Lữ hành Việt đã vượt qua một năm đầy sóng gió với nhiều tổn thất. Để có thể tồn tại sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp đã phải nỗ lực phi thường với một niềm tin vào ngày mai tươi sáng sớm trở lại.
Đại dịch COVID-19 đã khiến năm 2020 trở thành năm đầy “bão tố” và cũng như một phép thử đầy bất ngờ dành cho các doanh nghiệp du lịch có kinh doanh lữ hành.
Trên chặng đua vượt bão ấy có đơn vị lữ hành vượt qua nhưng cũng nhiều đơn vị đành ngậm ngùi bỏ cuộc sau những nỗ lực bất thành với nhiều câu chuyện đáng tiếc. Thế nhưng sau tất cả, các chuyên gia cho rằng COVID-19 chính là bước ngoặt lịch sử của ngành du lịch thế giới, để rồi từ đây người trong nghề sẽ phải cùng nghiên cứu, tư duy lại để tạo nên cục diện mới.
Lữ hành nỗ lực bứt phá
Khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt trên cả nước, gần 500 đại diện ở cả ba miền của giới lữ hành Việt Nam đã có dịp tụ hội tại Diễn đàn Lữ hành toàn quốc với chủ đề “Lữ hành Việt Nam 2021 - Giải pháp khôi phục và phát triển,” diễn ra tuần qua tại Cát Bà (Hải Phòng).
Nhiều câu chuyện trong thời gian đại dịch đã được “500 anh em” cùng ôn lại đầy xúc động, để thêm trân quý những giây phút còn ngồi được với nhau đến giờ và tự động viên nhau “chúng ta đã nỗ lực phi thường.”
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Văn Hùng cho hay năm qua ngành du lịch chứng kiến hàng nghìn doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động. Tổng cục Du lịch một ngày ký 15 đơn xin dừng hoạt động của doanh nghiệp.
Trong năm 2020, có tới 338 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép kinh doanh, tăng 3 lần so với năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch năm 2020 là 312.200 tỷ đồng, giảm gần 60% so với cùng kỳ năm 2019. Hiện cả nước có 3.339 doanh nghiệp lữ hành, trong đó có 2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 820 doanh nghiệp lữ hành nội địa.
COVID-19 khiến mọi hoạt động của du lịch bị ngưng trệ, khách quốc tế không thể đến đồng nghĩa nếu doanh nghiệp nào yếu, không chuyển đổi kịp thì rất khó tồn tại. Nhưng Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng các doanh nghiệp không nên quá bi quan, cũng không quá chủ quan, phải nhìn lại mình trong sự khắc nghiệt của dịch bệnh và phải chấp nhận thực tế để tìm cơ hội trong giai đoạn mới.
Còn nhớ, có “ông lớn” chuyên mảng du lịch “outbound” (đưa khách Việt đi du lịch nước ngoài) thời cao điểm có cả nghìn nhân viên, người trong nghề tưởng vững trãi như bức tường thành, vậy mà khi dịch bệnh ập đến cũng “trở tay không kịp.” Họ chấp nhận buông tay. Thậm chí, văn phòng công ty tại Hà Nội buộc phải cho tất cả nhân viên nghỉ việc, chỉ có thể giữ lại ba lãnh đạo chủ chốt của văn phòng.
Thế nhưng cũng có những công ty nhanh nhạy, chuyển đổi sang mảng kinh doanh nội địa và cố gắng bảo toàn được nhân sự. Đó là bài học đắt giá mà TST Tourist đã trải qua. Ông Lại Minh Duy, Tổng Giám đốc công ty cho hay, ngay khi dịch bệnh xảy ra, công ty đã phải tinh gọn bộ máy, xác định du lịch nội địa và du khách trong nước là đối tượng chính trong năm 2020, từ đó xây dựng các sản phẩm độc đáo để hấp dẫn khách Việt và được khách ủng hộ nhiều.
TST xây dựng bộ sản phẩm du lịch đặc thù như city tour, đi tàu trên sông Sài Gòn, đi du thuyền, thăm địa đạo Củ Chi, đi thuyền trên kênh... tạo bất ngờ cho du khách đến từ các vùng, miền khác trên cả nước.
“Năm 2021, chúng tôi xác định sản phẩm du lịch trong nước vẫn là chính. Hoạt động của công ty trên quan điểm tạo điều kiện cho khách Việt được hưởng những dịch vụ chất lượng tốt nhất với giá hợp lý nên tới nay, chúng tôi đã có những hợp đồng cho năm 2021,” ông Lại Minh Duy cho biết.
Giám đốc Hanoitourist, ông Phùng Quang Thắng nhận định trong bối cảnh nhu cầu đi du lịch thấp, giá dịch vụ gần như xuống đáy; người dân có xu hướng du lịch từng phần thay vì trọn gói, thậm chí khách tự túc đi du lịch ngày càng đông, và trong bối cảnh chuyển đổi số, đòi hỏi lữ hành phải xây dựng các sản phẩm khác biệt mới thành công.
