Ngũ Hành Sơn và liên kết du lịch vùng theo dấu chân vua Minh Mạng

Tường Minh |

Theo sử liệu Nhà Nguyễn, vua Minh Mạng (ở ngôi từ 1820-1841) chỉ trong vòng 12 năm đã 3 lần ngự du đến Ngũ Hành Sơn, đó là các năm Minh Mạng thứ sáu (1825), Minh Mạng thứ tám (1827) và Minh Mạng thứ mười tám (1837) để chiêm bái, ngoạn cảnh và thăm em gái Ngọc Ngôn đang tu tập tại đây.

Lần thứ nhất, ngày Mậu Tuất, tháng 5 năm Minh Mạng thứ sáu, sau khi thuyền ngự đến bến Hóa Khuê, vua và thị thần lên vãng cảnh Ngũ Hành. Ngay lần đến đầu tiên, vua đã cho xây dựng hai con đường bậc cấp lên núi, đó là lối lên chùa Tam Thai (nay là cổng 1) và lối lên chùa Linh Ứng (nay là cổng 2).

Một góc Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Kim Liên
Một góc Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Kim Liên

Vua cũng ngự ban cho chùa Tam Thai một tấm biển bằng đồng, mạ vàng có hình lá đề có chạm khắc hình ngọn lửa (nên còn gọi là “Quả tim lửa”), cao 57,5cm, rộng 41cm, dày 2cm hai mặt có các dòng chữ do chính vua ngự ban, mặt sau ghi: “Minh Mạng lục niên kiết nhật tạo” (Được làm vào ngày tốt năm Minh Mạng thứ sáu). Vua cho tu bổ lại chùa Tam Thai, ban cho chùa một tấm biển ghi rõ: “Ngự chế Tam Thai Tự, Minh Mạng lục niên phụng tạo” (Ban sửa sang lại chùa Tam Thai, năm Minh Mạng thứ sáu tạo lập).

Vua sắc phong chùa Tam Thai và chùa Linh Ứng là “Quốc tự”.

 

Cũng năm này, vua cho người khắc tên lên đá 3 chữ “Động Huyền Vi” lên vách đá vào động Huyền Vi, hang động được phát hiện vào thời Lê Cảnh Hưng. Mãi đến năm 1960, các vị chư tăng ở đây mới cho khai mở một đường hầm dài để thông vào hang.

Lần thứ hai, năm 1827, vua cho đúc 9 tượng và 3 chuông lớn ở chùa Tam Thai.

Lần thứ ba, năm 1837, vua xuống sắc chỉ ban tên gọi chính thức cho các ngọn núi, như Đại Nam dư địa chí ước biên thời Nhà Nguyễn chép: “Ngũ Hành Sơn ở huyện Diên Phước... Tục gọi là hòn Non Nước. Năm Minh Mạng thứ mười tám (1837) có sắc chỉ, ban cho ngọn núi phía đông bắc (núi Tam Thai) là Thủy Sơn. Ba ngọn núi phía tây nam là núi Mộc Sơn, núi Dương Hỏa, núi Âm Hỏa (vì thế Ngũ Hành Sơn có đến 6 ngọn núi-ĐNCT). Hai ngọn phía tây là Thổ Sơn, Kim Sơn, (cho) khắc tên núi lên đá”.

Cũng năm này, vua cho lập bia Vọng Giang Đài bằng đá sa thạch, ở chính giữa tấm bia có khắc chìm 3 chữ Hán đại tự “Vọng Giang Đài” và dòng lạc khoản ghi năm dựng bia “Minh Mạng thập bát niên thất nguyệt cát nhật” (Bia được lập vào ngày tốt, tháng 7 năm Minh Mạng thứ mười tám). Mặt chính của tấm bia quay về hướng sông Cổ Cò, vì vậy, đứng ở Vọng Giang Đài có thể nhìn bao quát sông ngòi của vùng đất Ngũ Hành Sơn.

Bia Vọng Hải Đài ở phía trước và bên phải chùa Linh Ứng, với lối kiến trúc và văn bia giống với bia Vọng Giang Đài, chỉ khác ở 3 chữ Hán đại tự “Vọng Hải Đài” và mặt chính của bia quay nhìn ra Biển Đông.

“Quả tim lửa” được vua Minh Mạng ban cho chùa Tam Thai trong chuyến ngự du đến Ngũ Hành Sơn lần đầu năm 1825. Ảnh: Nguyễn Đông
“Quả tim lửa” được vua Minh Mạng ban cho chùa Tam Thai trong chuyến ngự du đến Ngũ Hành Sơn lần đầu năm 1825. Ảnh: Nguyễn Đông

Tên gọi Ngũ Hành Sơn xuất hiện muộn hơn, năm 1806, trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định: “Phía đông bến đò xã Hoàn Ký Đông có núi Ngũ Hành Sơn, năm tòa núi chia làm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ gọi là núi Non Nước”.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia vào ngày 22.3.1990. Và ngày 24.12.2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1820/QĐ-TTg xếp hạng di tích cấp quốc gia danh thắng Ngũ Hành Sơn (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) là di tích cấp quốc gia đặc biệt.

(Nguồn: Vivu 247)

TAGS

Cây cô đơn ở hồ Rào Quán đã được "cứu sống" sau khi bị "bức tử"

Lê Văn |

Thông tin từ Nhóm tình nguyện cứu Cây cô đơn, sau thời gian bị chặt phá bằng cách lột vỏ, đến nay Cây cô đơn (hồ Thuỷ điện  Rào Quán, Hướng Tân, Hướng Hoá, Quảng Trị) đã phát triển bình thường.

Dặm dài yêu thương nối mọi miền đất nước

Lê Châu |

45 năm sau Đại thắng mùa Xuân 1975, mùa xuân 2020, ở tuổi tròn 90, một lần nữa, Đảng huy động được cao nhất sức mạnh của toàn dân, của tinh thần đại đoàn kết và truyền thống yêu nước nồng nàn của đất nước ngàn năm văn hiến.

Sen hồng bung sắc giữa những làng quê đầy nắng và gió

PV |

Mỗi độ tháng tư về, khắp trên những làng quê đầy nắng và gió của Quảng Trị, những bông sen hồng lại khoe sắc rực rỡ, tỏa hương thơm ngát.

Non thiêng Tá Linh Sơn qua góc nhìn Phan Tân Lâm

BTV |

Đứng ở vùng biển hay đồng bằng, khi trời nắng đẹp nhìn lên hướng tây Quảng Trị sẽ thấy đỉnh Voi Mẹp. Núi Voi Mẹp hay còn gọi là Tá Linh Sơn là “nóc nhà” của Quảng Trị. Tá Linh Sơn cùng với nguồn Hiếu Giang là cặp sơn thuỷ hữu tình của xứ này.