Có dịp đi các thành phố lớn vào mùa thu, thế nào tôi cũng tìm đến mấy địa chỉ bán đồ chơi trẻ con để hưởng một chút không khí rộn rã của tết Trung thu, giống như tìm về tuổi thơ.
Mấy năm trước đi TP. Hồ Chí Minh thì đến đường Lương Nhữ Học ở Quận 5, nơi được mệnh danh là phố lồng đèn, cả một con phố rực rỡ ánh sáng ấm áp. Năm nay đi Hà Nội thì đến phố Hàng Mã, đúng dịp sắp sửa Trung thu nên nơi đây đông nghịt trẻ già, trai gái chen chúc nhau, người lớn phải công kênh trẻ con lên vai lên cổ.
Chen giữa phố lộng lẫy, tôi nhìn ngắm những đứa trẻ háo hức chọn đồ chơi Trung thu. Các gian hàng bán đồ chơi nhựa, trò chơi điện tử có vẻ hấp dẫn chúng hơn cả. Đấy là những thứ đồ vừa lấp lánh ánh sáng, vừa phát ra tiếng nhạc, hoặc có thể điều khiển từ xa.
Cạnh đó, mấy quầy hàng bán đồ chơi dân gian truyền thống như đèn ông sao, mặt nạ, trống con, trống bỏi... xem ra ít khách hơn. Cả buổi tối quan sát tôi chỉ thấy hai cháu nhỏ được hai người cha bồng trên tay và mua cho chiếc đèn ông sao, mà là loại đèn nhỏ xíu.
Đèn ông sao bé tí ấy chỉ là thứ tượng trưng, có lẽ cha mẹ mua cho con cũng để... tượng trưng ngày tết Trung thu, hoặc để chụp ảnh kỷ niệm. Dù thế nào, thì hình ảnh đó vẫn khiến tôi thật sự xúc động. Những người cha ấy cũng cỡ tuổi tôi, họ hẳn cũng có một ký ức đẹp về tết Trung thu hồn hậu, thuở chỉ có những đồ chơi dân gian truyền thống.
Ngược trở về những năm chín mươi của thế kỷ trước, tôi nhớ cứ vào độ đầu tháng Tám âm lịch là các chú thanh niên trong làng đã chuẩn bị việc múa lân. Các chú tự làm đầu lân bằng cách lấy cái trác tre (vật dụng dùng để nhốt gà, hoặc đựng rơm) rồi dán giấy, vẽ màu lên. Cái đầu lân ấy bây giờ nghĩ lại thì thấy không đẹp, nhưng hồi đó trông nó ngộ nghĩnh, vui vui. Đuôi lân thì dùng một tấm vải rèm màn màu đỏ mượn của nhà ai đó gắn vào. Thế là có con lân đi nhảy khắp làng, mua vui cho tất cả trẻ con, bạn bè trang lứa chúng tôi.
Các chú cũng chẻ tre vót nan hướng dẫn chúng tôi cách làm đèn ông sao, hóa ra nó rất dễ. Một hũ mực học trò dùng xong được tận dụng rót dầu hỏa vào, nắp ken đục lỗ rồi xâu dây tim qua, đặt cây đèn ấy vào thắp sáng đèn ông sao. Các đốt lóng tre được cưa ra để làm ống đựng dầu hỏa, nhét thêm nùi vải ở đầu, thế là thành cây đuốc.
Trẻ con rồng rắn đi theo đoàn lân, đứa nào cũng có đèn ông sao hoặc được cầm đuốc. Đoàn lân nhất quyết phải có đuốc lửa, vì quan niệm người quê là rước lân vào nhà để xua đuổi những điều không may mắn.
Cứ vào một nhà, chú thanh niên ngụm một ít dầu hỏa trong miệng rồi phun vào cây đuốc, ngọn lửa phực lên, bừng sáng cả khoảnh sân để xua tan những điều xui rủi. Trẻ con lại ồ lên thích thú giống như vừa xem một màn ảo thuật thiện nghệ.
Những cây đuốc lửa ngọn có vẻ nguy hiểm nhưng rồi chúng tôi đều trải qua tuổi thơ một cách an toàn. Đi theo đoàn lân, hít ngửi mùi khói dầu nên mặt đứa nào đứa nấy lấm lem nhọ đen. Nhưng biết đâu chính việc “chơi với lửa” ấy cũng là một cách rèn kỹ năng cho trẻ con để chống chọi trong những trường hợp bất lợi, hỏa hoạn.
Chợ làng tôi hồi ấy không bán đồ chơi Trung thu. Thi thoảng có đứa nào được cha mẹ cho đi chợ thị xã Quảng Trị (người làng tôi gọi là chợ tỉnh), hay chợ Đông Hà thì mua một cái trống con cầm tay, hoặc trống bỏi vừa xoay vừa phát ra tiếng gõ.
Đêm thu trên đường làng, tiếng trống lân tùng tùng, tiếng trống bỏi tanh tách, cùng với ánh sáng đèn ông sao, đuốc lửa tạo nên một không khí Trung thu giản dị mà thương nhớ vô cùng.
Bây giờ Trung thu đồ chơi trẻ con phong phú hơn, đèn nhựa nhiều màu sắc lắp pin điện tử nhấp nháy, những con búp bê công chúa vừa hát, vừa xoay, những con thú nhún nhảy y như thật. Thậm chí có đứa trẻ không còn mặn mà đồ chơi mà chỉ thích... mở điện thoại smartphone để coi Trung thu trên mạng.
Mấy món đồ chơi dân gian truyền thống bị chìm khuất ngay giữa con phố bán đồ chơi Trung thu. Có lần ai đó cầm lên một chiếc đèn ông sao làm từ tre và giấy, bỗng thấy rưng rưng cả một tuổi thơ.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)