Mùa hoa anh đào Đà Lạt

Hà Hữu Nết |

“Ai lên xứ hoa đào, dừng chân bên hồ nghe chiều rơi/ Nghe hơi giá len vào, hồn người chiều xuân mây êm trôi...”. Lời bài hát ấy, cứ ngân nga trong tôi khi hoa anh đào nở. Năm nay, rét đậm nên anh đào nở rộ, đẹp đến nao lòng. Cả Đà Lạt rực hồng, như “Nàng sơn nữ” lộng lẫy trong váy áo hồng, quyến rũ lạ kỳ.

Dịp tết Dương lịch, nhiều người dân và du khách, ngóng hoài hoa anh đào (còn có tên Mai anh đào) vẫn chưa nở. Chỉ có vài trăm cây ở ngoại thành, nở lác đác hoa. Với tôi, ngày nào cũng lượn lờ quanh hồ Xuân Hương, xem hoa nở thế nào, mới yên tâm làm việc khác. Vẫn những cây đào sần sùi, mảnh mai “trút bỏ” hết lá vàng, ngủ vùi trong sương lạnh.

Tôi quan sát rất kỹ những cây cổ thụ, dáng đẹp, chỉ thấy nhú “tí” nụ bé tẹo, rất chậm lớn. Thời gian trôi nhanh, như nước chảy qua cầu. Bây giờ, thì cả Đà Lạt hoa anh đào nở rộ đồng loạt, rực hồng phố núi. Nhìn bông anh đào hé nở, tôi ngỡ như mắt, môi thiếu nữ mỉm cười, níu bước sơn khê. Lúc nào ra phố cũng thấy “Người người chụp ảnh” cùng anh đào. Bất kể, người dân hay du khách, rảnh rỗi là thi nhau chụp bằng máy ảnh, điện thoại, ipad, camera...

Riêng tôi, ngày nào cũng chụp anh đào - sáng, trưa, chiều, tối. Bởi, mỗi thời khắc, góc độ cho một kiểu ảnh, vẻ đẹp khác nhau. Tôi có thói quen, luôn mang máy ảnh mini bên người, thấy đẹp là dừng lại chụp, thậm chí chụp bằng điện thoại vẫn đẹp long lanh. Tôi, thường gặp may và có duyên chụp hoa anh đào. Những lúc vác máy ảnh lớn đi chụp, tôi luôn gặp “mỹ nhân” phù trợ, làm mẫu ảnh miễn phí. Khi thì nữ sinh, hoa khôi, nghệ sĩ, sinh viên và cả “đầm tây” nữa, với áo dài, măng tô, váy ngắn, váy dài... đủ kiểu. Những lúc ấy, tôi chụp như lên đồng, hết “cạc” mà vẫn thèm thuồng, tiếc nuối.

Hoa anh đào (tên khoa học Prunus Cesacoides) là loài cây thân gỗ, 5 tuổi (cao khoảng 4 m, tán lá rộng 3 m) bắt đầu nở hoa, khá sung mãn. Vào đầu mùa khô (tháng 10 hàng năm), anh đào vàng lá dần rụng hết, trơ trọi cành nhánh khẳng khiu, tích nhựa và ngủ vùi trong sương lạnh. Khi đất trời chuyển mùa (tháng 2) ấm áp, là lúc anh đào “bừng tỉnh”, nở hoa báo hiệu xuân về. Anh đào thường nở đồng loạt, chi chít hoa từ gốc đến ngọn, thật ấn tượng và quyến rũ. Cả thành phố như “mặc” áo hồng, hấp dẫn kỳ lạ, luôn làm ngất ngây, nao lòng bao lữ khách.

 

Gần một tháng sau, thì hoa nhạt màu dần, tàn dần, là lúc lá xanh non xuất hiện. Rồi, những quả anh đào bé tẹo (nhỏ hơn trái xoan) thấp thoáng trong kẽ lá, khi chín có màu tím, vị chát hơi chua, rất quyến rũ đám học trò. Mấy tháng sau, quả chín tự rơi quanh gốc, hoặc chim tha khắp nơi, mọc thành cây con. Với người mê cây và các vườn ươm, hái quả về, ươm trong bịch nilon, thành cây con đem bán. Và, vòng đời anh đào lại tiếp diễn.

Anh đào sống mãnh liệt, chịu hạn và lạnh, xuất hiện ở cao nguyên Lâm Viên hàng trăm năm nay (thân cành giống cây đảo, hoa 5 cánh giống hoa mai nhưng màu hồng) là cây bản địa đặc hữu của Đà Lạt. Không phải, loài anh đào du nhập từ Nhật Bản bông to, nhiều cánh, nhiều màu. Vì, Nhật Bản đã 3 lần tặng Đà Lạt cây con, nhưng cứ lụi dần và chết, chưa rõ nguyên nhân. Lần thứ 4 (năm 2018), Nhật Bản tặng Đà Lạt 125 cây (3 tuổi, cao 3 m) chính hiệu made in Japan, trồng ở Vườn hoa Đà Lạt (100 cây) và Vườn đào Mười Lời (25 cây) nhưng chưa ra hoa.

