Phát triển kinh tế xanh gắn với bảo vệ môi trường ở Việt Nam

TS. Phạm Thị Mỵ |

Kinh tế xanh và bảo vệ môi trường là hai khái niệm chứa đựng những nội hàm khác nhau, nhưng đang có xu hướng tiến gần nhau.

Từ Hội nghị thượng đỉnh về môi trường toàn cầu, Rio de Zaneiro 1992 ở Brazil về “Môi trường và Phát triển” đã khởi xướng “Chương trình nghị sự 21” về “Phát triển bền vững”, kể từ đó đến nay thế giới đã luôn nỗ lực để thực hiện chương trình này. Mỗi quốc gia tùy theo hiện trạng phát triển và hoàn cảnh thực tế của nước mình đã xây dựng chương trình nghị sự riêng phù hợp với xu thế chung của toàn cầu.

 Ở Việt Nam, năm 2004 đã ban hành chương trình Nghị sự 21 về “Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam” tại quyết định số 153/2004/QĐ-TTg, trong đó những vấn đề liên quan đến kinh tế xanh và bảo vệ môi trường. Từ năm 2010, sau 18 năm thực hiện chương trình Nghị sự 21 toàn cầu, Chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) đã đưa ra hai thông điệp mới là “Kinh tế xanh” và “Quản trị môi trường”, đến Hội nghị Thượng Đỉnh RiO, Brazil-2012 hai nội dung này đã chính thức được sự đồng thuận của các Quốc gia triển khai thực hiện, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm đưa nội dung “Kinh tế xanh” vào triển khai ở quốc gia mình.

Những chính sách kinh tế xanh và bảo vệ môi trường ở Việt Nam

Kinh tế xanh được đề cập đến lần đầu tiên bởi các nhà kinh tế môi trường Anh vào năm 1989, sau đó chính thức được sử dụng tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững vào tháng 6/2012 tại Rio de Janeiro, Brazil.

Khái niệm “kinh tế xanh” xuất hiện pử Việt Nam từ 2010, kể từ sau Hội Nghị của Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) tại Nairobi, Kenya,

Theo Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP), kinh tế xanh được định nghĩa là “nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái. Một nền kinh tế xanh có thể được coi là một nền kinh tế có lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bao trùm xã hội”. Đây được coi là định nghĩa đầy đủ, chính xác nhất về kinh tế xanh, được các tổ chức quốc tế sử dụng rộng rãi. Với ý nghĩa cốt lõi là tăng trưởng kinh tế đảm bảo đồng thời mục tiêu bảo vệ môi trường sống trong sạch và bền vững, có thể hiểu một cách đơn giản, nội hàm của kinh tế xanh bao gồm: (i) Phát thải carbon thấp; (ii) sử dụng tài nguyên hiệu quả và (iii) bảo đảm công bằng xã hội.

 Những chính sách “bảo vệ môi trường” ở Việt Nam đã hình thành từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, cụ thể Luật Bảo vệ môi trường đã ra đời từ cuối năm 1993, kể từ khi ra đời đến nay Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm ngăn chặn ô nhiễm, suy thoái môi trường và duy trì hệ sinh thái. Luật này đã được sửa đổi, bổ sung năm 2005, sửa đổi hoàn thiện trong năm 2014. Và mới đây là Luật Môi trường sửa đổi 2020. Bên cạnh Luật Bảo vệ môi trường, còn có các luật, pháp lệnh bảo vệ các thành phần môi trường. Tính đến nay Việt Nam có trên 30 luật và hơn 20 pháp lệnh có nội dung liên quan đến công tác bảo vệ môi trường như Luật Đa dạng sinh học 2008, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004; Luật Đất đai sửa đổi 2013, Luật Đất đai sửa đổi 2024, Luật Thủy sản 2003, Luật Tài nguyên nước sửa đổi 2012, Luật Tài nguyên nước 2023, Luật Khoáng sản 2010; Luật Khai thác sử dụng tài nguyên và Bảo vệ môi trường biển 2015...  Về cơ bản các văn bản pháp luật đã tương đối đầy đủ và đã được thực thi rộng rãi, đi vào chiều sâu, có sự kết hợp hài hòa giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội hướng tới phát triển bền vững.

Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã ban hành Chỉ thị 36-CT/TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiếp đó là Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về “bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Trong văn kiện Đaị hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng về quan điểm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 đã khẳng định: “Phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu; phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh. Phát triển kinh tế phải gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”

Về chiến lược bảo vệ môi trường, tính đến nay, Việt Nam đã có “Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia 2001 - 2010”, tiếp đó là “Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” và mới đây là chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 05/9/2012. Những chiến lược này phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được xây dựng cho mỗi thời kỳ của quốc gia.

Tại Việt Nam, vấn đề tăng trưởng xanh và phát triển bền vững được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm trong thời gian qua.

Ngày 25/9/2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Chính phủ Việt Nam khẳng định: “Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu”.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh,”.

Ngày ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã đặt ra mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon… Theo đó, phấn đấu đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014.

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã nhấn mạnh “Thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; …; chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải carbon thấp”.

Tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao và Triển lãm về Công nghiệp 4.0 vào ngày 14/6/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh Đảng, Nhà nước Việt Nam rất coi trọng, xem chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về chuyển đổi xanh đã rất rõ ràng, lộ trình bài bản và quyết tâm mạnh mẽ. Tuy nhiên các yếu tố như thiên tai, biến đổi khí hậu, thiếu hụt về tài nguyên, năng lượng; trình độ phát triển khoa học và công nghệ còn thấp; nền kinh tế gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19… cũng là thách thức không nhỏ.

Thực trạng phát triển nền kinh tế xanh ở Việt Nam

Một số kết quả đạt được

Chặng đường hơn 10 năm triển khai và thực hiện kinh tế xanh, với sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam cùng với nhận thức của cộng đồng xã hội về tầm quan trọng của kinh tế xanh, cho đến nay nền kinh tế Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc: Hành vi sản xuất và tiêu dùng có nhiều thay đổi đáng kể và được cải thiện tích cực; ngày càng có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào việc phát triển kinh tế xanh; đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, nhiều khu đô thị nổi lên, đặc biệt là hình thành các vùng nông thôn mới. 

Trong giai đoạn 2011 - 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt trung bình 5,65%. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 và 2021 có sự sụt giảm khá lớn, chỉ đạt 2,87% và 2,55%. Tuy nhiên, năm 2022 ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam với mức tăng trưởng đạt 8,12%. Mặc dù mức tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 chỉ đạt 5,05%, không đạt được mục tiêu đề ra cũng như chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,87% và 2,55% của các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011 - 2023 (khi nền kinh tế chịu tác động nặng nề của Đại dịch Covid-19), nhưng là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu rất khó khăn, giúp nền kinh tế Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trên thế giới (tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo chỉ khoảng 2,1 - 3%).

Bảng 1. Tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam giai đoạn 2011-2023

Năm20112012201320142015201620172018 20192020 2021 20222023
TT GDP (%)6,415,55,556,42 6,99 6,696,94 7,47  7,36 2,872,55   8,125,05

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Về cơ cấu nền kinh tế năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 11,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,12%; khu vực dịch vụ chiếm 42,54%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,38% (Cơ cấu tương ứng của năm 2022 là 11,96%; 38,17%; 41,32%; 8,55%). So với các năm trước đó, cơ cấu kinh tế Việt Nam năm 2021 có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, xu hướng này phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xanh của Chính phủ.

Bảng 2. Cơ cấu kinh tế Việt Nam theo GDP năm 2023

Khu vực Tỷ trọng (%)
Nông, lâm nghiệp và thủy sản11,96
Công nghiệp và xây dựng 37,12
Dịch vụ42,54
Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm8,38

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Để có được những thành tựu ban đầu trong mục tiêu xanh hóa nền kinh tế, phải kể đến vai trò quan trọng của Chính phủ trong việc tích cực hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước nắm bắt kịp thời diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ quan Nhà nước còn đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp tiếp cận và áp dụng mô hình nông nghiệp xanh, phát triển công nghiệp xanh, phát triển năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải CO2 đối với các ngành công nghiệp nặng… 

Đồng hành với quá trình phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam, thời gian qua, Ngân hàng Thế giới đã tích cực hỗ trợ cho Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là việc đầu tư vốn vào các dự án về công nghiệp xanh, năng lượng xanh, phát triển cơ sở hạ tầng, quản lý môi trường đô thị và ứng phó với biến đổi khí hậu. Kể từ năm 1994 cho đến nay, Ngân hàng Thế giới đã cam kết hỗ trợ Việt Nam hơn 25,3 tỷ USD trong phát triển đất nước (The World Bank, 2022).  

Việc phát triển kinh tế xanh đã có ảnh hưởng tích cực đến lao động trong nước, cơ cấu lao động Việt Nam có xu hướng chuyển dịch rõ nét theo hướng phi nông nghiệp. Xu hướng này phù hợp với mục tiêu xanh hóa nền kinh tế, góp phần bổ sung và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho việc ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào phát triển kinh tế quốc gia.

Về xếp hạng quốc tế, theo Chỉ số tăng trưởng xanh ấn bản năm 2023, Việt Nam xếp thứ 73/245 quốc gia và thứ 16/50 quốc gia ở châu Á, với điểm chỉ số là 56,44. Còn theo ấn bản năm 2023 của Chỉ số Tương lai Xanh, Việt Nam xếp thứ 53/76 nền kinh tế và thứ 9/16 nền kinh tế ở châu Á, đạt 4,13. Việt Nam xếp ở giữa trong các hạng mục chuyển đổi năng lượng nhưng lại xếp hạng thấp trong các hạng mục về phát thải carbon và chính sách khí hậu.

Những hạn chế và khó khăn

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thực trạng phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam còn tồn tại một số hạn chế và khó khăn nhất định, cụ thể:

Nhận thức của người dân về nền kinh tế xanh vẫn còn khá mới mẻ.