Thời của du lịch thông minh
Thời điểm này, các đơn vị lữ hành đều cho rằng hơn bao giờ hết bây giờ chính là lúc các doanh nghiệp cần phải “kết bè” để vượt “bão COVID.” Bởi họ đã thấm cảnh tơi tả qua mùa dịch bệnh 2020.
Đánh giá về liên minh kích cầu trong giai đoạn mới, liệu liên minh này có đủ mạnh để giúp vực dậy lữ hành và hoạt động du lịch cả nước, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch khẳng định liên minh là xu thế của không chỉ du lịch mà của tất cả các ngành kinh tế phát triển khác. Các liên minh sẽ tạo ra một chuỗi giá trị liên tục để đảm bảo hiệu quả cao nhất cho du lịch.
“Theo tôi, lữ hành chính là lực lượng khởi xướng ra các liên minh nhưng cũng cần xem xét, liên minh như thế nào cho hiệu quả nhất và tiết kiệm được nhân lực, vật lực; tránh trường hợp làm theo phong trào, gây lãng phí cả thời gian và tiền bạc như đã từng xảy ra… Và cần xem kết quả cuối cùng là gì? Đó là sản phẩm, là khách, là chất lượng dịch vụ…,” ông Bình nhấn mạnh.
Vậy khi kết nối các chuỗi dịch vụ thì làm như nào hiệu quả cao nhất? Chỉ có người làm lữ hành với hiểu được điều đó. Bởi chính họ là người chào bán sản phẩm, dịch vụ. Du khách bây giờ rất thông minh chứ không phải chỉ đi theo ý thích nữa. Họ sẽ chọn lựa dịch vụ nào tốt nhất, giá phù hợp nhất để đi.
Với xu hướng đó, ông Bình nhận định: “Du lịch cũng phải dịch chuyển dần sang du lịch thông minh. Thông minh không phải từ phương thức kinh doanh mà thông minh trong cả việc tổ chức, hình thành sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, làm sao để thu được lợi ích cao nhất cho cả sự hưởng thụ của khách du lịch lẫn cả quyền lợi của doanh nghiệp.”
Cần chuẩn bị sẵn sàng cho “ngày vui” trở lại
Lúc này, chưa thể có câu trả lời chính xác thời điểm nào đại dịch sẽ kết thúc và du lịch thế giới sẽ mở cửa trở lại. Nhưng việc cần làm vẫn là chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho ngày vui ấy với nhiều chính sách mới phù hợp.
Các chuyên gia du lịch cho rằng để chuẩn bị đón du khách quốc tế, cần xem xét chính sách quy định bắt buộc bảo hiểm du lịch y tế có các quyền lợi bảo hiểm COVID-19 với tất cả khách quốc tế (inbound) và người Việt đi du lịch nước ngoài (outbound) khi hoạt động du lịch bình thường trở lại.
Việc này nhằm đảm bảo quyền lợi, an toàn cho du khách, doanh nghiệp du lịch, chính quyền trong tình huống phải hủy, hoãn chuyến du lịch, kiểm tra/điều trị liên quan yếu tố phát sinh dịch bệnh COVID-19 đối với du khách.
Bởi thực tế tại một số quốc gia, các chương trình bảo hiểm y tế du lịch liên quan COVID-19 được triển khai đã giúp chi trả chi phí liên quan đến việc nhập viện, điều trị và chăm sóc y tế, kiểm tra và cung cấp dịch vụ y tế, sơ tán y tế và hồi hương…
Trước đó, đầu tháng 3/2020, một số công ty bảo hiểm đã giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến COVID-19, nhưng sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu dừng thực hiện theo chỉ thị số 16/CT-TTg ban hành ngày 31/3.
Dù thực tế hiện nay, các thị trường du lịch quốc tế trọng điểm của Việt Nam đều nằm trong số các vùng dịch của thế giới, nhưng nhiều ý kiến nhận định cần sẵn sàng để bất cứ lúc nào cũng có thể khởi động đón khách ngay khi điều kiện cho phép.
Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), ông Võ Anh Tài cho rằng ngoài việc dự báo thị trường, xúc tiến quảng bá, phục hồi ngay chính sách miễn phí thị thực nhập cảnh đơn phương cho 22 quốc gia trước đây (đã bị tạm dừng từ tháng 3/2020), cần xây dựng cơ chế phối hợp liên quốc gia trong khu vực và quốc tế trong lĩnh vực du lịch, ngoại giao, giao thông quốc tế để kịp thời có chính sách linh hoạt, kích hoạt nhanh chóng, hỗ trợ phục hồi du lịch trong môi trường và “điều kiện bình thường mới.”
“Pháp đã cho phép thay thế tiền hoàn lại bằng hình thức voucher hay tương tự, có giá trị tương đương cho một dịch vụ trong tương lai. Khách hàng có thể yêu cầu hoàn tiền sau 18 tháng đối với các voucher chưa sử dụng. Điều này giúp giảm áp lực tranh chấp tài chính, duy trì nhu cầu du lịch giữa khách hàng và doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch,” ông Tài đề xuất.
(Nguồn: Vietnam+)