3 năm trở lại, cứ vào dịp giáp Tết Nguyên đán, tôi đều tranh thủ lên Sa Mù ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị), và lần nào cũng “mắt chữ a”, “mồm chữ o” trước sự đổi khác của nơi này. Trước, đến Sa Mù chỉ được thưởng ngoạn cảnh gió núi, mây đèo với những cảnh đẹp của thiên nhiên, thì nay, ngay trên đỉnh đèo đã xuất hiện nhiều loại cây sang chảnh.
Đó là các loại hoa, quả, cây dược liệu với nhiều màu sắc không chỉ giá trị kinh tế, mà còn tô điểm thêm cho đỉnh đèo Sa Mù , khiến khách đến thích thú, khách đi muốn quay trở lại… Sa Mù có độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình ban ngày từ 18-23 độ C, vào ban đêm từ 12-15 độ C nên ngoài trồng hoa, quả, còn thuận lợi để trồng các loại cây dược liệu. Hiện, trạm nghiên cứu đã nhân giống được loại lan kim tuyến quý hiếm, nuôi cấy được đông trùng hạ thảo… Trong ảnh, ông Đào Ngọc Hoàng (thứ 3 từ trái sang) - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin Khoa học Công nghệ giới thiệu các sản phẩm đặc biệt mang thương hiệu Sa Mù. Ngoài hoa Lily, trên Sa Mù còn trồng được hoa Tulip, cả 2 loại hoa này đều bung nở vào đúng dịp Tết Nguyên đán, nên đều cháy hàng. Hơn 2.500 chậu Dâu tây xanh mơn mởn với những chùm trái chín đỏ được trồng ở Sa Mù Hoa đồng tiền lùn 3 màu trắng, vàng, đỏ lần đầu được nhân giống và trồng thử nghiệm cũng khoe sắc đúng vào dịp Tết. Trong năm 2019, tại trạm nghiên cứu trồng 13.000 chậu lan Hồ Điệp với nhiều màu. Kết quả rất bất ngờ, khi lan ra cây, lá và hoa tuyệt đẹp. Lan được trồng trong nhà kính có cảm biến đo độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng... Cán bộ trạm dù ở xa cũng nắm được tình hình qua internet. Và có thể điều chỉnh các thông số khi môi trường bên ngoài thay đổi. Ông Nguyễn Đức Chính (bên phải ảnh) - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cùng ông Trần Ngọc Lân - Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ thăm vườn lan ở đỉnh Sa Mù. Ai cũng bất ngờ, khi chỉ mấy năm mà trạm gặt hái được nhiều thành quả rất quan trọng. “Những nghiên cứu ở trạm sẽ là tiền đề để phục vụ nông nghiệp chất lượng cao, thu hút doanh nghiệp đến đầu tư cũng như góp phần biến Sa Mù thành một tiểu Đà Lạt” - ông Đức Chính, nói. Qua 2 năm trồng thử nghiệm, các cán bộ ở trạm nghiên cứu đã chọn được giống hoa Lily phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Sa Mù, và trồng 3.000 chậu. Mỗi chậu có 3 đến 5 cây, mỗi cây có 5 đến 10 búp, thân cây mập, nên các thương lái đã đặt hết hàng. (Nguồn: Báo Lao Động Bắc Miền Trung)