Huế: Nhớ Tết xưa với lễ dựng nêu ở quốc tự Diệu Đế

Quảng Đạo |

Sáng ngày 27 tháng Chạp, cây nêu mang theo mong ước bình an được chư Tăng, Phật tử chùa Diệu Đế, một ngôi quốc tự thời Nguyễn ở kinh đô, dựng lên để đón một năm mới Nhâm Dần đang đến.

Đây là hoạt động mà chư Tăng, Phật tử ngôi quốc tự này tổ chức đều đặn vào những ngày cuối năm. Được biết, cây nêu được chọn từ cây tre già, cao nhất trong chùa. Nó được dựng lên trước sân với một giỏ tre và chiếc đèn lồng được treo cùng với tấm vải điều màu đỏ chứa câu đối bằng chữ Hán.

Nhớ Tết xưa với lễ dựng cây nêu ở chùa Diệu Đế
Nhớ Tết xưa với lễ dựng cây nêu ở chùa Diệu Đế

Năm nay, nhà nghiên cứu Vĩnh Cao, hậu duệ vua Minh Mạng đích thân viết tặng 2 câu đối với ý nghĩa mong muốn năm mới mưa thuận gió hòa, đất nước được thái bình sau bao đau thương do dịch bệnh hoành hành.

Thượng tọa Thích Hải Đức hướng dẫn chư Tăng chuẩn bị dựng nêu
Thượng tọa Thích Hải Đức hướng dẫn chư Tăng chuẩn bị dựng nêu

Pháp vũ cổ thanh quốc dân an thái

Cam lộ nhất trích phong vũ thuận điều

Cổ tự thiêm cát tường khu hàn khí

Thiền lâm như ý tiếp tân xuân

Dịch:

Mưa pháp trống vang dân an nước thịnh

Một giọt cam lộ, mưa thuận gió hòa

Chùa cổ cát tường xua giá rét

Thiền lâm như ý đón xuân sang

Nhà nghiên cứu Vĩnh Cao tự tay treo câu đối mong ước đất nước được thái bình
Nhà nghiên cứu Vĩnh Cao tự tay treo câu đối mong ước đất nước được thái bình


Thượng tọa Thích Hải Đức, giám tự chùa Diệu Đế cho biết dựng nêu ngày Tết là phong tục truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam. Cây nêu trong quốc tự Diệu Đế góp phần gìn giữ nét đẹp mà ông cha ta từ xưa đã tạo dựng cũng như là sự gửi gắm tâm tư, niềm hy vọng của con người xứ Huế về một năm mới tốt lành.

Cây nêu với một giỏ tre và chiếc đèn lồng với ý nghĩa xua đuổi điều không lành
Cây nêu với một giỏ tre và chiếc đèn lồng với ý nghĩa xua đuổi điều không lành


Theo quan niệm truyền thống dân gian, việc dựng cây nêu ngày Tết mang ý nghĩa chính là để xua đuổi ma quỷ và những điều bất hạnh năm cũ, cầu mong năm mới tốt lành. Trong “Sự tích cây nêu ngày Tết” đại ý kể rằng do quỷ chèn ép người, hàng năm đều thu hết hoa lợi do con người trồng cấy, Phật thấy vậy bèn giúp người trừ quỷ.

Chư Tăng, Phật tử chung tay dựng nêu đón năm mới
Chư Tăng, Phật tử chung tay dựng nêu đón năm mới


Phật bảo người trồng cây nêu (dùng một cây tre thật cao), Phật treo chiếc áo cà sa lên đầu ngọn cây và thỏa thuận với quỷ rằng bóng áo phủ đến đâu sẽ là đất do con người quản lý và thu hoạch hoa lợi, phần còn lại thuộc về quỷ. Quỷ đồng ý, Phật dùng thần thông cho bóng chiếc áo phủ khắp mặt đất khiến quỷ không còn chỗ trú thân và bị đuổi ra biển Đông.

Cây nêu mang đậm nét văn hóa xưa
Cây nêu mang đậm nét văn hóa xưa


Tuy nhiên, hàng năm chúng vẫn quay về đất liền để tìm tổ tiên và kiếm ăn. Để tránh bị chúng quấy nhiễu, con người bèn dựng cây nêu trên ngọn treo miếng vải, sau đổi thành lá bùa và chiếc khánh bằng đất nung khi gió rung tạo ra tiếng động để xua đuôi quỷ.

(Nguồn: Báo Giác Ngộ)

TAGS

Dựng cây nêu đón Tết

Phú Hải |

Dựng cây nêu đón Tết là một phong tục truyền thống của người Việt đã tồn tại từ bao đời nay. Ngày nay, không còn nhiều nơi trong nước dựng cây nêu đón Tết mà thay vào đó là các trào lưu chơi hoa đào, hoa mai, cây cảnh. Thế nhưng một vài nơi ở Quảng Trị, phong tục ấy vẫn được lưu giữ đến tận bây giờ...

Cuộc chiến chống dịch ở Đà Nẵng: Nêu cao vai trò của người dân

Võ Văn Dũng |

Cùng với các biện pháp giãn cách xã hội, tổ chức xét nghiệm, truy vết, thiết lập các “vùng đỏ," “vùng vàng," “vùng xanh," Đà Nẵng đưa ra nhiều giải pháp đảm bảo nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân.

Lễ hạ nêu ở làng Gia Bình

Tú Linh |

Sau Tết, từ ngày mồng 7 đến mồng 10 tháng Giêng âm lịch, một vài làng quê ở Quảng Trị còn giữ lại được lễ hạ nêu. Với làng Gia Bình, xã Gio An, huyện Gio Linh (Quảng Trị), từ xưa nay đã chọn ngày mồng 7 tháng Giêng để tổ chức lễ hạ nêu kết thúc các hoạt động vui chơi ngày Tết, mọi người quay trở lại công việc sản xuất, buôn bán hằng ngày. Đây là lễ hội truyền thống được làng Gia Bình gìn giữ gần 500 năm qua nhằm phát huy giá trị văn hóa tinh thần của cộng đồng làng xã.

Cây nêu ngày Tết

Lê Phan |

Trồng (dựng) cây nêu ngày Tết là một phong tục rất độc đáo của người Việt Nam. Không giống như tục đánh chuông, đi chùa đầu năm thường thấy ở người Nhật, hay lì xì cũng được thấy ở ngày Tết của người Trung Quốc, dường như đây là một tục lệ mà chỉ riêng người Việt mới có. Không chỉ là nét đặc trưng độc đáo của Tết cổ truyền người Việt, mà tục lệ trồng nêu còn mang những ý nghĩa sâu xa mà không kém phần đặc sắc, lý thú.