Đến bây giờ đã hơn 1 năm trôi qua kể từ khi các công trình điện lưới phục vụ vùng nuôi tôm Bắc Phước, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đi vào hoạt động, thế nhưng những hộ nuôi tôm nơi đây vẫn còn lưu giữ vẹn nguyên cảm xúc phấn khởi như ngày đầu khi mới có điện. Với họ, điện đã tạo ra một bước ngoặt góp phần thúc đẩy nghề nuôi tôm ở nơi đây phát triển bền vững, hiệu quả hơn...
Thôn Bắc Phước nằm ở phía Bắc của xã Triệu Phước và được bao quanh bởi hai nhánh sông Hiếu, sông Thạch Hãn, có tổng diện tích khoảng 4 km2 , với 323 hộ dân, gần 1.500 nhân khẩu. Vùng đất này có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển nuôi trồng thủy sản với nhiều loại có giá trị kinh tế cao.
Hiện nay, toàn thôn Bắc Phước có trên 150 ha nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ, ngọt, trong đó diện tích nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng trong môi trường nước mặn, lợ chiếm hơn 2/3 tổng diện tích nuôi trồng thủy sản.
Nơi đây hình thành nên nhiều vùng nuôi tôm tập trung của các hợp tác xã (HTX): Dương Xuân, Hà La, Duy Phiên. Trước đây các hộ nuôi tôm ở Bắc Phước thường sử dụng động cơ máy nổ chạy bằng dầu diesel để bơm nước vào ao nuôi và kéo quay giàn đập nước (quạt nước) nhằm cung cấp ôxy cho tôm.
Việc sử dụng động cơ diesel vừa tốn nhiên liệu, gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn lớn, dễ hư hỏng và hiệu quả vận hành các thiết bị phục vụ nuôi tôm không cao. Chính vì thế chi phí đầu vào cho việc nuôi tôm bị đẩy lên quá cao nên người nuôi tôm có lãi không nhiều khi trúng vụ và thậm chí lỗ nặng khi tôm bị chết do dịch bệnh.
Người nuôi tôm ở Bắc Phước rất mong muốn kéo điện về vùng nuôi tôm để tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả nuôi trồng. Thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, đầu năm 2021, Điện lực Triệu Phong đã tiến hành sửa chữa đường dây hạ áp sau TBA Bắc Phước, khối lượng sửa chữa thay thế 41 vị trí cột đường dây hạ áp hiện trạng cột vuông tự đúc bằng cột BTLT 8,5 mét, thay thế 342 mét dây trước công tơ hoàn thiện lưới điện.
Cuối năm 2021, Điện lực Triệu Phong lại xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động nuôi trồng thủy sản cho HTX Duy Phiên với mức đầu tư 950 triệu đồng nhằm cung cấp điện ổn định, liên tục cho các hộ nuôi tôm và đã đưa vào sử dụng trong năm.
Ngày điện kéo về, các hộ nuôi tôm ở Bắc Phước đã mua sắm mô tơ điện để thay cho động cơ diesel và lắp bóng đèn chiếu sáng quanh ao nuôi, lắp hệ thống điện hoàn chỉnh trong lán trại để tiện cho sinh hoạt hằng ngày.
Có điện, hiệu quả sản xuất được tăng lên rõ rệt khi công suất máy quạt nước gấp nhiều lần động cơ diesel lại không ô nhiễm môi trường, gây tiếng ồn và đặc biệt là tiết kiệm một khoản lớn chi phí cho người nuôi tôm.
“Trước đây chưa có điện, bình quân mỗi vụ nuôi tôm từ 3 - 4 tháng, chúng tôi phải mất gần 15 triệu đồng tiền mua dầu diesel phục vụ việc bơm nước, quay quạt nước tạo ôxy trong hồ nuôi. Đã thế chi phí sửa chữa máy nổ diesel khá cao, phải gọi thợ nơi khác đến mất nhiều thời gian, làm gián đoạn việc cung cấp ôxy cho tôm khiến tôm có nguy cơ bị ngạt. Thêm vào đó, tiếng máy nổ từ nhiều hồ nuôi tôm cộng hưởng lại gây tiếng ồn rất lớn, nhất là vào ban đêm.
