Lần theo dấu động vật hoang dã bằng “bẫy ảnh”

Lê An |

Nhằm điều tra đánh giá hiện trạng một số loài động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp, quý hiếm, 40 chiếc bẫy ảnh đã được Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Bắc Hướng Hóa triển khai lắp đặt. Sau 3 tháng triển khai, các bẫy ảnh này đã cho kết quả ngoài mong đợi khi phát hiện nhiều loài ĐVHD cực kỳ quý hiếm tại đây.

Thiết bị hiện đại

Nhắc đến bẫy ảnh, anh Trần Văn Hùng, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Khoa học kỹ thuật và Hợp tác quốc tế, chuyên gia bẫy ảnh của Ban quản lý KBTTN Bắc Hướng Hóa không giấu được vẻ hào hứng. Anh Hùng cho biết, máy bẫy ảnh được sử dụng là loại bẫy ảnh hồng ngoại nhãn hiệu Bushnell Core DS 30Mp. Đây là loại bẫy ảnh kỹ thuật số rất nhỏ gọn, mới nhất, hiện đại nhất về độ bền và chất lượng hình ảnh. Máy có thể hoạt động trong những điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt từ - 20o C đến + 60o C. Sử dụng nguồn là 6 pin AA có thể hoạt động lên đến 12 tháng liên tục.

Lắp đặt máy bẫy ảnh tại KBTTN Bắc Hướng Hóa - Ảnh: BAN QUẢN LÝ KBTTN BẮC HƯỚNG HÓA CUNG CẤP
Lắp đặt máy bẫy ảnh tại KBTTN Bắc Hướng Hóa - Ảnh: BAN QUẢN LÝ KBTTN BẮC HƯỚNG HÓA CUNG CẤP

Máy có hệ thống cảm biến kép với 2 cảm biến camera, một cho việc quan sát ghi hình ban ngày và một cảm biến tối ưu hóa cho quan sát và quay ban đêm hình ảnh video nhận được có màu sắc rực rỡ, rõ nét, tươi sáng về ban ngày và rõ nét, có độ tương phản cao về ban đêm. Số lượng ảnh chụp tối đa từ 1 - 5 tấm cho mỗi lần kích hoạt, thời gian quay video từ 5 - 60 giây tùy theo cài đặt của người sử dụng. Sử dụng thẻ nhớ SD/ SDHC dung lượng hỗ trợ tối đa 32 GB phù hợp với nhu cầu, mục đích chụp ảnh, quay video.

"Được thành lập từ năm 2007, KBTTN Bắc Hướng Hóa được đánh giá là khu vực có tính đa dạng sinh học cao và độc đáo, đặc trưng cho khu vực Nam Trung Bộ với nhiều loài động, thực vật có giá trị về mặt khoa học và giá trị bảo tồn. Số lượng các loài ĐVHD trong lâm phần được ghi nhận tăng lên đáng kể theo hàng năm. Những kết quả bằng ảnh chụp, video cả ban ngày lẫn ban đêm với chất lượng rõ nét do máy bẫy ảnh mang lại rất có ý nghĩa đối với công tác nghiên cứu khoa học và bảo tồn" Giám đốc Ban quản lý KBTTN Bắc Hướng Hóa Hà Văn Hoan cho biết

Máy bẫy ảnh được tích hợp hệ thống cảm biến chuyển động PIR thông minh cho phép xác định được khoảng cách của chuyển động từ 100 ft (tương đương hơn 30 m) và kích hoạt cảm biến camera trong 0,2 giây. Cảm biến này được lập trình để có thể tự động điều chỉnh độ nhạy dựa theo yếu tố của môi trường. Hệ thống đèn hồng ngoại trên máy bẫy ảnh cũng có khả năng hoạt động tốt trong phạm vi 100ft và hoàn toàn không phát sáng giúp ngụy trang tốt hơn. Các thông tin phụ bao gồm thời gian (ngày, giờ), vị trí địa lý, mặt trăng được tích hợp lên bức ảnh phù hợp cho quá trình nghiên cứu sau này.

