Mở rộng diện tích trồng dâu tây để thu hút khách du lịch ở Hướng Hóa

Minh Long |

Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đầu tư xây dựng mô hình nông nghiệp sạch kết hợp phát triển du lịch với nhiều loại cây trồng đặc trưng. 

Trong đó, cây dâu tây được các nhà vườn ưu tiên lựa chọn đưa vào trồng thí điểm và bước đầu đem lại kết quả khả quan, thu hút nhiều du khách đến tham quan trải nghiệm, khám phá và lưu lại những hình ảnh đẹp.

Sau thời gian khá dài tìm tòi nghiên cứu và học hỏi nhiều nơi, anh Nguyễn Văn Khoa ở thôn Tân Hòa, xã Tân Liên quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích hơn 2.500 m2 trồng cà phê

già cỗi, năng suất thấp sang trồng dâu tây. Anh đầu tư trên 150 triệu đồng để làm đất, mua cây giống, xây dựng hệ thống nước tưới và các hạng mục liên quan khác. Tất cả các khâu từ làm đất cho đến ươm giống, gieo trồng và chăm sóc đều tự tay anh thực hiện.

Sau gần 1 năm, vườn dâu tây của anh phát triển tốt, chính thức mở cửa vào dịp Tết dương lịch vừa qua, thu hút đông đảo du khách đến tham quan trải nghiệm và mua sản phẩm ngay tại vườn. Ngoài ra, anh còn đầu tư thêm hoa, cây cảnh và các mô hình phụ trợ để phục vụ khách chụp hình lưu niệm.

Anh Khoa cho biết: “Để làm được vườn dâu này, thời gian đầu tôi rất lo lắng vì chưa có kinh nghiệm thực tiễn mà chỉ học tập qua các tài liệu, mô hình trên internet. Rất may mắn, nhờ chịu khó nghiên cứu, vừa học vừa làm cộng với thời tiết, thổ nhưỡng phù hợp nên dâu tây phát triển tốt. Quả dâu to, chín đỏ đều rất bắt mắt, vị ngọt, nên khách rất thích. Từ kết quả này, tôi sẽ nghiên cứu mở rộng thêm diện tích để phục vụ khách du lịch và phát triển kinh tế gia đình”.

Mô hình vườn dâu tây của anh Khoa (xã Tân Liên) góp phần làm phong phú các mô hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm ở huyện Hướng Hóa -Ảnh: M.L
Mô hình vườn dâu tây của anh Khoa (xã Tân Liên) góp phần làm phong phú các mô hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm ở huyện Hướng Hóa -Ảnh: M.L

Ở Hướng Hóa, dâu tây là loại cây trồng rất mới, khó ươm trồng và chăm sóc, độ rủi ro cao do phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu cũng như kinh nghiệm của chủ vườn. Hơn nữa, trồng dâu tây theo hướng hữu cơ 100%, đòi hỏi đầu tư cao về kinh phí cũng như công chăm sóc nên trước đó chưa có chủ vườn nào ở địa phương trồng nhiều.

Xác định chính yếu tố mới, lạ của loại cây trồng này sẽ thu hút du khách nhất là trong thời điểm này, dịch vụ du lịch nông nghiệp đang nở rộ tại địa phương, các chủ vườn đã nghiên cứu, học hỏi kiến thức khoa học kỹ thuật qua internet và các mô hình trồng dâu tây ở thành phố Đà Lạt, đồng thời liên kết, trao đổi kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm cũng như cây giống.

Để có được vườn dâu tây chuẩn chất lượng, các nhà vườn phải rất kỳ công từ khâu làm đất cho đến ươm trồng và chăm sóc. Đất phải được cày xới kỹ cho tơi xốp, xử lý bằng vôi và phơi nắng đúng quy trình. Các nhà vườn mua mô giống từ thành phố Đà Lạt về tự ươm và nhân giống rất cẩn thận.

Phân bón, chất dinh dưỡng, chất bảo vệ thực vật được chế biến rất bài bản và kỹ càng từ các loại sản phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương, như: dùng nước vôi trong hoặc giã nhuyễn quả ớt, củ gừng, tỏi đem ủ ép lấy nước tưới để điều trị bệnh trên thân cây; kích rễ bằng dung dịch ép từ cây nha đam, bã đậu nành ủ; làm ngọt quả bằng dung dịch ủ từ quả chuối mật móc tưới cho cây... Ngoài ra, hệ thống nước tưới nhỏ giọt được rải đều khắp vườn, phủ bạt đủ tiêu chuẩn... Quá trình chăm sóc phải theo dõi kiểm tra thường xuyên để đảm bảo độ ẩm, ánh sáng...

