch từ văn hóa các địa phương và tộc người tại chỗ sẽ không đảm bảo tính bền vững. Có thể khẳng định, hoạt động du lịch có sự tham gia của cư dân tại chỗ sẽ mang lại hiệu quả về nhiều mặt trong đó có thu nhập kinh tế cho người dân. Thực tế cho thấy, tính nguyên bản của văn hóa bản địa là động lực hấp dẫn du khách, kích thích họ trải nghiệm và chi tiêu cho những chuyến du lịch đến các thôn bản đồng bào các địa phương, các dân tộc.

Trên thế giới, loại hình du lịch văn hóa dựa trên tính nguyên bản được xem là yếu tố then chốt để thu hút du khách, đem lại nguồn lợi kinh tế và giúp tạo dựng hình ảnh địa phương. Có thể thấy rõ ở một số quốc gia như Trung Quốc, Italia, New Zealand, Malaysia,... Ở Việt Nam thì bản Cát Cát (Sa Pa), Mai Châu (Hòa Bình) là một ví dụ. Nhờ phát triển du lịch dựa trên khai thác văn hóa bản địa, người dân địa phương được hưởng lợi thông qua cung ứng một số sản phẩm dịch vụ du lịch (như làm hướng dẫn viên, phục vụ phương tiện đi lại, cung cấp chỗ ở, phục vụ ăn uống với đặc sản và phong cách ẩm thực mới lạ, đồ thủ công mĩ nghệ, thổ cẩm, biểu diễn văn nghệ dân gian truyền thống,…). Như vậy, những giá trị văn hóa bản địa tạo lực hút du khách đến và trải nghiệm đã giúp cư dân địa phương có thêm công ăn việc làm, cải thiện đời sống. Người dân tự nhận thức và thực hiện việc bảo tồn văn hóa cộng đồng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của họ. Tuy nhiên với người dân, không phải ai cũng nhận thức được vai trò và tâm quan trọng của văn hóa bản địa, nhất là tính nguyên bản.

Thực tế hiện nay, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như ở các làng nghề truyền thống, cán bộ địa phương cũng như người dân vẫn chưa nhận thức một cách đầy đủ về vấn đề này. Vì vậy, một số nghề truyền thống, nhiều đặc sản và ẩm thực vẫn chưa được quan tâm đến việc giữ gìn bản sắc. Các bản làng người dân tộc thiểu số chưa được tổ chức một cách có hiệu quả các hình thức du lịch dựa trên những lợi thế của địa bàn và đặc trưng văn hóa, trong lúc miền Tây Quảng Trị cũng là một địa bàn có điều kiện để tổ chức hình thức du lịch lưu trú tại nhà (homestay). Một khi văn hóa được coi là sản phẩm để phục vụ du khách thì nó đã trở thành hàng hóa. Sự thay đổi hoặc điều chỉnh các yếu tố văn hóa bản địa nhằm thỏa mãn nhu cầu du khách để thu lợi nhuận, tạo ra hiện tượng thương mại hóa văn hóa là điều khó tránh khỏi.

Khi đề cập đến tính thương mại của văn hóa bản địa, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến những tác động tiêu cực như thay đổi văn hóa truyền thống, làm biến chất giá trị văn hóa. Thực ra tính tích cực của vấn đề thương mại hóa các giá trị văn hóa trong du lịch đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Thông qua hoạt động du lịch, văn hóa bản địa ở một số địa phương của Quảng Trị trở thành sản phẩm du lịch và phục vụ du khách một cách hiệu quả. Nhờ đó các giá trị văn hóa của địa phương được “sống” đúng nghĩa. Đồng thời, bản thân người dân cũng có cơ hội hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa tộc người, địa phương mình. Thực tế có những làn điệu dân ca, điệu múa cổ truyền, nghề thủ công truyền thống đối diện nguy cơ biến mất nhưng nhờ vào phát triển du lịch, những yếu tố này được “sống lại” bởi hấp dẫn du khách, khiến họ sẵn sàng bỏ tiền ra để thưởng thức, trải nghiệm hoặc sử dụng. Do đó có thể thấy, thương mại hóa đã góp phần bảo tồn những nét đẹp của văn hóa cổ truyền đang đứng trước nguy cơ bị mai một bởi sự thay đổi của nhịp điệu đời sống hiện đại. Có thể nói rằng, nếu các giá trị văn hóa chỉ tồn tại riêng rẽ, hay tính nguyên bản của văn hóa chỉ được bảo đảm bởi đơn thuần là một sự tuyên truyền, vận động hoặc can thiệp mang tính hành chính, cưỡng bức cũng không thể đảm bảo quá trình này diễn ra lâu dài. Chỉ có người dân địa phương, những người hiểu rõ văn hóa của di sản mới có thể bảo tồn giá trị di sản một cách hiệu quả, bền vững. Và khi người dân được hưởng lợi nhờ văn hóa di sản,  họ sẽ xem việc bảo tồn các giá trị của di sản không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là niềm tự hào và quyền lợi của chính mình. Để các giá trị văn hóa di sản tồn tại bền vững, đồng hành với sự phát triển kinh tế thông qua hoạt động du lịch, thiết nghĩ phải tạo được sự cân bằng giữa hai yếu tố tính nguyên bản và tính thương mại. Có vậy, chúng ta mới giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa mà không bị cuốn theo cơn lốc thương mại hóa. Theo chúng tôi, cần quan tâm một số vấn đề sau:

