Cùng với các biện pháp giãn cách xã hội, tổ chức xét nghiệm, truy vết, thiết lập các “vùng đỏ," “vùng vàng," “vùng xanh," Đà Nẵng đưa ra nhiều giải pháp đảm bảo nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân.
Vào tháng 4/2021, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 ở Việt Nam. Đây là đợt dịch lây nhiễm nhanh và nguy hiểm gấp nhiều lần so với các đợt trước.
Tại Đà Nẵng, ngày 3/5 ghi nhận ca bệnh đầu tiên trong đợt dịch này. Từ đó, thành phố phải bước qua nhiều giai đoạn chống dịch, triển khai các biện pháp quyết liệt, sáng tạo với mục tiêu sớm cắt đứt nguồn lây, ngăn chặn dịch bệnh và đảm bảo sức khỏe cho người dân thành phố.
Nhìn lại các giai đoạn phòng dịch
Ngày 3/5, thành phố Đà Nẵng ghi nhận ca bệnh ngoài cộng đồng đầu tiên trong đợt dịch lần thứ tư. Đó là bệnh nhân số 2982 (làm nhân viên bán vé spa khách sạn Phú An, đường 2-9, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng).
Để khống chế dịch, Đà Nẵng đã nhanh chóng khoanh vùng, tăng tốc độ xét nghiệm từ 5.000 đến trên 22.000 mẫu/ngày.
Giai đoạn này, thành phố vẫn thực hiện mục tiêu kép là vừa phục hồi phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch và chỉ dừng một số hoạt động thiết yếu.
Sau 31 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng, ngày 18/6, Đà Nẵng thêm lần nữa ghi nhận một ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng là ông N.V.H có mã số bệnh nhân 12437.
Nguồn lây của bệnh nhân 12437 xuất phát từ người giao hàng từ Thành phố Hồ Chí Minh, mang biến thể Delta có tốc lây nhiễm cao, độc tố mạnh.
Thành phố đã tổ chức phong tỏa khu vực tam giác Lê Duẩn-Hoàng Hoa Thám-Lý Thái Tổ (nơi bùng phát dịch bệnh) yêu cầu mọi người dân ở yên trong nhà, triển khai xét nghiệm toàn bộ người dân trong khu vực tam giác và những người từng đến, tiếp xúc với người trong khu vực này.
Sau khoảng thời gian ngắn thành phố mở lại một số hoạt động thì ngày 10/7, Đà Nẵng tiếp tục ghi nhận ca mắc cộng đồng, không xác định nguồn lây, đó là bệnh nhân V.H.B (1974), địa chỉ phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.
Thành phố đã tiến hành phong tỏa đối với 4 phường trên địa bàn, các phường này đều phải áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trước việc liên tục ghi nhận các ca mắc COVID-19 là tiểu thương ở các chợ truyền thống, người bán hàng rong, quầy sạp tự phát bán thực phẩm… ngày 29/7, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã ban hành công văn về việc tăng cường áp dụng các biện pháp phòng dịch tại các chợ.
Quyết liệt hơn nữa, ngày 30/7, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về thực hiện giãn cách xã hội với nhiều biện pháp mạnh hơn so với Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, áp dụng từ 18 giờ ngày 31/7; đồng thời phong tỏa cứng 4 phường của quận Sơn Trà vì đây là điểm nóng dịch bệnh liên quan đến nguồn lây Cảng cá Thọ Quang.
Mặc dù Đà Nẵng đã thực hiện các biện pháp mạnh, tuy nhiên thành phố vẫn ghi nhận các nguồn lây mới từ Lò mổ Đà Sơn, Chợ đầu mối Hòa Cường.
Trước tình hình trên, từ ngày 14/8 đến 2/9, thành phố đã ban hành thêm 3 quyết định liên quan đến thực hiện giãn cách xã hội.
Thành phố dừng lại tất cả mọi hoạt động, yêu cầu mọi người dân “ai ở đâu thì ở đó” từ 8 giờ ngày 16/8/2021 đến 8 giờ ngày 5/9/2021 để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
"Ai ở đâu thì ở đó”
Với 3 quyết định liên quan đến thực hiện giãn cách xã hội, Đà Nẵng dừng tất cả mọi hoạt động, yêu cầu người dân chấp hành nghiêm “ai ở đâu thì ở đó” trong vòng 20 ngày.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nêu rõ, việc quyết định dừng tất cả hoạt động, không cho người dân ra ngoài là rất cần thiết và phù hợp với thực tiễn phòng, chống dịch, được nhiều người dân đồng tình ủng hộ.
