Lướt qua bản tin tỉnh Đắk Nông được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiếp tục chọn làm nơi tổ chức Lễ hội Văn hóa thổ cẩm lần thứ 2 vào cuối năm 2020, tôi chợt nhớ lại cuộc gặp gỡ hai năm trước với người bạn thời đại học Viết Bảo sau khi bạn hoàn tất chuyến “săn hàng” thổ cẩm tại huyện Hướng Hóa, Quảng Trị.
Viết Bảo hiện là nhà thiết kế thời trang có tên tuổi ở Huế. Năm 2018, Bảo lên miền tây Quảng Trị tìm đầu mối thu mua sản phẩm thổ cẩm của đồng bào dân tộc ở đây. Sản phẩm thu mua được phối hợp với các chất liệu khác nhau để thiết kế trang phục tham gia trình diễn tại Lễ hội văn hoá thổ cẩm Việt Nam lần đầu tiên tổ chức ở Đắk Nông vào tháng 1 năm 2019.
Đây là lễ hội nhằm tôn vinh nghề dệt thổ cẩm, di sản văn hóa quý giá, giàu tính nhân văn cần được bảo tồn và phát triển. Bảo cho biết ở Thừa Thiên Huế có sản phẩm thổ cẩm từ nghề dệt zèng trong đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới, tuy nhiên bản thân muốn thiết kế đa dạng về mẫu mã, vùng miền nên chọn điểm tìm kiếm tại Quảng Trị. Sản phẩm dệt thổ cẩm ở Quảng Trị còn nguyên sơ, chưa đa dạng về họa tiết tuy nhiên ưu điểm là giá thành rẻ so với những nơi khác. “Nghề dệt thổ cẩm là một nét văn hoá quý báu nếu không nâng niu sẽ rất đáng tiếc. Thiết nghĩ tỉnh Quảng Trị cần chăm lo bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nếu như Quảng Trị có ý tưởng tổ chức lễ hội chuyên về thổ cẩm hoặc cần tư vấn, tham mưu về các đề án bảo tồn và phát triển thổ cẩm thì mình sẵn sàng giới thiệu các nghệ nhân, những nhà thiết kế có tên tuổi tại miền Trung để tham gia tư vấn, đào tạo”, Viết Bảo tâm sự.
Nỗi niềm thổ cẩm
Câu chuyện của Bảo đã thôi thúc tôi ngược theo tuyến đường 9 tìm đến chợ Khe Sanh là chợ đầu mối thu mua thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số phía tây Quảng Trị. Trò chuyện cùng các tiểu thương chuyên thu mua thổ cẩm tại chợ Khe Sanh, họ cho biết sản phẩm thổ cẩm được nhập chủ yếu từ người dân chuyên giao dịch, trao đổi hàng hóa với đồng bào Vân Kiều, Pa Kô. Sản phẩm thổ cẩm bán cho dân địa phương sử dụng làm của hồi môn khi dựng vợ gả chồng hoặc may trang phục. Tìm hiểu thông tin tại đây tôi được biết ở Hướng Hóa nghề dệt thổ cẩm chưa phát triển mạnh do người dân chưa sinh sống được bằng nghề, thợ dệt có tay nghề cao vẫn còn ít. Qua giới thiệu của những tiểu thương tại chợ, tôi tiếp tục hành trình dọc theo Quốc lộ 14 quanh co trùng điệp giữa núi rừng tìm đến xã A Bung, huyện Đakrông- nơi được xem có nghề dệt thổ cẩm phát triển nhất tại miền núi Quảng Trị.
Qua giới thiệu của lãnh đạo xã, tôi tìm được nhà chị Đoàn Thị Nga, hiện là tổ trưởng tổ dệt với sự tham gia của hai mươi chị em phụ nữ trên địa bàn. Tổ dệt thổ cẩm A Bung được thành lập vào năm 2006 từ nguồn vốn dự án do Chính phủ Phần Lan và Việt Nam tài trợ. Thời điểm đó dự án đã xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo và hỗ trợ người dân dụng cụ để khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Trong 10 năm hoạt động có nhiều chị em bỏ nghề vì không sống nổi với nghề. Vào năm 2017 đề tài sáng kiến “Duy trì và phát huy bản sắc văn hóa về trang phục truyền thống của người dân tộc Pa Kô” của ông Hồ Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã A Bung thực hiện đã góp phần khôi phục lại hoạt động của tổ dệt.