“Cảm biến trên máy bẫy ảnh sẽ tự động kích hoạt khi phát hiện chuyển động hoặc cảm ứng nhiệt. Không chỉ chụp ảnh mà máy còn tự động quay một đoạn video ngắn trong 2 - 3 phút, giúp ghi nhận đầy đủ hình ảnh, hoạt động của ĐVHD. Tùy từng chương trình, mục tiêu mà bẫy ảnh được lắp đặt trong rừng có thời gian khác nhau. Thường bẫy ảnh từ lúc đặt đến lúc tháo về khoảng 2 - 3 tháng. Mục tiêu chính của bẫy ảnh là xác định sự phân bổ, hiện trạng của các loài động vật nguy cấp, quý hiếm. Trên cơ sở đó, đề xuất các hoạt động nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và bảo tồn các tài nguyên động vật rừng”, anh Hùng cho hay.

Kỳ công lắp đặt bẫy ảnh

Giám đốc Ban quản lý KBTTN Bắc Hướng Hóa Hà Văn Hoan cho biết, để có thể ghi nhận được những hình ảnh về các loài ĐVHD trong rừng tự nhiên, công tác khảo sát thực địa được chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhân lực tham gia đến các hoạt động thực địa. Trong mỗi đợt công tác, cán bộ KBTTN cùng với chuyên gia khoa học, chuyên gia địa phương (là những người dân có kinh nghiệm về ĐVHD) thường đi theo nhóm từ 4 - 5 người để đảm bảo thực hiện được nhiều hoạt động đồng thời trong mỗi chuyến đi. Đầu tiên, nhóm công tác sẽ tiến hành khảo sát hiện trường để xác định những khu vực mà các loài động vật hoang dã thường hoạt động như tìm kiếm thức ăn, uống nước, ăn muối khoáng và các hoạt động ngủ, nghỉ khác. Những khu vực này thường là các điểm muối khoáng, bãi sình lầy, khu vực đi lại, kiếm ăn có dấu vết để lại của động vật. Đó chính là những vị trí tốt để thiết lập bẫy ảnh ghi nhận về sự hiện diện của chúng. Tại những điểm này, đơn vị thiết lập 1 - 2 máy bẫy ảnh cách nhau từ 200 - 250 m và đặt trong thời gian khoảng 2 - 3 tháng nhằm thu thập được số liệu chính xác và hiệu quả nhất.

“Nơi được đặt bẫy ảnh thường có vị trí thông thoáng và ít bị các vật cản ở phía trước góc chụp của máy. Các bẫy ảnh được thiết lập ở độ cao khoảng 20 - 40 cm so với mặt đất. Các bẫy ảnh này được buộc vào những thân cây thẳng, có khoảng cách tối ưu từ vị trí bẫy ảnh đến vị trí trung tâm mà bẫy ảnh có thể ghi hình được từ 1 - 5 m”, ông Hoan cho hay.

Tiếp lời ông Hoan, anh Hùng kể, trong đợt bẫy ảnh lần này, anh cùng các cán bộ của ban quản lý đã hoàn thành lắp đặt 40 máy bẫy ảnh. Điểm chọn đặt bẫy ảnh được khảo sát từ trước, tập trung vào những khu vực trùng với đường đi tìm thức ăn của các loài động vật. Ngoài việc bố trí về số lượng, khoảng cách và độ cao, việc điều chỉnh vị trí bẫy ảnh đòi hỏi có độ chính xác cao nhằm thu thập được hình ảnh tối ưu nhất. Theo đó, các bẫy ảnh được thiết lập theo phương thẳng đứng sao cho cảm biến song song với mặt đất. Việc này cho phép bẫy ảnh chụp được ảnh với góc rộng nhất, gia tăng khả năng phát hiện động vật khi đến gần. Hướng camera được bố trí vuông góc với hướng mặt trời mọc và lặn. Cách bố trí như thế là để tránh trường hợp bẫy ảnh bị ngược sáng vào những lúc có ánh nắng mặt trời thì sẽ không ghi nhận được hình ảnh rõ nét của loài muốn ghi nhận. Hơn nữa, cách bố trí này sẽ tránh được ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào máy làm hỏng ống kính và bộ cảm biến.