Nhờ phù hợp với thời tiết, khí hậu lại được các nhà vườn kỳ công chăm sóc nên tất cả các vườn dâu tây trên địa bàn huyện bước đầu phát triển rất thuận lợi, tỉ lệ cây sống đạt cao, không bị sâu bệnh, sai quả, kích cỡ quả to, đồng đều, mọng và vị ngọt thanh. Kỹ thuật chăm sóc dâu tây được thực hiện hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ, tuyệt đối không dùng phân hoá học hay thuốc bảo vệ thực vật.

Vì vậy, rất được khách ưa chuộng, thích thú khi tham quan trải nghiệm và thu hái sản phẩm sạch tại vườn. Giá bán dâu tây tại vườn bình quân 250 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, các nhà vườn còn phục vụ khách tham quan chụp hình với giá vé 30 - 35 nghìn đồng/người.

Từ 1 - 2 mô hình trồng thí điểm với diện tích nhỏ, đến nay, toàn huyện Hướng Hoá đã nhân rộng được 5 mô hình trồng dâu tây với tổng diện tích khoảng hơn 12.000 m2 , tập trung tại các xã có nền nhiệt độ trung bình khá thấp như Tân Liên, Tân Hợp, thị trấn Khe Sanh.

Một số mô hình đã thu hút khách đến trải nghiệm, tự tay thu hoạch quả và mua về ăn, làm quà cho người thân, bạn bè. Chị Đinh Thị Thu Thảo, chủ Farm Miền Viên Thảo ở Khóm 1, thị trấn Khe Sanh là một trong những người tiên phong làm du lịch nông nghiệp ở Hướng Hoá. Sau nhiều trăn trở để đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp, từng bước tạo sức thu hút riêng cho farm của mình, chị đã quyết định ươm trồng thí điểm 3 nghìn cây dâu tây. Tự tay ươm trồng và chăm sóc, đến nay vườn dâu tây của chị phát triển rất tốt, hứa hẹn thu hút sự quan tâm của khách tham quan.

Chị Thảo phấn khởi cho biết: “Từ trước tới nay gia đình tôi đã trồng rất nhiều loại nông sản và hoa để phục vụ khách du lịch. Năm nay, tôi quyết định đưa dâu tây vào trồng thử nghiệm. Qua quá trình trồng và chăm sóc thì kết quả bước đầu rất khả quan, dâu tây đã đơm hoa kết trái, bắt đầu chín bói. Tôi tin tưởng và hy vọng tết Nguyên đán năm nay du khách sẽ thích thú khi đến trải nghiệm nông sản sạch tại farm”.

Với sự kết hợp một số loại cây trồng đặc trưng khác của địa phương, dâu tây đang trở thành một loại cây trồng mới và đặc biệt là đã góp phần đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, kết hợp với việc trải nghiệm, tham quan du lịch gắn với việc tiêu thụ sản phẩm. Mô hình còn góp phần nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho người dân, mở ra một hướng đi mới đầy hứa hẹn đối với du lịch nông nghiệp của huyện Hướng Hoá.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Xây dựng, phát triển Quảng Trị trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn

Phương Minh |

Trong Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, về phát triển du lịch được xác định: “Xây dựng và phát triển Quảng Trị trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, đồng thời là hạt nhân quan trọng trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây”. 

Đón 2.700 khách du lịch đầu tiên đến Huế bằng đường hàng hải năm 2024

Tường Vi |

Ngày 7/1, Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế phối hợp với Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây và Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Lữ hành Saigontourist tổ chức chương trình đón chuyến tàu du lịch và những du khách đầu tiên đến Thừa Thiên - Huế bằng đường hàng hải năm 2024.

Ẩm thực Gio An tạo động lực phát triển du lịch

Tú Linh |

Khách du lịch đến xã Gio An, huyện Gio Linh (Quảng Trị), ngày càng đông và được thưởng thức nhiều món ngon nổi tiếng do người dân chế biến từ các nguyên liệu có sẵn tại địa phương như gà đồi, thịt thỏ, thịt dê, bánh bột lọc trộn rau xà lách... Huyện Gio Linh định hướng Gio An trở thành trung tâm du lịch - dịch vụ ở miền Tây Gio Linh để góp phần phát triển KTXH của địa phương.

Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn bậc nhất châu Á mùa du lịch 2024

PV |

Du khách quốc tế sẽ thỏa sức khám phá những địa điểm du lịch tuyệt vời dọc theo đất nước với những cảnh quan ngoạn mục.