Du khách muôn phương muốn tận hưởng không khí trong lành, hoà mình vào thiên nhiên hoang sơ giữa đại ngàn xanh thẳm thì thác nước Pê Sai (thôn 5, xã Thuận, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) là điểm đến rất lý tưởng. Bởi đây là thác nước có không gian hoang sơ, thoáng đãng, yên bình đi cùng với nó là nhiều trải nghiệm văn hóa, lịch sử, ẩm thực mang đậm bản sắc của người dân Vân Kiều bản địa... chắc chắn sẽ mang lại cho mọi người một chuyến đi đáng nhớ.
Điểm trải nghiệm lý tưởng
Men theo con đường nhỏ hẹp dài chừng 3 km, quanh co vắt qua mấy ngọn đồi đầy đá sỏi, thác Pê Sai dần lộ diện trước mặt chúng tôi, một thác nước cao, kỳ vĩ giữa non ngàn. Dừng xe trên một tảng đá bằng phẳng dưới gốc cây rừng cổ thụ cao vút tỏa bóng xanh mát, anh Hồ A Phiên người dẫn lối chuyện trò, thác Pê Sai là điểm đến lý tưởng cho những người thích tự do trải nghiệm, khám phá thiên nhiên núi rừng hoang dã.
Quả thật, càng đến gần Pê Sai chúng tôi càng cảm thấy rất thú vị, bởi môi trường, không gian xung quanh hầu như chưa bị tác động bởi bàn tay con người. Dòng thác là những mạch ngầm phun ra từ núi đá cao vút Hướng Lộc xa xôi, xuyên qua bao cánh rừng rồi hợp lưu thành dòng tuôn trào từ trên cao xuống tung bọt trắng xóa tung tóe. Dưới chân thác là những hồ nước cho du khách thoải mái ngâm mình, chơi đùa thỏa thích, xua tan những mệt mỏi, nóng bức của ngày hè.
Ở thác Pê Sai có rất nhiều phiến đá với mặt bằng rộng nằm rải rác xung quanh các hồ nước, để du khách có những hoạt động ngơi nghỉ sau những giờ khám phá, trải nghiệm. Men theo dòng chảy hai bờ thác nước là những nương lúa chín vàng, những đồi cây trĩu quả trải dài tít tắp tạo nên một không gian thoáng đãng đến vô cùng...
Ông Hoàng Văn Vưng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thuận cho hay, hiện nay điểm đến thác nước Pê Sai còn rất hoang sơ, mộc mạc, không khí trong lành. Thêm vào đó, vùng đệm xung quanh có cảnh quan thiên nhiên đẹp, yên bình nên đã thu hút rất nhiều người đến trải nghiệm, thưởng ngoạn và vui thú... Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để chính quyền địa phương định hướng, khởi tạo một mô hình du lịch cộng đồng “đúng nghĩa”, nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan, thưởng thức những nét văn hoá, ẩm thực riêng có của địa phương, giúp người dân có thêm việc làm ổn định và tăng thu nhập.
Thác nước Pê Sai chảy quanh năm suốt tháng ngoằn ngoèo qua các bản làng chừng hơn 7 km rồi hòa vào dòng sông Sê Pôn nơi biên giới Việt - Lào. Và chính nhờ vào lượng nước dồi dào chảy suốt mùa ấy đã tạo điều kiện cho người dân cả một vùng rộng lớn thuận lợi trong sinh hoạt cũng như trong tưới tiêu sản xuất nông nghiệp phát triển kinh tế - ông Vưng chia sẻ thêm.
Người dân trong vùng không ai nhớ gốc tích thác Pê Sai có tự bao giờ, họ chỉ biết khi sinh ra và lớn lên thác đã sừng sững giữa đất trời. Cái tên Pê Sai theo tiếng Vân Kiều có nghĩa là no ấm (hiện nay người dân thường gọi là thác Khe Xây). Và tự bao đời thác Pê Sai vẫn đẹp, nguyên sơ như thuở ban đầu, vẫn ngày đêm nước chảy rì rào hòa cùng tiếng chim hót líu lo, tiếng gió xào xạc qua những tán lá, tạo nên bản giao hưởng tuyệt diệu của núi rừng.
Thú vị văn hóa, ẩm thực Vân Kiều
Sau thời gian được thỏa sức ngắm nhìn cảnh núi rừng mênh mông, đắm mình giữa dòng nước trong veo, mát lành xua tan những mệt nhọc, oi bức ngày hè thì cũng là lúc mặt trời đi về phía núi. Và khi đêm xuống, núi rừng bao phủ một lớp sương dày, chúng tôi ngồi bên nhau trong ngôi nhà sàn với lối kiến trúc nguyên bản, thưởng thức những món ẩm thực đậm đà hương vị của xứ núi.
