Dẫu còn đó những vất vả khó khăn nhưng cuộc sống của bà con nơi đây đã thay đổi theo chiều hướng tích cực, đấy chính là lời của những người dân Vân Kiều, Pa Kô mà tôi đã gặp trên các nẻo đường vào thôn La Lay, xã A Ngo, huyện Đakrông. Theo con đường dốc gập ghềnh bên triền núi, tôi như đang đi giữa mùa xuân và ngắm nhìn những vườn đồi, vườn nhà đang xanh tươi trở lại sau trận lũ, làm nên sự bất tận của núi non...
La Lay là một thôn của xã A Ngo, huyện Đakrông, nơi có con đường 15D nối liền đường Hồ Chí Minh và Cửa khẩu quốc tế La Lay. Bên kia cửa khẩu là huyện Sa Muồi của tỉnh Salavan, nước bạn Lào. La Lay là nơi mà trận lũ đêm 15 rạng sáng ngày 16/10/2022 đã gây sạt lở và ngập lụt hầu hết thôn bản, đặc biệt là cuốn trôi gần 200 m Quốc lộ 15D, làm hệ thống giao thông tê liệt trong nhiều ngày, nhất là việc lưu thông hàng hóa quá cảnh qua biên giới và đi lại của bà con hai bên cửa khẩu.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Trị Trần Hữu Hùng cho biết: “Để kịp thời khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, ngành giao thông tỉnh Quảng Trị đã huy động toàn lực, từ phương tiện máy móc hiện đại nhất, đến lực lượng thi công dày dạn kinh nghiệm tập trung làm việc suốt 7 ngày đêm đào đắp hơn 32.000 m3 đất, đá và đã hoàn thành con đường mới để kịp thông xe”.
Đường Hồ Chí Minh-con đường Trường Sơn vốn dĩ đã tấp nập, nay lại càng tấp nập hơn bởi những dòng người và xe cộ ngược xuôi chuẩn bị mua sắm Tết.
Đại úy Trần Ngọc Hoạt, đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay cho biết: “La Lay là cửa khẩu mới mở, không sầm uất như Lao Bảo bởi bà con hai bên biên giới còn nghèo. Bình thường thì phương tiện qua lại chủ yếu là xe tải chở hàng hóa đi sâu vào nội địa, còn việc mua bán, trao đổi hàng hóa của bà con hai bên biên giới còn hạn chế”.
Làm việc với chúng tôi, ông Hồ Tất Huấn, Chủ tịch UBND xã A Ngo, cho biết: “A Ngo là xã miền núi đặc biệt khó khăn, có đường biên với nước bạn Lào dài 13,6 km. Địa bàn xã phần lớn là đồi núi bị chia cắt bởi các con sông suối.
Thời tiết khắc nghiệt, thiên tai bão lũ thường xuyên xảy ra, đặc biệt là các trận lũ lịch sử năm 2009, 2020 và 2022 đã tàn phá nặng nề hệ thống cơ sở hạ tầng, cây cối hoa màu của bà con bị hư hại, vì vậy cuộc sống vốn dĩ đã khó lại càng khó hơn.
Vậy nhưng xã A Ngo luôn được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước hỗ trợ, đầu tư các chương trình như 135, 134, giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển KT-XH vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số...Nhờ vậy, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, bộ mặt nông thôn mới ngày càng khởi sắc”.
Mặc dù còn những khó khăn nhất định, nhưng cứ đến mỗi dịp Tết đến, xuân về Đảng bộ và chính quyền địa phương vẫn quan tâm chăm lo chu đáo đến đời sống vật chất và tinh thần cho bà con để gia đình nào cũng có niềm vui trong những ngày đón xuân mới.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, xã A Ngo hiện có 7 thôn với hai dân tộc sinh sống là Pa Kô và Vân Kiều, trong đó dân tộc Pa Kô chiếm 95%. Cuộc sống của bà con chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy. Cây trồng chính bao gồm ngô, sắn, lúa rẫy, lúa nước, chuối. Chăn nuôi chủ yếu là dê, lợn, bò, trâu theo hộ gia đình nhỏ, lẻ vì không có điều kiện để chăn nuôi tập trung. Vì thế mà tỉ lệ hộ nghèo còn khá cao trên 50%.
Vất vả khó khăn là vậy, nhưng khi lũ lụt cuốn trôi cầu, cống, đường sá thì bà con sẵn sàng tự nguyện hiến đất vườn, đất rẫy để mở đường mới, kịp thời thông xe, thông đường và trước đó, hàng chục hộ dân ở xã A Ngo cũng đã hiến đất để xây trường học, xây nhà lưu trú cho giáo viên.
Ông Hồ Thủy, Trưởng thôn La Lay khẳng định với chúng tôi rằng: “Bà con dân tộc Pa Kô, Vân Kiều luôn có tinh thần yêu nước với truyền thống “xe chưa qua, nhà không tiếc”. Tuy còn thiếu cái dùng, còn nghèo cái ăn nhưng tấm lòng yêu nước của bà con thì giàu lắm, sẵn sàng hy sinh mọi thứ mình có vì lợi ích chung”.
Chủ tịch UBND xã Hồ Tất Huấn, cho biết: “Đảng ủy và UBND xã đã đề ra chương trình hành động cụ thể, trước hết là tập trung khắc phục hệ thống giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt và những sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ sông đoạn chảy qua thôn A Rông Dưới, thôn A La do lũ lụt vừa qua làm hư hỏng nặng.
Đồng thời, khẩn trương triển khai một số mô hình sản xuất mới, như đưa giống nếp than và cây chuối tiêu hồng vào gieo trồng, phục tráng lại giống chuối lùn, đưa đàn gia súc vào chăn nuôi theo mô hình bán chăn thả- nhất là đối với đàn dê, phấn đấu đưa nền sản xuất tự cung, tự cấp trước đây lên sản xuất hàng hóa, để từng bước giảm số hộ nghèo”.
La Lay chiều cuối năm trời trong xanh, những đám mây trắng lãng đãng vờn trên đỉnh núi và đây đó những cánh hoa rừng đã nở xen lẫn giữa vườn cây đã xanh tươi, tạo nên một không gian thanh bình.
Dọc con đường Hồ Chí Minh vào Quốc lộ 15D những đoàn xe chở nặng hàng hóa qua cửa khẩu đang tấp nập, rộn ràng. Rồi những đoàn khách bộ hành, bà con hai bên biên giới qua lại mua sắm Tết. Đặc biệt là trên cung đường xuân ấy có hàng trăm cán bộ, công nhân và xe, máy của ngành giao thông tỉnh Quảng Trị đang miệt mài trong công việc mở đường mới...Tất cả đang tạo nên một không khí hối hả, rạo rực báo hiệu mùa xuân đang về.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)