“Quyết định này là việc chưa có trong tiền lệ, ví như là trận đánh lớn, gần như dốc hết lực. Trong đó, việc quét sạch dịch bệnh hay không đều nhờ vào sự quyết tâm của chúng ta," Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh.
Nhận định về tình hình dịch bệnh, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) Tôn Thất Thạnh cho rằng thành phố đã áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp với tình hình dịch trong giai đoạn hiện nay. Công tác xét nghiệm kịp thời và đúng đối tượng đã phát hiện và đưa ra khỏi cộng đồng nhiều ca F0, đồng thời xử lý triệt để các trường hợp F1, F2 và F liên quan theo quy định.
Ngoài việc triển khai xét nghiệm toàn dân, để ngăn chặn dịch lây lan từ bên ngoài, Đà Nẵng đã tổ chức test nhanh COVID-19 tất cả những người vào thành phố tại các chốt kiểm soát nơi cửa ngõ thành phố.
Cũng nhờ vậy, thành phố phát hiện ra gần 10 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 từ vùng dịch trở về.
Cùng với các biện pháp giãn cách xã hội, tổ chức xét nghiệm, khoanh vùng, truy vết, thiết lập các “vùng đỏ," “vùng vàng," “vùng xanh," Đà Nẵng đã đưa ra nhiều giải pháp đảm bảo nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng việc đảm bảo thực phẩm cho người dân trong thời gian giãn cách là việc rất quan trọng, vì vậy các địa phương, đơn vị cần chủ động xây dựng các phương án đảm bảo thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân. Nếu để người dân thiếu thực phẩm, sẽ quy trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương.
Trong thời gian này, các chợ truyền thống, chợ đầu mối Hòa Cường, Cảng cá Thọ Quang, Lò mổ Đà Sơn đều đóng cửa, do vậy việc cung ứng đủ nhu yếu phẩm cho người dân là bài toán khó, gặp nhiều vướng mắc nhưng bắt buộc thành phố Đà Nẵng phải giải quyết tốt.
Trước những vấn đề đặt ra, thành phố đã yêu cầu các sở, ban, ngành, trong đó Sở Công Thương chủ trì tổ chức tìm các nhà cung ứng đủ năng lực từ các tỉnh, thành phố, đảm bảo cung ứng nguồn thực phẩm cho thành phố hằng ngày; đồng thời nhận hỗ trợ thực phẩm, rau xanh từ các nhà tài trợ, tỉnh, thành phố.
Cùng với đó, thành phố cho phép các chuỗi siêu thị lớn, nhỏ hoạt động cung ứng thực phẩm đến với người dân qua ban điều hành tổ dân phố, khu dân cư. Người dân muốn mua thực phẩm sẽ phải đặt hàng qua các ứng dụng zalo cho ban điều hành khu dân cư và thành viên trong ban điều hành sẽ mua thực phẩm mang đến tận nhà cho người dân. Tùy theo từng giai đoạn, thành phố cho phép tổ chức các chợ tạm, chợ lưu động và mở dần chợ truyền thống tại các vùng “xanh” nhằm cung ứng đủ thực phẩm tươi, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ngoài vấn đề cung ứng thực phẩm, để thực hiện an sinh, hỗ trợ kịp thời những đối tượng khó khăn, thành phố đã đưa ra các gói hỗ trợ đặc thù.
Cụ thể, ngày 23/8, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt dự toán kinh phí hỗ trợ các hộ dân khó khăn với tổng số tiền hơn 71 tỷ đồng.
Ngoài ra, thành phố đã quyết định hỗ trợ lực lượng Ban điều hành khu dân cư, tổ dân phố 1 lần với mức 1 triệu đồng/người.
Kinh nghiệm rút ra từ thực tế phòng, chống dịch
Tính đến ngày 2/9, Đà Nẵng có 10 xã, phường không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng 14 ngày liên tiếp, gồm Nam Dương, Phước Ninh (quận Hải Châu), Hòa Khê (quận Thanh Khê), Hòa Bắc, Hòa Khương, Hòa Phú, Hòa Tiến (huyện Hòa Vang), Mân Thái, Nại Hiên Đông, An Hải Bắc (quận Sơn Trà); điều trị 2.079 bệnh nhân, có 250 khu vực “vùng đỏ."