Người Đà Lạt, có truyền thống trồng hoa, thông minh và sáng tạo. Anh Bùi Sang (con cố nghệ nhân Đào Mười Lời), lai ghép thành công hoa anh đào Nhật Bản với đào phai Đà Lạt, đã cho hoa bói khá đẹp. Còn, Tiến sĩ Trần Lệ (cựu cán bộ Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt) ươm hạt hoa anh đào (Nhật Bản) tại Điện Biên, rồi mang hơn trăm cây con, trồng tại Khu du lịch Hoa Sơn Điền Trang Đà Lạt, có nhiều cây nở hoa hồng thắm, say đắm lòng người.

 

Biết rõ giá trị loài hoa này, những năm gần đây, Đà Lạt trồng mới nhiều cây anh đào bản địa, khắp nội và ngoại thành. Nhưng, trồng tập trung nhiều nhất quanh hồ Xuân Hương, hai bên đường Trần Hưng Đạo, Hồ Tùng Mậu, 3 tháng 4, Lê Đại Hành, Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Tương Phố, hồ Tuyền Lâm, đèo Prenn, các công viên, khu du lịch và đường Mai Anh Đào (con đường duy nhất mang tên loài hoa này) đã nở hoa.

Đặc biệt, tại Công viên Trần Quốc Toản, soi bóng bên hồ Xuân Hương, trồng hơn 3.000 cây anh đào từ năm 2013, nở hoa khá đẹp. Đà Lạt, đã từng tổ chức “Ngày hội Hoa anh đào” 2018 và 2019 khá ấn tượng. Năm 2024 này, UBND thành phố Đà Lạt giao Công ty Đô thị Đà Lạt thực hiện “Dự án hoa anh đào” hơn 1 tỉ đồng, trồng bồ sung quanh hồ Xuân Hương và trung tâm thành phố.

Hy vọng, vài năm nữa sắc hồng anh đào Đà Lạt sẽ ngập tràn phố núi, chẳng kém gì Tokyo Nhật Bản. Mùa anh đào nở là mùa du lịch, mùa cưới, Festival hoa... vui như trẩy hội. Anh đào - loài hoa của mùa xuân, báo hiệu Tết đến xuân về. Loài hoa này, đã định vị biệt danh “Đà Lạt - Thành phố hoa anh đào”. Cùng với muôn loài hoa khác, hoa anh đào đã góp phần làm nên thương hiệu “Đà Lạt - Thành phố Festival Hoa Việt Nam”.

 

“Ai lên xứ hoa đào, đừng quên mang về một cành hoa/ Cho tôi bớt mơ mộng, chiều chiều nhìn mây trôi xa xa/ Người về từ hôm nao, mà lòng còn thương vẫn thương/ Bao nhiêu năm tháng cũ, mà hồn nào tôi vấn vương/ Giờ này nhìn sương khói, mà thầm mơ màu hoa trên má ai”. Cảm ơn, nhạc sĩ Hoàng Nguyên sáng tác bài hát “Ai lên xứ hoa Đào”, đã chắp cánh cho Đà Lạt bay cao vươn xa, với bạn bè trong nước và thế giới!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Happy Tết 2024” - Lan toả bản sắc văn hoá Tết truyền thống”

Thu Hằng |

Một trong những điểm nhấn tại "Happy Tết 2024" là sự xuất hiện của 300 cánh diều sắc màu bay ở Hoàng Thành Thăng Long và Lễ rước diều cổ 600 năm.

Lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam tăng trưởng trên 75%, xếp thứ 6 toàn cầu

Thanh Giang |

Thông tin Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho thấy: Năm 2023 là một năm phục hồi mạnh mẽ của du lịch nước ta. Theo công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google, lượng tìm kiếm của du khách quốc tế về du lịch Việt Nam năm 2023 đạt mức tăng trưởng trên 75%, xếp thứ 6 toàn cầu; trên Thái Lan (10), Indonesia (11), Malaysia (12) và Philippines (14).

Người dân Đakrông góp tiền trang trí, làm đẹp đường đón tết Nguyên đán 2024

Bảo Phú |

Chuẩn bị đón năm mới, người dân thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị đã kêu gọi nhau góp tiền mua hoa để trang trí, làm đẹp con đường, mang không khí xuân đến mọi nhà.

Khai thác tiềm năng phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ

Lê Phú |

Chiều 16/1, Câu lạc bộ Du lịch doanh nhân trẻ Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức Hội nghị Xúc tiến phát triển sản phẩm du lịch Bắc Trung Bộ, kết hợp với tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của câu lạc bộ tại tỉnh Nghệ An.