Phục hồi du lịch Việt: Thí điểm mở cửa nhưng không thể nóng vội!

Xuân Mai |

Sau gần 2 năm “đóng băng” thị trường quốc tế, Chính phủ vừa chính thức cho phép thí điểm đón khách từ các quốc gia có độ an toàn cao đến Phú Quốc. Song, phía sau "phát súng" này là nhiều nỗi niềm...

Sau gần hai năm “đóng băng” thị trường quốc tế, Chính phủ vừa chính thức cho phép thí điểm đón khách từ các quốc gia có độ an toàn cao và mức chi tiêu cao đến Phú Quốc từ ngày 1/10.

Đây được coi là tín hiệu vui cho nền kinh tế xanh sớm phục hồi. Tuy nhiên, đằng sau đó vẫn còn những nỗi niềm “không biết tỏ cùng ai” của người làm nghề cũng như địa phương được chọn thí điểm.

Du khách đón bình minh ở Nghi Dương, Phú Quốc. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)
Du khách đón bình minh ở Nghi Dương, Phú Quốc. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Mở ngay: Doanh nghiệp khó trở tay

Thời điểm này, Việt Nam đã bước qua giai đoạn “chống dịch như chống giặc” để bắt đầu chuẩn bị cho thời kỳ “chung sống an toàn” với COVID-19. Các chuyên gia cũng đồng tình và cho rằng chỉ có thực sự thích nghi cùng dịch bệnh thì mọi hoạt động sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường mới.

Chủ trương thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang) bằng “hộ chiếu vaccine” (chứng nhận đã tiêm chủng vaccine COVID-19) của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Chính phủ được coi là một trong những nỗ lực “vượt khó” đó.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã công bố kế hoạch thí điểm, trong đó có quy trình chặt chẽ cho cả khách quốc tế và các lực lượng tham gia vào hoạt động đón khách phía Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành bày tỏ quan ngại về tính khả thi và hiệu quả của kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ.

Họ cho rằng kế hoạch triển khai vào thời điểm quá gấp rút, khiến doanh nghiệp khó “trở tay” vì không có đủ thời gian làm việc với đối tác, truyền thông quảng bá… Bởi khách quốc tế thường có kế hoạch du lịch từ sớm, thường trước tới vài tháng đến nửa năm.

“Khách của chúng tôi nói thẳng là sẽ không đến nếu thủ tục quá phức tạp và phải cách ly như vậy, trong khi châu Âu đã đi lại khá dễ dàng,” Chủ tịch Hội đồng quản trị Lux Group (Tập đoàn chuyên cung ứng các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp), ông Phạm Hà chia sẻ.

Giới trẻ thích thú khi trải nghiệm Phú Quốc. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)
Giới trẻ thích thú khi trải nghiệm Phú Quốc. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Rõ ràng, sau thời gian dài chịu cảnh “bó chân,” điều mà khách du lịch quốc tế muốn là được tự do trải nghiệm, khám phá thật nhiều nơi. Trong khi đó, Phú Quốc chủ yếu phù hợp với khách nghỉ dưỡng Nga và khách chơi golf, khó thu hút khách Mỹ, khách châu Âu.

Bên cạnh đó, trong tiêu chí chọn lựa doanh nghiệp được tham gia chương trình thí điểm đón khách quốc tế tới Phú Quốc lần này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định doanh nghiệp du lịch phải có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, đã hoạt động 3 năm, đón 30.000 khách/năm.

Đại diện một số doanh nghiệp cho rằng quy định này chưa hợp lý, vì thường đơn vị lữ hành nào chuyên đón khách Trung Quốc mới đạt được số lượng đó. Nếu vậy vô hình chung quy định sẽ hạn chế rất lớn số đơn vị lữ hành có thể tham gia vào hoạt động phục hồi kinh tế xanh.

Đáng nói, điều kiện cần và đủ để đón khách trở lại là hơn 90% dân số được tiêm vaccine nhằm đạt miễn dịch cộng đồng, thì đến thời điểm này mới có hơn 35% dân số Phú Quốc được tiêm vaccine mũi đầu tiên và 6% người tiêm mũi hai. Vì thế, nếu hai tuần tới “đảo ngọc” không có đủ lượng vaccine tiêm cho người dân và lao động trong lĩnh vực du lịch thì vẫn còn đó bộn bề công việc.

Có thể thấy, dẫu kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế của ngành du lịch Việt được đánh giá là khá chi tiết, nhưng vẫn còn đó những “lỗ hổng” chưa đáp ứng được thấu đáo nhu cầu và nguyện vọng từ các đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ, địa phương cũng như du khách quốc tế.

Phú Quốc là điểm đến có hệ sinh thái đa dạng. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Phú Quốc là điểm đến có hệ sinh thái đa dạng. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Thiết nghĩ các cấp quản lý cũng cần lắng nghe thêm ý kiến doanh nghiệp, địa phương và đối tác để kịp thời bổ sung, tháo gỡ vướng mắc, vì mục tiêu chung cho “bức tranh toàn cảnh” sớm tươi sáng trở lại.