Đối với các cấp chính quyền, cần có chủ trương chính sách và cơ chế phù hợp, khả thi khi khai thác văn hóa di sản trong phát triển du lịch theo hướng bền vững; có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ cộng đồng địa phương những điều kiện thiết yếu nhất định và định hướng cụ thể cho việc giữ gìn các giá trị di sản cũng như kết hợp khai thác giá trị văn hóa ấy vào hoạt động du lịch; cần quan tâm đến ý kiến các bên liên quan, tránh áp đặt, can thiệp thô bạo, làm biến đổi giá trị văn hóa của di sản hoặc làm trở ngại hoạt động du lịch.

Đối với các nhà khoa học, cần có những nghiên cứu, với những minh chứng cụ thể về khai thác du lịch từ văn hóa di sản, từ đó xác định được các giá trị của các loại hình di sản, giúp chỉ ra yếu tố nào cần giữ gìn nguyên bản, yếu tố nào có thể linh hoạt điều chỉnh hợp lí, và ở mức độ nào để đáp ứng nhu cầu du khách, nhằm đem lại lợi ích kinh tế cho người dân nhưng vẫn không làm mất tính nguyên bản của di sản. Đặc biệt, ở Quảng Trị không ít các di tích lại được trưng bày bởi các phương tiện chiến tranh - là những thứ không tồn tại dài lâu với thời gian. Thiết nghĩ, vấn đề cốt lõi của công tác bảo tồn nằm ở chỗ, cần hướng vào giữ gìn tính nguyên bản của các yếu tố mang tính giá trị trong văn hóa dân tộc. Làm rõ được điều này, các bên liên quan sẽ có cơ sở cho một giải pháp dung hòa tính hai mặt trong khai thác văn hóa di sản vào việc phát triển du lịch bền vững.

Các doanh nghiêp lữ hành phải làm tốt vai trò kết nối, định hướng tài nguyên khai thác khi xây dựng sản phẩm du lịch. Ở đây, tài nguyên được khai thác là các giá trị văn hóa của di sản, một dạng tài nguyên giúp tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, khác biệt, có khả năng cạnh tranh không chỉ giữa các vùng miền mà còn giữa các quốc gia. Doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, giới thiệu thông tin giúp du khách hiểu rõ hơn về tính nguyên bản, các giá trị về văn hóa trong từng sản phẩm du lịch. Doanh nghiệp còn có thể giúp du khách nâng cao nhận thức khi sử dụng sản phẩm du lịch để trở thành những người du lịch có trách nhiệm đối với di sản. Như vậy, doanh nghiệp vừa có thể thu được lợi nhuận vừa có thể bảo tồn tính nguyên bản của di sản trong phát triển du lịch bền vững.

