Tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) tại Quảng Trị phối hợp UBND huyện Hướng Hóa, người dân thôn Chênh Vênh vừa khai trương tour du lịch sinh thái khám phá rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh.
Tour kết hợp tìm hiểu đời sống người dân tộc thiểu số Vân Kiều bản địa với khám phá thắng cảnh thiên nhiên là thác Chênh Vênh và rừng tre trúc, rừng tự nhiên nguyên sinh. Tại cụm dân cư Rờ Vê, du khách trải nghiệm cuộc sống của người dân Vân Kiều, mua bán nông sản địa phương. Sau đó, du khách đến với thác Chênh Vênh, một thắng cảnh hùng vĩ giữa núi rừng Trường Sơn; đến thăm đồi Sa Mươi (nghĩa là sương mù), là khu vực người dân chăn thả gia súc và làm nương rẫy. Ngọn đồi này là một đồng cỏ rộng hơn 20 ha, nằm trên đỉnh đèo Sa Mù cao hơn 1.000 m, một điểm lý tưởng để ngắm mây bay giữa các đỉnh núi.
Trong tour, du khách trải nghiệm rừng tre trúc bạt ngàn, rừng nguyên sinh có chứng chỉ Quản lý rừng bền vững FSC. Cánh rừng này rộng gần 1.000 ha, do chính người dân Chênh Vênh chung tay bảo vệ, giữ gìn. Tối đến, người dân sẽ đãi khách những món ẩm thực bản địa như xôi nếp rẫy, gà, heo nướng, các món rau rừng, măng luộc… Du khách có thể lựa chọn ngủ trong nhà sàn hoặc ngủ lều trên đỉnh đồi Sa Mươi để ngắm bình minh. Ngoài ra, tùy vào từng thời điểm trong năm, du khách còn được chứng kiến các lễ hội đặc sắc của người Vân Kiều như tết cơm mới, lễ cưới hỏi…
Để đưa tour vào hoạt động, tổ chức MCNV hỗ trợ người dân xây dựng mới nhiều nhà sàn, cải tạo nhà sàn truyền thống, quầy trưng bày nông sản, tập huấn kỹ năng làm du lịch… cho người dân. Ông Phạm Trọng Hổ, Phó chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa đánh giá: “Hỗ trợ của MCNV mở ra cho Chênh Vênh hướng đi mới, làm du lịch gắn với bảo vệ rừng. Hy vọng đây là mô hình điểm để huyện nhân rộng”.
Thôn Chênh Vênh có diện tích 1.500 ha, với 130 hộ, 440 khẩu, 100% người dân là dân tộc Vân Kiều. Thôn nằm sát đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, được bao bọc bởi núi rừng, sông suối, đồi núi hoang sơ, hùng vĩ, đặc biệt là thắng cảnh thác Chênh Vênh. Nông sản đặc trưng ở vùng này là măng rừng, nếp than, rượu bản…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)