Lợi ích kép từ những cánh rừng

Nhơn Bốn |

Nhiều năm qua, rừng bần chua ở thôn Bắc Phước, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong và rừng nguyên sinh ở trằm Trà Lộc, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã đem lại nhiều lợi ích, góp phần cải thiện môi trường, làm đa dạng hệ sinh thái, giảm thiểu biến đổi khí hậu, tạo ra cảnh quan du lịch sinh thái...

Ngăn sóng dữ, cải thiện môi sinh

Bắc Phước là một vùng đất nằm về phía Bắc của xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong được bao quanh bởi hai nhánh sông Hiếu, Thạch Hãn. Đây là vùng đất thường xuyên chịu tác động của xâm nhập mặn, sạt lở đê, sương muối...

Rừng bần chua Bắc Phước - Ảnh: N.B
Rừng bần chua Bắc Phước - Ảnh: N.B

Để giúp người dân ổn định sản xuất nông nghiệp, an tâm sinh sống, năm 2006, Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng tuyến đê biển dài 7,6 km bao quanh cù lao Bắc Phước. Năm 2010 các cơ quan chức năng đã cho trồng cây bần chua bao quanh cù lao Bắc Phước nhằm bảo vệ đê biển trước sự tàn phá của thiên nhiên. Sau 13 năm, rừng bần chua đã đơm hoa, kết trái và kết hợp cùng tuyến đê biển chống lại sự tác động của sóng biển, nước lũ, triều cường, tăng cường khả năng lắng động phù sa, ngăn mặn giữ ngọt, cải thiện môi trường sinh thái và giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Từ khi có rừng bần chua, hệ sinh thái trong các ao hồ nuôi trồng thủy sản ngày một đa dạng hơn. Hệ thống rễ của những cây bần chua là môi trường sống lý tưởng cho các loài tôm, cá, cua. Vì thế mà việc nuôi trồng thủy sản của người dân được thuận lợi, hiệu quả kinh tế mang lại cao.

Khi bình minh lên, khung cảnh ở cù lao Bắc Phước trở nên yên bình, trong lành và người dân, du khách có thể đạp xe, đi bộ thể dục ngắm rừng bần chua xanh mướt, chạy dài tít tắp bao quanh cù lao - Ảnh: N.B
Khi bình minh lên, khung cảnh ở cù lao Bắc Phước trở nên yên bình, trong lành và người dân, du khách có thể đạp xe, đi bộ thể dục ngắm rừng bần chua xanh mướt, chạy dài tít tắp bao quanh cù lao - Ảnh: N.B

Rừng bần chua vươn lên cao giữa những đầm nuôi thủy sản, lá và tán cây che chắn được gió từ biển thổi vào nên đàn cò trắng tìm về trú ngụ ngày một nhiều. Dần dần về sau, đàn cò làm tổ, sinh sản nhanh nên số lượng đã tăng lên hàng nghìn con. Thời gian gần đây, ở rừng bần chua ngập mặn này còn có rất nhiều loài chim khác cũng tìm về trú ngụ, sinh sống dài lâu như: vạc, cu gáy, diệc... tạo nên một quần thể sinh học đa dạng.

Rừng bần chua xanh mướt, chạy dài tít tắp bao quanh cù lao Bắc Phước làm cho không gian, cảnh quan nơi đây thêm trong lành, yên bình, lôi cuốn nhiều du khách đến đây để trải nghiệm, khám phá.

Tiềm năng du lịch Trằm Trà Lộc

Trằm Trà Lộc, thuộc thôn Trà Lộc, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng là một khu rừng tự nhiên nguyên sinh kết hợp thảm thực vật tuyệt đẹp, rộng khoảng 100 ha, trong đó có hồ nước rộng khoảng 20ha với nhiều loại cá sinh sống. Toàn bộ khung cảnh trằm Trà Lộc luôn có sức thu hút, lôi cuốn sự khám phá của du khách bởi hệ sinh thái phong phú, đa dạng.

Bao quanh hồ nước là những cụm rừng với bạt ngàn cây lớn nhỏ, đặc biệt là cây dây leo chằng chịt vắt ngang đầu người. Trằm Trà Lộc còn là nơi sinh sống của nhiều loại chim, thú, hệ thực vật đa dạng và du khách có thể hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận được từng nhịp thở, thanh âm của rừng nguyên sinh nơi đây.

Từ xa xưa, nơi vùng đất này đã hình thành nên lễ hội “Phá trằm” và dần trở thành lễ hội truyền thống của làng Trà Lộc. Lễ hội được tổ chức vào trung tuần tháng 8 âm lịch hằng năm nhằm xả nước trong hồ để bắt cá sau khi dân làng đã thu hoạch vụ lúa hè thu. Việc xả nước bắt cá có tác dụng làm sạch lòng hồ, thay thế nguồn nước mới, cải tạo cảnh quan. Tham gia lễ hội “Phá trằm” không chỉ có dân địa phương mà còn thu hút đông đảo người dân, du khách ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh đến chung vui.

