Khai thác tốt các dòng sản phẩm để thu hút khách du lịch

Thanh Giang |

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin: Trong năm 2024, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam được dự báo sẽ đạt ngang bằng với năm 2019. Mục tiêu đặt ra là đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa (khoảng 72,5 triệu lượt khách lưu trú); tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840.000 tỷ đồng.


Năm tháng qua, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 7,6 triệu lượt, cho thấy sự phục hồi tích cực của du lịch nước ta. Khách nội địa đạt 52,5 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 352,2 nghìn tỷ đồng. Đây được coi là động lực tích cực để toàn ngành du lịch tiếp tục nỗ lực hoàn thành mục tiêu đón khách năm 2024.

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), các dòng sản phẩm du lịch được tập trung khai thác để đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của khách trong nước và quốc tế là biển, đảo; văn hóa (ẩm thực và di sản); sinh thái (bao gồm du lịch cộng đồng) và đô thị (bao gồm du lịch MICE); nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, ẩm thực, du lịch thể thao, du lịch cộng đồng, sinh thái, nông nghiệp...

Du khách quốc tế tham quan hồ Hoàn Kiếm. Ảnh tư liệu: Minh Quyết/TTXVN
Du khách quốc tế tham quan hồ Hoàn Kiếm. Ảnh tư liệu: Minh Quyết/TTXVN

Tại Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh 2024 đã có gần 400 sản phẩm, dịch vụ du lịch của các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú, điểm tham quan và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm được giới thiệu cho du khách. Hội chợ Du lịch Quốc tế Hà Nội 2024 đã có hơn 1 0.000 tour, sản phẩm du lịch khuyến mãi được cung cấp cho khách hàng. Nhiều địa phương, doanh nghiệp tổ chức chương trình kích cầu, giảm giá, khuyến mại sản phẩm, dịch vụ dịp nghỉ lễ và hè 2024, đồng thời công bố nhiều sản phẩm mới để thu hút du khách. Trong đó có thể kể đến Tuần Du lịch Ninh Bình hằng năm với chủ đề "Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An";  Đà Nẵng công bố Kế hoạch phát triển du lịch cưới và thí điểm thu hút khách du lịch cưới đến Đà Nẵng giai đoạn 2024 – 2025 với thông điệp "Đà Nẵng - Nơi khởi nguồn hạnh phúc"; Quảng Trị lần đầu tổ chức "Lễ hội Vì hòa bình" chủ đề “Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình”; Festival biển “Hội An - Cảm xúc mùa hè 2024”...

Tuy nhiên, ngành du lịch vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều thị trường trọng điểm chưa thực sự phục hồi như năm 2019. Chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch bị đứt gãy, nhiều chuyến bay quốc tế, nội địa, tàu biển quốc tế chưa được phục hồi tương ứng, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh du lịch. Gần đây, giá vé máy bay nội địa tăng cao khiến việc tổ chức tour gặp khó khăn, đặc biệt trong cạnh tranh với các tour nước ngoài tại Đông Nam Á, Bắc Á… 

Thêm vào đó, nhu cầu của du khách liên tục thay đổi, yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo. Trong khi đó, sản phẩm du lịch của nước ta vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, giá trị gia tăng thấp, chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn đối với một số thị trường khách du lịch.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhận định: Thời gian tới, khách du lịch nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng nhưng tốc độ chậm lại. Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy hình thành cách thức du lịch mới; quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo sẽ ngày một rõ nét.

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UN Tourism) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), hoạt động du lịch quốc tế có thể sẽ phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024, ngang bằng với mức đã đạt được của năm 2019. Tuy nhiên mức độ phục hồi không đồng đều ở các khu vực; trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt mức thấp hơn các khu vực khác. Khách du lịch dự kiến sẽ tiếp tục ưu tiên các điểm đến du lịch có chi phí phải chăng và khoảng cách gần để ứng phó với giá cả tăng cao. Nhu cầu của khách du lịch quốc tế liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo. Cạnh tranh giữa các điểm đến trong khu vực, trong nước ngày càng gay gắt. 

Năm 2025, nước ta dự kiến đón 19 - 20 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm; đóng góp trực tiếp từ 7 - 9% GDP; tạo 5,5 triệu việc làm, khoảng 1,8 triệu việc làm trực tiếp.

 (Nguồn: TTXVN)

TAGS

Khai mạc Hội chợ Thương mại và Du lịch - Nhịp cầu Xuyên Á - Quảng Trị năm 2024

Thanh Trúc |

Ngày 6/6, tại Trung tâm Dịch vụ - Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Công thương khai mạc Hội chợ Thương mại và Du lịch - Nhịp cầu Xuyên Á - Quảng Trị năm 2024.

Đà Nẵng thí điểm thu hút khách du lịch cưới

Trần Lê Lâm |

Ngày 5/6, Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức Hội nghị phát triển du lịch cưới Đà Nẵng, đồng thời đón đoàn Famtrip Lữ hành cưới quốc tế đến tìm hiểu, kết nối thị trường cưới Đà Nẵng từ ngày 5 - 9/6.

Vĩnh Thái chú trọng phát triển du lịch biển

Thu Hạ |

Chỉ tính trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua, các bãi tắm trên địa bàn xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã thu hút trên 15 nghìn lượt khách đến tham quan, tắm biển và thưởng thức các món ăn đặc sản hấp dẫn, tươi ngon được ngư dân đánh bắt từ chính vùng biển bãi ngang này. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng để địa phương tiếp tục mở rộng khai thác và phát triển hiệu quả tiềm năng từ du lịch biển.

Quảng Trị khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch biển

Tú Linh |

Tỉnh Quảng Trị được thiên nhiên ưu đãi khi có bờ biển dài khoảng 75 km với nhiều bãi biển đẹp, còn khá hoang sơ như: Vĩnh Thái, Vĩnh Kim, Cửa Tùng, Cửa Việt, Triệu Lăng, Mỹ Thủy, Hải Khê... Cùng với đó, Quảng Trị còn có đảo Cồn Cỏ nên tỉnh có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch biển.