Dã quỳ không mọc đơn lẻ, quấn vào nhau thành từng thảm, kết thành vạt, trùng điệp miên man và thăm thẳm trước sự rợn ngợp của chiều cao nguyên lúc nắng đang vàng nhất, gió đang lồng nhất, và người đang cô đơn nhất.
Nước ta, nếu cắt ngang thì có ba vùng địa hình rõ rệt là Bắc, Trung và Nam. Nếu bổ dọc thì lại có vùng đồng bằng ven biển và núi, mà rõ rệt nhất là vùng miền Trung Tây Nguyên với dãy Trường Sơn soi bóng xuống duyên hải miền Trung.
Hệ thống núi của Việt Nam già dần khi tiến vào Nam. Người ta tính rằng, các ngọn núi phía Bắc hàng năm vẫn "lớn" thêm một chút, nên đặc trưng của núi ngoài ấy là nhọn, có vùng nhọn hoắt. Còn càng vào phía Nam thì nó càng già, ngọn núi mượt và tròn dần. Chỉ nhìn dãy Trường Sơn và các dãy núi phía Bắc chúng ta có thể hình dung rõ về việc này.
Và cái dãy Trường Sơn ấy, khi chạy đến Gia Lai, khúc Pleiku ấy, nó lại toàn là... núi lửa.
Các nhà khoa học cho rằng, cao nguyên Pleiku được định hình trên rất nhiều miệng núi lửa, mà trong đó, hai miệng núi lửa lớn nhất là Biển Hồ (T'Noeng) và núi Hàm Rồng (Chư Hdrung). Hai miệng núi lửa khổng lồ này đối xứng nhau theo trục Bắc Nam và theo như ước đoán, thể tích của chúng cũng xấp xỉ nhau. Có người đồ chừng, hàng triệu năm trước, một cuộc tạo sơn vĩ đại nào đó đã bốc nguyên cái vị trí biển Hồ đặt lên thành núi Hàm Rồng chăng?
Vấn đề là, dã quỳ ở đấy rất đẹp.
Nó vốn là một loài hoa dại, đã nở hàng triệu đời nay trên trái đất này. Có thể ai cũng đã từng thấy ở bất cứ nơi đâu trên đất nước ta, nhưng không hiểu sao, khi về với Tây Nguyên nó mới là... dã quỳ. Có lẽ do cái gió, cái nắng, cái thiên thời địa lợi, cái thông thổ khắc nghiệt, cái gì đó không diễn tả nổi khiến nó mới là dã quỳ.
Đấy là một loài hoa rất lạ. Nó không ưa mưa, mưa chỉ làm cho lá nó tốt, xanh một cách nghi ngại và bần thần, xanh vô dụng và tức tưởi. Càng mưa càng nhiều dinh dưỡng lá càng xanh hoài xanh phí như thế. Đến mùa khô, cái mùa khắc nghiệt nhất của Tây Nguyên, sáu tháng không có nước, không khốc nắng, đã thế còn gió, những cơn gió hoang đàng vô kỷ luật phóng túng hung dữ tràn trên cao nguyên, quật tan nát hết những gì chúng gặp, phá tanh bành những gì vướng trên hướng bay vô định của chúng. Nhưng lạ, gặp dã quỳ thì khác, gió trở thành một loại gió khác, hiền lành mà dịu dàng, mơn man và ve vuốt.
Dã quỳ không bao giờ mọc đơn lẻ, chúng quấn vào nhau thành từng thảm, kết thành vạt, trùng điệp miên man và thăm thẳm trước sự rợn ngợp của chiều cao nguyên lúc nắng đang vàng nhất, gió đang lồng nhất và người đang cô đơn nhất.
Khoe một chút là, từ thời dã quỳ mọc tràn lan ở Tây Nguyên, chiếm đất làm rẫy làm vườn, các chủ vườn chủ rẫy phải thuê người chặt dã quỳ lấy đất trồng cây, tôi đã là người viết về dã quỳ, khen vẻ đẹp dã quỳ, và tiên đoán một ngày nào đấy, loài hoa dại này sẽ lên ngôi. Thực ra thì, dã quỳ có ở khắp nơi chứ chả phải chỉ ở Tây Nguyên. Ở Ba Vì, Hà Nội, mấy năm nay cũng có vùng dã quỳ rất đẹp, bà con ầm ầm tới "check-in".
Nhưng hồi ấy tôi đã "nhanh nhảu" gán nó cho Tây Nguyên, rằng thì là chỉ ở Tây Nguyên nó mới thật... dã quỳ. Nó trong veo, nó mỡ màng, nó bất khuất, nó mênh mang, nó rợn ngợp, nó trữ tình, nó hợp với đất với người. Nó chịu nắng chịu mưa, chịu gió chịu bụi, càng nắng càng gió càng bụi, mà cái bụi đỏ cao nguyên mùa khô, tức mùa gió ấy, khủng khiếp đến như thế nào, lồng lộn ra làm sao, san bằng những gì nó gặp trên đường, trừ... dã quỳ.