Đón tiếp tôi trong ngôi nhà sàn vang tiếng kẽo kẹt phát ra từ khung cửi của các chị em trong tổ dệt, tổ trưởng Nga cho biết để dệt được một tấm thổ cẩm đẹp và sắc sảo cần sự khéo léo, tinh tế và sự tập trung của người thợ dệt. Màu thổ cẩm ở đây được dùng phổ biến là đỏ và đen. Chất liệu để dệt chủ yếu là sợi len, được đính hạt để tạo họa tiết. Có thể thay thế bằng sợi cotton tùy vào nhu cầu của khách hàng. Thu nhập chính của chị em trong tổ dệt hiện nay chủ yếu từ nương rẫy và buôn bán. Chỉ lúc rảnh rỗi thường vào buổi tối hoặc lúc nông nhàn họ mới dệt. Lấy ra một vài tấm thổ cẩm, chị giới thiệu thổ cẩm dệt ở đây được phân làm ba loại. Loại một dệt không đính hạt có thời gian thực hiện từ hai đến ba ngày, loại hai có đính hạt và họa tiết hoa văn đơn giản, loại ba đính hạt có họa tiết hoa văn phức tạp hơn thực hiện từ năm đến bảy ngày. Sản phẩm thổ cẩm của tổ dệt chủ yếu cung cấp cho người dân trên địa bàn xã và các địa phương lân cận sử dụng trong các nghi lễ truyền thống, cưới, hỏi...
Dù chưa được đào tạo thiết kế và tạo mẫu họa tiết hoa văn hiện đại nhưng khi có khách hàng đặt vải thổ cẩm để may áo dài, đồng phục phù hợp xu thế hiện nay chị Nga vẫn thực hiện được. Qua tham khảo mẫu mã và kết hợp việc tập luyện thường xuyên nên một số mẫu thổ cẩm của tổ dệt phù hợp may trang phục công sở hiện nay. Thông qua các dự án và liên hệ của các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh, chị Nga đã mở khóa dệt thổ cẩm cho người dân tại xã A Bung và nhiều nơi khác như xã Hướng Lập, xã A Túc, xã A Dơi và thị trấn Khe Sanh.
Ngược dòng ký ức, chị Nga nhớ lại rất nhiều lần mình nản chí bởi lúc học nghề nguyên vật liệu dùng dệt thổ cẩm không được tốt như hiện nay nên thường xuyên bị đứt, phải nối lại nhiều lần. Có khi dệt một tấm thổ cẩm mất hơn mười ngày. Tuy nhiên, nhờ có đam mê và tâm huyết với nghề nên chị đã vượt qua được thời điểm khó khăn ấy. Chia sẻ về dự định trong tương lai, chị mong muốn sẽ mở được một cửa hàng chuyên kinh doanh về thổ cẩm để chị em trong tổ dệt gửi bán sản phẩm làm ra. Dự định là thế, tuy nhiên do nhiều điều kiện khách quan và chủ quan nên ước mơ của chị nhiều năm qua vẫn chưa thể thành hiện thực. Chị Nga rất muốn được tham gia các lớp đào tạo, nâng cao tay nghề của những nghệ nhân có tay nghề cao để học hỏi từ đó tạo ra những sản phẩm thổ cẩm vừa giữ được bản sắc truyền thống vừa có nét hiện đại nhằm phục vụ đồng bào mình trong xu thế hội nhập. Khi tôi hỏi chị có sử dụng mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm thổ cẩm của tổ dệt không, chị cho biết chủ yếu chụp hình lại sản phẩm bằng smartphone và giới thiệu với khách hàng đến mua. Khách hàng sẽ chọn lựa mẫu mã và họa tiết qua điện thoại, sau đó chị sẽ thực hiện và bàn giao. Dù có tài khoản Facebook nhưng chị không đăng bài quảng cáo sản phẩm vì còn e ngại. Chị nói nếu được đào tạo cơ bản thêm về may mặc và nâng cao tay nghề dệt thổ cẩm thì mới tự tin trong việc quảng bá sản phẩm của mình và tổ dệt trên mạng xã hội.
