Sự chủ động, linh hoạt để phục hồi các hoạt động du lịch trên mọi phương diện, từ thị trường nội địa đến quốc tế sẽ tạo đà cho năm 2023.
Đó là đánh giá của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu trong cuộc trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về một năm nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành du lịch Việt Nam đã nỗ lực vượt khó, phục hồi mạnh mẽ, tạo đà cho năm 2023 với sự phát triển bền vững.
Việt Nam "mở cửa" sớm, "mở cửa" thuận lợi
Những ngày tháng sôi động của du lịch Việt Nam đã quay trở lại, theo ông ngành du lịch đã nỗ lực như thế nào trong 1 năm vừa qua?
Ông Hà Văn Siêu: Năm 2022 đánh dấu sự trở lại của ngành du lịch sau đại dịch COVID-19 với quyết định thời điểm "mở cửa" du lịch vô cùng đúng đắn và sớm so với các nước trong khu vực. Mặc dù Việt Nam nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi có mức độ phục hồi chậm so với thế giới nhưng Việt Nam đã "mở cửa" sớm, "mở cửa" thuận lợi.
Về du lịch nội địa, chúng ta phục hồi rất tốt khi thị trường lớn với gần 100 triệu dân, số lượng khách du lịch đã phục hồi như trước năm 2019. Tuy nhiên chất lượng phục hồi các hoạt động dịch vụ chưa đầy đủ, một số dịch vụ gắn với yếu tố nước ngoài chưa phục hồi hoàn toàn. Do đó, diện mạo của ngành du lịch chưa hoàn chỉnh, chưa toàn diện.
Với du lịch quốc tế, chúng ta đặt mục tiêu 5 triệu khách trong năm 2022 nhưng đến tháng 11/2022 đạt gần 3 triệu. Về số lượng đang trên con đường phục hồi nhưng về tính chất rõ ràng chúng ta không chủ động được, phải phụ thuộc vào thị trường bên ngoài, đặc biệt là thị trường Trung Quốc vẫn còn hạn chế đi lại với chính sách zero COVID, đây cũng là thị trường chính của Việt Nam. Tương tự đối với thị trường Nhật Bản, tháng 10/2022, du lịch Nhật Bản mới "mở cửa", dỡ bỏ hạn chế. Hàn Quốc "mở cửa" sớm hơn 2 nước còn lại nên lượng khách Hàn Quốc đến Việt Nam vẫn đang chiếm ưu thế.
Năm 2022, ngành du lịch đã chủ động, linh hoạt để phục hồi các hoạt động du lịch ở mọi phương diện, từ thị trường nội địa đến quốc tế. Cho đến nay, trung bình công suất sử dụng phòng khách sạn 11 tháng đạt 35%, điều này phản ánh những nỗ lực của ngành đã được đền đáp bằng sự quay trở lại của khách du lịch. Các công ty lữ hành, các hãng vận chuyển, các cơ sở dịch vụ đã thu hút lao động trở lại, đồng thời có những chương trình, kế hoạch kích cầu, thu hút khách du lịch và đạt được một số kết quả nhất định.
Về thành công của khối doanh nghiệp, số lượng khách quốc tế tuy chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng các doanh nghiệp đã linh hoạt tìm kiếm các cơ hội, hoạt động dịch vụ mới gia tăng giá trị để tăng doanh thu.
Đối với khối quản lý, đã cân đối, hài hòa, chuyển hướng các thị trường, đặc biệt là thị trường nội địa và các thị trường mới như Ấn Độ, Trung Đông, các thị trường như Mỹ, Australia (là những thị trường có số khách phục hồi nhanh). Ở góc độ thị trường quốc tế, khách Ấn Độ tăng trưởng rất khả quan.
Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như tạo thuận lợi đi lại, dỡ bỏ hạn chế, khôi phục chính sách thị thực giống như trước dịch; các chính sách về thuế, phí hỗ trợ người lao động... phần nào hỗ trợ cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.
Hoạt động kết nối các doanh nghiệp với địa phương, giữa địa phương với nhau trong việc tìm kiếm thị trường cũng như đưa ra những hành động chung, khuyến nghị hướng các doanh nghiệp, các địa phương vào tầm nhìn chung để cùng hành động được đẩy mạnh.
