Kể chuyện cà phê Khe Sanh...

Phạm Xuân Dũng |

Nói đến cà phê Việt Nam, thường người ta sẽ nghĩ ngay đến địa danh Buôn Ma Thuột. Song, cây cà phê còn hiện diện ở nhiều vùng đất khác của Việt Nam, trong đó có Quảng Trị.

Cách đây ngót nghét trăm năm khi người Pháp khai thác thuộc địa Đông Dương lần thứ nhất đã có “biệt nhãn” trước vùng đất đỏ bazan Quảng Trị kéo dài từ trung du Cam Lộ cho đến vùng cao biên viễn Hướng Hóa. Những tay thực dân lão luyện và sành sỏi rất biết khai thác những “mỏ vàng” thuộc địa. Họ cho tiến hành khảo sát và xây dựng “Con đường thuộc địa”, tiền thân của Quốc lộ 9 từ Đông Hà lên Lao Bảo, nối với Ai Lao. Con đường này không những chuyên chở lính tráng, súng đạn mỗi khi hành quân đàn áp các cuộc khởi nghĩa khi cần mà còn vận chuyển những sản vật địa phương, trong đó có cà phê mà họ trồng ở Quảng Trị. Nhiều đồn điền với các chủ là người Tây phương lần lượt xuất hiện trên vùng đất này, và dĩ nhiên, người Việt bản địa làm cu-li để trồng, chăm bón và khai thác cà phê.

Trong ký ức của những bậc cao niên ở Cam Lộ vẫn còn nhớ đồn điền cà phê của bà chủ Tây tên là Alar. Ông Lê Văn Đen năm nay đã xấp xỉ trăm tuổi, từng là phu làm đường 9 cũng là cu-li đồn điền cà phê khẳng định bà chủ Alar rất giàu, có vàng để trong rương khóa chặt, dây xích to tướng cột vào chân giường, có đám vệ sĩ là những con chó Tây to như con bê và đặc biệt có thêm mấy con khỉ to lớn hơn người lại rất hung dữ không cho ai lai vãng đến gần kho báu. Chắc chắn, trong sự giàu lên của chủ đồn điền có vai trò không nhỏ của cây cà phê bản địa.

 
Cà phê Khe Sanh. Ảnh: Lân Homi 
 


Ở Hướng Hóa thì có đồn điền cà phê của mụ Rôm, theo cách gọi của người dân địa phương, cũng nổi tiếng cả vùng, nhân công gồm cả người Kinh cùng bà con đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều. Cách đây khoảng 1 thế kỷ, chỉ sau 5 năm trồng, ở vùng Khe Sanh đã có diện tích chừng 500 ha cà phê, loại cây này trở thành loại cây trồng đặc sản và chủ yếu ở vùng cao Quảng Trị. Sản phẩm cà phê nơi đây đã có mặt ở nhiều nơi, không chỉ ở Việt Nam mà còn sang tận thủ đô Paris hoa lệ.

Trong bút ký của mình sau ngày nước nhà thống nhất không lâu, nhà văn tài danh Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đã dành những đoạn dài nói về cà phê Khe Sanh với vẻ tự hào xen lẫn nuối tiếc về một loại cây trồng từng một thời vang bóng nơi đây. Nhiều người cũng có chung cảm nghĩ như thế.

May thay, những năm gần đây, triển vọng về cây cà phê đã tái sinh trên vùng đất Hướng Hóa. Cà phê Arabica Khe Sanh đã bắt đầu gây dựng được thương hiệu của mình. Hàng nghìn hộ nông dân ở hai xã Hướng Tân, Hướng Phùng đã “bén duyên” với loại cây này. Dự kiến vùng đất Hướng Hóa sẽ tiếp tục phát triển cây cà phê thương phẩm với diện tích 1.000 ha vào năm 2026. Có thể nói, một trang mới với nhiều hy vọng đang mở ra với vùng cao Quảng Trị khi nâng tầm cà phê ở mức quốc gia và hướng đến thị trường xuất khẩu.

Và như vậy, cây cà phê nơi đây sẽ góp một phần nhỏ bé vào dàn đồng ca cà phê Việt Nam, mang hương vị đặc biệt đi nhiều nơi và mang lại những lợi ích kinh tế tốt đẹp, làm đổi thay diện mạo cuộc sống của bà con vùng cao ở nhiều miền quê hương đất nước.

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

TAGS

Sắc màu Khe Sanh: Một chuyến đi, triệu yêu thương

Du lịch Khe Sanh |

Cùng nhau, chúng ta tạo nên một hành trình ý nghĩa, đầy cảm hứng và lan tỏa yêu thương!