Một góc Khu du lịch sinh thái Trà Lộc - Ảnh: N.B
Một góc Khu du lịch sinh thái Trà Lộc - Ảnh: N.B

Nét độc đáo của lễ hội “Phá trằm” là người tham gia chỉ được phép bắt cá bằng các ngư cụ với phương pháp thủ công, không được sử dụng điện hoặc các phương pháp đánh bắt tận diệt; chỉ bắt cá lớn, thả lại cá bé. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái và truyền thông điệp về sự đối đãi hài hòa với thiên nhiên.

Nhằm khai thác tiềm năng du lịch nơi đây, năm 2003, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư Khu du lịch sinh thái Trà Lộc. Từ đó đến nay, Khu du lịch sinh thái Trà Lộc không ngừng được đầu tư hoàn thiện về cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, sự ra đời của Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Trà Lộc đã đưa các hoạt động du lịch, lễ hội chuyên nghiệp và có sức lan tỏa rộng khắp.

Bây giờ tại Khu du lịch sinh thái Trà Lộc đã hình thành nên 7 cơ sở kinh doanh ẩm thực, một số nhà nghỉ, nhà lưu trú phục vụ khách du lịch. Những năm gần đây, lượng khách đến với Khu du lịch sinh thái Trà Lộc ngày một nhiều ước tính khoảng 64 nghìn lượt người/năm đến vui chơi, sử dụng các loại hình dịch vụ nơi đây.

Để khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của các khu du lịch, trong đó có Khu du lịch sinh thái Trà Lộc, huyện Hải Lăng đã xây dựng chương trình: “Phát triển du lịch huyện Hải Lăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, huyện Hải Lăng sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, chú trọng công tác quy hoạch, quảng bá du lịch, thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ ngành du lịch.

Đối với Khu du lịch sinh thái Trà Lộc, giai đoạn 2021-2025 và 2025-2030 sẽ được tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng, kết nối du lịch với các vùng, tuyến như: Thành Cổ-La Vang-Trà Lộc. Đồng thời được đẩy mạnh liên kết với các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh, thiết kế các tour thu hút khách đến tham quan, sử dụng dịch vụ nơi đây.

Khu du lịch sinh thái Trà Lộc đã và đang hoàn thiện dần từng ngày để đáp ứng nhu cầu, sự mong đợi của du khách. Rồi mai đây, những homestay, nhà hàng, khách sạn, các tour du lịch sinh thái, cắm trại, câu cá, khám phá rừng nguyên sinh sẽ được triển khai để thu hút và níu chân du khách gần xa...

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Phát hiện phá rừng ở xã Tà Long

Vân Phong |

Hôm nay 11/4, Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông (Quảng Trị) đang cùng các đơn vị liên quan rà soát, triển khai đồng bộ các giải pháp để làm rõ hành vi phá rừng xảy ra trên địa bàn xã Tà Long.

Nguy cơ vỡ tuyến đê Bắc Phước khi mùa mưa bão đến

Nhơn Bốn |

Do ảnh hưởng của những cơn bão, lũ trong nhiều năm qua nên hiện nay nhiều đoạn đê biển ở thôn Bắc Phước, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) bị sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt, đoạn đê qua địa bàn làng Hà La, thôn Bắc Phước bị sạt lở nhiều nhất với tổng chiều dài khoảng 150 mét.

Phóng sự ảnh: Lợi ích từ rừng bần chua ở Bắc Phước

Nhơn Bốn |

Cù lao Bắc Phước là một vùng đất nằm về phía Bắc của xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), được bao quanh bởi hai nhánh sông Hiếu, Thạch Hãn, có tổng diện tích khoảng 4 km2, với hơn 340 hộ dân, trên 1.400 nhân khẩu. Đây là vùng đất thường xuyên chịu sự tác động của thiên tai như: bão, lũ lụt, xâm nhập mặn, sạt lở đê, sương muối... Để giúp người dân ổn định sản xuất nông nghiệp, an tâm sinh sống, năm 2006, Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng tuyến đê biển dài 7,6 km và kết hợp trồng rừng bần chua vào năm 2010 bao quanh cù lao. Sau 13 năm, rừng bần chua đã phát huy tác dụng chắn sóng, chống triều cường, bảo vệ tuyến đê biển tránh bị xói lở, cải thiện môi trường, làm đa dạng hệ sinh thái và giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu. Rừng bần chua còn thu hút đàn cò trắng hàng nghìn con về trú ngụ, sinh sôi và tạo ra cảnh quan tuyệt đẹp với nhiều tiềm năng du lịch sinh thái ...

Đưa điện về phục vụ vùng nuôi tôm Bắc Phước

Vân Trang |

Đến bây giờ đã hơn 1 năm trôi qua kể từ khi các công trình điện lưới phục vụ vùng nuôi tôm Bắc Phước, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đi vào hoạt động, thế nhưng những hộ nuôi tôm nơi đây vẫn còn lưu giữ vẹn nguyên cảm xúc phấn khởi như ngày đầu khi mới có điện. Với họ, điện đã tạo ra một bước ngoặt góp phần thúc đẩy nghề nuôi tôm ở nơi đây phát triển bền vững, hiệu quả hơn...