Từ khi có điện, tôi đã mua mô tơ để vận hành giàn quạt nước và tiết kiệm được khoảng 3 - 4 lần so với chi phí sử dụng máy nổ chạy bằng dầu diesel. Đã thế lại vận hành êm ái, ổn định và hiệu quả hơn nhiều. Năm nay, nhiều người nuôi tôm ở đây rất phấn khởi vì chi phí cho tiền điện thấp lại trúng vụ, nhiều người thu lãi từ 70 - 100 triệu đồng và cao nhất là hơn 300 triệu đồng”, anh Trương Văn Mượn, thôn Bắc Phước cho biết.
Trước đây chưa có điện, ban đêm các vùng nuôi tôm ở Bắc Phước chìm trong bóng tối, chỉ có vài ánh đèn pin đội đầu thi thoảng pha dọi quanh khu vực ao nuôi để kiểm tra tình hình an ninh, quá trình vận hành máy nổ diesel.
Thế nhưng từ khi có điện, ao hồ nuôi tôm ban đêm cũng sáng gần như ban ngày bởi được trang bị rất nhiều bóng chiếu sáng, vừa đảm bảo an ninh, vừa dễ xử lý các sự cố có thể xảy ra trong quá trình nuôi tôm.
Hơn thế, các chủ hồ nuôi không tốn nhiều công sức đi kiểm tra hồ nuôi thường xuyên như trước nên có thời gian ngồi chuyện trò, uống trà cùng nhau, chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm và thắt chặt tình đoàn kết.
“Từ khi có điện, mọi việc sinh hoạt, ăn uống tại trại nuôi tôm tiện lợi vô cùng. Không cần phải mang nước sôi từ nhà xuống để chế trà, cà phê, chế mỳ gói ăn khuya và không cần đến sạc điện thoại dự phòng nữa. Bây giờ có điện, các lán trại đều có thể nấu ăn bằng bếp từ, đun nước bằng ấm siêu tốc, có quạt để làm mát, lướt điện thoại thoải mái mà không sợ hết pin. Điện chiếu sáng như ban ngày nên đêm đến anh em từ các hồ nuôi tôm khác thường xuyên lui tới lán trại của nhau chuyện trò, cà phê cũng đỡ buồn chứ trước đây hầu chỉ có một mình trong lán trại”, chủ hồ nuôi tôm Trương Văn Lạc, ở thôn Bắc Phước chia sẻ.
Điện lực Triệu Phong được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành, kinh doanh bán điện trên địa bàn 10 xã, thị trấn thuộc huyện Triệu Phong và phường An Đôn thuộc thị xã Quảng Trị với tổng số khách hàng sử dụng điện 19.039 khách hàng. Ngành điện đã và đang phối hợp với chính quyền cơ sở thi công lưới điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân, đặc biệt là các vùng xa dân cư chuyên nuôi trồng thủy sản.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Công ty Điện lực Quảng Trị đã đầu tư và nghiệm thu đưa vào sử dụng một số hạng mục công trình trên địa bàn huyện Triệu Phong với tổng nguồn vốn đầu tư gần 3,3 tỉ đồng. Vì thế, Điện lực Triệu Phong luôn cung cấp điện đầy đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng trên toàn huyện, trong đó có các vùng nuôi tôm ở Bắc Phước.
Phó Giám đốc Điện lực Triệu Phong Nguyễn Hữu Thăng cho biết: “Thời gian qua, nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhiều hộ nuôi tôm ở thôn Bắc Phước, Điện lực Triệu Phong đã phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành điện thực hiện kéo điện về phục vụ vùng nuôi tôm.
Hiện nay, Điện lực Triệu Phong đã hoàn tất việc ký kết hợp đồng mua bán điện với nhiều chủ hồ nuôi tôm ở thôn Bắc Phước và trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định, liên tục để người nuôi tôm thuận lợi trong sản xuất. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người nuôi tôm và thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)