Dã quỳ nở đúng vào cái mùa khắc nghiệt, dữ dội nhất của Tây Nguyên ấy. Mùa ấy, khô không khốc, 6 tháng không một giọt mưa, đất Bazan thành bụi Bazan, ngập tới đầu gối. Nắng cao nguyên dữ dội thế mà trở nên mênh mang như rượu cất. Nó luênh loang trên thảo nguyên như có một họa sĩ tài danh vĩ đại nào đó từ trên trời pha một loại màu đặc biệt mang tên vàng cao nguyên, mỏng như tơ mà cũng mảnh như tơ, lâng lâng nhẹ bẫng thả xuống để hòa với màu vàng dã quỳ làm nên một tuyệt sắc khổng lồ mà vĩ đại trên cao nguyên những ngày giáp Tết.
Và gió, cứ như những đàn ngựa hoang thảo nguyên thế, vô hồi lớp lớp chồng nhau. Bụi Bazan nhuộm đỏ lá, nhưng hoa, kỳ lạ, cứ mườn mượt vàng, miên man vàng, tăm tắp thăm thẳm vàng... khiến những buổi chiều cao nguyên như cổ tích. Tiếc, chưa có họa sĩ nào có khả năng tả được cái màu vàng tới vô ngôn của dã quỳ những ngày như thế.
Tôi đã đi khắp các tỉnh Tây Nguyên thời dã quỳ còn hoang dại ấy (nó có nhiều tên nhưng từ đầu tôi đã kiên định với tên dã quỳ, và giờ gần như đây là cái tên duy nhất), tới đâu cũng gặp dã quỳ. Lâm Đồng còn kịp lấy dã quỳ làm loại hoa đặc trưng cho tỉnh mình, họ đặt các nhà khoa học nghiên cứu ra một loại dã quỳ thấp bớt đi để trồng trong phố, ở các bùng binh, các bờ rào... nhưng vẫn phải công nhận, dã quỳ ở các miệng núi lửa ở Pleiku là đẹp nhất. Có phải tại tàn dư nham thạch hàng triệu năm trước mà dã quỳ ở đây vàng hết mình hơn, tươi hết cỡ hơn.
Cái dáng lắt lay, cái màu vàng bất tử, cái thế gối nhau trong chiều cao nguyên lộng gió, cái bồng bềnh, cái xa xăm, cái ảo hoặc, cái mong manh... đến vô ngôn, đến nín thở, đến phải tẽ mình ra mà ngắm về cả bốn phương tám hướng thênh thênh mây trời cao nguyên, từng thảm quỳ trải dài tới chân trời trông cứ như đất đai nơi đây được dát bằng một lớp vàng tin cậy.
Giờ, dã quỳ đã kịp... gần hết. Đơn giản thôi, tấc đất tấc vàng mà.
Mới đây, một huyện của tỉnh Gia Lai, huyện Chư Păh, phát hiện ra thêm một ngọn núi dã quỳ. Ấy là ngọn núi lửa Chư Đăng Ya. Thì đã bảo cao nguyên Pleiku được hình thành trên các miệng núi lửa mà.
Nó là một cái miệng núi lửa, có núi và có miệng. Lâu nay, dân trồng củ giong riềng. Cách đây mấy năm, người ta phát hiện ra... dã quỳ trên ấy. Hay chính xác là, lâu nay người ta thù ghét dã quỳ vì nó chiếm đất canh tác, mất rất nhiều công để chặt bỏ, mà cứ hạ xuống nó lại lên, xanh um, rồi đến mùa hoa thì nở. Rồi dân du lịch ào lên. Thế là cái lễ hội du lịch dã quỳ núi lửa Chư Đăng Ya xuất hiện. Nhưng quả là, sự tổ chức vẫn chưa tới, chưa lan tỏa, chưa khoa học, nên vẫn đang còn dừng ở... chân núi Chư Đăng Ya và ở huyện Chư Păh.
Nhưng mà giờ, vị thế của dã quỳ đã khác. Ngôi hậu thì chưa, nhưng trong top thì chắc chắn.
Cũng như núi, như dốc... đô thị Pleiku nếu như không có những con dốc và cây xanh cổ thụ thì còn lại gì? Nó được xây dựng trên mấy ngọn đồi, lên xuống rất đẹp. Nhưng một thời xây dựng nóng, người ta lấp những chỗ cần lấp, san những chỗ cần san cho... hiện đại như đồng bằng. Giờ mới đang quay lại quý từng cái cây, từng con dốc còn sót lại.
Và những hàng rào dã quỳ trong phố. Những buổi chiều nắng xiên khoai, những cái bờ rào như thế đẹp vô cùng. Đang có một quán cà phê cực đông khách ở Pleiku dù rất giản dị, đơn giản thôi, chênh vênh trên một khoảng rất chênh vênh, nhìn xuống ruộng, dưới ấy, dã quỳ miên man nở. Khi không nở, nó xanh, im lặng xanh trong hương cà phê rất... cao nguyên...