Làm du lịch theo cách riêng

Quang Hiệp |

Trần Tiến (sinh năm 1992), trú tại Khu phố 6, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh (Quảng Trị) cho rằng, nếu mỗi người dân trở thành một “đại sứ du lịch” thì Quảng Trị sẽ trở thành điểm đến của khách thập phương. Suy nghĩ như vậy, cộng với niềm đam mê và tình yêu dành cho quê hương, Tiến đã tạo ra những chuyên phượt mới mẻ, đầy thú vị.


Lựa chọn đam mê

Tôi viết những dòng chữ này vào một dịp cuối tuần, thời điểm trước khi COVID-19 diễn biến phức tạp. Cùng thời điểm đó, Trần Tiến đang ngồi trước biển Trung Giang nhóm lửa nướng thịt cho khách. Sau lưng anh là lều trại đã sáng ánh đèn. Tiếng cười nói, tiếng nhạc hòa cùng tiếng sóng tạo nên một bản hòa tấu sống động. Ngoái đầu nhìn lại, Tiến nở nụ cười. Anh tin rằng, những vị khách của mình đang có một đêm trọn vẹn niềm vui. Ngày mai, khi họ rời đi, thứ còn lại trên bãi biển chỉ là những dấu chân nhưng trong trái tim, tâm trí của khách sẽ đầy ắp hình ảnh, kỷ niệm đẹp.

Lần đầu nghe Trần Tiến chia sẻ ý tưởng chọn phượt để kinh doanh, nhiều người ngay lập tức bàn lui. Sống ở mảnh đất chịu nhiều đau thương của chiến tranh, quanh năm quắt quay với nỗi lo thiên tai, dịch bệnh, người dân Quảng Trị mong một mái nhà vững chãi, chăn ấm, nệm êm. Vì thế, những chuyến phượt dù hấp dẫn đến đâu cũng khiến nhiều người đắn đo, cân nhắc. Ngoài lý do ấy, mọi người ngăn cản Tiến còn bởi biết cậu không theo một trường lớp đào tạo chuyên sâu về du lịch; chưa có bề dày kinh nghiệm; thiếu vốn… Ai cũng khuyên Tiến nên chuyên tâm cùng vợ chăm lo cho quán cà phê và gia đình nhỏ của mình.

Trần Tiến sửa soạn đồ phục vụ du khách -Ảnh: Q.H
Trần Tiến sửa soạn đồ phục vụ du khách -Ảnh: Q.H

Lắng nghe nhiều ý kiến trái chiều nhưng Trần Tiến vẫn kiên định với lựa chọn ban đầu của mình. Tiến nghĩ, mình phải sống với đam mê vì tuổi trẻ không hai lần thắm lại. Như nhiều đứa trẻ thôn quê khác, Tiến có một tuổi thơ chan hòa với thiên nhiên. Mong muốn đến những vùng đất xa, khám phá nhiều điều mới mẻ đã dẫn lối cậu trở thành sinh viên địa chất. Sau này, rời ghế giảng đường, đôi chân của Tiến vẫn ưa khám phá. Cậu tìm thấy rất nhiều niềm vui trên những chuyến “xê dịch”. Chính những chuyến phượt đã “khởi duyên”, giúp chuyện tình của vợ chồng Tiến thêm phần sắc màu.

Đi nhiều nơi, Trần Tiến thấy hiếm ở đâu đẹp như quê hương mình. Vì thế, cậu muốn tổ chức những chuyến phượt để nhiều người biết rõ hơn về tên đất, tên làng Quảng Trị. Tiến vẫn luôn nghĩ, nếu mỗi người dân là một “đại sứ du lịch” thì quê mình có thể làm giàu bằng ngành công nghiệp không khói này.  “Tôi rất vui khi dẫu nhiều người có ý kiến vào ra nhưng vợ tôi vẫn một lòng ủng hộ. Điều đó khiến tôi càng quyết tâm theo đuổi và thực hiện ý tưởng của mình đến cùng”, Tiến nói với nụ cười trên môi.

Trần Tiến kể, 2 vị khách đầu tiên của cậu chính là… vợ và con. Để nhận được sự hài lòng của khách hàng, Tiến đã rút 20 triệu tiền tiết kiệm mua sắm lều bạt, bàn ghế, ly chén, thảm… phục vụ cho các chuyến phượt. Cậu tìm tòi, thử nghiệm những món ăn, thức uống ngon, phù hợp với không gian ngoài trời. Đặc biệt, Tiến tăng dày những chuyến khảo sát, tìm hiểu những vùng đất và tập trung học hỏi kinh nghiệm.

Mỗi lần trở về nhà, cậu lại sà ngay vào bàn để lên những kế hoạch. Điều khiến Tiến rất vui là hai “vị khách” đầu tiên đều rất thích những chuyến phượt do cậu thiết kế. Chiếc Attila đỏ của vợ chồng Tiến đã lăn bánh đến nhiều nơi và ở đâu cũng đầy ắp tiếng cười.

Chiếc xe máy đã gắn bó với Trần Tiến trên những chuyến phượt - Ảnh: Q.H
Chiếc xe máy đã gắn bó với Trần Tiến trên những chuyến phượt - Ảnh: Q.H

Hạnh phúc với nghề

Những chuyến phượt đã kết nối Trần Tiến với rất nhiều người. Khách của Tiến phần lớn là các bạn trẻ năng động, cá tính, luôn khát khao khám phá. Trái ngược, một số người luống tuổi tìm đến cậu để “đổi gió” sau khi đã quá quen với những chuyến nghỉ dưỡng sang trọng. Tiến cũng từng lên lịch trình cho những nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ… giúp họ tìm cảm hứng sáng tác.