Sau gần 3 tháng máy bẫy ảnh được lắp đặt tại hiện trường, kết quả đã ghi nhận được 19 loài động vật trong KBTTN Bắc Hướng Hóa. Trong đó, có nhiều loài động vật quý hiếm, nguy cấp như voọc Hà Tĩnh, gà lôi trắng, sơn dương, thỏ vằn, mèo rừng…

Ngoài ra, điểm đặt máy bẫy ảnh được phát dọn thông thoáng những vật cản phía trước của máy như bụi cây, cành cây. Dưới mỗi máy bẫy ảnh được lót một lớp lá khô để tránh bùn bắn lên khi trời mưa ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh. “Không kể thời gian di chuyển thì bình quân thời gian để lắp đặt một máy bẫy ảnh khoảng 1 giờ. Sau khi thiết lập, máy bẫy ảnh được kiểm tra lại một vài lần thông qua màn hình xem hình ảnh chụp đã đẹp và đúng tiêu chuẩn chưa để có hướng điều chỉnh phù hợp. Ghi chép các thông tin liên quan đến thời gian, vị trí và môi trường xung quanh bẫy ảnh để phục vụ cho công tác giám sát và theo dõi. Sử dụng máy định vị GPS cầm tay để xác định tọa độ vị trí nơi đặt máy để sau này thu về dễ dàng hơn”, anh Hùng nói thêm về công việc đặt bẫy ảnh.

Mèo rừng (Prionailurus bengalensis), thuộc nhóm II B, được phát hiện thông qua bẫy ảnh tại KBTTN Bắc Hướng Hóa - Ảnh: BAN QUẢN LÝ KBTTN BẮC HƯỚNG HÓA CUNG CẤP
Mèo rừng (Prionailurus bengalensis), thuộc nhóm II B, được phát hiện thông qua bẫy ảnh tại KBTTN Bắc Hướng Hóa - Ảnh: BAN QUẢN LÝ KBTTN BẮC HƯỚNG HÓA CUNG CẤP

Tuy nhiên, do phạm vi khảo sát bằng bẫy ảnh đợt này mới chỉ trong phạm vi nhỏ, chiếm một diện tích nhỏ lâm phần của KBTTN Bắc Hướng Hóa nên đây chỉ là kết quả bước đầu. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện trên quy mô lớn hơn, với nhiều tuyến khảo sát hơn. Qua đó, nghiên cứu, cập nhật danh mục động vật và thiết lập bản đồ phân bố các loại đặc hữu, nguy cấp để có giải pháp bảo vệ hữu hiệu. “Đây cũng là cơ sở để đơn vị xây dựng và đề xuất một số giải pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn các loại ĐVHD trong lâm phần được giao quản lý”, ông Hoan khẳng định.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Đà Nẵng phát hiện số lượng lớn sừng và xương động vật quý hiếm

Quốc Dũng |

Kiểm tra lô hàng từ Nam Phi về Cảng Tiên Sa, lực lượng chức năng Đà Nẵng phát hiện hơn 138kg sừng động vật nghi là sừng tê giác, hơn 3,1 tấn xương động vật nghi là xương của động vật quý hiếm.

Thử nghiệm thành công vaccine COVID-19 dạng hít trên động vật

CTV Lương Trâm |

Các nhà khoa học cho biết họ đã thử nghiệm thành công vaccine COVID-19 dạng hít trong các nghiên cứu trên động vật. Đây có thể sẽ là một giải pháp đầy hứa hẹn trong việc chủng ngừa COVID-19.

Nghệ An: Huyện Con Cuông nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép

Trần Tuyên |

Ngày 28.4, tại huyện Con Cuông (Nghệ An), UBND huyện tổ chức sự kiện khởi động chuỗi chương trình "Huyện Con Cuông nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép".

Cận cảnh những động vật quý hiếm trong sách đỏ tại khu dự trữ ở Quảng Bình

Minh Tuấn |

Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong (Quảng Bình) có nhiều loại động vật quý hiếm trong sách đỏ đang cư ngụ.