“Cánh tay đắc lực” công nghệ số

“Bộ hết sức cẩn trọng trong việc mở lại thị trường khách quốc tế, đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 nhưng không làm đứt gãy hoạt động du lịch; mở cửa trở lại phải đảm bảo an toàn cho cả người dân địa phương và du khách.”

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trong buổi làm việc trực tuyến mới đây với Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang. Và chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào quản lý mọi hoạt động của ngành đang là chủ trương của lãnh đạo bộ, nhằm chuẩn bị cho giai đoạn “mở cửa bầu trời.”

Theo đó, ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn đã được Tổng cục Du lịch liên tục cập nhật các tính năng như bổ sung ngôn ngữ tiếng Anh, tích hợp hệ thống chứng nhận tiêm chủng vaccine theo tiêu chuẩn châu Âu (được thiết kế phục vụ cả khách quốc tế đến, khách Việt ra nước ngoài và khách nội địa).

Trải nghiệm bình yên trên đảo ngọc. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Trải nghiệm bình yên trên đảo ngọc. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết ứng dụng còn tích hợp thẻ du lịch số để hỗ trợ khách thực hiện các giao dịch thương mại điện tử, thanh toán, tra cứu hồ sơ sức khỏe; tích hợp các tiện ích bản đồ số du lịch an toàn, tìm kiếm điểm đến an toàn, cập nhật thông tin dịch bệnh các địa phương, quản lý tour du lịch, mua sắm, bảo hiểm du lịch...

Lãnh đạo ngành coi đây là công cụ quan trọng để phục vụ thí điểm đón khách quốc tế vào Việt Nam trong thời gian tới, hỗ trợ đắc lực cho cả du khách và cơ quan quản lý.

Về kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, Tổng Cục trưởng đề xuất trong thời gian tới cần tập trung triển khai 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp: Đẩy nhanh việc tiêm chủng cho người dân trên đảo Phú Quốc và những người tham gia trực tiếp vào quy trình đón và phục vụ khách; xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể thí điểm đón khách quốc tế bao gồm quy định y tế, thủ tục xuất nhập cảnh, quy trình đón và phục vụ khách ở cơ sở lưu trú, điểm du lịch, phương án xử lý sự cố y tế phát sinh; tổ chức khảo sát thực tế, kiểm tra, lựa chọn các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch quốc tế, đảm bảo các tiêu chí an toàn; truyền thông, quảng bá xúc tiến thu hút khách quốc tế trên các kênh truyền thông đa dạng.

Cùng hy vọng vào ngày vui sớm trở lại với du lịch Việt. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Cùng hy vọng vào ngày vui sớm trở lại với du lịch Việt. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đặc biệt, theo ông Trần Trọng Kiên, để chặng đường “mở cửa bầu trời” có thể sớm nhân rộng mô hình ra một số tỉnh, thành phố khác trên cả nước như lộ trình đã đề ra, Hội đồng Tư vấn Du lịch đề nghị thành lập một Tổ công tác về việc mở lại thị trường quốc tế nhằm tư vấn về chính sách, thể chế, đảm bảo hoạt động an toàn; tổ chức thực hiện thị trường, tiếp thị, hỗ trợ kết nối, tiếp cận các mô hình trên thế giới.

 (Nguồn: Vietnam+)

TAGS

Thanh Hóa cho phép điểm du lịch, sân golf mở cửa đón khách trở lại

PV |

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định cho phép một số hoạt động mở cửa trở lại trong tình hình mới, trong đó các khu, điểm du lịch, sân golf… được đón khách trong tỉnh.

Một số địa phương kích hoạt du lịch: Sẵn sàng cho ngày trở lại

PV |

Triển khai kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc, trong giai đoạn đầu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang lựa chọn một số khu, điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng quy mô lớn, đủ khả năng phân chia khu nghỉ cách biệt, an toàn dành riêng phục vụ cho khách du lịch quốc tế theo các tiêu chí đặt ra.

Côn Đảo chuẩn bị đón khách du lịch nội địa theo chuyến bay charter

Hải Nam |

Từ ngày 15/9, huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) được phép thí điểm đón khách du lịch nội địa với các tour khép kín.

Triển vọng từ mô hình du lịch “Nông trại giáo dục, du lịch, nông nghiệp”

Kăn Sương |

Sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu những loại cây trồng mới cho năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng ở địa phương, đầu năm 2021, hai anh Trần Thái Thiên và Lê Công Chính, cùng trú tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã chung sức triển khai xây dựng mô hình “Nông trại giáo dục, du lịch, nông nghiệp”. Bước đầu, mô hình mang lại tín hiệu khả quan, tạo động lực để hai anh tiếp tục đầu tư phát triển.