Cư dân địa phương là đối tượng tham gia trực tiếp trong hoạt động du lịch dựa vào di sản và cũng là những người trực tiếp sáng tạo, nuôi dưỡng, bảo tồn tài nguyên văn hóa địa phương nên rất hiểu giá trị di sản và những đặc trưng văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên do đứng từ góc nhìn bên trong, họ khó có thể hiểu được hậu quả của việc làm thay đổi những nét văn hóa bản địa để phục vụ du lịch. Vì thế rất cần những người am hiểu văn hóa dân tộc, địa phương mình đóng góp ý kiến phối hợp với các bên liên quan để giới thiệu, chỉ ra các giá trị văn hóa bản địa cần giữ gìn. Những người tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch cần có cách thức phục vụ du khách phù hợp, không mất kiểm soát và luôn trên tinh thần tự tôn tộc người, địa phương; tránh tùy tiện thay đổi theo hướng đơn giản hóa, dễ được lòng một số du khách cá biệt, hay có khi chỉ là một chút tự ty dân tộc. Điều đó vô tình làm mất đi bản sắc văn hóa địa phương, tộc người mình. Làm mất bản sắc văn hóa bản địa chính là họ đánh mất cơ hội của cộng đồng mình trong tương lai.

Mặc dù “kinh tế di sản” là một khái niệm còn nhiều chỗ cần bàn, nhưng thực tế du lịch khai thác văn hóa di sản đã và đang thu được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, nếu không nhận thức được một cách đầy đủ, có tính khoa học; không được tổ chức một cách hợp lý sẽ tạo ra những hậu quả khó lường cho di sản mà chúng ta không dễ nhìn thấy một sớm một chiều. Khi khai thác văn hóa di sản để phát triển du lịch, chúng ta nhận diện được tính hai mặt của vấn đề. Du lịch giúp bảo tồn tính nguyên bản các loại hình di sản, và di sản góp phần vào sự phát triển kinh tế thông qua hoạt động du lịch. Điều quan trọng là những người làm du lịch phải biết cách làm thức dậy những giá trị được ẩn chứa trong di sản, có giải pháp để các loại hình di sản có cơ hội và điều kiện tham gia đóng góp vào chuỗi các hoạt động du lịch; đồng thời du lịch khai thác di sản không làm tổn thương di sản; phải tạo nên quan hệ cộng hưởng trong hoạt động du lịch. Các di sản tư tưởng, di sản lịch sử, di sản là tài nguyên thiên nhiên cần được bảo tồn trên cơ sở tính nguyên bản một cách nghiêm ngặt, bởi với các di sản này, tính nguyên bản cũng đồng nghĩa với tính giá trị của di sản. Với các di sản văn hóa mang tính bản địa, các bên hữu quan cần có những nghiên cứu cụ thể, trên cơ sở đó nhận diện những yếu tố nguyên bản mang tính giá trị để bảo tồn. Cùng với đó, điều chỉnh linh hoạt một số yếu tố văn hóa phù hợp loại hình du lịch, nhu cầu du khách khi cung cấp dịch vụ. Có như thế việc khai thác giá trị văn hóa của di sản trong phát triển du lịch sẽ bền vững và đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Bảo tồn và khai thác di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch

Minh Trí |

Trong xu hướng hiện nay, những vùng văn hóa phát triển đi kèm với di sản văn hóa có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du lịch. Di sản văn hóa bao gồm tài sản văn hóa (như các tòa nhà, cảnh quan, di tích, sách, tác phẩm nghệ thuật và các hiện vật), văn hóa phi vật thể (như văn hóa dân gian, truyền thống, ngôn ngữ và kiến thức) và di sản tự nhiên (bao gồm cảnh quan có tính văn hóa quan trọng và đa dạng sinh học). Tuy nhiên, việc gắn bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội đang là vấn đề thách thức.

Nhà vườn - Vẻ đẹp đặc trưng của di sản kiến trúc, văn hóa Huế

PV |

Từ bao đời nay, hệ thống nhà vườn cổ là tài sản quý giá, góp phần tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của di sản kiến trúc, văn hóa Huế, trở thành điểm đến thu hút du khách mỗi lần đến Huế.

Ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của vùng đất cố đô

PV |

Ca Huế đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2015 và đang được xây dựng hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thưởng thức ẩm thực, văn hoá các dân tộc tại ngày hội di sản Đà Nẵng

Thùy Trang |

Được diễn ra từ ngày 21 đến 23.11, “Ngày hội di sản văn hóa Đà Nẵng năm 2020” trong khuôn viên di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải mang đến không gian sinh động với nhiều gian hàng từ ẩm thực đến triển lãm tranh ảnh, giúp người dân tìm hiểu về các nền văn hoá dân tộc.