Chung tay hồi sinh nghề dệt thổ cẩm
Thực tế hiện nay ở các huyện miền núi Quảng Trị chưa có điểm thu mua và kinh doanh quy mô lớn chuyên về mặt hàng thổ cẩm, chỉ mới có một vài điểm thu mua nhỏ lẻ. Các cơ sở cung cấp nguồn nguyên liệu và dụng cụ phục vụ quá trình dệt cũng chưa có. Đồng bào dân tộc ở đây chưa tự thiết kế và may được những bộ trang phục truyền thống cầu kỳ tinh xảo do chưa được đào tạo chuyên sâu. Các tổ dệt còn khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, các thành phẩm thường được đặt may ngoài tỉnh khiến người dân mất một phần thu nhập từ các ngành nghề liên quan đến thổ cẩm. Tuy nhiên, điều đáng mừng là hiện nay ở nhiều nơi đã và đang khôi phục văn hóa thổ cẩm truyền thống. Chính quyền địa phương đã kêu gọi các tổ chức, dự án nước ngoài quan tâm, hỗ trợ khai thác các tiềm năng lợi thế nhằm hồi sinh và phát triển nghề dệt thổ cẩm trên vùng đất này.
Huyện Đakrông trong hai lần tổ chức Lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số đã kết hợp trình diễn và giới thiệu trang phục thổ cẩm truyền thống của người dân địa phương. Tại xã A Bung, cán bộ, công chức xã đã chọn thổ cẩm của đồng bào Pa Kô để may trang phục công sở. Ngoài việc tuyên truyền vận động cán bộ, công chức sử dụng thổ cẩm để tạo đầu ra cho mặt hàng này, xã còn vận động giáo viên, học sinh và nhân dân trên địa bàn xã thường xuyên mang trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Đầu năm 2020, Phiên chợ vùng cao Xuân Canh Tý tổ chức tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa đã thu hút nhiều người đến tham quan và mua sắm. Phiên chợ giới thiệu các nhạc cụ, sản phẩm đan lát, làn điệu dân ca và món ăn truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện. Tại phiên chợ, Ban tổ chức đã dành riêng một khu vực để du khách tận mắt nhìn các nghệ nhân dệt thổ cẩm bên những khung cửi. Bên cạnh đó còn có khu trưng bày các sản phẩm trang phục truyền thống của đồng bào từ thổ cẩm. Ngoài mục đích quảng bá còn cho phép người tham quan thử trang phục truyền thống để trải nghiệm nét văn hóa của đồng bào dân tộc Vân Kiều và Pa Kô.
Bà Nguyễn Thị Huyền - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hướng Hóa cho biết, thực hiện chương trình hành động của Huyện ủy Hướng Hóa về việc thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Phòng VH-TT huyện đã tích cực tham mưu nhiều phần việc quan trọng nhằm khai thác tốt tiềm năng lợi thế của địa phương về phát triển du lịch, trong đó có tiềm năng về bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô. Tích cực tham mưu UBND huyện xây dựng đề án “Bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện Hướng Hóa”. Thông qua đó huyện sẽ ban hành các chính sách phù hợp hỗ trợ việc bảo tồn văn hóa các dân tộc, như phương án bảo tồn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; công tác truyền dạy nghề truyền thống nhất là nghề dệt thổ cẩm; biểu diễn nhạc cụ truyền thống, phục dựng các lễ hội tiêu biểu, nghiên cứu và phát huy ẩm thực truyền thống... Qua đó, những nét văn hóa đặc sắc của người Vân Kiều, Pa Kô sẽ được giới thiệu, quảng bá rộng rãi trên các phương tiện đại chúng.
Hi vọng khi được sự quan tâm và đầu tư hợp lý của các cấp các ngành, thổ cẩm Quảng Trị có thể trở thành thương hiệu và những tổ dệt sẽ là một trong những điểm nhấn du lịch của tỉnh.
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)