Với bờ biển dài 75 km, tỉnh Quảng Trị có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nước lợ theo mô hình tự nhiên, mô hình công nghiệp nói riêng.
Toàn tỉnh hiện có trên 3.500 ha nuôi thủy sản, trong đó nuôi tôm nước lợ gần 1.300 ha. Trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là dọc theo các xã vùng bãi ngang đã hình thành nên nhiều vùng nuôi tôm nước lợ với quy mô nhỏ, vừa và lớn. Toàn tỉnh có không ít vùng nuôi tôm được quy hoạch với quy mô lớn, có định hướng, chiến lược phát triển rõ ràng, đầu tư công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều ao, hồ nuôi tôm nhỏ lẻ với cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được các chỉ tiêu nuôi tôm thương phẩm, đặc biệt là nuôi tôm theo hướng VietGAP, nuôi tôm công nghệ cao. Đa số các vùng nuôi tôm nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh đều không có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn theo quy định.
Dọc theo tuyến đường ven biển từ huyện Hải Lăng ra đến huyện Vĩnh Linh có rất nhiều khu vực ao, hồ nuôi tôm nước lợ nhưng hầu như các khu vực ao, hồ nuôi tôm nơi đây không có hồ xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường. Theo tìm hiểu của phóng viên, trong quá trình nuôi, khi phát hiện tôm có dấu hiệu bị bệnh có khá nhiều hộ dân sẽ dựa vào kinh nghiệm để tự mua thuốc chữa trị và nếu tôm bị chết dần không thể cứu chữa được thì cũng “ém thông tin” không báo cho trạm chăn nuôi và thú y, chính quyền địa phương để được lấy mẫu xét nghiệm và hướng dẫn xử lý. Bên cạnh đó, một số hộ nuôi tôm gần bờ sông sẵn sàng tháo nước trong ao, hồ trực tiếp ra kênh mương, sông để xử lý ao nuôi cho vụ tiếp.
Nguồn nước thải từ các ao, hồ nuôi tôm, nhất là nuôi tôm công nghiệp có một lượng chất thải hữu cơ khá lớn. Lượng chất thải hữu cơ trong ao, hồ nuôi tôm có nguồn gốc từ các loại thức ăn dư thừa, phân tôm, các chất kháng sinh, thuốc trị bệnh, mầm bệnh từ tôm bị bệnh. Nước thải từ các ao, hồ nuôi tôm mang theo một lượng lớn các loại hợp chất Ni tơ, Phốt pho, các chất dinh dưỡng tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển. Bên cạnh đó, sự có mặt của các loại chất hữu cơ sẽ làm giảm hàm lượng ô xi hòa tan trong nước, đồng thời làm tăng BOD (nhu cầu ô xi sinh hóa) và COD (nhu cầu ô xi hóa học), khí độc trong lưu vực tự nhiên.
Hành động xả nước thải từ ao, hồ nuôi tôm, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp ra kênh mương, sông, hệ thống thoát nước mà không được xử lý sẽ làm môi trường tự nhiên bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nếu việc xả thải diễn ra liên tục sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển gây những rủi ro cho ngành công nghiệp nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh.
Nhiều lần, phóng viên chứng kiến cảnh người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh ngang nhiên xả đáy, tháo hệ thống cống ao, hồ để tháo nước trực tiếp ra kênh mương nhằm làm cạn mực nước hồ nuôi để tiến hành thu hoạch. Nơi dòng nước chảy ra, bọt trắng xóa nổi lên thành lớp dày, đôi khi có mùi khó chịu và nước sẫm màu. Một số hộ nuôi tôm cho biết, nhiều lúc tôm mới thả nuôi chưa đầy 1 tháng đã chết do bị bệnh, chữa trị không thành công cũng âm thầm xả đáy, tháo nước để xử lý ao nuôi cho vụ tiếp theo. Bởi không thải trực tiếp ra mương dẫn nước chung của khu vực nuôi tôm thì chẳng biết xả đi đâu. Và chẳng mấy ai thực hiện việc xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Nhiều năm qua, các vùng nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh thường xuyên gặp không ít khó khăn do dịch bệnh, đe dọa đến sự phát triển của ngành nuôi tôm, gây thiệt hại đến năng suất và có thể ảnh hưởng đến các vụ nuôi kế tiếp. Nhiều mầm mống gây bệnh cho tôm có thể xuất phát từ nguồn nước thải không đạt chất lượng, môi trường nước bị ô nhiễm như bệnh hoại tử gan tụy, đốm trắng, đầu vàng... Trong khi đó, bệnh hoại tử gan tụy trên tôm thẻ chân trắng gây tỉ lệ chết có thể lên đến từ 50% - 100% tôm có trong ao nuôi.
Bệnh đốm trắng là một mầm bệnh vô cùng nguy hiểm, có thể làm tôm chết 100% chỉ sau từ 3 - 10 ngày kể từ khi tôm bị nhiễm bệnh. Bệnh phân trắng trên tôm mặc dù ít nguy hiểm hơn so với các loại bệnh thường gặp khác nhưng nếu không có cách phòng, chống kịp thời thì vẫn có thể gây thiệt hại lớn về kinh tếcho người nuôi tôm. Bệnh đầu vàng trên tôm có thể gây chết 100% tôm trong ao nuôi từ 7 - 10 ngày kể từ khi tôm bị bệnh.
Việc đầu tư hồ xử lý nước thải rất tốn kém và yêu cầu có diện tích nên các hộ nuôi tôm nhỏ lẻ hầu như chẳng ai làm mà cứ theo thói quen là xả nước trực tiếp ra kênh mương chung trong khu vực nuôi, bất chấp mầm mống dịch bệnh có thể lây lan.
Việc xử lý nước thải nuôi tôm, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp là việc làm rất cần thiết và cấp bách hiện nay, bởi lẽ nó đã và đang đem lại những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Nhất là các hộ nuôi nhỏ lẻ không có hệ thống xử lý nước thải ao, hồ nuôi tôm công nghiệp chuyên biệt, khiến các chất thải hữu cơ, các loại thuốc bị xả thẳng ra nguồn nước tự nhiên gây nguy cơ ô nhiễm môi trường trầm trọng. Từ đó, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, phát tán dịch bệnh gây ảnh hưởng đến nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)