Ngành du lịch đã có những gợi ý, tư vấn, giải pháp giúp doanh nghiệp, địa phương phục hồi hiệu quả, an toàn, bền vững, để doanh nghiệp khai thác đúng hoạt động dịch vụ phù hợp với thị trường một cách chắc chắn. Nhiều hoạt động được tổ chức trong năm 2022 như Năm Du lịch quốc gia, Hội chợ du lịch quốc tế VITM tại Hà Nội (tháng 3/2022), Hội chợ du lịch quốc tế ITE tại TPHCM (tháng 9/2022), Hội chợ du lịch quốc tế tại Đà Nẵng (tháng 12/2022)....
Các địa phương trong cụm điểm đến đã liên kết, ký kết các chương trình hành động và thực hiện việc quảng bá, giới thiệu cũng như khai thác tốt thị trường nội địa với nhiều chương trình được phát động như "Du lịch an toàn, trải nghiệm trọn vẹn" (hướng cho doanh nghiệp du lịch, điểm đến có sản phẩm an toàn, khách được trải nghiệm chuyến đi trọn vẹn). Đối với thị trường quốc tế, với slogan "Live fully in Vietnam" hướng đến Việt Nam được trải nghiệm trọn vẹn, đầy đủ. Chính những phát động và khẩu hiệu như vậy là tuyên ngôn để các ngành, các lĩnh vực cùng thực hiện.
Thành công của ngành du lịch trong năm vừa qua nhờ sự quan tâm của Đảng, Chính phủ. Sự kiện Thủ tướng Chính phủ dự khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022 là sự động viên, quan tâm đối với ngành du lịch, qua đó thu hút sự hưởng ứng của các các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, coi du lịch là giải pháp, bước đi, con đường để giúp phục hồi lại nền kinh tế. Vì du lịch lan tỏa các ngành khác, nếu du lịch phục hồi được thì các ngành khác sẽ tăng xúc tác phục hồi cũng như tinh thần xã hội lạc quan, yên tâm hơn.
Một yếu tố nữa tạo nên thành công cho ngành du lịch năm 2022 là chúng ta đã chuyển đổi, tái cấu trúc, tư duy lại, ứng dụng khoa học công nghệ, định hình lại tầm nhìn trong bối cảnh mới đang thay đổi.
Đây là sự thay đổi chung của toàn xã hội, tạo thế mới khi coi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp từ đó tái cấu trúc lại sau đại dịch. Xác định bối cảnh như vậy để làm du lịch theo cách làm mới đã tạo nên những kết quả khả quan, mặc dù hoạt động du lịch mới phục hồi từng bước nhưng sức sống của ngành du lịch đã lấy lại được, bước vào chu kỳ phát triển mới.
Đổi mới khung pháp lý để hoạt động du lịch hiệu quả hơn
Như ông vừa đề cập, sau khi kiểm soát được dịch COVID-19 cần phải thay đổi tư duy trong phát triển du lịch?
Ông Hà Văn Siêu: Trước khi có đại dịch COVID-19, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch phải là ngành kinh tế mũi nhọn đã xác định phải tái cấu trúc ngành du lịch. Dịch COVID-19 bắt buộc chúng ta phải thực hiện tái cấu trúc triệt để hơn, tăng tính bền vững và tính toàn diện cho phát triển du lịch. Người làm du lịch phải thích ứng với xu hướng mới của nhu cầu du lịch.
Nhu cầu du lịch đã thay đổi từ nhận thức đến cách thức, hành vi du lịch. Khách du lịch tìm đến những giá trị thiết thực cho chính họ về sức khỏe, thể chất, tinh thần và giá trị cuộc sống. Sau dịch COVID-19, khách du lịch loại bỏ những gì không cần thiết, thay vào đó là những giá trị hữu dụng, thiết thực và những điểm đến nào có những đặc điểm, nội dung như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của họ.
Xuất phát từ điều đó mà các nhà cung cấp dịch vụ, điểm đến phải ứng dụng công nghệ nhiều hơn, dùng công nghệ để nghiên cứu nhu cầu của khách hàng, tạo ra các sản phẩm du lịch đáp ứng được yêu cầu của du khách, như sản phẩm du lịch phải sạch, an toàn, chi tiết dịch vụ phải hữu dụng cho cuộc sống con người, làm tăng trải nghiệm cho khách...
Mỗi nhóm khách có những nhu cầu rất khác nhau, họ không đi theo số đông nhưng nhu cầu du lịch vẫn hiện hữu, vì vậy, sau khi mở cửa du lịch trở lại phải biết đáp ứng nhu cầu theo từng dạng phân khúc khác, không thể áp dụng một cách đại trà như trước.
