Phát triển du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số

Bích Hồng |

Sáng 2/10, Diễn đàn “Xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số” được tổ chức trực tuyến dưới sự chủ trì của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Phát triển du lịch nông thôn trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được xác định là một trong những động lực đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường. Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng nông thôn mới bền vững.

Một khu dân cư huyện Bá Thước (Thanh Hoá) làm phát triển du lịch. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN
Một khu dân cư huyện Bá Thước (Thanh Hoá) làm phát triển du lịch. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

Theo ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft), hiện nay du lịch nông thôn, sinh thái chiếm khoảng 10% tỷ lệ du lịch và cho doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm trên toàn cầu. Ngoài ra, tỷ lệ tăng trưởng của du lịch nông thôn hàng năm từ 10-30%, trong khi du lịch truyền thống chỉ là 4%.

Việt Nam hiện có 3 loại hình du lịch nông thôn, đó là du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái. Cả nước có khoảng 365 điểm du lịch nông thôn và hơn 2.000 làng nghề truyền thống có tiềm năng về du lịch. Việc chuyển đổi số trong du lịch nông thôn sẽ giúp thu hút được thêm du khách, hỗ trợ du khách chuẩn bị chuyến đi dễ dàng hơn, cung cấp dịch vụ tốt hơn và nắm được hành vi của khách hàng.

Ông Lã Quốc Khánh, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel) cho rằng, thời kì hậu COVID-19, du lịch nông thôn là một trong những sản phẩm cần được triển khai sớm. Để nâng cao sức hấp dẫn của các mô hình du lịch nông thôn, Vietravel đã áp dụng và cung ứng nền tảng công nghệ thông tin phục vụ cho khách hàng.

Phía công ty cũng tăng cường công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) để tạo hấp dẫn cho du khách; đồng thời xây dựng hộp chat trí tuệ nhân tạo để thu thập thị hiếu của người du lịch. Nếu tất cả các doanh nghiệp, địa phương cùng làm, cùng chia sẻ thì khách hàng sẽ là người được hưởng thụ những lợi ích đó.

Bên cạnh đó, ông Lã Quốc Khánh cho rằng, những làng du lịch nông thôn hiện nay vẫn còn manh mún, chưa thể phát triển thành nền kinh tế du lịch. Ngoài việc tạo dựng sự hấp dẫn tiện nghi, các địa phương cần mô hình hóa làng du lịch nông thôn.

Bà Nhữ Thị Ngần, Tổng giám đốc Hanoi Tourism cho biết, công ty đã ứng dụng chuyển đổi số từ nhiều năm nay. Phần lớn khách hàng công ty khai thác là từ công nghệ số. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, công ty gặp một số khó khăn trong việc phát triển du lịch nông thôn. Đó là rào cản về ngôn ngữ hoặc những sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), đặc sản, đặc trưng của địa phương lại chưa đảm bảo việc đóng gói, bảo quản, vận chuyển.

Hay một số nơi nông thôn mới phát triển quá nhanh. Người dân bỏ nhiều văn hóa truyền thống, để “bê tông hóa”, “đô thị hóa”, khiến trải nghiệm của du khách suy giảm.

Khảo sát khoảng 11.000 khách hàng của Hanoi Tourism, rất nhiều người quan tâm đến du lịch tại vùng xanh, nông thôn. Họ sẵn sàng du lịch ngay sau giãn cách. Điều chúng ta cần là tạo ra sản phẩm thực sự hấp dẫn, bà Nhữ Thị Ngần cho biết.

Bà Nhữ Thị Ngần kiến nghị các cơ quan quản lý phối hợp, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển những giá trị thặng dư như truy xuất được nguồn gốc đặc sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm bán đồng giá… Địa phương cần xây dựng chương trình đào tạo cho bà con, tránh tình trạng “bê tông hóa” kiến trúc, văn hóa.

Ông Lê Bá Ngọc đưa ra 3 đề xuất để phát triển du lịch nông thôn. Đầu tiên là cho phép kết hợp với các tổ chức quốc tế để xúc tiến và quảng bá các sản phẩm du lịch nông thôn của Việt Nam. Hai là cho phép Vietcraft phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số tỉnh thực hiện xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số cho 6 mô hình tiêu biểu, gồm: du lịch cộng đồng; du lịch nông nghiệp; du lịch sinh thái gắn với các khu bảo tồn, vườn quốc gia; du lịch làng nghề; du lịch làng thông minh; du lịch không phát thải.

Ba là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa quốc gia các giá trị văn hóa vật thể và phí phục vụ phát triển du lịch của 54 dân tộc Việt Nam để đạt được mục tiêu đến năm 2025 có 50% làng nghề truyền thống tham gia vào chuỗi giá trị du lịch nông thôn.

Qua diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đánh giá, tư thế sẵn sàng phát triển ngành du lịch chung cả nước không chỉ của những doanh nghiệp lớn mà còn của các cơ sở, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Để phát triển du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số cần có sự đầu tư bài bản. Nhiều sản phẩm nông nghiệp đang gặp phải sự trùng lặp. Muốn nâng cao chất lượng du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số có thể hỗ trợ, chọn lựa những mô hình, trào lưu mới.

Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, du lịch nông nghiệp nông thôn cần tận dụng nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các địa phương cần có những kiến nghị để có thể phát triển ngành du lịch nông thôn bản địa. Các doanh nghiệp du lịch cần đầu tư chuyển đổi số, nâng cao tăng cường năng lực, kết nối cho người nông dân phát triển du lịch nông thôn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đánh giá, du lịch nông thôn đang là xu thế, cần khai thác hiệu quả. Điều cần làm là kết nối và quảng bá sản phẩm cho các địa phương. Các mô hình du lịch nông thôn rất đa dạng nhưng cần phải có điểm chung là đảm bảo được giá trị nhân văn, văn hóa, mang sắc thái của từng địa phương.

Sau diễn đàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có những chương trình sát với mục tiêu mà các đại biểu đã nêu ra tại diễn đàn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay.

(Nguồn: TTXVN)

TAGS

Các điểm du lịch châu Á mở cửa đón khách quốc tế như thế nào?

Ngọc Châu |

Tại châu Á, Phú Quốc, Phuket và Bali cũng sẵn sàng các kế hoạch đón khách nước ngoài sau thời gian dài đóng cửa. Các nước đang mở cửa du lịch quốc tế như thế nào?

Du lịch TP Hồ Chí Minh khôi phục trở lại từ các 'vùng xanh'

PV |

Sau nhiều tháng "ngủ đông", các công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh đã tổ chức đưa khách du lịch về các "vùng xanh" nhằm kích hoạt lại ngành du lịch thành phố. Sau khi các tour này được triển khai thành công, các doanh nghiệp đang hướng đến mở thêm các tour liên vùng với điểm đến là các "vùng xanh" an toàn với dịch.

Kế hoạch đón khách du lịch ở một số địa phương từ 1/10

Thanh Mai |

Một số địa phương lên kế hoạch đón khách ngoại tỉnh có thẻ xanh, thẻ vàng. Các địa phương miền Bắc và Nam chủ yếu mở lại du lịch nội tỉnh.

Quảng Ninh giữ vững "vùng xanh” để phục hồi du lịch, dịch vụ

Văn Đức |

Trong tháng 10, Quảng Ninh sẽ mở lại một số hoạt động du lịch nội tỉnh gắn với kiểm soát chặt chẽ quy trình phòng, chống dịch, rút kinh nghiệm để tháng 11 sẽ thí điểm đón khách du lịch ngoại tỉnh.