Khôi phục hệ thống giếng cổ ở vùng Cùa

Anh Vũ |

Vùng Cùa (gồm hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa), huyện Cam Lộ, vốn nổi tiếng với hệ thống giếng cổ độc đáo được xây dựng cách đây hàng trăm năm. Tuy nhiên qua thời gian và chiến tranh cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại nên hầu hết các giếng cổ ở đây bị vùi lấp hoặc không được lưu tâm gìn giữ. Trong mấy năm trở lại đây, thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, nhiều giếng cổ ở vùng Cùa đã được chính quyền địa phương và người dân tìm cách khôi phục, tôn tạo lại với mục đích giữ lại một nét văn hóa của làng quê để nhắc nhở các thế hệ mai sau luôn nhớ về cội nguồn, nơi có cây đa, giếng nước, sân đình.

 
Giếng Đình vừa được Nhân dân thôn Mai Lộc 2 và Mai Đàn khôi phục lại năm 2024 - Ảnh: ANH VŨ 
      

Giếng làng Bảng Sơn, xã Cam Nghĩa hay còn gọi là giếng Phượng là một trong những giếng cổ nhất ở vùng Cùa. Theo các bậc cao niên trong làng thì giếng này được xây dựng cách đây khoảng 500 năm. Sau một thời gian dài bỏ không và bị bồi lấp thì nay được con dân trong làng cùng nhau đóng góp công sức, tiền của để trùng tu, tôn tạo với tâm niệm giếng làng là biểu tượng cho nguồn sống, là long mạch, là một nét đẹp văn hóa truyền thống của làng.

“Giếng này ông bà chúng tôi ngày xưa gọi là long mạch, ăn ra làm được hay không, cuộc sống của người dân có bình an hay không cũng nhờ nguồn nước này. Qua thời gian, chiến tranh, nhiều phần bị bồi lấp, hư hỏng nên bà con trong làng đồng tâm góp sức, góp của để tu bổ lại”, ông Nguyễn Văn Tuyển, ở làng Bảng Sơn chia sẻ.

Theo thống kê sơ bộ, ở vùng Cùa có khoảng 15 giếng cổ. Các bậc cao niên ở đây cho biết, hầu hết các giếng ở vùng Cùa có niên đại hàng trăm năm là giếng Chăm, làm bằng đá tổ ong và gỗ trai, chỉ sâu hơn 1 m nhưng quanh năm đầy nước. Hệ thống giếng cổ này nằm dưới chân những quả đồi ở độ dốc khác nhau đã được người xưa dùng đá tổ ong xếp theo ý đồ của mình để tận dụng những mạch nước ngầm trong lòng đất chảy ra phục vụ cho ăn uống, sinh hoạt và sản xuất. Một số giếng phía dưới có hai đáy làm bằng gỗ trai, dù trải qua hàng trăm năm nhưng vẫn chắc chắn. Hàng trăm năm nay dù trời có hạn hán đến mấy thì nguồn nước từ những giếng cổ này cũng không bao giờ cạn, vẫn trong xanh, mùa hè mát lạnh nhưng mùa đông lại rất ấm.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính cho biết, theo bản đồ của làng Mai Lộc năm Canh Tý (1900) thì ở Cam Chính có 11 giếng cổ. Hệ thống giếng này đều có cấu trúc khá giống nhau là làm bằng đá tổ ong và gỗ trai; mỗi giếng có hai phần, giếng trong và giếng ngoài. Giếng trong dùng lấy nước phục vụ ăn uống, còn giếng ngoài dùng để tắm, giặt.

“Những ngôi làng ở Cùa có lịch sử hình thành hàng trăm năm. Ngày xưa chưa có nước máy, giếng khoan thì cả làng đều dùng nước giếng cổ, ngày ngày mang quang gánh ra giếng lấy nước về nhà phục vụ ăn uống, sinh hoạt. Ngày nay, dân làng xem đây như báu vật của cha ông để lại, là long mạch của làng, quyết định một phần phúc họa của làng nên ai cũng quan tâm bảo vệ, gìn giữ”, ông Hiếu cho biết.

Cũng theo nhiều người dân ở vùng Cùa, năm 1885 khi Vua Hàm Nghi từ kinh thành Huế ra và ở tại Thành Tân Sở (thôn Mai Đàn, xã Cam Chính), binh lính đã đến những giếng cổ này lấy nước cho vua dùng cũng như sinh hoạt hằng ngày.

Hiện nay, hầu hết các giếng cổ này đều được người dân trùng tu, tôn tạo khá giống với nguyên bản. Chủ trương này rất được người dân đồng tình hưởng ứng, nhiều làng đã đóng góp, kêu gọi xã hội hóa, con em xa quê hỗ trợ hàng chục triệu đồng để khôi phục lại giếng làng.