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng qua những ngày thực hiện nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó," thành phố Đà Nẵng đã đạt được 2 mục tiêu quan trọng: cắt được chuỗi lây nhiễm và cơ bản đã bóc F0 ra khỏi cộng đồng, không để lây nhiễm sâu.
Theo ông Quảng, mục tiêu sắp tới của thành phố Đà Nẵng là phải giữ được thành quả trong thời gian “ai ở đâu thì ở đó” và đảm bảo “mạch máu” kinh tế hoạt động trở lại. Quan điểm của thành phố là nêu cao vai trò của người dân trong việc chủ động phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Hiện Đà Nẵng có 5 nguồn lây nhiễm nguy cơ cao, có thể gây bùng phát dịch trở lại. Cụ thể như vẫn còn các ca F0 trong cộng đồng; nguy cơ lọt nguồn lây từ khu phong tỏa và các hẻm ra bên ngoài (như người, mầm bệnh từ không khí, vật nuôi, rác…); người sau khi hoàn thành cách ly tập trung ghi nhận mắc COVID-19 (hiện Đà Nẵng ghi nhận 37 trường hợp); nguồn lây từ đầu mối đưa hàng hóa vào các chợ, cảng cá; lái xe, người về từ vùng dịch (phát hiện 7 trường hợp mắc COVID-19 thông qua test nhanh COVID-19 tại các chốt ra, vào thành phố).
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho hay trong đợt phòng, chống dịch lần này, các sở, ban, ngành, địa phương cũng đã mắc phải một số tồn tại, hạn chế trong công tác phối hợp, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine, cung ứng thực phẩm và công tác truyền thông… Do đó, trong thời gian tới các địa phương cần khắc phục và phát huy tính chủ động.
Sau 20 ngày “ai ở đâu thì ở đó," căn cứ vào kết quả chống dịch, thành phố phải khoanh được chính xác các khu vực “vùng đỏ," “vùng vàng” và “vùng xanh," từ đó có cách ứng xử và biện pháp phòng dịch phù hợp.
Riêng đối với “vùng đỏ” phải áp dụng phong tỏa, cách ly y tế để tách ca F0; tăng cường các biện pháp giám sát. Với “vùng vàng” thành phố sẽ mở lại một số hoạt động thiết yếu, như người dân được đi chợ; mở lại các chợ truyền thống và chợ đầu mối; hoạt động sản xuất kinh doanh có thể tăng từ 30 lên 50% nhân lực và không tổ chức "3 tại chỗ."
Khi mở lại hoạt động nào thì phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có điều kiện kèm theo. Riêng với “vùng xanh," thành phố sẽ nới lỏng một số hoạt động, đi lại, ưu tiên tiêm vaccine trong vùng này, tạo điều kiện hơn so với “vùng vàng”, từ đó tạo động lực để người “vùng xanh” bảo vệ chính nơi ở của mình, và người ở "vùng vàng" cũng phấn đấu để trở thành "vùng xanh."
Liên quan đến công tác tiêm vaccine, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay thành phố vừa nhận 108.000 liều vaccine và sắp tới sẽ nhận thêm một lượng vaccine khá lớn.
Để tăng tốc độ tiêm chủng, giảm lượng người tập trung đông tại điểm tiêm chủng, thành phố có phương án triển khai thêm điểm tiêm và đưa điểm tiêm đến sát cơ sở, đào tạo đội ngũ nhân viên y tế tại các trạm y tế phường, xã.
Tình hình dịch bệnh đến 18h ngày 3/9
Đà Nẵng:
- Số ca nhiễm: 4.988 ca
- Số ca tử vong: 70 ca
- Tiêm chủng: 224.302 liều
Trong nước:
- Số ca nhiễm: 486.727 ca
- Số ca tử vong: 12.138 ca, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh: 9.974 ca; Thủ đô Hà Nội: 44 ca.
- Số ca khỏi bệnh: 259.324 ca.
- Số tiêm chủng: 20.831.478 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 17.872.356 liều, tiêm mũi 2 là 2.959.122 liều.
Thế giới:
- Số ca nhiễm: 220.102.827
- Số ca tử vong: 4.559.552
- Số ca hồi phục: 196.775.984
(Nguồn: TTXVN)