Nằm ở dải đất miền Trung với vị trí chiến lược trọng yếu, nơi từng diễn ra nhiều cuộc đối đầu lịch sử, nơi giao thoa của các nền văn hóa, trong thời kỳ đổi mới, tỉnh Quảng Trị luôn chú trọng việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, giao lưu, hợp tác quốc tế.
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam trải qua hàng ngàn năm đã để lại trên đất Quảng Trị nhiều di sản văn hóa truyền thống có giá trị. Đặc biệt, thế kỷ XX là trang sử bi hùng và rực rỡ nhất gắn liền với sự nghiệp chống Mỹ, giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước của Nhân dân Việt Nam.
Dấu ấn của một thời oanh liệt đã để lại trên đất Quảng Trị là một hệ thống di tích chiến tranh cách mạng đồ sộ, độc đáo với gần 500 di tích danh thắng đã được xếp hạng các cấp, bao gồm 4 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia và 476 di tích cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, Quảng Trị đang bảo tồn, phát triển 27 lễ hội với 3 loại hình chính là lễ hội dân gian truyền thống, lễ hội cách mạng và lễ hội tôn giáo. Hệ thống di tích lịch sử độc đáo và quý báu trên địa bàn là cơ sở quan trọng để góp phần hình thành nên lễ hội cách mạng, cùng với lễ hội dân gian truyền thống, lễ hội tôn giáo luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong tỉnh, trong nước và nước ngoài, thực sự là “cầu nối” giao lưu, hợp tác quốc tế.
Đặc biệt, các lễ hội cách mạng được tỉnh tổ chức với quy mô ngày càng lớn, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân, thu hút sự quan tâm của du khách trong nước, quốc tế như Lễ hội Thống nhất non sông, Lễ hội Tri ân tháng Bảy, Lễ hội Nhịp cầu xuyên Á, Lễ hội Vì Hòa bình... Thông qua các lễ hội, tỉnh đã triển khai công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh tốt đẹp của đất và người Quảng Trị đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Các tour, tuyến du lịch đã khẳng định thương hiệu Quảng Trị như: “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”; du lịch DMZ; “1 ngày ăn cơm 3 nước” tiếp tục được phát huy. Nhiều sản phẩm du lịch ra đời như: “Ký ức chiến tranh - Khát vọng hòa bình” gắn với Lễ hội Vì Hòa bình; “Bí ẩn miền đất thiêng”; chương trình “Tri ân Thành Cổ - Sưởi ấm dòng sông lửa - Khám phá đảo tiền tiêu Cồn Cỏ”; chương trình du lịch đêm Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn - Thành Cổ Quảng Trị - Bến thả hoa sông Thạch Hãn... thu hút sự quan tâm của du khách. Nhờ vậy, 9 tháng năm 2024, đã có gần 3 triệu lượt khách đến Quảng Trị.
Bên cạnh đó, Quảng Trị là vùng đất của những lễ hội dân gian tiêu biểu như Lễ hội đua thuyền, cướp cù, Hò Như Lệ, Hội Bài chòi, Lễ hội chợ Đình Bích La; kể chuyện Trạng Vĩnh Hoàng; lễ hội mang màu sắc tôn giáo như Lễ Phật Đản của Phật giáo và Kiệu La Vang của Thiên Chúa giáo... Đặc biệt, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tại Quảng Trị luôn được quan tâm.
Đối với văn hóa phi vật thể, tỉnh đã đầu tư để tiến hành cải tạo, nâng cấp, phục dựng hàng chục ngôi nhà theo lối kiến trúc truyền thống. Từ năm 2013, dự án bảo tồn bản cổ truyền thống thôn Klu, xã Đakrông, huyện Đakrông đã được triển khai, đến nay đang tiếp tục được hỗ trợ đầu tư. Các lễ Ariêu Ping, mừng lúa mới, cúng thần làng... được bảo tồn.
Việc truyền dạy chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc gắn với sưu tầm, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc như cà lơi, cha chấp, oát, xiêng, xa nớt... được chú trọng. Bảo tàng tỉnh hiện đang lưu giữ hơn 32.000 tài liệu hiện vật gốc, phục vụ cho công tác nghiên cứu, tham quan, học tập của người dân trong nước và du khách quốc tế.
Có thể thấy, các nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng từ Vân Nam (Trung Quốc), đến Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, là một trong những “cái nôi” hình thành nên nền văn minh nhân loại. Tại các miền đất này, nhiều sắc thái văn hóa đặc sắc, độc đáo đã hình thành và phát triển.
Đặc điểm chung nhất quyết định điểm tương đồng về văn hóa của các nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng là sự giống nhau về hình thức canh tác, gieo trồng lúa nước.
Từ hoạt động canh tác đặc thù này mà cư dân của các nước trong khu vực sinh sống chủ yếu theo hình thức quần cư, tụ cư. Hoàn cảnh sinh sống và điều kiện làm việc đã nảy sinh mối quan hệ cố kết bền chặt trong cộng đồng, từ mối quan hệ gia tộc đến quan hệ trong làng, bản, phum, buôn, sóc...
Đây là điểm nổi bật nhất và cũng là sự tương đồng lớn nhất về văn hóa của các nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Do vậy, lễ hội mừng lúa mới, cúng thần làng của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Tây Quảng Trị đã tạo sự quan tâm, tìm tòi, khám phá của du khách, nhất là các du khách đến từ các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.
Với hệ thống di tích lịch sử- văn hóa sẵn có, cùng lợi thế là tỉnh đầu cầu của tuyến Hành lang kinh tế Đông -Tây (EWEC), Quảng Trị là đầu mối, điểm giao lưu, kết nối giữa 3 sản phẩm du lịch quan trọng là: Du lịch EWEC, Con đường Di sản, Con đường huyền thoại. EWEC đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực cho các địa phương thành viên, trong đó hợp tác, liên kết phát triển du lịch đã đem lại những kết quả khả quan.
Các tỉnh trên EWEC, nhất là tỉnh Quảng Trị (Việt Nam), Savannakhet (Lào) và Mukdahan (Thái Lan) đã quyết tâm cùng nhau biến Hành lang ĐôngTây trở thành hành lang kinh tế, thương mại, du lịch, dịch vụ mang sắc thái độc đáo và hiệu quả.
Để phát huy giá trị của các di tích lịch sử- văn hóa trong giao lưu, hợp tác quốc tế, cần kết hợp chặt chẽ giữa khai thác và bảo vệ các giá trị văn hóa. Mối quan hệ biện chứng của du lịch và văn hóa là mối quan hệ tương tác, phối hợp, bổ trợ lẫn nhau. Văn hóa là tác nhân quan trọng cho phát triển du lịch và ngược lại, phát triển du lịch tạo điều kiện để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.
Điều đó có nghĩa là trong quá trình khai thác các giá trị văn hóa phục vụ mục đích du lịch, giao lưu, hợp tác quốc tế cần hết sức chú trọng công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, làm cho giá trị văn hóa luôn phát triển, lan tỏa sâu rộng, đến với bạn bè, du khách gần xa.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)