Điển hình như giếng Đình, thuộc làng Mai Đàn và Mai Lộc 2, xã Cam Chính, sau một thời gian dài bị bồi lấp gần như hoàn toàn thì năm 2024, cán bộ và người dân cả hai làng đã thống nhất đóng góp tiền của cũng như kêu gọi xã hội hóa để khôi phục, trùng tu lại với tổng kinh phí gần 100 triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Cam Chính Nguyễn Văn Hà cho biết, trong những năm qua, đặc biệt là từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền địa phương đã nỗ lực trong việc tuyên truyền vận động người dân trùng tu, tôn tạo lại hệ thống giếng cổ trên địa bàn. Chủ trương này cũng được Nhân dân hưởng ứng cao.

Bình quân chi phí để trùng tu, tôn tạo mỗi giếng như hiện nay mất khoảng 50 -100 triệu đồng nhưng người dân đã tự huy động nguồn lực nội tại cũng như kêu gọi con em góp công, góp của để thực hiện. Hiện nay, chỉ tính ở thôn Mai Lộc 1 và Mai Lộc 2 đã có 4 giếng cổ được người dân trùng tu, tôn tạo lại, gồm: giếng Cây Thị, giếng Cây Bàng, giếng Đình và giếng Cây Dầu. Ngoài ra, có thêm một giếng đang được chuẩn bị trùng tu.

“Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Cam Chính nhiệm kỳ 2025-2030 đã đưa vào nhiệm vụ tiếp tục tu bổ, tôn tạo những giếng cổ chưa làm được với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Trên cơ sở đó sẽ xây dựng kết nối với các điểm đến cho du khách khi đến với vùng Cùa có thể dâng hương tại Đền thờ Vua Hàm Nghi sau đó đến tham quan hệ thống giếng cổ, vườn chè cổ và thưởng thức ẩm thực gà Cùa, hướng đến phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn của xã”, ông Hà cho biết thêm.

Từ bao đời nay, hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình đã tạo nên bức tranh yên bình của làng quê Việt Nam. Những hình ảnh ấy đã đi vào tiềm thức của người dân, trở thành biểu tượng mang giá trị tinh thần của nhiều làng, xã. Việc phục dựng giếng cổ ở vùng Cùa không chỉ để bảo tồn, gìn giữ một nét văn hóa truyền thống, nhắc nhở các thế hệ trẻ luôn nhớ về cội nguồn, đồng thời mở ra hướng đi bền vững phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng cho vùng đất này.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Phát triển du lịch nông thôn bền vững và hiệu quả

Kăn Sương |

Thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu về văn hóa, thể thao và du lịch trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã tập trung huy động các nguồn lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở ngày càng khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt chính trị, văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Chương trình đã tạo hiệu ứng tích cực, gắn kết và phát huy kết quả trong xây dựng NTM và đô thị văn minh tại địa phương.

Đồng ý chủ trương khai thác sản phẩm du lịch sinh thái – mạo hiểm thác Tà Đủ

MINH LONG |

Trên cơ sở văn bản đề nghị và kèm theo đề án của Công ty TNHH Jungle Boss ở thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, ngày 28/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến ký ban hành văn đồng ý chủ trương để Công ty TNHH Jungle Boss khảo sát, lập dự án/đề án khai thác sản phẩm du lịch sinh thái – mạo hiểm thác Tà Đủ, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa.

Tỉnh Quảng Trị tham dự Diễn đàn xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch tại tỉnh Sekong (Lào)

Hồng Minh |

Thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư năm 2025 và phân công của UBND tỉnh Quảng Trị, từ ngày 23-25/5, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị đã tổ chức đoàn công tác tham dự Diễn đàn xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch tại tỉnh Sekong do Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Pakse và Chính quyền tỉnh Sekong phối hợp tổ chức. Đây là hoạt động xúc tiến hợp tác đầu tư du lịch, kinh tế, thương mại giữa các địa phương ba nước Việt Nam, Lào và Thái Lan được Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Pakse phối hợp tổ chức thường niên, năm nay được tổ chức tại tỉnh Sekong.

Cho phép đưa vào hoạt động thử nghiệm sản phẩm du lịch sinh thái “Trekking đỉnh Pa Thiên - Voi Mẹp, chinh phục nóc nhà Quảng Trị"

Ngọc Trang |

Ngay sau khi có đề xuất của Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản gửi các sở: Nông nghiệp và Môi trường;Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công ty TNHH Samuer; Ban Quản lý Rừng đặc dụng tỉnh và UBND huyện Hướng Hóa về việc đồng ý chủ trương giao Ban Quản lý Rừng đặc dụng tỉnh phối hợp với Công ty TNHH SAMUER có địa chỉ tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa hoàn thiện đề án Khai thác thử nghiệm sản phẩm du lịch sinh thái “Trekking đỉnh Pa Thiên - Voi Mẹp, chinh phục nóc nhà Quảng Trị" đưa vào hoạt động thử nghiệm đến khi đề án chính thức được phê duyệt.