Nguồn lực tài chính cho mục tiêu xanh hóa nền kinh tế của Việt Nam còn khá hạn chế cùng với ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Xung đột quân sự Nga - Ukraine cùng những biến động và bất ổn từ nền kinh tế thế giới đã tác động không nhỏ đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Chất lượng nguồn lao động cho nền kinh tế xanh tại Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ khoa học công nghệ cao của chiến lược phát triển kinh tế xanh. So với thế giới thì dây chuyền sản xuất và công nghệ ở Việt Nam phần lớn là công nghệ cũ và lỗi thời, tiêu tốn khá nhiều nhiên liệu và năng lượng.

Về hành lang pháp lý, mặc dù Chính phủ cũng đã ban hành và phê duyệt các chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững theo từng thời kỳ. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật vẫn chưa thật sự đồng bộ, chưa có văn bản pháp luật cụ thể quy định về năng lượng xanh và năng lượng tái tạo…

Một số giải pháp phát triển kinh tế xanh gắn với bảo vệ môi trường ở Việt Nam

Sau khi nghiên cứu thực trạng phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam và kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh của một số quốc gia, để phát triển kinh tế xanh gắn với phát triển bền vững đất nước một cách toàn diện, vừa đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế vừa bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái cho tương lai, cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống chính sách về phát triển kinh tế xanh để tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của doanh nghiệp vào nền kinh tế xanh và hưởng lợi từ mô hình này. Xây dựng chiến lược tổng thể về phát triển kinh tế xanh theo từng giai đoạn phát triển của đất nước theo hướng phát triển bền vững, giảm sử dụng nguyên liệu hóa thạch, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Xây dựng cơ cấu kinh tế xanh với ba trụ cột: nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ thích ứng với xu thế biến đổi khí hậu. Ứng dụng công nghệ thông tin trong dự báo và khắc phục sự cố môi trường; xây dựng cơ chế báo cáo, phản hồi nhanh về môi trường; đưa ra các chế tài xử lý các hoạt động kinh doanh gây tổn hại đến môi trường.

 Chính phủ Việt Nam cần đầu tư nguồn lực nhiều hơn nữa vào phát triển và ứng dụng công nghệ cao, phát triển năng lượng, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế; đảm bảo cho sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam không vi phạm các quy định về ô nhiễm môi trường, khí hậu.

Bên cạnh đó, cần có các chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường chuyển đổi sang công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao năng suất sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu, đáp ứng tiêu chuẩn của nền kinh tế xanh. Ngoài ra, nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ cần được đẩy mạnh, tạo tiền đề thiết lập các cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn để xây dựng cơ chế, chính sách, các giải pháp quản lý, đóng góp tích cực vào việc dự báo, phòng ngừa, cải tạo, phục hồi, xử lý ô nhiễm môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.

Các chính sách về môi trường cần được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới; hệ thống thuế tài nguyên, thuế môi trường cần được tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh và hoàn thiện... Cần đánh giá đúng mức nguy cơ, tác động của ô nhiễm môi trường và khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên thông qua cơ chế như thuế, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phục hồi tài nguyên và hệ sinh thái.

Cần bồi dưỡng, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về phát triển xanh đối với tương lai dài hạn, đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế nói chung. Tổ chức các hội thảo, diễn đàn khoa học để trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về phát triển kinh tế xanh.

 Thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước vào quá trình chuyển dịch sang tăng trưởng xanh. Tăng cường hoạt động giao lưu, hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế để đạt được các mục tiêu quốc gia về phát triển xanh. Đây là cơ sở giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ đảm bảo thanh khoản tài chính chuỗi cung ứng, giúp hỗ trợ vốn cho các dự án hạ tầng xanh. Đồng thời, cần tạo điều kiện thuận lợi cho những dự án đầu tư quy mô lớn, hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị và học tập kinh nghiệm phát triển xanh của các quốc gia tiên tiến để áp dụng vào Việt Nam.

(Nguồn: Phụ nữ mới)

Tăng cường quản lý môi trường đối với hoạt động chăn nuôi ở Cam Lộ

Khánh Ngọc |

Thời gian qua, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã chú trọng việc quy hoạch phát triển chăn nuôi, bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi. Qua đó, góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, giảm thiểu các tác động xấu của hoạt động chăn nuôi đến môi trường khu vực.

Môi trường sau lũ: Ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh bùng phát

HQ |

Thiên tai, đặc biệt là bão lũ, không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản mà còn để lại nhiều hệ lụy về sức khỏe cho cộng đồng. Không chỉ phá hủy môi trường sống, lũ lụt còn là nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm, đe dọa sức khỏe người dân.

Chung tay bảo vệ môi trường tại đảo Cồn Cỏ

Hà Trang |

Phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) từ khi thành lập đến nay. Trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn và là “Hòn ngọc giữa Biển Đông” trong tương lai gần.

Ra quân vệ sinh môi trường và trồng cây xanh tại đảo Cồn Cỏ

Hà Trang |

Tiếp tục chuỗi các hoạt động truyền thông giảm thiểu rác thải nhựa tại huyện đảo Cồn Cỏ, sáng 25/8, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị, UBND huyện đảo Cồn Cỏ, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tổ chức Lễ ra quân vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại rác và trồng cây xanh bảo vệ môi trường, chắn sóng ven biển tại bãi biển khu vực Bến Nghè.