Tư duy mới này bắt đầu từ thực tế, yêu cầu của thị trường du lịch, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách cũng phải nới lỏng khung chính sách, cần đi trước một bước để các doanh nghiệp tự do sáng tạo hơn nữa, tìm ra lối đi thích hợp, linh hoạt, tạo ra sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Đổi mới khung pháp lý để môi trường hoạt động du lịch được thuận lợi và đạt hiệu quả cao, đó là tư duy mới đang "ngấm" vào những người làm du lịch và chuyển biến đến những người làm chính sách, từ đó tạo không gian "dễ thở" giúp người làm du lịch thỏa sức sáng tạo.
Câu chuyện cạnh tranh giữa các điểm đến, các quốc gia sau dịch COVID-19 sẽ tạo ra những cơ hội và không ít thách thức. Sẽ có những điểm đến trước đây ít khách bây giờ lại có cơ hội vượt lên, những điểm đến đông khách lại thiệt hại rất lớn. Từ thiệt hại như vậy đòi hỏi phải cấu trúc lại, cạnh tranh cao hơn để chiếm lại thị phần. Câu chuyện này cũng rất khó nếu như không bắt nhịp được xu thế công nghệ của thời đại. Các doanh nghiệp bắt buộc phải tham gia vào chuyển đổi số theo xu thế chung của ngành và của toàn xã hội.
Cần phải là một "mâm cỗ hoàn hảo"
Thị trường du lịch nội địa đã phục hồi, thậm chí có những điểm quá tải và từ đó bộc lộ những điểm yếu, theo ông giải pháp để khắc phục điểm yếu này?
Ông Hà Văn Siêu: Thị trường du lịch nội địa phục hồi rất nhanh, có sức bật mạnh mẽ vào cuối tuần, mỗi kỳ nghì lễ, mùa du lịch. Xu hướng du lịch sau COVID-19 là những chuyến đi ngắn ngày, nhiều chuyến đi riêng lẻ, đi theo nhóm nhỏ, tự lên chương trình, tự đi rất nhiều.
Lượng khách, lượt khách du lịch nội địa rất đông nhưng nếu các nhà cung cấp dịch vụ không gợi mở được sản phẩm mới, an toàn, đúng ý thì khách du lịch sẽ sử dụng ít dịch vụ và đi ngắn ngày. Điều này đòi hỏi phải có những sản phẩm du lịch phù hợp để khách du lịch được trải nghiệm lâu hơn, đi được sâu hơn, sử dụng được nhiều dịch vụ chất lượng, đa dạng hơn.
Câu chuyện của ngành du lịch là phải khắc phục được sản phẩm du lịch theo đúng bối cảnh và nhu cầu thay đổi. Du lịch nội địa phải giải bài toàn thiếu và yếu về nhân lực đang làm ảnh hưởng đến chất lượng du lịch, làm cho các điểm đến bị ảnh hưởng về hình ảnh, tạo ấn tượng không tích cực.
Tầm nhìn lâu dài là phải khắc phục tính mùa vụ, khơi dậy những ý tưởng sáng tạo để tăng dịch vụ bổ sung, đặc biệt là sản phẩm mới, khai thác du lịch đêm; tận dụng ý tưởng sáng tạo, kết nối, chia sẻ, tạo ra các chuỗi dịch vụ có thể bổ sung cho nhau, như sự kết nối ngoài mặt không gian thì phải là mặt dịch vụ, sản phẩm; tạo nên chuỗi trải nghiệm liên hoàn thì mới kéo dài kỳ nghỉ của khách được. Điều này chính là thách thức đối với ngành du lịch không chỉ bởi những người làm du lịch riêng lẻ mà cần có sự xúc tác của cơ quan địa phương, của điểm đến. Đó phải là một "mâm cỗ hoàn hảo".
Năm 2022, chúng ta chứng kiến rất nhiều hội thảo, nhiều "bắt tay" trong phát triển du lịch giữa các địa phương, tuy nhiên sự liên kết này đã phát huy được hiệu quả hay chưa hay vẫn là sự phát triển manh mún, mạnh tỉnh nào tỉnh đó làm, thưa ông?