Quyến rũ nhất là món cơm nếp than được bà con đồng bào Vân Kiều gieo trồng từ nương rẫy trên đồi cao, hội tụ được khí chất của đất trời, sự vất vả của con người nên khi nấu nó dậy hương rất thơm, dẻo dính và cho cảm giác bùi bùi ăn hoài không ngán. Cơm nếp than sẽ ngon hơn khi ăn kèm với gà đồi nướng bản địa. Thịt gà được tẩm ướp gia vị từ một số loài rễ, lá, mật ong rừng tạo nên hương vị rất đặc trưng. Khi thưởng thức chỉ cần chấm thêm một chút muối nguyên chất giã nát cùng với một ít hạt tiêu tươi, lá chanh rừng, vài ba quả ớt cay và nhâm nhi cùng những ly rượu được chưng cất từ gạo nếp ủ men lá, rễ cây rừng cho ta vị ngon lâng lâng khó tả. Ngoài thịt gà, du khách còn có thể thưởng thức món thịt dê được quay trên bếp lửa than hồng thơm giòn. Loại dê này được người dân nuôi bằng nguồn thức ăn tự nhiên của núi rừng nên thịt săn chắc và bổ dưỡng. Ngoài ra, du khách còn có thể lựa chọn nhiều món ăn dân dã khác như cá suối nướng, măng rừng luộc, nộm bắp chuối rừng...
Sau bữa tối, chúng tôi ngồi quây quần bên các chàng trai cô gái để thưởng thức những giai điệu âm nhạc mang đậm bản sắc văn hoá riêng có qua tiếng đàn, tiếng khèn vang vọng núi rừng. Những lời hát giao duyên mộc mạc, chân thành của tình yêu đôi lứa như: Ời ời, cữ xá ón lữ mây ó ơi, chà đồi tơ mút, chỗng hứt blư / Ời ời, xa ôn tô nhìa ai ơi, ta pưn ỏi tô lăn lã, xa on ỏi chã lẵm liêu... (Em ơi! Mới gặp em lần đầu nhưng anh rất nhớ em, lúc ăn cơm anh vẫn nhớ, hút một điếu thuốc anh cũng nhớ / Em cảm ơn anh rất nhiều vì đã thương nhớ em, em chỉ sợ anh đùa giỡn với em, chỉ nói lời qua đường...). Đặc biệt là nghe chuyện kể của các già làng về phong tục “đi sim” của con trai, con gái Vân Kiều khi đến tuổi trưởng thành.
Người Vân Kiều quan niệm rằng, tình yêu và hôn nhân là bước đánh dấu sự trưởng thành của mỗi con người khi sinh ra và lớn lên, họ tự ý thức quyết định cuộc đời mình. Đi sim nghĩa là cách đi tìm người yêu của con trai, con gái người Vân Kiều từ bao đời nay. Nó tượng trưng cho sự lãng mạn, khát vọng tự do yêu đương của những nam thanh nữ tú. Trai gái đến tuổi cập kê đều có quyền tham dự những mùa sim. Đi sim thường diễn ra vào các mùa trăng, nhất là những đêm trăng sáng. Khi ánh trăng vừa nhô lên đầu ngọn núi, tiếng sáo gọi bạn tình vang vang khắp các bản làng thì cũng là lúc những chàng trai, cô gái bắt đầu những cuộc hẹn hò cho buổi sim. Vì thế, mùa trăng được xem là thời điểm lý tưởng nhất để những chàng trai, cô gái trông ngóng, đợi chờ nhau.
Để chuẩn bị cho đêm đi sim, các chàng trai, cô gái chọn cho mình trang phục đẹp nhất và những nhạc cụ thay cho lời thổ lộ tâm tình. Họ thường tập trung ở các bờ sông, con suối hay ở ngôi nhà chung (xu hay gươl) để chuyện trò. Có khi họ tập hợp lại thành tốp năm, bảy người kéo nhau từ bản này sang bản khác chơi cho đến khuya trăng thanh gió mát. Sau những lần hò hẹn, tâm đầu ý hợp các cặp đôi dẫn nhau ra chòi rẫy hay ra bờ suối thanh vắng để tình tự tùy theo sở thích của mỗi người... Tiếp đến họ sẽ báo cho bố mẹ gia đình hai bên biết và sẽ nhờ người mai mối (Cun ra na). Cun ra na đóng vai trò ngoại giao, thông báo tiến triển công việc cho hai bên gia đình. Và khi chuyện hôn nhân giữa hai gia đình đã chín muồi, nhà trai sẽ tiến hành lễ ăn hỏi (Pở chỏ văn), sau đó chọn ngày lành tháng tốt tiến hành tổ chức đám cưới (Ra beng/Ra punb) cho đôi bạn trẻ về chung một nhà...
Đến Pê Sai cùng gia đình hay bạn bè khi có dịp hay vào những ngày nghỉ cuối tuần, được thỏa sức ngắm nhìn cảnh núi rừng mênh mông và đắm mình dưới dòng nước trong veo, mát lành “giải nhiệt” những ngày hè oi bức. Được trải nghiệm, thưởng thức những món ẩm thực dân dã ngon lành và thả hồn cùng những làn điệu âm nhạc, những lời hát giao duyên mộc mạc, sâu lắng... mang đậm bản sắc văn hoá bản địa của đồng bào Vân Kiều giữa đại ngàn Trường Sơn thì còn gì bằng.
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)