Tùy vào tuổi tác, sở thích, nhu cầu… của khách mà cậu “thiết kế” một chuyến phượt riêng. Điểm chung là Tiến luôn nỗ lực làm khách hài lòng bằng cách chọn địa điểm phù hợp; “cổ tích” hóa không gian phượt; tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm; chọn nhạc, nấu món ăn, thức uống phù hợp...

Điều thú vị là những vị khách đầu tiên “gõ cửa” trước khi Trần Tiến chính thức mở tour. Theo dõi Facebook Tiến, nhiều người rất ấn tượng với những chuyến phượt thú vị của gia đình cậu. Họ đã liên lạc và đặt vấn đề với Tiến. Ít ai biết, lần đầu tiên được tin chọn, cậu mừng đến mức… mất ngủ, chỉ mong mau tới ngày hẹn để lên đường. Để không phụ sự kỳ vọng của khách, Tiến đầu tư thêm hàng chục triệu đồng để mua các đồ dùng, vật dụng cần thiết. Cậu sẵn sàng cho thuê lều bạt, bàn ghế, dụng cụ nấu ăn… cho những ai có nhu cầu.

Dù đón khá đông khách nhưng mỗi chuyến phượt vẫn in sâu trong Trần Tiến với rất nhiều kỷ niệm. Tiến nhớ như in 2 người bạn thân ở thị xã Quảng Trị liên lạc với cậu để cùng đi một hồ nước đẹp ở xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ. Đến nơi, sau khi dựng lều trại, Tiến rất vui khi 2 vị khách cùng mình vào đồi lấy củi, nhóm lửa, rồi câu cá để nướng… Bên bếp lửa, họ chuyện trò với nhau như tri kỷ.

Chuyến phượt tổ chức tại “Cây Cô đơn” ở xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa cách đây không lâu, cơn mưa bất chợt làm thay đổi kế hoạch của Tiến. Điều cậu rất ngạc nhiên là khách vui vẻ bước ra từ lều trại, ca hát, nhảy múa dưới mưa… Họ bảo, từ lâu lắm rồi, mình mới có cảm giác sống lại những ngày thơ bé. Có nhiều khách sau khi trở về nhà đã có ngay bài viết rất cảm xúc tiếp thêm “lửa” cho Tiến.

Trần Tiến (thứ 2, từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với khách - Ảnh: Q.H
Trần Tiến (thứ 2, từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với khách - Ảnh: Q.H

Ngày đầu khởi nghiệp với phượt, như nhiều bạn trẻ xuất phát điểm từ gian khó khác, Trần Tiến luôn trăn trở về vấn đề thu nhập. Thế nhưng, suy nghĩ ấy dần thay đổi. Tiến thầm cảm ơn sự kiên định năm xưa đã giúp cậu có cơ hội giới thiệu, quảng bá những cảnh đẹp quê hương, giúp mọi người có những trải nghiệm mới mẻ, thú vị. Về phần mình, Tiến “được” rất nhiều thứ không thể đong đếm bằng tiền.

Sau những chuyến đi, Tiến lại có thêm những người bạn, học thêm nhiều điều hay và cảm thấy yêu cuộc sống hơn. Cũng vì vậy nên cậu không ngại đầu tư mua thêm nhiều vật dụng, thiết bị; tìm cách nâng chất lượng phục vụ nhưng lại giảm giá thành; nỗ lực đáp ứng những yêu cầu cao của khách… Khách phượt tìm đến với Tiến ngày một nhiều thêm cũng vì lẽ đó.

Từ khởi đầu thuận lợi, Trần Tiến đặt mục tiêu cho mình là tạo ra những chuyến phượt có thương hiệu, thu hút du khách không chỉ trên địa bàn tỉnh mà cả trong và ngoài nước. Cậu tin, mai đây, những nơi mình từng cắm lều, dựng trại sẽ trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng. Tiến hiểu, để đi đến ngày vui ấy, bản thân cậu và mỗi người dân Quảng Trị đều phải nỗ lực để trở thành “đại sứ du lịch” của quê nhà.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Bảo tồn và phát huy lễ hội dân tộc Vân Kiều, Pa Cô phục vụ phát triển du lịch

Hồ Phương |

Lễ hội của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô miền Tây Quảng Trị, cho đến nay hầu hết vẫn giữ được những nét truyền thống đặc sắc. Chính điều đó đã tạo nên một sức hút lớn đối với du khách.

Sắp có tàu chạy bằng hơi nước chở khách du lịch tuyến Huế-Đà Nẵng

Việt Hùng |

Dự án vận chuyển hành khách du lịch trên đoàn tàu kéo bằng đầu máy hơi nước trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, đoạn Huế-Đà Nẵng đang được lên kịch bản triển khai.

70% khách du lịch Nhật Bản có ý định quay lại Việt Nam

Thanh Trà |

Kết quả thăm dò mới nhất của Trung tâm ASEAN-Nhật Bản (AJC) cho thấy 70% số người Nhật Bản đã từng tới Việt Nam muốn quay lại quốc gia Đông Nam Á này.

Thiết lập một lộ trình kích hoạt mới cho du lịch Việt Nam

Mai Mai |

Khi dịch bệnh vẫn tiếp tục bùng phát và chưa có dấu hiệu dừng lại, người làm du lịch không chỉ lo việc được tiêm chủng COVID-19 mà lãnh đạo ngành còn phải lên lộ trình nhằm kích hoạt nền kinh tế xanh.