Ông Hà Văn Siêu: Thời gian qua, hoạt động liên kết đã được các địa phương hưởng ứng, thông qua các sự kiện lớn như hội chợ, diễn đàn, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp cùng ký kết cam kết "bắt tay" trong phát triển du lịch, nhiều địa phương đã nhìn thấy thế mạnh của nhau và liên kết tốt như Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, các tỉnh Tây Bắc hay TPHCM ký kết với các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc, đồng bằng sông Cửu Long.
Để chắp nối thành những chuyến hành trình dài hơn, chất lượng hơn, mới mẻ hơn, nâng cao hiệu quả liên kết, cần phải "bắt tay" chặt chẽ, tỉ mỉ hơn nữa, đầu tư cho các chương trình du lịch bài bản, quảng bá đến nơi đến chốn.
Các địa phương phải bắt tay vào từng chi tiết, thiết kế, tạo thành chuyến hành trình cụ thể, hấp dẫn. Ví dụ Phú Yên, Bình Định thiết kế tour liên kết như thế nào…đó mới cốt lõi, là kết quả, đầu ra cho liên kết. Từ việc tạo chủ trương, tổ chức các chương trình ký kết liên kết sẽ tạo nên điểm tựa, tạo đà cho các hoạt động liên kết thực chất, đi vào chiều sâu hơn.
Bên cạnh việc đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương, ngành du lịch cũng đẩy mạnh liên kết, kết nghĩa các địa phương trong nước và các thành phố trên thế giới thông qua các cuộc thăm, làm việc, các hội chợ du lịch.
Đó là sự kết nối về chủ trương, chính sách, về mặt chính quyền nhưng các doanh nghiệp liên khu vực cũng phải vào cuộc, họ có đối tác bản địa, sau đại dịch các hợp đồng phải được làm mới. Liên kết ở góc độ chính quyền mới chỉ là mở đường, hiệu quả đạt được còn ở doanh nghiệp, phải ứng dụng khoa học công nghệ trong liên kết.
Năm 2023 sẽ là năm có lãi của ngành du lịch
Năm 2023 sẽ mở ra cho ngành du lịch những cơ hội và thách thức gì, thưa ông?
Ông Hà Văn Siêu: Dự kiến năm 2022 sẽ đón 3,8 triệu khách quốc tế và 100 triệu khách nội địa. Kết thúc năm 2022 là một năm rất thành công về phục hồi du lịch với sự quan tâm, hỗ trợ thích đáng của Chính phủ, chính quyền các địa phương; sự hưởng ứng, chủ động của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Có thể thấy du lịch năm 2022 đã tạo đà chủ động để bước sang năm 2023.
Năm 2023 sẽ được tiếp nối với tinh thần lạc quan và phát huy tiếp đà phục hồi của ngành du lịch trong năm qua, năm kỳ vọng những điểm đến, các sản phẩm, công trình du lịch đi vào hoạt động sôi nổi, đầy đủ và có nhiều giá trị mới như du khách mong đợi.
Trong suốt 2 năm đại dịch, các doanh nghiệp du lịch luôn đau đáu chuẩn bị cho chu kỳ tăng trưởng mới. Rất nhiều nhà đầu tư làm mới sản phẩm, đầu tư các công trình dịch vụ thì năm 2023 có thể thu hoạch được. Năm 2023 sẽ là năm có lãi của ngành du lịch.
Về số lượng khách, du lịch nội địa vẫn kỳ vọng tăng trưởng vững mạnh. Tôi tin rằng mức độ tăng trưởng năm 2023 sẽ gấp đôi năm 2022. Tính chất du lịch của năm 2023 sẽ thay đổi nhiều, dịch vụ sẽ mở rộng và có một số lĩnh vực sẽ vượt năm 2019. Số khách năm 2023 có thể chưa lấy lại bằng năm 2019 nhưng tổng thu cả quốc tế và nội địa sẽ đạt mức độ của năm 2019.
Ngành du lịch kỳ vọng đây là năm mà ngành du lịch sẽ thể hiện được chuyển biến về chiều sâu, bằng các sản phẩm du lịch tinh hơn, các chuyến đi thiên hướng trải nghiệm sâu hơn, thể hiện rõ nét khách du lịch là trung tâm, coi trọng yếu tố chất lượng trải nghiệm của du khách, chỉ khi nào du khách đạt được mong đợi của mình mới thành công.
Có thể ví von rằng "Từ sau đại dịch COVID-19, năm 2022 ngành du lịch mới ngồi được dậy, năm 2023 ngành du lịch sẽ đứng được dậy".
(Nguồn: Phụ nữ mới)