Khai thác tiềm năng để phát triển du lịch ở Vĩnh Linh

Mỹ Hằng |

Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã ban hành Đề án phát triển thương mại - du lịch địa phương giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là động lực, điều kiện để du lịch ở Vĩnh Linh bứt phá, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách.

Vĩnh Linh là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch về lịch sử, du lịch sinh thái trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch về văn hóa tâm linh.

Các điểm đến như bãi tắm Cửa Tùng, bãi tắm Vĩnh Thái, Mũi Lay, Mũi Si, rừng Nguyên sinh Rú Lịnh, miếu Bà Chúa hay Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh … từ lâu đã khẳng định được thương hiệu, thu hút khá lớn lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Khói - mô hình homestay đầu tiên ở Vĩnh Linh -Ảnh: M.H
Khói - mô hình homestay đầu tiên ở Vĩnh Linh -Ảnh: M.H

Giai đoạn 2016 - 2021, trong bối cảnh khó khăn chung do tác động của dịch bệnh nhưng tính trung bình mỗi năm địa phương vẫn đón khoảng 80 ngàn lượt khách, doanh thu từ lĩnh vực này đến năm 2021 đạt trên 100 tỉ đồng. Đây là minh chứng cho thấy, ngành du lịch ở Vĩnh Linh đang dần được “đánh thức”.

Xác định tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, huyện Vĩnh Linh đã cụ thể hóa và ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch để đẩy mạnh phát triển.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Linh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nhấn mạnh tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền về vai trò và nội dung của Nghị quyết số 08- NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị “về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ “về việc phê duyệt chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” và các kế hoạch của tỉnh, của huyện gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển du lịch với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Vĩnh Linh, phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị.

Trên cơ sở đó, huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả nhiều giải pháp trọng tâm như lập quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, phát triển du lịch trọng điểm trên địa bàn.

Đồng thời thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành “công nghiệp không khói” này.

Những quyết sách mà huyện Vĩnh Linh đưa ra đã tạo sức hút mạnh mẽ đối với ngành du lịch. Tính đến năm 2022 địa bàn huyện có gần 600 cơ sở dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, ăn uống.

Trong đó có 10 khách sạn, với 306 giường; 32 nhà nghỉ, với 356 giường; một số cơ sở lớn như: khách sạn Trung Sơn, Eo biển xanh, Thành Phát và các dịch vụ ăn uống tại thị trấn Hồ Xá, thị trấn Cửa Tùng, xã Vĩnh Long, Vĩnh Thái ... phục vụ tốt nhu cầu của Nhân dân.

Trên địa bàn huyện cũng đã tiến hành quy hoạch và triển khai xây dựng một số dự án phát triển du lịch như: Quy hoạch chi tiết Khu du lịch bãi tắm Cửa Tùng; quy hoạch tổng thể bãi tắm cộng đồng xã Vĩnh Thái; Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Mũi Trèo; Khu đô thị sinh thái biển AE Resort - Cửa Tùng; Khu du lịch dịch vụ rừng nguyên sinh Rú Lịnh; dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Eden Charm tại khu dịch vụ - du lịch Vĩnh Thái ... Các dự án này sẽ tạo ra diện mạo mới, hứa hẹn thúc đẩy tăng trưởng du lịch của huyện trong tương lai.

Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Vĩnh Linh xác định rõ mục tiêu để đưa ngành du lịch phát triển toàn diện, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong giai đoạn này, huyện phấn đấu hình thành 3- 5 điểm du lịch sinh thái, cộng đồng kết hợp mô hình dịch vụ homestay ở các địa phương có thế mạnh về văn hóa truyền thống. Tăng 30% số cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống so với năm 2021.

Đến năm 2025 sẽ thu hút 150.000 lượt khách, trong đó có 30.000 lượt khách quốc tế; tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 220 tỉ đồng. Đến năm 2030, thu hút 400.000 lượt khách, doanh thu trên 450 tỉ đồng.

Để đạt được mục tiêu, Vĩnh Linh xác định cần tập trung thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ nhiều giải pháp, tạo bước đột phá theo từng giai đoạn cụ thể.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thiên Tùng cho biết, để đạt mục tiêu trên, huyện đã có định hướng phát triển rất khả thi. Theo đó, đối với các di tích lịch sử quốc gia đặc biệt trên địa bàn (Hiền Lương - Bến Hải, Địa đạo Vịnh Mốc) sẽ liên kết với các đơn vị, trung tâm lữ hành, trung tâm xúc tiến quảng bá du lịch hình thành tour du lịch gắn kết với các điểm du lịch khác trong toàn tỉnh.

Xây dựng sản phẩm tour du lịch đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của du khách như tour du lịch về nghỉ dưỡng; khám phá văn hóa, lịch sử; sinh thái, trải nghiệm. Mặt khác, hình thành các điểm du lịch cộng đồng sinh thái trải nghiệm, kết hợp mô hình dịch vụ nghỉ dưỡng homestay. Duy trì và phát huy các hoạt động lễ hội văn hóa dân gian đặc thù như lễ hội đua thuyền truyền thống; hội bài chòi; lễ hội cồng chiêng, cầu ngư... qua đó giới thiệu về mảnh đất và con người Vĩnh Linh với du khách.

“Huyện Vĩnh Linh dành nguồn lực thích hợp để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ. Nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch. Chú trọng đổi mới về hình thức, nội dung, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp và hiệu quả”, ông Nguyễn Thiên Tùng thông tin thêm.

Thêm một tín hiệu vui đối với du lịch Vĩnh Linh, trong nghị quyết về phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 được ban hành, địa phương đã dành 39 tỉ đồng để tiến hành công tác quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo các điểm du lịch tiềm năng trên địa bàn.

Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh 9 tỉ đồng, ngân sách huyện 3,5 tỉ đồng, nguồn xã hội hóa 26,5 tỉ đồng. Các dự án được đầu tư gồm: điểm du lịch cộng đồng sinh thái bàu Thủy Ứ (xã Vĩnh Tú), bến thả hoa Phúc Lâm (Vĩnh Long), Bàu Sen (Trung Nam), Làng văn hóa du lịch cộng đồng Tùng Luật (Vĩnh Giang).

Việc đầu tư, tôn tạo các điểm du lịch tiềm năng sẽ từng bước thay đổi diện mạo du lịch, tạo ấn tượng đối với du khách khi đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, con người ở Vĩnh Linh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Xích lô - nét văn hóa du lịch tại thủ đô Hà Nội

PV |

Ngày nay, cùng với các loại phương tiện giao thông hiện đại, xích lô vẫn tồn tại và trở thành một loại hình du lịch độc đáo, tạo nét riêng của văn hóa Hà Nội.

Bàn giải pháp để phát triển du lịch biển, đảo Việt Nam

Trần Lê Lâm |

Du lịch và dịch vụ biển được xác định là ngành kinh tế biển đến năm 2030 sẽ phát triển thành công và đột phá theo thứ tự ưu tiên hàng đầu như đã đề ra.

Khảo sát một số điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

P.V |

Vừa qua, đoàn công tác của một số đơn vị đã tiến hành khảo sát một số điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Ngành du lịch Lào đang phục hồi

Tổng hợp |

Nhiều doanh nghiệp du lịch đã bắt đầu phục hồi kể từ khi chính phủ nới lỏng các hạn chế Covid-19 vào giữa năm nay khi khách du lịch bắt đầu quay trở lại Lào.